12 giờ 30 ngày 17 tháng 2, một thanh niên của đất nước này đã tự đốt cháy mình. Ngọn đuốc thân xác anh thể hiện nỗi oan khiên lẫn lời kêu gọi tha thiết: hãy chấm dứt những bất công và oan ức.
Là những người làm báo, hơn ai hết các anh chị hiểu rõ việc một người tự thiêu là một biến cố làm chấn động toàn xã hội trong mọi quốc gia. Phóng viên, với đặc tính nghề nghiệp, phải tìm hiểu và điều tra cho ra lẽ.
Các anh chị đã làm gì? Đồng nghiệp của các anh chị đã đưa những bản tin ngắn ngủi về cái chết này. Những bản tin vừa sai sự thật, vừa mâu thuẫn và đôi khi ngờ nghệch. Đồng nghiệp của các anh chị đã “cho” anh Sơn đi trên đường xe tự nhiên bốc cháy và chết. Người khác nhắm mắt viết theo kịch bản anh Sơn nhảy xuống sông. Kẻ thì xác định anh Sơn chết liền tại chỗ, có vị thì dùng ngòi bút đưa anh Sơn vào chết ở bệnh viện. Người khác “nghe ai đó” dán cho anh Sơn nhãn hiệu kẻ bị tâm thần. Đồng nghiệp của các anh chị không dám dùng bức ảnh thật xảy ra ở hiện trường mà dùng ảnh minh họa vì ảnh thật, clip video thật sẽ cho thấy rõ hình ảnh khốn nạn, vô cảm của những công an đứng trơ mắt nhìn, trong khi ngòi bút phóng viên đã khăng khăng rằng các lực lượng công an sử dụng ngay bình xịt chữa cháy nhưng không dập tắt được lửa…
Đó là một vài đồng nghiệp của các anh chị. Còn riêng các anh chị thì im lặng. Sự im lặng của người phóng viên, vốn là nguồn thông tin của xã hội, đã góp phần vào kịch bản một kẻ tâm thần chết vì tai nạn xe bốc cháy. Anh Sơn chết một lần, nhưng các anh chị đã giết anh Sơn thêm một lần nữa. Sự im lặng của các anh chị và những bài tường thuật từ đồng nghiệp của các anh chị còn tàn độc hơn ngọn lửa đã kết liễu cuộc đời anh Sơn.
Không cần đợi đến ngày hôm nay các anh chị mới biết vì sao anh Sơn chết. Không cần phải chờ đến một hãng thông tấn nước ngoài là RFA phỏng vấn ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Đà Nẵng, huyện ủy viên để biết anh Sơn tự thiêu vì chính quyền Đà Nẵng, đứng đầu là Nguyễn Bá Thanh hà hiếp cướp đất dân lành. Các anh chị cũng đã biết rõ chính quyền và công an dùng mọi biện pháp để đe dọa, trấn áp buộc gia đình anh Sơn phải im lặng. Phần các anh chị, các anh chị đã tự trấn áp lương tâm con người lẫn lương tâm nghề nghiệp của các anh chị để bẻ cong ngòi bút hoặc im lặng.
Nghề làm báo là một nghề cao quý. Đúng ra không nên gọi nó là nghề mà là một thiên chức. Nhà báo là tai, là mắt, là miệng của người dân. Chắc hẳn rằng khi chọn con đường này các anh chị đã được mời gọi bởi thiên chức cao quý ấy. Chắc hẳn rằng những ngày mới bước vào làng báo các anh chị nao nức chỉ muốn xông về phía trước mà ở đó chỉ có một điểm đến duy nhất: sự thật. Khó mà tin rằng các anh chị khởi hành bằng ý tưởng sẽ dùng ngòi bút để biến đen thành trắng, tạo dựng dối trá và che dấu sự thật, hay im lặng là vàng. Nếu thế thì có lẽ các anh chị đã chọn những con đường mưu sinh khác.
Bây giờ, ông Đỗ Xuân Hiền đã xác nhận vụ việc anh Sơn. Cứ xem như trước đây các anh chị không biết anh Sơn tự thiêu thật, những thông tin, tìm hiểu khó khăn và tường thuật không đủ căn cứ sẽ có vấn đề. Bây giờ thì khác. Ông Hiền đã lên tiếng và nó đã gián tiếp mở ngõ, tháo gỡ giúp những chần chờ, chùn chân còn vướng mắc trong các anh chị.
Cái chết của anh Sơn đôi khi cũng phản ảnh cái chết lương tâm của nhiều người. Riêng các anh chị nhà báo của đất nước, những con người đẹp đẽ thuở ban đầu ấy trong anh chị không lẽ bây giờ cũng đã chết!?
Có nhiều cách để đem sự thật đến với quần chúng. Các anh chị có thừa bản lãnh để làm chuyện đó.
No comments:
Post a Comment