Bùi Văn Phú – Việt Nam có bắt kịp xu thế thời đại hay không? Cơ hội đang có và việc dân chủ hoá đất nước chỉ còn là thời gian vì thế giới tự do sẽ đứng về phiá những phong trào dân chủ. Nhưng bao lâu sẽ có cách mạng tự do dân chủ thì tuỳ thuộc vào dân Việt có vượt qua được nỗi sợ hãi mà guồng máy an ninh chế độ cộng sản Hà Nội đã gieo rắc từ bao năm qua hay không? Khi họ không còn biết sợ công an, khi đó sẽ có cách mạng vì không ai khác có thể thay đổi đất nước ngoài dân Việt…
Đảng Cộng sản quả thực đang lo sợ một cuộc cách mạng ôn hoà có thể xảy ra tại Việt Nam do bởi những biến chuyển chính trị thế giới trong hơn hai thập niên qua cho thấy xu thế thời đại là dân chủ được thiết lập ở nhiều quốc gia, từ Đông Á qua Đông Âu, Liên Bang Sô Viết cách đây phần tư thế kỉ và mới đây là Bắc Phi và Trung Đông. Đó là “Cách mạng nhung”, “Cách mạng cam”, “Cách mạng hoa nhài” và sang đến Việt Nam, nếu có một cuộc cách mạng ôn hoà tương tự thì gọi đó là hoa mai hay hoa sen thì cũng là diễn biến hoà bình mà thế giới tự do ủng hộ và lãnh đạo Việt Nam lo sợ.
Thế giới ngày nay sẽ phản đối những chính quyền dùng bạo lực để đàn áp tiếng nói của dân. Như ở Lybia. Liên hiệp quốc, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã lên án và có những biện pháp trừng phạt chính quyền của Đại tá Moammar Gadhafi trước những vụ nổ súng của lực lượng an ninh, quân đội chính quyền vào đám đông dân chúng biểu tình.
Trong phần tư thế kỉ qua ít có cách mạng mang tính bạo động với nhiều người chết như các cuộc cách mạng trước. Những thay đổi chính trị ở Đông Âu xảy ra ôn hoà, ngược hẳn với những cuộc cách mạng của cộng sản hay quân phiệt giành quyền cai trị ở nhiều quốc gia. Vì thế thay đổi chính trị ở Đông Âu được gọi là “Cách mạng nhung”.
Tinh thần ôn hoà, bất bạo động đã là kim chỉ nam hành động cho nhiều cuộc nổi dậy của dân ở nhiều nước trong những thập niên qua.
Hình ảnh dân chúng Ai Cập xuống đường ở Thủ đô Cairo đòi xoá bỏ chế độ độc tài của Tổng thống Hosni Mubarak vào tháng 2.2011 thì giống như những gì đã xảy ra ở Thủ đô Manila, Philippines cách đây đúng 25 năm. Sức mạnh quần chúng đưa đến kết quả giống nhau là những chế độ độc tài không sớm thì muộn cũng bị người dân lật đổ mà không cần dùng bạo lực. Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines đã phải ra đi. Tổng thống Mubarak cũng đã từ chức trước những đòi hỏi của dân Ai Cập.
Giữa Ai Cập và Philippines có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là đồng minh Hoa Kỳ nhưng hai quốc gia được cai trị bởi những nhà độc tài trong nhiều năm và có sự yểm trợ của các tổng thống Mỹ, cho đến khi ý dân được biểu hiện qua những cuộc xuống đường đòi tự do dân chủ.
Trong 30 năm, Tổng thống Hosni Mubarack cai trị Ai Cập bằng bàn tay sắt và đã bắt giam hoặc cho lưu vong những người đối lập. Tự do báo chí và phát biểu quan điểm chính trị bị bóp nghẹt. Bầu cử chỉ là hình thức để ông tiếp tục lãnh đạo. Tài sản quốc gia rơi vào túi riêng và gia đình ông.
Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines cai trị đất nước bằng sắc luật, nêu lí do an ninh quốc gia để đình chỉ việc thi hành hiến pháp và không tổ chức bầu cử để ông có thể làm tổng thống suốt đời. Ông ban hành tình trạng thiết quân luật từ năm 1972 đến 1981 lấy lí do có những đe doạ của lực lượng cộng sản Mao-ít. Những nhà đối lập, chỉ trích chính sách của ông bị tù hay phải sống lưu vong, nổi tiếng nhất là Thượng nghị sĩ Benigno Aquino. Năm 1983 ông Benigno từ Hoa Kỳ trở về thì bị ám sát chết tại cầu thang máy bay ở phi trường Manila.
Nhưng ba năm sau chính Tổng thống Marcos lại trở thành người lưu vong trên đất Mỹ, chấm dứt một giai đoạn Philippines bị cai trị bởi một chế độ độc tài, mở ra một thời đại tự do dân chủ.
Với việc từ chức của Tổng thống Mubarak, Ai Cập rồi sẽ bước vào tiến trình dân chủ hoá. Những quyền căn bản sẽ được trả lại cho người dân, trong đó có tự do báo chí, phát biểu quan điểm, tham gia các tổ chức, đảng phái chính trị và được quyền tự do ứng cử và bầu cử, như đã xảy ra ở Á châu với Philippines vào năm 1986, theo sau là Đông Âu, Nam Hàn và Đài Loan. Người Philippine có văn hoá khác người Ai Cập, dân Nam Hàn có nếp sống khác dân Đông Âu, nhưng khát vọng tự do, dân chủ, nhân quyền thì giống nhau.
Và không chỉ ở những quốc gia có chế độ độc tài và được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong nhiều năm mới nổi lên những phong trào tranh đấu đòi tự do, dân chủ. Tunisia không phải là quốc gia thân với Hoa Kỳ, Lybia thù nghịch với Mỹ và ở hai nơi này người dân cũng nổi dậy đòi tự do dân chủ.
Với làn sóng “Cách mạng nhung” đưa đến sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 1980, tại Việt Nam đầu thập niên 1990 đã có những tiếng nói đòi cải cách chính trị được gióng lên của Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu hay kiến nghị của công dân Bùi Tín được coi như quan điểm của tướng Võ Nguyên Giáp gửi về quê nhà từ quốc ngoại. Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 6.1991 tưởng đã có một bước ngoặt lịch sử, nhưng phe giáo điều bảo thủ vẫn thắng thế và còn ảnh hưởng mạnh trong guồng máy cai trị tại Việt Nam cho đến hôm nay.
Lo sợ những diễn biến hoà bình như đã xảy ra ở Đông Âu trước đây hay ở Bắc Phi, Trung Đông trong những tuần qua, bộ máy công an Hà Nội đã bắt giam, theo dõi sinh hoạt của những người có quan điểm bất đồng, những nhà hoạt động dân chủ như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Hộ, Đoàn Thanh Liêm, Tạ Bá Tòng trong những năm 1980; đến Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Nam Hải, Lê Công Định, Nguyễn Hoàng Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung gần đây.
Nổi tiếng nhất là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một người thường phát biểu quan điểm bất đồng với nhà nước và đòi tự do dân chủ cho Việt Nam nên đã nhiều lần bị giam tù. Năm 1998 được nhà nước trả tự do dịp đặc xá mừng Quốc Khánh 2.9 và muốn tống xuất ông ra nước ngoài, nhưng bác sĩ Quế nhất quyết ở lại Việt Nam cho dù có bị công an thường xuyên theo dõi hay bị quản chế và có thể bị bắt giam trở lại bất cứ lúc nào.
Ông vừa đưa ra lời kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình đòi cơm áo, đòi việc làm, chống tham nhũng, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam trả lại cho người dân những quyền tự do chính trị căn bản. Tức thì công an khám xét nhà, bắt giam ông và qui tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Trước áp lực của Hoa Kỳ, công an đã phải thả bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
Từng thời đại, nhân loại nổi lên những cuộc cách mạng khác nhau, tựu trung đem lại cho nhân dân các nước những đòi hỏi căn bản, từ độc lập, tự quyết đến dân chủ tự do. Sau Thế chiến thứ Hai, vào thập niên 1960 phong trào tranh đấu giành độc lập bùng lên từ châu Phi sang đến châu Á. Cuối thập niên 1980 nổ ra những phong trào đòi tự do dân chủ ở Đông Á, Đông Âu và còn đang lan toả đến nhiều nơi trên thế giới như ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay.
Việt Nam có bắt kịp xu thế thời đại hay không? Cơ hội đang có và việc dân chủ hoá đất nước chỉ còn là thời gian vì thế giới tự do sẽ đứng về phiá những phong trào dân chủ. Nhưng bao lâu sẽ có cách mạng tự do dân chủ thì tuỳ thuộc vào dân Việt có vượt qua được nỗi sợ hãi mà guồng máy an ninh chế độ cộng sản Hà Nội đã gieo rắc từ bao năm qua hay không? Khi họ không còn biết sợ công an, khi đó sẽ có cách mạng vì không ai khác có thể thay đổi đất nước ngoài dân Việt.
© 2011 Buivanphu
No comments:
Post a Comment