“Kể cả 10 người nhìn tôi mà quay mặt đi mà tôi sống với anh và thấy cái lý tưởng của anh là đúng thì tôi cũng không có mặc cảm gì, không nghĩ gì cả. Tôi nghĩ cái quyền của con người mà chồng mình đòi thì làm sao mà sai được, họ không hiểu thì là việc của họ.” – bà Nguyễn Thị Nga, vợ của nhà dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Hà, phóng viên RFA – Người phụ nữ nào khi lấy chồng, có con cũng mong muốn cùng chồng xây dựng, vun đắp cho tổ ấm của mình được hạnh phúc, bình yên.
Nhưng trong vô vàn những người phụ nữ bình dị với điều ước tưởng chừng cũng rất đơn giản ấy, có những người phụ nữ đã và đang phải hy sinh một phần rất lớn hạnh phúc cuộc đời của mình vì lý tưởng mà họ chia sẻ với chồng, lý tưởng mà vì nó chồng họ bị tù đầy, con cái chịu thiệt thòi.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3, tạp chí phụ nữ xin được nói về những người phụ nữ bình dị đó, những người vợ của những nhà đấu tranh dân chủ trong nước hiện đang phải ngồi tù vì lý tưởng của mình.
Tin tưởng và nể phục chồng
Trong căn nhà nhỏ vừa là cửa hàng photocopy trên đường Trường Chinh, quận Kiến An, Hải Phòng, hàng ngày người qua đường vẫn thấy một người phụ nữ khoảng 50 tuổi một thân một mình cặm cụi photocopy giấy tờ cho khách lấy một vài nghìn. Người dân ở khu phố này không lạ gì bà bởi bà là vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà đấu tranh dân chủ bị công an bắt cách đây 2 năm.
Bà là Nguyễn Thị Nga, năm nay 57 tuổi. Bà đã kết hôn cùng ông Nghĩa đến nay đã được hơn 30 chục năm và có với ông 3 người con. Bà đã cùng ông đi qua một chặng đường dài nhiều khó khăn. Khi trẻ, cả hai người cùng làm công nhân tại nhà máy cơ khí duyên hải ở Hải phòng. Cuộc sống thời bao cấp của họ cũng khó khăn như bao người dân Việt Nam khác lúc đó. Nhưng ngay từ thời gian đó, ông Nghĩa đã bắt đầu viết những truyện ngắn và ký sự phản đối việc làm sai trái của cán bộ nhà nước thời gian đó. Bà Nga kể:
“Thời gian đó thì đất nước đang ở thời gian bao cấp, anh cũng viết truyện ngắn và ký sự, mà ngày đó chưa có tham nhũng, nó chỉ kiểu tham nhũng cò mà suy nghĩ cổ hủ của lớp cán bộ cũ thì anh có viết những truyện ngắn và ký sự phản đối những việc làm sai trái của các cán bộ nhà nước.”
Vào đầu những năm 90, cả hai vợ chồng bà đều phải về chế độ một lần, tức là nhận một khoản tiền từ nhà máy để nghỉ việc, và không có lương hưu. Họ không muốn bỏ việc nhưng ở lại thì cũng không có việc mà làm. Về nhà họ lại cùng nhau bươn chải kiếm sống, lo cho con cái ăn học nên người. Bà thậm chí còn phải đi lao động ở Đài Loan để kiếm tiền về cho gia đình.
Nhưng có lẽ, giai đoạn chông gai nhất mà bà Nga phải trải qua trong suốt hơn 30 năm chung sống với ông Nghĩa là giai đoạn ông chính thức tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ vào khoảng năm 2006. Lúc này, ông bắt đầu công khai viết nhiều bài phê phán chính quyền đến nỗi công an đã tìm đến nhà để cảnh cáo. Bà Nga nhớ lại:
“Rất nhiều công an, nhất là PA18 là công an quản lý tư tưởng các nhà văn đến nhà tôi, họ bảo anh đừng tranh đấu nữa, chúng tôi sẽ giúp đỡ thế này thế kia, đại khái là như vậy, thời gian đấy tôi cũng thấy công an sang nhà liên tục mà anh thì không nghe họ, sau đó anh phải đi tù về chuyện đó.”
Ông Nghĩa không hề giấu vợ về những gì mình làm, về lý tưởng mà ông theo đuổi. Bà Nga đã rất lo lắng khi nghe chồng kể về những gì mà ông làm, nhưng bà vẫn tin tưởng vào chồng và tin rằng những điều mà ông làm là vì công bằng và lẽ phải:
“Nếu nói là lo thì đối với người vợ mà biết người chồng mình dấn thân vào việc làm mà chính quyền cũng đe dọa bắt bớ, thực sự là khi anh bước vào công cuộc đấu tranh dân chủ trong nước thì lúc đầu tôi cũng rất lo nhưng sau đó cũng quen dần đi vì thấy những điều anh làm cũng chính đáng, vì xung quanh mình còn nhiều bất công mà anh là người trung thực và rất là có tâm.
Với một người có lương tâm mà anh lại là một nhà văn thì không thể bỏ qua, làm ngơ những việc trong bối cảnh xã hội đầy rẫy bất công và khổ đau của người dân. Tôi thấy việc làm của chồng mình rất chính đáng và nể phục anh.”
Gắn bó cuộc đời với một người đấu tranh dân chủ vì một lý tưởng mà nhiều người ở Việt Nam có lẽ không thực sự hiểu, bà Nga đã phải chịu những cái nhìn tò mò, thương hại hay tránh né từ những người xung quanh. Trước khi ông Nghĩa bị bắt, không có mấy ai để ý lắm đến gia đình bà, chỉ trừ việc hai vợ chồng bà có hàng photocopy khá đông khách.
Nhưng vào một ngày đầu tháng 9 năm 2008, mọi sự đã thay đổi, khi công an huy động hàng đoàn xe đến con phố nhỏ nhà bà vào ban đêm để bắt ông Nghĩa. Sau đó vài hôm, chính quyền địa phương đã tổ chức một cuộc họp để bêu riếu ông Nghĩa, các việc làm của ông trước bà con dân phố. Sự chú ý của những người dân ở khu phố này tập trung vào gia đình bà bắt đầu từ đó. Nhà ở ngoài mặt đường nên người dân quanh đó mỗi lần đi qua nhà bà là lại chỉ trỏ, ai đi qua nhà bà cũng nhìn vào tò mò. Trong tình cảnh đó, có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng thật khó để vượt qua, nhưng bà đã vượt qua được giai đoạn đó chỉ bởi niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng của chồng. Bà nói:
Một cặp vợ chồng đi sắm Tết ở SG. RFA photo
“Kể cả 10 người nhìn tôi mà quay mặt đi mà tôi sống với anh và thấy cái lý tưởng của anh là đúng thì tôi cũng không có mặc cảm gì, không nghĩ gì cả. Tôi nghĩ cái quyền của con người mà chồng mình đòi thì làm sao mà sai được, họ không hiểu thì là việc của họ.”
Từ ngày ông Nghĩa đi tù, bà chỉ còn một mình lo cửa hàng photocopy. Các con đều đã lớn, người thì đã lập gia đình, người thi đi làm, cậu con út thì học xa nhà. Cửa hàng photocopy của ông bà Nghĩa ngày một vắng khách một phần do một mình bà lo không xuể, một phần vì khách hàng quen chịu sức ép từ chính quyền nên không quay lại nữa. Thêm vào đó, cứ mỗi tháng bà Nga lại dành một ngày lặn lội từ Hải phòng vào trại giam Nam Hà thăm chồng.
Trong phiên tòa xét xử ông Nghĩa vào năm 2009, ông bị kết án 6 năm tù và 3 năm quản chế. Điều này có nghĩa là bà Nga sẽ còn phải chịu vất vả một mình trong ít nhất 4 năm nữa. Thế nhưng khi được hỏi điều gì đã cho bà sức mạnh để có thể chịu đựng và đi qua từng đó những gian khó, bà Nga đã không ngần ngại mà trả lời:
“Sức mạnh là ở chỗ tôi tin tưởng ở việc làm của chồng tôi, ở lòng tốt và lương tâm.”
Ủng hộ lý tưởng của chồng
Ở quận Kiến An, Hải Phòng cũng có một người phụ nữ Việt Nam bình dị khác cũng có chồng đang phải chịu cảnh tù đầy vì tham gia đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Bà là Dương Thị Hài, 55 tuổi, vợ của ông Nguyễn Văn Tính.
Một cửa hàng Photocopy ở Hà Nội năm 2008. AFP photo
Bà Hài đã kết hôn với ông Tính đến nay là hơn 20 năm, và có với nhau 2 con. Trong suốt 20 năm đó, bà cũng phải cùng ông đi qua những gian khó không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về tinh thần bởi ông Tính là người tham gia đấu tranh dân chủ từ khi còn rất trẻ, trước cả khi kết hôn với bà. Ông đã phải đi tù gần 7 năm khi ông mới 23 tuổi vì tham gia đảng nhân dân cách mạng. Biết được quá khứ của ông Tính, bà Hài vẫn một mực kết hôn với ông và ủng hộ ông hết mình. Bà nói:
“Ngay lúc tìm hiểu tôi cũng biết nhà tôi như thế. Khi được biết thì tôi vẫn một lòng một dạ quyết ủng hộ nhà tôi đến tận cùng, vì tôi nghĩ là lý tưởng của chồng tôi như thế và tôi ủng hộ nhiệt tình với lý tưởng đó, chứ chồng tôi không có tội tình gì với lý tưởng đó.”
Bà Hài đã từng đi bộ đội 4 năm, sau đó theo học trung cấp kinh tế ở Hải phòng. Nhưng rất không may cho bà là khi bà ra trường thì cũng là thời gian hết bao cấp ở Việt Nam. Bà không thể kiếm được việc làm. Sau khi kết hôn với ông Tính, cả hai người gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Họ chung sống trong một căn nhà nhỏ, nhà tranh vách đất theo đúng nghĩa đen. Ông Tính hàng ngày đi làm thuê làm mướn cho những gia đình gần đó để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Đã có một thời gian dài ông đạp xích lô quanh Hải Phòng để kiếm sống. Còn bà thì hàng ngày gánh hàng bánh đa đỏ đi bán cho những người lao động, và công nhân nghèo ở gần nhà. Năm 60 tuổi, ông Tính do tuổi cao sức yếu, bỏ đạp xích lô, về nhà phụ vợ bán hàng. Gánh hàng mỗi ngày chỉ mang về cho bà khoảng 50,000 đông tiền lãi. Bà nói tiết kiệm thì cũng đủ ăn.
Nghèo khó là thế, nhưng ông Tính chưa một ngày từ bỏ lý tưởng của mình, đấu tranh vì sự công bằng cho xã hội. Ông cũng nói cho bà nghe những gì ông làm, và bà đã không ngần ngại ủng hộ ông, bất chấp những khổ cực mà mình và các con sẽ phải gánh chịu:
“Tôi lắng nghe chồng tôi nói, tôi nói với chồng tôi là nếu mà anh có chí hướng, có mục đích thì em và tất cả các con là hậu phương vững chắc để anh tiếp tục mục đích lâu dài như vậy.”
Ông Tính bị bắt đã được hai năm, và bị kết án 3 năm tù, 6 tháng quản chế. Ông đi tù, bà Hài phải một thân một mình lo gánh hàng nuôi hai con, và tiếp tế cho chồng. Vì các con còn chưa tự lập, cả nhà bà chỉ còn trông cậy vào bà và gánh hàng bánh đa. Bà cũng không có điều kiện để thăm ông hàng tháng vì phải lo kiếm sống. Cứ mỗi 2 hay 3 tháng bà mới có dịp vào thăm ông một lần. Đường xá xa xôi, thăm chồng về thì bà lại bị ốm do tuổi cao sức yếu, phải bỏ bán hàng mấy hôm. Nhiều lúc thấy cảnh gia đình khác vợ chồng con cái đoàn tụ, bà cũng tủi thân, mong chồng mau chóng hết hạn tù về nhà.
Hơn 20 năm chung sống với chồng cũng là hơn 20 năm bà cùng ông chia sẻ lý tưởng. Bà nói ngay cả trong trường hợp khi ông ra tù mà vẫn muốn theo đuổi con đường đấu tranh dân chủ thì bà cũng vẫn ủng hộ ông đến cùng.
“Cả cuộc đời chồng tôi chỉ có một lý tưởng đó thôi, không có một mục đích nào khác cả, nên khi ra tù còn bao nhiêu năm nữa mà chả nhẽ lại ngăn cản chồng tôi nên tôi cũng sẽ nhất quyết ủng hộ.”
Tình yêu giúp mang lại sức mạnh cho con người, nhưng ở những người phụ nữ bình dị như bà Nga, bà Hài, bên cạnh sức mạnh tình yêu họ còn có sức mạnh đến từ niềm tin vào lý tưởng. Bao nhiêu năm qua họ vẫn âm thầm chia sẻ lý tưởng đấu tranh vì dân chủ, công bằng cùng chồng mình dẫu rằng vì thế mà họ đã phải hy sinh phần lớn hạnh phúc cá nhân.
Có lẽ, với họ được hy sinh cùng chồng vì một lý tưởng chung thì cũng là hạnh phúc vậy?
No comments:
Post a Comment