Friday, April 1, 2016

Ra đi, góp mặt với đời

 
Duy AnhSourceBáo Người ViệtPosted on: 2016-04=01
1. 18 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi xa nhà. Bỏ lại sau lưng cái hệ Đại học bốn năm mới trúng tuyển, tôi lên đường đi tìm cho mình một con đường học mới. Rời xa vòng tay của bố mẹ, xa tổ ấm nuôi nấng dạy dỗ mình, xa cái chốn phồn hoa nhộn nhịp của Sài Gòn, tôi đi Mỹ.
Cũng giống như nhiều bạn trẻ lúc đó, cái khát khao được ra nước ngoài học để mở rộng tầm mắt của mình luôn ấp ủ và bùng cháy trong tôi. Để rồi dành hẳn ra một năm trời tôi luyện tiếng Anh và chuẩn bị cho chuyến đi dài của mình, tôi cuối cùng cũng nhận được visa đi học.
Khác với sự háo hức, rộn ràng khi có visa, ngày ra sân bay cảm giác tự nhiên trở nên nặng trĩu. Mọi thủ tục hoàn tất, cái ôm, cái hôn chào tạm biệt sao nó khó khăn đến lạ thường. Bước chân bỗng chùn hẳn lại, quay lại nhìn ánh mắt của ba mẹ, mà tự dưng nước mắt rơi; giờ đây thì “con chim đã rời khỏi tổ”


Ngày ra trường sau bốn năm học xa nhà. (Hình: nhân vật cung cấp)
2. 15 tiếng máy bay cuối cùng cũng tới đất Mỹ. Cảm giác lạ lẫm, mới mẻ xem chút háo hức, hồi hộp bao trùm, thầm tự hỏi bản thân là mình đã thật sự đặt chân đến Mỹ rồi ư? Sân bay LAX ngày đó đầy nắng, có con bé ngơ ngác ngó ngang dọc xung quanh, tự mình chầm chậm bước đi, để cảm nhận cái khoảnh khắc lần đầu tiên đến Mỹ.
3. Ngày đầu tien đi học, tôi được một người bạn quen chở dùm đến trường. Cái cảm giác ngày xưa đầu tiên đi học lớp Một như quay trở lại, nhưng lần này thì không có “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” như Thanh Tịnh đã từng viết mà là một mình tôi lang thang trong trường, tự nhủ với bản thân phải tự tin lên, phấn đấu cho tương lai bản thân của mình.
4. Đi học ở Mỹ là những ngày tháng vùi đầu trong thư viện, vật vã với ngôn ngữ mà vốn liếng tiếng Anh được học ở Việt Nam chẳng thấm thía gì. Là những buổi tối không ngủ ôn bài, ngồi nghe lại bài giảng của thầy cô tự mình thu lại, rồi nghiền ngẫm từng câu chữ. Là có những đêm ngồi mày mò viết cho xong một bài luận, kiểm tra từng câu chữ để chắc mình không viết ra câu tối nghĩa. Là những buổi học nhóm cùng bạn học người Mỹ, nhờ tụi nó chỉ cho mình cách phát âm, để rồi mỗi tối về nhà mày mò đọc đi đọc lại cho đến khi nào thành thục mới thôi.
Vì học Communications, tôi phải lấy rất nhiều lớp nói và biện luận. Tôi nhớ có lần trong một học kỳ, tôi lấy lớp “Essentials of Argumentation”. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nản và khó khăn với môn học này. Tất cả mọi thứ phải được lập luận, từ lý thuyết cho đến thực hành, đòi hỏi tư duy, suy luận về những vấn đề chính trị, khoa học hay các vấn đề mà chưa bao giờ trong đời tôi được nghe qua, với những từ vựng “khó nuốt” và quan trọng nhất là phải tranh luận trước đám đông. Có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc giữa chừng, “drop” lớp này cho xong, vì cảm thấy bản thân tự ti không thể nào phát biểu trước lớp bằng cái tiếng Anh không trôi chảy của mình. Nhưng rồi tôi biết tôi không bỏ được, vì nếu bỏ, thì mất tiền và mất thời gian để học lại. Mà tiền học của đứa du học sinh ở bên Mỹ như tôi thì đâu phải rẻ, ba mẹ phải tích góp lâu năm mới có thể cho tôi đi học, nên tôi không thể vì một chút nản lòng mà bỏ đi mọi thứ ba mẹ tôi và bản thân tôi đang từng bước xây dựng. Tôi quyết tâm học, có thể tôi sẽ rớt lớp này, nhưng tôi muốn mình phải cố gắng. Tôi dành thời gian để đọc, đề tìm hiểu; học từ bạn trong lớp, học từ những buổi nói chuyện riêng với cô giáo. Tôi còn nhớ đến kỳ thi cuối kỳ, tôi bốc thăm trúng đề tài sử dụng súng ở Mỹ. Vận dụng hết tất cả từ vựng và khả năng của mình, tôi nói trước lớp, thuyết phục mọi người đứng về phía quan điểm của tôi. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh đề hoàn thành bài biện luận của mình trước đám đông.
Kết quả là tôi thắng cuộc tranh luận đó. Mọi nỗ lực, cố gắng của tôi được đền đáp. Điều làm tôi cứ tủm tỉm cười suốt ngày là khi mấy người bạn học chung lớp đến vỗ vai, nói “Good job”. Tôi nhận ra rằng, nếu có cố gắng, thì sẽ có thành công. Và điều quan trọng nhất là tôi có cơ hội được học, được trải nghiệm và được công nhận những nỗ lực của mình.
5. Vì không phải là dân bản sứ, thiệt thòi về ngôn ngữ, nên người ta cố gắng một, thì mình phải cố gắng gấp ba, gấp bốn lần. Tôi cũng nhận ra rằng, nước Mỹ cho con người rất nhiều cơ hội, chỉ là bản thân mình có biết nắm lấy hay không. Tôi dần dần bỏ đi cái thói quen thụ động như hồi còn ở Việt Nam mà bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường, làm quen với các bạn Mỹ và nước khác. Tôi mạnh dạn đi tình nguyện nhiều hơn, tham gia các khóa học ngắn hạn miễn phí về kỹ năng sống và lãnh đạo trong trường, để rồi tự mình trao dồi kỹ năng sống của chính mình. Và tôi cũng nhận ra một điều rằng, đi du học, không có nghĩa là chỉ vùi đầu vào học, mà còn phải tích cực giao lưu trong các câu lạc bộ ngoại khóa, hay các hoạt động cộng đồng, để mình có cơ hội “networking” và học từ những trải nghiệm mới. Nhờ vào tham gia các hoạt động trong trường và các lớp kỹ năng, resume của tôi từ một tờ giấy trắng dần dần có thêm các hàng chữ kinh nghiệm. Từ đó, tôi đậu phỏng vấn khi đi xin việc và được nhận thực tập ở các công ty liên quan đến ngành học của mình.
6. Trời Cali ôn hòa nhưng đôi khi cũng “đỏng đảnh” như Sài Gòn, sáng sớm thì lạnh, đến trưa lại nóng, rồi đến tối lại lạnh. Nhiều lúc bị sốt, nằm cuộn tròn trong chăn mơ màng nhớ về gia đình, thèm chén cháo mẹ nấu, thèm được nghe ba hỏi “Con đã đỡ đau chưa?”. Cảm giác tủi thân, cô đơn cứ thế tràn về, trong người mệt mỏi, nước mắt tự dưng lại rơi. Rồi tự mình đứng dậy nấu tạm nồi cháo trắng, bỏ đầy tiêu và gừng, ráng ăn lấy sức và tự nhủ với chính mình: “Ráng mau hết bệnh, để còn nhiều việc khác để làm”.
7. Trên đất Mỹ, tôi có mối tình đầu. Nó nhẹ nhàng đến và đi như một con gió, nhưng để lại nhiều nỗi buồn cho đứa con gái xa nhà một mình mới biết yêu lần đầu. Mọi cung bậc cảm xúc ùa tràn trong trái tim, nhưng cũng từ đó, tôi học được rằng, bản thân mình phải mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn, độc lập hơn, và biết yêu thương chính bản thân mình, để vượt qua nỗi buồn, chọn cách quên đi và tiếp tục cuộc sống nhộn nhịp ở bên đây.
8. Cũng trên đất Mỹ, lần đầu tiên tôi biết đi làm, và hiểu được giá trị của đồng tiền. Hồi còn ở Việt Nam, mặc dù nhà không quá giàu, nhưng tôi chưa bao giờ biết đi làm là như thế nào, bởi gia đình bảo bọc, ba mẹ lo toan cho mọi thứ, chỉ biết xách cặp đi học từ sáng đến tối. Đến khi qua đây, xin vào một chân ở nhà hàng người Việt, tôi mới thấu hiểu cuộc đời là sao. Ngày nhận lương đầu tiên, cầm trên tay đồng tiền tự tay mình làm nên được, đôi mắt ướt ướt, lòng vui khó tả. Lần đầu tiên trong suốt 19 năm trên đời, tôi mới cảm thấy mình lớn. Gọi điện về cho ba mẹ khoe con gái mới lãnh lương, giọng mẹ tôi run run hạnh phúc. “Vì mẹ biết, con gái mẹ giờ đây đã trưởng thành”. Từ lúc đó, tôi mới hiểu ba mẹ đã vất vả cho tôi và em tôi như thế nào, vì kiếm tiền đâu phải dễ dàng. Lòng tự hứa với bản thân, tôi nay đã lớn, phải biết suy nghĩ và dùng tiền, chi tiêu có suy nghĩ.
9. Đi học xa, rời khỏi gia đình, “con chim non” mới biết cuộc sống là như thế nào. Cuộc sống trải nghiệm bên Mỹ đủ mọi cung bậc thăng trầm màu sắc, tôi được gặp không biết bao nhiêu người với tính cách, suy nghĩ khác nhau. Nhờ nước Mỹ, tôi biết rằng cuộc sống vốn dĩ không đơn giản như hai màu trắng đen rõ ràng, mà đôi lúc có những mảng màu xám len lỏi đâu đó xung quanh, Và từ những trải nghiệm, tôi giữ cho mình luôn tỉnh táo với sự việc và con người. Người ta nói, “thời gian sẽ làm con người ta lớn hơn”, sau hơn năm năm học tập và sinh sống ở Mỹ, con bé 19 tuổi ngày nào đã không còn “mít ướt” hay cảm thấy cô đơn nữa. Cái tôi học được nhiều nhất chính là biết trân trọng gia đình và học cách bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
10. Nếu như hồi nhỏ, ai hỏi tôi ước gì, tôi sẽ ước được ăn ngon mặc đẹp, được sống hạnh phúc và sung sướng. Nhưng đến bây giờ, nếu có điều ước, tôi chỉ mong mình đủ bản lĩnh và nghị lực để đối đầu với thử thách trước mắt. Và quan trọng nhất chính là sự lạc quan, không từ bỏ hy vọng và cố gắng hết mình.
11. Người ta hỏi nước Mỹ cho tôi điều gì, tôi trả lời, “nước Mỹ cho tôi trưởng thành, và sự tự tin để góp mặt với đời.”
--------

0 comments:

Powered By Blogger