Trở Về Trang chính

Thursday, January 20, 2011

Nông dân vùng cao: bơ vơ với rét

Tạ Phong Tần - Đầu bản, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé Ly Giá Pa (6 tuổi) người nhỏ thó, mặc chiếc áo mỏng, chân đất đang đi gùi rơm về đắp cho nghé trong cái rét cắt da cắt thịt. Anh Ly Giá Mừ, bố của Pa, mếu máo kể…

Cuối tháng 12/2010, thời tiết có dấu hiệu chuyển biến khắc nghiệt, báo Nông Nghiệp Việt Nam (22/12/2010) đặt câu hỏi lo lắng: “Mùa đông 2008, với hơn một tháng nhiệt độ xuống thấp, nhiệt độ trung bình ở vùng núi cao từ 10-180C, có nơi xuống tới 00C, băng giá bao phủ khắp các đỉnh núi. Đó là năm trâu bò chết như ngả rạ, hàng trăm ngàn con trâu bò bị chết đói và chết rét. Hai năm qua là mùa đông ấm, trâu bò chết rét đã giảm, nhất là khi người dân đã có ý thức phòng chống rét cho trâu bò. Sự chủ quan đã xuất hiện, liệu mùa đông năm nay có tái diễn hàng loạt trâu bò chết rét không?”.

Em Ly Giá Pa đi gùi rơm về chống rét cho trâu nghé. Hình: Tuổi Trẻ

Sự lo lắng quả không thừa. Đầu năm 2011, cái rét ngập đầy băng giá tràn khắp vùng cao miền Bắc. Đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nhiệt độ xuống đến – 3,60C, Sa Pa cũng rét không kém. Đã có hình ảnh cho thấy người dân lấy mền, bao tải đắp phủ lên thân trâu bò để giữ ấm. Với tình trạng băng tuyết phủ đầy thì vài manh mền cũ rách, bao tải rách có nghĩa lý gì khi mà trâu bò vẫn thả rông ngoài đồng, thả đi hoang trên đồi cho chúng tự kiếm lấy cái ăn, không có chuồng trại kín đáo che chắn gió, không được đốt lửa sưởi, không có thức ăn dự trữ. Người dân vùng cao chỉ còn cách “chống rét” khác là… lùa trâu bò đi xuống vùng thấp.

“Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) cho biết tính đến ngày 12/1/2010 đã có 4.219 con trâu bò của người dân các tỉnh vùng cao bị chết rét, chết đói. Trong đó, Sơn La có 1.300 con, Cao Bằng 818 con, Lào Cai 596 con, Bắc Kạn 374 con, Lạng Sơn 304 con…”. Nếu trâu bò khỏe mạnh bình thường, giá bán bình quân 10 triệu đồng/con, nghé non từ 3-5 triệu đồng/con. Nay trâu bò chết rét, chết đói phải bán tống bán tháo cho lái buôn thịt giá 1 triệu đồng/con loại lớn và 200- 300 ngàn đồng/con nghé. Như vậy, tính bình quân con số thiệt hại nông dân phải chịu là 33 tỷ 752 triệu đồng (4.219 x 8 triệu đồng). Trong khi, nông dân vùng cao mỗi ngày lao động cật lực chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng thì đây là con số thiệt hại khổng lồ đè nặng lên gia đình họ.

Con trâu của một gia đình Mông vừa bị chết rét ở thôn Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai – Ảnh: Tuổi Trẻ

“Đầu bản, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé Ly Giá Pa (6 tuổi) người nhỏ thó, mặc chiếc áo mỏng, chân đất đang đi gùi rơm về đắp cho nghé trong cái rét cắt da cắt thịt. Anh Ly Giá Mừ, bố của Pa, mếu máo kể: “Nhà có ba con trâu thì chết mất một, hai con cũng sắp quỵ vì rét rồi chú ạ. Khổ thân thằng bé cả đêm hôm qua cứ ngồi khóc trâu, sáng nay lạnh thế vẫn chạy đi xin rơm về buộc chắn gió cho con nghé. Anh Mừ cho biết thêm số tiền mua trâu là gia đình vay lãi từ năm 2000, giờ vốn chưa trả hết thì trâu lăn ra chết. “Lấy đâu ra trâu mà cày nương bây giờ hả chú. Không có trâu sang năm lại đói dài” – anh Mừ vừa nói vừa bần thần nhìn ra phía cửa nơi hai đứa con nhỏ nhà anh đang đốt lửa sưởi trong cái lạnh buốt giá” (Tuổi Trẻ 13/1/2011).

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết: “Rãnh gió tây trên cao đã vượt qua lãnh thổ nước ta nên trưa và chiều các ngày 13 – 14.1, độ bao phủ mây sẽ giảm, trời có lúc hửng nắng, nhiệt độ vào ban ngày sẽ nhích lên mức 15 – 17 độ C, trời đỡ rét hơn nhưng buổi sáng sớm và ban đêm nhiệt độ vẫn thấp dưới 11 độ C. Sẽ có thêm 3 đợt không khí lạnh tăng cường vào khoảng ngày 15, 17, 18 và 21, 22.1 nên rét đậm, rét hại tại miền Bắc có thể kéo dài đến cuối tháng 1”. (Thanh Niên 12/1/2011).

Chính quyền địa phương chỉ làm được mỗi một việc là “thống kê” số gia súc chết nhưng vẫn làm chưa xong, chưa có con số chính xác, không giúp đỡ dân chống rét cho trâu bò; cấp xã, cấp huyện cho đến cấp tỉnh thì vô tư im lặng như chuyện tận đẩu tận đâu bên Châu Phi, không hề liên quan đến mình. Nông dân bất lực, khốn khổ, đau đớn… vì những con gia súc thân yêu, là toàn bộ tài sản nhỏ bé của họ đã lũ lượt ra đi, cái đói đe dọa gia đình họ.

Còn cấp Bộ chỉ làm được mỗi một việc là “cử đoàn công tác về các địa phương để kiểm tra việc bảo vệ đàn gia súc, đồng thời yêu cầu các địa phương thành lập tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc người dân chống rét cho đàn gia súc” (Tuổi Trẻ 12/1/2011). Ngày 15/1/2011, báo Thanh Niên cho hay các tỉnh miền núi phía Bắc tính đến ngày này đã có hơn 7 ngàn trâu bò và gia súc chết rồi “Bộ ta” mới động đậy được ngón tay “chỉ đạo”, “chỉ đạo” và “chỉ đạo”.

Ở Cà Mau, Bạc Liêu thuộc miền Tây Nam bộ ít khi bị rét, nhưng xứ này muỗi nhiều vô số kể, nổi tiếng là “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh”. Nông dân chống muỗi cho trâu, heo (xứ này hình như không hạp nuôi bò nên ít khi thấy được vài con bò) bằng cách xây chuồng nơi thoáng đãng, nền đất sét nện hoặc láng xi măng cứng, cao ráo. Trời sụp tối là nhà chủ cho trâu về chuồng, đốt bếp un (bếp củi cho nhiều khói) đặt gần chuồng để xua muỗi. May mùng thật lớn có thể trùm ra ngoài 4 bên chuồng gia súc, chân mùng chấm rủ xuống đến sát đất để gia súc không làm hư mùng, kéo sập mùng mà vẫn kín đáo ngăn được muỗi. Vì thói quen này, nên nhà nào may mùng ngủ quá lớn thì bị mọi người gọi đùa là “lấy mùng trâu ngủ”. Gặp khi thời tiết quá lạnh, trâu, heo ngoài việc ngủ mùng còn được đốt lửa sưởi ấm và bận áo. Áo may bằng bao tải dệt từ sợi đay ngày thường dùng đựng lúa, gạo, rất lớn (đựng được 100 kg gạo/bao), dân địa phương kêu là “bao chỉ xanh”.

Rất dễ dàng tìm thấy tài liệu hướng dẫn của ngành Nông nghiệp về cách phòng chống rét cho trâu bò trên mạng internet nhưng không thấy người có trách nhiệm đem ra tổ chức áp dụng.

Ví dụ:

“Để bảo vệ tốt cho đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là đàn trâu, bò trong những ngày bị rét đậm, rét hại này cần khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp sau:

1. Giải quyết thức ăn: Tận dụng thân cây ngô sau thu hoạch bắp, thân cây đậu kết hợp cỏ voi ủ chua làm thức ăn bổ sung thức ăn trong vụ hoặc thân ngô non trồng dày theo từng đợt, khi ngô có hạt đông sữa thì cắt cả cây băm thành từng đoạn 3-5 cm làm thức ăn cho trâu bò; ban ngày tăng cường thời gian chăn dắt để trâu bò tìm kiếm thêm thức ăn.

2. Chăm sóc nuôi dưỡng: Ban ngày trâu bò được ăn no với thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, ban tối trước khi vào chuồng nên bổ sung lượng thức ăn khoảng 1 kg cám tinh hoà trong nước ấm có pha ít muối, ban đêm có đủ cỏ hoặc rơm khô đã được kiềm hoá là tốt nhất hoặc thức ăn ủ chua.

3. Chống rét cho trâu bò: Những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 150 thì không cho trâu bò ra đồng làm việc nên nuôi nhốt tại chuồng cho ăn uống đầy đủ; chỉ nên cho trâu bò ra bãi chăn thả khi trời nắng ấm.

4. Phòng bệnh cho trâu, bò: Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, phòng bệnh cước chân và bệnh tiên mao trùng”.

“Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết những gia đình có trâu bò bị chết rét sẽ được nhà nước hỗ trợ như chính sách chung đối với thiệt hại nông nghiệp do thiên tai gây ra”. Tức là thiệt hại sẽ được nhà nước xuất tiền bù vào, có lẽ vì vậy mà những người có trách nhiệm thờ ơ với trách nhiệm, bỏ mặc nông dân vùng cao bơ vơ đối phó với giá rét và đói kém, thật là một kiểu làm nghèo đất nước điển hình chỉ có ở Việt Nam.

Tạ Phong Tần

http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/202/202

No comments:

Post a Comment