Tôi còn nhớ, đêm hôm đó, cách đây 4 năm, trời bên ngoài lạnh lắm vì
vẫn đang còn đông, rét tháng 3 bà già chết cóng, gió rít lên từng cơn,
cả nhà tôi co ro bên manh chiếu cuốn ngoài cửa phòng hồi sức tích cực
bệnh viện Việt Đức chờ thời khắc để tiễn bố tôi đi.
Trong giây phút cuối cùng ông từ giã cuộc sống này, cũng chỉ có tôi là
người duy nhất được ở lại bên cạnh, nhưng ít ra ông còn có người thân
đưa ông trong phút lìa đời, còn em Dư ngay cả những giọt nước mắt tiếc
thương cuối cùng từ người thân em cũng không nhận được, nước mắt bị cách
ly bởi sự vô nhân và khốn nạn của những tên công an trong bệnh viện
Bạch Mai tối qua.
Tại sao trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời em cũng bị tước mất tình thân?
Luật pháp nào cho phép công an làm điều đó với em và gia đình?
Theo thông tin trên mạng, từ gia đình em Đỗ Đăng Dư, là nạn nhân mới
nhất chết tại trại tạm giam của công an. Ngày 5/8/2015, Dư bị nghi ngờ
lấy trộm 2 triệu đồng của nhà hàng xóm, sau đó bị họ đưa lên công an xã.
Mặc dù bà Mai, mẹ Dư đã xin lỗi và xin bồi thường nếu Dư có lấy trộm
nhưng gia đình hàng xóm vẫn không đồng ý. Sau đó họ chuyển Dư lên công
an huyện Chương Mỹ, giam tại trại Xa La quận Hà Đông mà không có bất kỳ
lệnh tạm giữ hay tạm giam nào, gia đình chỉ được gửi mì gói vào cho Dư,
ngoài ra không được biết tin gì khác về em.
Cho đến ngày 4/10, gia đình Dư nhận được điện thoại yêu cầu lên bệnh
viện Bạch Mai thăm Dư gấp. Lúc này thân thể em bị phù sưng và có nhiều
vết bầm tím. Dư là một thiếu niên 17 tuổi, độ tuổi khỏe mạnh và cường
tráng, trước khi bị bắt giữ Dư hoàn toàn bình thường.
Đối với trường hợp của Dư, chưa có khởi tố vụ án và bị can, cho dù công
an có đủ căn cứ xác định Dư lấy trộm tiền cũng không được tạm giam. Hơn
nữa trong 2 tháng giam giữ Dư, cơ quan công an quận Hà Đông không hề có
bất kỳ thông báo nào bằng văn bản cho gia đình nạn nhân.
Khi Dư sắp mất, tối qua, gia đình em cũng không được ở bên cạnh chăm sóc
cho em những giây phút còn lại. Người ta nói chết là hết, nhưng dù đã
chết công an vẫn không buông tha em, xác em bị giam giữ bởi cái gọi là
phục vụ công tác điều tra. Mà thật ra đó chỉ là lý do người ta đưa ra để
không ai được đến gần xác em, họ sợ gia đình em bị kích động khi nhìn
thấy đứa con trai khỏe mạnh nay đã hóa thây ma. Mẹ em, anh chị em cuả em
cũng chỉ biết gào khóc sau cánh cửa đã khóa từ nhà xác bệnh viện.
Tôi đã thấy, những bài viết đầy chua xót bởi mạng người Việt rẻ rúng,
những bức xúc phẫn nộ của dư luận trước nỗi đau của gia đình nạn nhân
nhưng tôi lại không tìm thấy một bài báo chính thống nào trong 6 ngày em
trong viện, trừ hôm nay bài báo định hướng dư luận của ANTĐ sau khi em
đã chết.
Tôi không ngạc nhiên, bởi tôi đã trải qua và tôi hiểu vì sao lại như
vậy. Viết lại bài này cũng là để tôi chia sẻ những gì mình suy nghĩ sau
những tự trải của bản thân và những gì tôi đã từng chứng kiến.
Tôi không trách, không thể ghét những nhà báo chân chính lề đảng, trái
lại tôi đang cảm thấy rất đồng cảm và thương cho sự tổn thương trong
danh dự bởi nghiệp cầm bút của họ. Tôi nhấn mạnh là những nhà báo chân
chính và có lương tâm chứ không phải những tay bồi bút ăn tiền vô đạo
đức.
Tôi còn nhớ, lúc ấy, khi sự việc bố tôi mới vừa xảy ra, người nhà tôi đã
nhanh tay điện đến đường dây nóng của các báo chính thống yêu cầu sự
can thiệp và giúp đỡ và chúng tôi đã ngay lập tức có được sự hỗ trợ từ
nhiều cơ quan báo chí. Chúng tôi may mắn hơn gia đình em Dư bởi có lẽ
khi gia đình em nhờ đến báo chính thống vào cuộc, báo chí đã bị bàn tay
lớn của ban tuyên giáo răn đe. Nhà báo có thể viết bài, nhưng quyết định
cuối cùng có đăng hay không lại ở Tổng Biên tập, và một khi có chỉ thị
từ trên xuống thì TBT, họ cũng không khác gì những con rối của ban tuyên
giáo.
Vì vậy điều đầu tiên tôi thấy thân nhân của gia đình nạn nhân chết trong
đồn công an cần làm là phải thật nhanh và cố gắng bình tĩnh để xử lý
mọi việc. Không phải vì báo chí không đăng tin mà chúng ta từ bỏ quyền
yêu cầu họ, việc chị Thúy Nga kêu gọi mọi người điện thoại và đến các cơ
quan truyền thông báo chí đề nghị tìm hiểu sự việc của em Dư vừa qua là
một hành động vô cùng đúng đắn, tôi cho rằng như vậy. Ít ra khi chúng
ta làm vậy mà các cơ quan truyền thông báo chí không đăng tải sự việc
đến người dân cũng giúp nhiều người thấy được rõ ràng báo chí chính
thống đang bị kiểm soát và chịu sự chỉ đạo từ ban tuyên giáo.
Nhìn vào những vụ án chết vô cớ trong đồn công an hay liên quan đến công
an có thể thấy được một điều, cuộc chiến công lý không phải chỉ là cuộc
chiến luật pháp mà còn là cuộc chiến truyền thông và dư luận. Bởi luật
pháp nằm trong tay kẻ phạm pháp và những người giữ cán cân luật pháp dễ
dàng bị lung lay bởi quyền và tiền. Chính vì vậy, chúng ta có thể làm
tất cả những gì mà luật pháp không cấm để đòi công lý cho người thân.
Điều này lý giải tại sao gia đình chúng tôi không chấp nhận chôn xác bố
tôi, xé lòng giữ xác ông trong nhà xác bệnh viện 15 ngày cho đến khi có
kết quả khám nghiệm pháp y tạm thời chấp nhận được, có đóng dấu giáp lai
của cơ quan điều tra.
Một người khỏe mạnh trước lúc bị giam giữ, không thể sau một thời gian
ngắn bỗng dưng đột tử vô căn cứ, bị té ngã chết, hay tự tử, tự thương mà
chết được cả và kết luận liên quan đến vụ án nằm phần nhiều ở kết quả
giám định pháp y.
Tôi xin đưa ra một đề nghị đến thân nhân người bị nạn, hãy yêu cầu pháp y
quân đội vào cuộc, chúng ta có quyền yêu cầu cơ quan giám định pháp y,
dù chưa chắc được công minh như chúng ta muốn nhưng ít ra nó tốt hơn với
việc để cơ quan pháp y công an tự ý khám nghiệm trong trường hợp này.
Trong quá trình khám nghiệm, gia đình nạn nhân có thể cắt cử 1 người
tham gia cùng với luật sư của gia đình, chúng ta có thể ghi âm lại toàn
bộ cuộc khám nghiệm, đồng thời yêu cầu giải trình những vết tích trên
thi thể người nhà ngay tại đó khi thấy có nghi vấn.
Có nhiều người hỏi tôi, tại sao lúc đó gia đình chúng tôi không mang
quan tài đi giễu phố để đòi công lý. Tôi xin được chia sẻ thế này, việc
đánh động dư luận là cần thiết, nhưng chúng ta nên làm những gì chúng ta
kiểm soát được trong tầm tay và để không gây ra những ảnh hưởng đáng
tiếc đến những người xung quanh.
Chúng ta đã biết đến nhiều vụ đem quan tài giễu phố để đòi công lý,
không phủ định việc nó khiến cho cơ quan có thẩm quyền không thể bao che
tội ác của những kẻ nắm quyền gây tội. Nhưng chúng ta thấy đó, rối loạn
xảy ra chưa chắc đã do những người bức xúc thật sự gây ra mà có thể do
một lực lượng lạ mặt cố tình tạo ra hỗn loạn để bắt bớ đàn áp, như vụ
đem quan tài anh Khương bị đánh chết ở Bắc Giang, án cho những người dân
bức xúc cộng lại gấp mấy lần tên công an giết người, vụ em Tu Ngọc
Thạch bị công an Khánh Hòa đánh chết, chú bác em bị án treo vì bị quy
gây rối trật tự công cộng...
Và nếu chỉ dùng bạo lực, bức xúc giải quyết thì chưa chắc đã dành lại
chút công lý nào, có những vụ sau khi đem quan tài đi giễu phố rồi cũng
rơi vào quên lãng bởi những kết án oan khiên.
Tôi nói như vậy, nhưng tôi không khuyên mọi người phải kìm nén đau
thương hay bức xúc, đau đớn thì phải kêu, căm phẫn thì vẫn phải gào
thét, chẳng có lý do gì để chúng ta phải che giấu nỗi đau chúng ta không
đáng phải nhận.
Gia đình chúng tôi đã thể hiện thái độ kiên quyết của mình bằng những
tấm băng rôn đề nghị pháp luật xử lý nghiêm minh kẻ gây tội trước cửa
nhà, đưa rõ vấn đề cần được quan tâm đến dư luận. Và chỉ tháo gỡ xuống
khi chúng tôi được cầm những giấy tờ cần thiết liên quan đến vụ án trên
tay, như giấy khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng.
Việc làm chúng tôi phù hợp Hiến pháp, không vi phạm luật pháp và lợi thế
của gia đình tôi là nơi chúng tôi treo là nơi giao thông phương tiện
qua lại đông đúc. Đó chỉ là một kinh nghiệm từng trải của gia đình tôi,
còn trong mỗi hoàn cảnh khác nhau chúng ta cần có những phương pháp hợp
lý để kêu cầu công lý.
Đồng hành trong hành trình phơi bày sự thật của chúng ta không thể thiếu
sự giúp đỡ của luật sư, những người hiểu biết luật pháp và có tinh thần
bảo vệ lẽ phải. Người ta nói luật sư như con dao hai lưỡi, nếu gặp
không đúng người sẽ khiến ta đi vào bế tắc, tiền mất, tật mang. Chính vì
vậy, tôi cho rằng, tìm luật sư, cần tìm người có tâm chứ không cần có
tầm, người có tài chưa chắc có đức, nhưng người có lòng thì nhất định sẽ
cố gắng làm mọi thứ để bảo vệ thân chủ của mình. Tôi đã rất yên tâm khi
nghe tin có luật sư dang tay hỗ trợ gia đình em Dư, mong rằng luật sư
và gia đình cùng đồng lòng trên con đường đầy khó khăn phía trước.
Tình trạng người dân chết trong đồn công an, trại tạm giam, bị đánh đập,
bị tra tấn trong mấy năm nay vẫn diễn ra liên tục mà không hề có một
giải pháp nào từ phía cơ quan công an và những người đứng đầu ngành cũng
chưa từng có một kết luận nào có trách nhiệm trước những hành vi của
người trong ngành ngoài sự thoái thác và biện hộ. Vậy thì làm sao để
chúng ta trông mong vào việc họ tự thay đổi?
Sự im lặng của dư luận, sự quên lãng của thời gian góp phần thúc đẩy tội
ác hoành hành. Nếu chúng ta không phẫn nộ thật sự, không đòi hỏi có một
bản án chế tài nghiêm khắc thì tình trạng này sẽ không bao giờ thay
đổi.
Ở Việt Nam không có hội đoàn độc lập có quyền giám sát cơ quan chức năng
làm việc và bảo vệ quyền lợi cho người dân. Trong quá trình bắt giam
nghi can, không rõ ràng về mặt pháp lý, quá trình xét hỏi không được lưu
lại dẫn đến việc lạm quyền tra tấn và bức cung. Không ai phải chịu
trách nhiệm khi nạn nhân vô cớ chết trong đồn hay trại tạm giam. Người
dân phải tự bảo vệ mình khi có bất công và oan khiên xảy đến.
Chính vì vậy, chia sẻ lại những suy nghĩ của bản thân và kinh nghiệm đã
qua, tôi mong rằng nó có chút hữu ích với những người thực sự quan tâm
đến vấn nạn này.
11/10/2015
0 comments:
Post a Comment