Tuesday, February 14, 2017

Hoa Kỳ: các nhà thần học Công giáo tán thành Lệnh Cấm nhập cảnh của TT Trump

Hoa Kỳ: các nhà thần học Công giáo tán thành Lệnh Cấm nhập cảnh của TT Trump
AuthorĐặng Tự DoSourceVietcatholicPosted on: 2017-02-14
LM Alexander Lucie-Smith: Ông Trump Chỉ Có Thể từ Thắng tới Thắng với Lệnh Cấm Nhập Cảnh
Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm công dân của bảy quốc gia đa số Hồi giáo là Iraq, Iran, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen nhập cảnh vào Hoa Kỳ ít nhất trong vòng 90 ngày tới.
Tân Tổng thống cũng đình hoãn chương trình tị nạn sang Mỹ trong 120 ngày và cấm việc nhập cảnh từ Syria vào Mỹ vô thời hạn. Sắc lệnh này đã gây ra phản ứng dữ dội trên khắp Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu.
Đức Hồng Y Blase J. Cupich mô tả lệnh cấm nhập cảnh này như một “chương đen tối nhất của lịch sử Hoa Kỳ” [1].
Tuy nhiên, cha Alexander Lucie-Smith là tiến sĩ thần học luân lý không đồng ý như thế.
Dưới đây là bản dịch bài viết của ông “Why the ‘travel ban’ furore is a win-win situation for Trump” được đăng trên tờ Catholic Herald hôm 30 tháng Giêng, 2017.
Chỉ có một câu chuyện nổi cộm trong các tin tức vào lúc này, và đó là “lệnh cấm nhập cảnh”. Tổng thống Trump đã làm một công việc ngoại thường, ít ai làm được: ông đã hiệp nhất cơ man các tờ báo và các đài truyền hình trên thế giới vào một mặt trận chung chống lại ông. Quả là một thành tích! Ông có buồn vì chuyện này không? Tôi không nghĩ như thế. Trong thực tế, càng có nhiều cuộc biểu tình, càng có nhiều người đã bỏ phiếu cho ông làm tổng thống cảm thấy mình đã chọn đúng mặt, gởi đúng vàng. Ông thực là xứng đáng với kỳ vọng của họ.
Tổng thống Trump, một người rất giàu có ở New York, đã lên đến vị trí hiện nay bằng cách trình bày mình như một nhà binh vực cho những kẻ yếu, đặc biệt trong tầng lớp lao động người da trắng tại vùng Rust Belt của Mỹ. Chúng ta hãy nhớ, chính là nhờ các bang này, mà ông đã giành được chức tổng thống, nhờ vào cách thức bầu cử theo cử tri đoàn của Mỹ.
Quy mô của các cuộc biểu tình nhân danh cho những người hiện đang bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ sẽ không gây ra chút ấn tượng nào với người dân Pennsylvania, Michigan hoặc Ohio. Khi họ bị mất công việc, khi các nhà máy của họ bị đóng cửa, những người đang ồn ào phản đối hiện nay lúc đó đang ở đâu? Những cuộc biểu tình chỉ đơn thuần nhấn mạnh thêm cho người ta thấy ông Trump đặt nước Mỹ lên trên hết. Những người đang cuồng nhiệt phản đối đang đấu tranh cho quyền lợi của những người không phải là người Mỹ, và họ có bao giờ nhấc một ngón tay nào cho chính đồng bào của họ ở các bang vùng Rust Belt? Chưa bao giờ!
“Lệnh cấm nhập cảnh” này là một tình huống chỉ từ thắng đến thắng cho ông Trump. Ông đã đáp ứng những gì các cử tri của ông yêu cầu – mặc dù lệnh cấm nhập cảnh này còn rất xa với chuyện “cấm người Hồi giáo” trên đất Mỹ. Việc cấm người Hồi Giáo sinh sống trên đất Mỹ là một chuyện không ai làm được, nó không khả thi trong các điều kiện của luật pháp hiện hành. Các cuộc biểu tình dữ dội hiện nay là một cái cớ để ông không cần phải làm một chuyện không ai làm được ấy mà người dân Mỹ vẫn cảm thấy một cách đầy thuyết phục rằng ông đứng về phía những người bị gạt ra ngoài lề xã hội Mỹ, chứ không như những người khác, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Dĩ nhiên là những người liberal Mỹ không thể không phản đối cái sắc lệnh này; và một chính phủ Bảo thủ Anh cũng không thể không lên tiếng. Ông Trump biết chính xác những điều này sẽ xảy ra. Tôi nghĩ, cái ông Trump này là một chuyên gia trong chuyện dụ dỗ các đối thủ của mình lao đầu vào làm những điều dại dột. Phản đối cái sắc lệnh này là một sai lầm. Đúng vậy, sự thật của vấn đề là những người Yemen và Libya và các nước khác bị cấm không được vào Mỹ không có quyền khiếu nại. Ta có được nhập cảnh vào Mỹ hay không, không phải là một nhân quyền nhưng là một thứ ân huệ; như thế nếu chính phủ Mỹ cho phép bạn thì họ cũng có thể rút lại cái phép đó.
Nó khá là phiền cho một người có hộ chiếu Anh muốn xin thị thực vào Mỹ, nhưng tất cả chúng ta đều phải làm điều đó, nếu chúng ta muốn đến thăm Mỹ. Họ đã làm ra các quy tắc như thế, thì chúng ta phải tuân thủ. Thị thực nhập cảnh và thủ tục nhập cư rất mất thời gian. Bản thân tôi trải qua nhiều kinh nghiệm khi xin thị thực vào Li Băng, Syria, Uganda và Kenya, cũng như giấy phép cư trú tại Kenya và Ý. Khi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi cư ngụ ở Malta, và chúng tôi biết chúng tôi chỉ là khách của người dân Malta, và giấy phép cư trú của chúng tôi có thể bị thu hồi. Nhưng đó là những quy tắc. Chúng ta đã không làm ra những quy tắc ấy, nhưng chúng ta phải sống theo những quy tắc ấy. Tóm lại, tại tất cả các quốc gia mà tôi đã đến thăm, hoặc sống tại đó, tôi biết rằng tôi không có quyền đòi hỏi nhiều.
Các quốc gia đã luôn luôn thực hiện những quy định riêng của mình đối với người nhập cư. Mười sáu nước vòng quanh thế giới từ chối nhập cảnh cho bất cứ ai dùng hộ chiếu Israel. Đó là điều mà hầu hết, có lẽ tất cả chúng ta, sẽ lấy làm tiếc, nhưng chúng ta không có cách nào thuyết phục các nước này phải thừa nhận người mang hộ chiếu Israel; vì những quốc gia này đang thực hiện chủ quyền quốc gia của họ.
Ở đầu kia của sự ám ảnh là những người muốn loại bỏ tất cả các hạn chế về đi lại. Đây không phải là một ý tưởng điên cuồng đâu. Việc hạn chế đi lại thực ra chỉ là một chuyện tương đối mới. Trong thời kỳ người ta di cư hàng loạt vào cuối thế kỷ thứ 19, khi hàng triệu người đổ xô vào Hoa Kỳ, không ai có hộ chiếu hết cả. Những người nhập cư vào nước Anh cũng thế. Hộ chiếu chỉ xuất hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Cái “lệnh cấm nhập cảnh” của ông Trump nói cho cùng là một phản ứng trước những nỗi sợ hãi được khơi dậy bởi chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta có lẽ sẽ có quyền đi du lịch mà không bị ngăn trở, không cần có thị thực hoặc hộ chiếu, khi mà chúng ta có một thế giới hoàn toàn bình an. Chưa đến lúc đó thì chúng ta tốt hơn là làm quen với những hạn chế, trong đó “lệnh cấm nhập cảnh” của ông Trump là cái mới nhất.
Đặng Tự Do

2/2/2017
Theo Vietcatholic.net

-----------------

0 comments:

Powered By Blogger