Monday, February 6, 2017

Chính sách Biển Đông quá cứng rắn của Mỹ không có lợi cho Việt Nam

Chính sách Biển Đông quá cứng rắn của Mỹ không có lợi cho Việt Nam
Chó đói chờ gặm xương
AuthorThanh PhươngSourceRFIPosted on: 2017-02-06


Tổng thống Trump dự lễ nhậm chức của tân ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 01/02/2016 tại Nhà trắng.REUTERS/Carlos Barri
Ngay cả trước khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức, các quan chức của chính quyền mới đã thể hiện thái độ cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông. Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, người được chỉ định làm ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã lên án việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Mỹ phải ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo này.
Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà Trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ “bảo vệ lợi ích” của họ tại Biển Đông. Ngay ngày hôm sau, 24/01, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả : « Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi tại biển Nam Hải ( Biển Đông )». Chính bản thân ông Trump khi chưa nhậm chức tổng thống trên mạng Twitter ngày 04/12/2016, cũng đã lên án việc Trung Quốc xây “các tổ hợp quân sự khổng lồ” ở Biển Đông.
Những tuyên bố nói trên có thật sự phản ánh một thay đổi trong chính sách Biển Đông của Mỹ theo hướng cứng rắn hơn ? Nếu đúng như thế thì điều này sẽ không có lợi cho Việt Nam, vào lúc Hà Nội đang cố hòa dịu với Bắc Kinh, nhưng vẫn phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đó là nhận định chung của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 01/02/2017.
RFI:Thưa ông Lê Hồng Hiệp, những tuyên bố nói trên là một sự chuyển hướng thật sự trong chính sách Biển Đông của Mỹ, hay chỉ đòn đánh phủ đầu của một chính quyền mới nhậm chức?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Hiện có lẽ còn quá sớm để đưa ra nhận định chính xác về những chính sách của chính quyền ông Donald Trump đối với châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Chính quyền ông Trump chỉ vừa mới nắm quyền.
Một số tuyên bố vừa qua của các quan chức Mỹ có thể cho thấy là trong thời gian tới chính quyền Trump có thể cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, thứ nhất, liệu những tuyên bố đấy có được thực thi trên thực tế hay không ? Như chúng ta đã thấy, ngay trong những ngày đầu tiên cầm quyền, ông Trump và chính quyền của ông đã gặp một số biểu tình phản đối trong nước. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e rằng chính quyền Trump sẽ vướng vào những vấn đề trong nước và sẽ xao lãng các vấn đề bên ngoài, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, cho dù có muốn cứng rắn hoặc theo đuổi một chính sách cụ thể nào đấy, chính quyền ông Trump cũng sẽ gặp một số trở ngại trong việc thực thi các chính sách ấy.
Thứ hai, chúng ta cũng cần phải xem xét khả năng chính quyền ông Trump có thể cải thiện quan hệ với các đối tác chính, trước khi có thể trở nên cứng rắn với Trung Quốc hay không.
Trong thời gian qua, chúng ta thấy có xu hướng hay những dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể cải thiện quan hệ với Nga, để có thể có một sự phối hợp nào đấy nhằm cô lập Trung Quốc hay ít ra tách Nga ra khỏi Trung Quốc. Trong trường hợp ông Trump không đạt được mục tiêu ấy thì khả năng ông cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ bị hạn chế, tại vì nước Mỹ sẽ không muốn “lưỡng đầu thọ địch”, tức là vừa đối đầu với Nga, vừa đối đầu với Trung Quốc, vì như vậy là lực lượng và nguồn lực của Mỹ sẽ bị dàn trải quá mức.
Thứ ba, bản thân Trung Quốc cũng có thể có những phản ứng. Trước mắt, các chính sách thương mại của ông Trump có thể rất cứng rắn với Trung Quốc. Nếu ông Trump đã cứng rắn với Trung Quốc trên mặt trận thương mại và kinh tế, mà bây giờ lại cứng rắn trên cả mặt trận chiến lược, thì có lẽ tình hình sẽ rất căng thẳng. Liệu ông Trump và chính quyền của ông có sẳn sàng tiến đến đối đầu toàn diện với Trung Quốc ? Khả năng này không cao lắm, vì hiện giờ tuy có những mâu thuẫn lợi ích về mặt chiến lược và kinh tế, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn.
Điểm cuối cùng cũng có thể có ảnh hưởng đến khả năng ông Trump cứng rắn với Trung Quốc đến đâu, đó là phản ứng của các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại vì những nước Đông Nam Á và những quốc gia Đông Á sẽ là những nước chịu tác động trực tiếp từ sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc.
Cho tới lúc này, xu hướng chung không khu vực là không muốn bị vướng vào cuộc đối đầu tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc và buộc phải lựa chọn giữa hai bên. Cho nên, các nước trong khu vực cũng muốn Mỹ kềm chế và không có những hành động khiêu khích và họ sẽ có những tác động lên chính quyền Trump, góp phần hạn chế phần nào xu hướng quá khích trong chính sách của ông đối với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông.
RFI:Cho tới nay, trước những tuyên bố cứng rắn, đặc biệt là của ông Tillerson, Việt Nam vẫn tỏ ra rất dè dặt. Ông nhận định như thế nào về thái độ này?
TS Lê Hồng Hiệp: Việt Nam đang muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh chính sách của ông Trump, mặc dù có chỉ dấu cho thấy có sự tiếp nối chính sách của chính quyền Obama về Trung Quốc hay Biển Đông. Tuy nhiên, do sự thất thường và cũng do ông Trump mới lên nắm quyền, Việt Nam cũng không chắc chắn về xu hướng ấy, cho nên Việt Nam cũng muốn đề phòng bằng cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, để tránh trường Mỹ không tiếp tục can thiệp sâu vào khu vực và trong trường hợp quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng thì Việt Nam sẽ chịu thiệt.
Hơn nữa, trong thời gian qua, một số quốc gia trong khu vực như Philippines hay Malaysia đã tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc và những quốc gia này cũng là những quốc gia tham gia trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông.
Trong trường hợp những quốc gia liên quan đó cải thiện được quan hệ với Trung Quốc trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng thì như vậy áp lực ngoại giao lên Việt Nam sẽ rất là lớn. Trong bối cảnh ấy, tôi nghĩ Việt Nam cũng không muốn Hoa Kỳ có những chính sách gây căng thẳng quá mức khu vực Biển Đông, khiến Việt Nam phải rơi vào thế lựa chọn, hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ. Theo tôi hiểu thì Việt Nam hiện tại vẫn muốn duy trì ổn định ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng để phát triển kinh tế xã hội trong nước.
RFI:Việt Nam đang cố hòa dịu với Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng phải tiếp tục củng cố lực lượng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trong bối cảnh chưa biết là chính quyền Mỹ sẽ can dự đến mức nào ở Biển Đông và ở châu Á nói chung, ông có nhận định gì về chiến lược của Việt Nam hiện nay?
TS Lê Hồng Hiệp: Điều anh vừa nói là một bài toán rất là khó, một thế lưỡng nan mà Việt Nam phải đối diện trong xử lý quan hệ đối ngoại của mình. Đương nhiên là sẽ không có một giải pháp đơn giản, dễ dàng cho Việt Nam và Việt Nam phải tiếp tục giải cái bài toán này trong thời gian tới, không chỉ dưới thời chính quyền Trump, mà cả dưới thời các chính quyền tiếp theo.
Việt Nam luôn đề cao vấn đề chủ quyền và coi đấy là lợi ích cốt lõi, lợi ích chung cuộc phải bảo vệ. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và thực lực của chúng ta chưa thể sánh bằng hoặc là chưa thể tự mình giải quyết tranh chấp được tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam một mặt phải tăng cường nội lực, mặt khác thì phải dựa vào hoặc tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ để có thể đối trọng với sức mạnh đang tăng lên rất là nhanh của Trung Quốc.
Lâu nay chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn dựa trên giả định là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục can dự vào khu vực và trật tự an ninh của khu vực sẽ dựa trên những cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực. Chính vì vậy, khi ông Trump vừa mới lên có dấu hiệu cho thấy ông sẽ rút Mỹ ra khỏi các can dự khu vực thì tôi nghĩ đó là một mối lo của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại thì đó chưa phải là mối lo lớn lắm, vì những dấu hiệu đây cho thấy điều ngược lại.
Mỹ tách ra khỏi khu vực là điều không tốt cho Việt Nam, nhưng họ can dự quá sâu và đẩy căng thẳng khu vực lên quá cao cũng là điều mà Việt Nam không hề mong muốn.
Chính vì vậy mà hiện tại Việt Nam cần thời gian để quan sát xu hướng của chính phủ Trump trong thời gian tới. Tốt nhất có lẽ là Mỹ nên duy trì sự can dự ở mức vừa phải như thời ông Obama. Đương nhiên, nếu Hoa Kỳ có những hành động cứng rắn để răn đe Trung Quốc không có những hành động hiếu chiến trên Biển Đông, thì đó là một điều tốt cho Việt Nam. Nhưng từ quan điểm của Việt Nam thì những hành động này phải trong cái khuôn khổ có thể quản lý được để không làm bùng phát xung đột.
Cho tới lúc này, lợi ích của Việt Nam tương đối chưa bị thay đổi hoặc chưa bị thách thức quá nhiều, vì những lợi ích căn bản của Hoa Kỳ ở khu vực dưới thời ông Trump cũng sẽ không thay đổi, vẫn có sự nhất quán, tiếp nối từ thời chính quyền Obama. Nhưng vấn đề được đặt ra là những hành động thực tế để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực- qua đó gián tiếp giúp củng cố các lợi ích của Việt Nam ở khu vực- đi xa đến đâu và hiếu chiến, khiêu khích đến đâu, có khiến gây bất ổn khu vực hay không. Họ trở nên rời xa khu vực hay can dự sâu vào khu vực đều là những điều không tốt. Chỉ có sự chọn lựa ở giữa, vừa cứng rắn, nhưng vừa không làm tình hình quá nóng, mới có thể giúp Việt Nam bảo vệ được lợi ích của mình.

---------

0 comments:

Powered By Blogger