Hồng Phúc – Thay vì tài trợ cho các cuộc thi người đẹp, nếu ai đó đồng ý tài trợ cho cuộc thi người chịu lạnh giỏi nhất thì vương miện chắc chắn thuộc về người nghèo.
Người nghèo đang “trình diễn” sức chịu đựng giỏi giang của mình. Trong khi người ta quấn các loại vải vóc kín mít mà miệng vẫn luôn trách móc ông trời thì người nghèo chẳng nói chẳng rằng, chỉ với mỗi cái áo khoác mỏng, cũ, thậm chí mặc áo mưa, vẫn đạp xe, phóng xe chở rau cỏ phăm phăm ngoài phố.
Người nghèo cũng chẳng cần ăn nhiều, chỉ cái bánh mì nhỏ xíu, hay gói xôi, dĩa cơm bụi mươi, mười lăm ngàn. Bà bán cơm còn dọa: “Sau đợt rét này, giá sẽ khác”.
Ở Hà Nội có những cửa hàng bán quần áo, đồ dùng cho chó, mèo với giá cả triệu đồng mỗi món thì nhiều đứa trẻ con nhà nghèo vẫn mong manh trong gió buốt thấu xương. Trong khi nhiều người lũ lượt sắm quần áo, ô tô lên núi xem băng tuyết thì cũng có những người chảy nước mắt vì trâu bò, gia cầm chết, ruộng vườn héo hon. Anh bạn làm ở công ty du lịch nhấp ngụm nước chè: “Đi chơi vùng càng nghèo, càng đẹp”.
Lửa là thứ duy nhất để chống rét của người nghèo bởi các thiết bị sưởi bằng điện quá đắt đỏ. Nhưng cũng chính vì dùng than, lửa để sưởi mà các tai nạn chết người đã xảy ra. Rét làm lộ ra hết sự nghiệt ngã trong đời sống của người thu nhập thấp. Bình thường, sự khốn khó có thể che đậy bằng những tấm áo hoa, nhưng vì nó quá mỏng nên đã không giấu nổi sự giả vờ no ấm.
Rét còn làm lộ ra văn hóa của một số người giàu, có thể mua sắm hàng lô lốc hàng hóa nhưng vẫn cù cưa bớt một thêm hai với một phụ nữ co ro trong tấm áo mưa bán mớ rau vừa hái dưới ruộng lên chỉ vì vài ngàn đồng.
Rét cũng làm các viên chức lấy cớ để “tiện thể” nhiều thứ. Cô nhân viên làm giấy tờ chứng thực ở phường được dịp “đi vắng” từ 3 giờ chiều. “Rét mướt thế này phải cho người ta về sớm, ai đón con tôi?”, cô quấn khăn đi ra cửa, bỏ lại một dấu hỏi cho người dân đang chờ làm thủ tục hành chính. “Tại sao không cho trẻ con nghỉ đông thay vì nghỉ hè?”. Ừ, mà chúng nó có hè đâu cơ chứ!
Giá như bên cạnh một tòa nhà cao nhất, con đường đẹp nhất, mâm cỗ to nhất, hay lễ hội hoành tráng nhất, có thêm một vài nơi trú chân cho những người lao động ngày ngày cặm cụi bươn bải trên mọi nẻo đường đang phải giấu mình đâu đó trong cái thành phố tắc nghẽn ô tô này.
Những hôm thế này người nhà quê gọi là rét ngọt, nhưng là rét đau, bạn tôi bảo thế. Ông trời còn “khuyến mãi” thêm mấy hạt mưa cho thấm thía. Chỉ thương những bờ vai gầy, chẳng áo nào che…
| ||
http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/46765/Ret-dau.html
No comments:
Post a Comment