ADB: Năm 2011, VN Sẽ Lạm Phát 16%; Ngoạị tệ dự trữ thấp kỷ lục 12,4 tỉ đô; tiệm vàng rủ nhau đóng cửa vì sợ CSVN “vơ vét”.


Vàng "miếng" tại VN. Ảnh minh hoạ.

HANOI (VB) -- Lạm phát... Đô la biến mất ngoàì thị trường nhưng vẫn lặng lẽ trao đổi ở chợ đen... Ngoại tệ dự trữ báo nguy thấp kỷ lục chỉ còn 12,4 tỉ đôla... Nhiều tiệm vàng rủ nhau đóng cửa... Kinh tế VN đang vào một chu kỳ khó hiểu hôm Thứ Tư.

Bản tin Đài RFI nói, vào hôm 6/4 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố bản báo cáo về triển vọng các nền kinh tế châu Á năm 2011 và nhận định, kiểm soát lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu đối với châu Á năm nay. Theo các chuyên gia của Ngân hàng này, năm 2010 kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu hồi phục, chính sách tiền tệ phù hợp. Tuy nhiên cuối năm nay, lạm phát tại Việt Nam sẽ ở mức hai con số, thậm chí có lúc đến 16%.

RFI nói, trong tháng 12 năm ngoái, lạm phát đã lên tới 11,8% và tính trung bình cả năm, tỷ lệ này là 9,2%, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đến tháng 3 năm nay, lạm phát tại Việt Nam là 13,9% tính theo mức cả năm. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 10 năm qua. Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm tăng 17%, tiền học phí cũng tăng theo. Bên cạnh đó, trong tháng hai vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại phá giá 9,3% đồng tiền quốc gia, lần thứ tư trong vòng 14 tháng qua.

Theo ADB, chính sách tiền tệ thiếu rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm xói mòn lòng tin. Mối lo ngại đồng tiền mất giá, giảm sức mua, đã làm dấy lên làn sóng người dân đổ xô đi mua vàng và đô la.

Tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất chỉ đạo. Tuy nhiên biện pháp này không đủ để ngăn chặn lạm phát lên tới hai con số, trong khi đó, thị trường thì vẫn nghi ngại là tiền đồng sẽ còn tiếp tục mất giá. Các chuyên gia ADB thẩm định là khả năng can thiệp để hỗ trợ đồng tiền quốc gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị hạn chế bởi vì mức dự trữ ngoại tệ xuống rất thấp, vào cuối năm 2010 chỉ là 12,4 tỷ đô la.

Nhận định về triển vọng năm 2011, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng lạm phát tại Việt Nam sẽ rất cao. Đỉnh điểm là 16% trong quý ba năm nay và nếu tính theo cả năm thì tỷ lệ này sẽ là 13,3%. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, lạm phát khó giảm do đồng tiền bị mất giá, đi kèm với việc tăng giá điện 15,3% và giá xăng dầu khoảng 30% trong tháng 3. Theo tính toán của ADB, để có được lạm phát dưới 10%, tức một con số, thì từ nay đến cuối năm, lạm phát tăng mỗi tháng phải ở dưới mức 0,4%.

Trong khi đó, báo Pháp Luật báo nguy rằng nhiều công ty đã vay với lãi suất cắt cổ.
Báo này viết bản tin nhan đề “Doanh nghiệp xuất khẩu “khóc” với lãi suất...” ghi rằng:

“Với tình cảnh siết vốn, chi phí đầu vào tăng cao là những rào cản cho xuất khẩu. Điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%-21%, nếu doanh nghiệp nào đủ can đảm vay vốn được thì phải phong anh hùng. Qua ba tháng đầu năm 2011, tình hình nhập siêu đang có xu hướng tăng lên, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đi kèm với lãi suất lên tới hơn 20% khiến doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn...”

Một bản tin khác của báo Pháp Luật lại cho thấy một hiện tượng dân chúng lo sợ nhà nước “âm mưu cướp” tài sản giới kinh doanh.
Bản tin nhan đề “Nhiều tiệm vàng bất ngờ đóng cửa” kể câu chuyện dân kinh doanh lo sợ mất tài sản như sau, trích:

“Trưa hôm qua (5-4), tại khu phố vàng trên đường Bà Hạt, phường 6, quận 10, tại Sài gòn, nhiều tiệm vàng đồng loạt đóng cửa.

Nguyên nhân được chị Chiêm Ngọc Kim Phụng, chủ tiệm vàng Kim Phụng, cho rằng buổi sáng có đoàn quản lý thị trường bất ngờ tới kiểm tra một số tiệm vàng trong khu vực này. Vì đoàn kiểm tra không giải thích rõ là kiểm tra gì nên các tiệm khác nháo nhác cả lên. Nhiều tiệm vàng thấy vậy đóng cửa nghỉ hẳn.

Tại tiệm vàng Ngọc Hà, 585 Bà Hạt, mặc dù đang mở cửa nhưng khi khách hàng tới hỏi mua nữ trang thì được trả lời rằng hôm nay tiệm vàng không giao dịch.”

Báo Dân Việt lại kể rằng, “Chợ đen” vẫn âm thầm giao dịch USD...
Báo này kể, “Chưa khi nào “chợ đen” USD ở Hà Nội ngừng giao dịch, kể cả trong thời điểm nhạy cảm nhất như tháng Ba vừa qua, có chăng chỉ là đi vào hoạt động một cách bí mật, thận trọng hơn.

Trong vòng 1 tháng nay, mọi giao dịch ngoại tệ ở thị trường phi chính thức đều dưới hình thức “trực tiếp, trao tay”. Nhiều cửa hàng vẫn duy trì mối liên hệ với khách hàng thân quen bằng tin nhắn báo giá hàng ngày, thậm chí theo 2 buổi sáng chiều. Mọi cuộc điện thoại tham khảo giá đều “án binh”. Khách hàng muốn giao dịch đều phải đến tận nơi...”

Việt Báo http://www.vietbao.com/D_1-2_2-70_4-173006_15-2/