Trở Về Trang chính

Tuesday, March 8, 2011

Giá cả tăng trước lương dẫn tới đình công

“Gia đình tôi là năm hộ khẩu, hiện nay đầu tư cho hai con ăn học, hai ông bà ngoài tuổi lao động, chỉ có một thằng đi bộ đội, tình hình hết sức quá khổ, sống thế nào được, không đủ tiền nuôi con, nhà nước chẳng giúp ích được gì cho người dân lao động hết…. Theo tôi đình công là chính đáng, nhưng mà được nhà nước lắng nghe không là chuyện khác. Việt Nam theo độc đảng, làm theo ý họ chứ đâu có dân chủ, tức là nghe theo ý của dân.” - Ông Thiện, công nhân ở Quảng Bình.

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Tình hình giá cả tăng vào mỗi dịp Tết đến, cũng như việc tăng giá xăng dầu vừa qua của chính phủ Việt Nam đã khiến cho sức mua của đồng lương giảm sút đáng kể.

Photo by Khanh An/RFA – Công nhân công ty Shing Mark biểu tình tại CA Đồng Nai phản đối việc bắt giữ công nhân do đình công hôm 01/3/2011

Bão giá làm khổ dân nghèo

Từ đó giới công nhân buộc phải lên tiếng qua biện pháp đình công đòi tăng lương cho kịp với giá cả thị trường.

Tuần trước, hàng ngàn công nhân thuộc công ty Shing Mark đã tập trung trước trụ sở công an huyện Trảng bom, Đồng Nai biểu tình đòi trả tự do cho các đồng nghiệp của họ bị bắt vì những đồng nghiệp đó đã tham gia đình công.

Mới hôm ngày 7 tháng 3, hơn ba ngàn công nhân nhà máy lắp ráp xe máy Nhật Yamaha ở khu công nghiệp Sóc Sơn, Hà Nội đã đồng loạt ngưng mọi công việc, đòi tăng lương.

Thực tế cho thấy, giá sinh hoạt tăng quá nhanh từ sau dịp Tết Tân Mão, khiến cuộc sống của người lao động ngày càng khó xoay trở hơn, tình trạng túng thiếu kéo dài, gần như không lối thoát, vay mượn để có ngày hai bữa ăn là một cách giải quyết tạm, sau đó chưa biết làm cách nào để sinh tồn. Ông Thiện, một công nhân ở Quảng Bình, nhà có đông miệng ăn, than thở:

“Gia đình tôi là năm hộ khẩu, hiện nay đầu tư cho hai con ăn học, hai ông bà ngoài tuổi lao động, chỉ có một thằng đi bộ đội, tình hình hết sức quá khổ, sống thế nào được, không đủ tiền nuôi con, nhà nước chẳng giúp ích được gì cho người dân lao động hết.”

Ông cho biết hoàn toản ủng hộ những cuộc biểu tình của công nhân để cuộc sống được cải thiện, nhưng không mấy tin tưởng vì rất khó đạt kết quả như mong muốn:

“Theo tôi cái đó (đình công) là chính đáng, nhưng mà được nhà nước lắng nghe không là chuyện khác. Việt Nam theo độc đảng, làm theo ý họ chứ đâu có dân chủ, tức là nghe theo ý của dân.”

Ông lo ngại cho những người đề xướng, kêu gọi đình công vì họ có thể bị gặp rắc rối:

“Về thực chất thì các cuộc đình công là hợp lý, hợp pháp, vì thiếu bình đẳng, lương hướng không hợp lý, nhưng dù có đình công thì nhà nước cũng không nghe mình, cuối cùng cháy thành vạ lây, điều tra những ai bày ra chuyện đình công, biểu tình. Ở Việt Nam là như thế, họ tìm cách chụp mũ, chụp nón, quy ghép, cho là phản động, gây hỗn loạn, nhất là vào thời điểm nây giờ, các ông ấy có lắm bài bản, để buộc tội người ta.”

Được biết lương hiện tại của các công nhân làm việc tại nhà máy Yamaha ở mức một triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng, lương của một kỹ sư được trên hai triệu đồng một tháng. Công nhân đã gởi đơn xin chủ nhân tăng lương thêm 12% từ 3 tháng nay, nhưng chưa được lãnh đạo công ty cứu xét và hồi âm.

Nhà nước hỗ trợ gì?

Cơ quan chức năng có những biện pháp gì để giúp cho giới làm công ăn lương trong tình hình giá cả tăng cao so với đồng lương nhận được?

baogia-rfa-250.jpg

Với công việc thu lượm ve chai, người dân này xoay sở ra sao trong thời bão giá? RFA photo

Tin cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản cho tổ chức các điểm bán hàng lưu động với giá cả bình ổn tại các khu có đông công nhân sinh sống, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Về chính sách giúp đỡ, nâng cao đời sống công nhân, ông Diệp Thành Kiệt, phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Thêu đan, thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh với phóng viên RFA:

“Đó là sự quan tâm không phải chỉ của ngành dệt may mà là của tất cả người lao động, thậm chí đó là cái lo của tất cả người dân Việt Nam trong giai đoạn này. Với tư cách là một người hoạt động trong lãnh vực dệt may là một ngành về xuất khẩu nhiều nhất nước, cũng là ngành sử dụng lao động nhiều nhất trong nước với trên hai triệu công nhân.

Hiện nay sau đợt điều chỉnh giá hàng loạt, trong đó có giá xăng, giá điện, giá than, kể cả việc tăng lãi suất vay ngân hàng, tất cả điều này rõ ràng là đang tạo áp lực lên đời sống người lao động nói riêng và đời sống kinh tế của đất nước nói chung.

Chánh phủ mới ra nghị quyết số 12, cho thấy hiện nay, mục tiêu chính là tập trung vào chuyện chống lạm phát mà thôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình này, với những diễn tiến vừa rồi, trong ngành dệt may đã có một số giải pháp gọi là hỗ trợ cho người lao động, trong giai đoạn đời sống có nhiều khó khăn. Chúng tôi có điều kiện để điều chỉnh phần nào lương của người lao động trong ngành, hầu hết các doanh nghiệp cũng tăng lương, mức thấp là 10%, cá biệt có những doanh nghiệp tăng từ 12% tới 15%.

Chúng tôi cho rằng đây là biện pháp tự doanh nghiệp cứu mình trước, tự đưa ra những giải pháp cho mình, mà không chờ đợi tới giải pháp của chánh phủ.”

Như thừa nhận của công nhân và vị doanh gia mà quí vị vừa nghe, những đợt tăng giá dồn dập đang gây khó khăn trước hết đến giới làm công ăn lương. Họ mong mỏi có những biện pháp hữu hiệu, chứ lâu nay chuyện ‘lương chạy theo giá’ vẫn không thể nào giải quyết được tại Việt Nam: lương mới rục rịch được tăng thì giá cả ngoài chợ đã tăng nhiều lần rồi. Đó là nguyên nhân buộc người công nhân phải đấu tranh qua biện pháp đình công.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-strike-at-vietnamese-yamaha-plant-dh-03082011172158.html

No comments:

Post a Comment