***
Đình Đại (Hình 1), hiện sống tại Paris, Pháp, đã sáng tác 10 ca khúc
"Tù ca" trong đó bài Tù ca 2 ("Lạy Mẹ Con Đi") được viết theo đề nghị
của chị Nguyễn Thu Sương (Hình 2), một người cư ngụ tại Pháp
hoạt động cho tự do nhân quyền và văn nghệ (còn được biết dưới
tên Hạt Sương Khuya), làm quà cho chị Phạm Thanh Nghiên, một người
tranh đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam (Đình
2015a; Đình 2015b).
Tiểu sử của Đình Đại như sau (Đình 2015a; Đình 2015b).
Tuổi thơ của Đình Đại gắn liền với con hẻm nhỏ bình dân giữa lòng Sài
Gòn. Anh định cư tại Pháp vào năm 1991 khi vừa mới lớn. Khi anh đến
Pháp, anh sợ sẽ quên tiếng Việt nên "tiếp tục ngấu nghiến đọc tiếng
Việt" với những sách của nhà xuất bản Xuân Thu và Lá Bối. Anh "tập
làm thơ rồi viết văn và tự xem đó là cách để không quên tiếng Việt"
(Đình 2015a). Sau đại học, anh thi vào công chức về chuyên ngành xã hội
và làm việc cho đến nay (Đình 2015b).
Đình Đại đến với nhạc tự nhiên từ bé. Niềm đam mê âm nhạc có lẽ đến từ
mẹ anh vì mẹ anh luôn luôn khuyến khích các con chơi nhạc (Đình
2015b). Đình Đại cho biết anh chưa hề cảm thấy anh là nhạc sĩ, anh
"chưa từng qua một lớp đào tạo chính thức nào" (Đình 2015b), và chỉ
"tập tành làm nhạc từ hồi mới lớn bằng cách viết lời hát và nhớ giai
điệu ở trong đầu" (Đình 2015a). Anh cho biết anh học lỏm nhạc từ
những người bạn thân (Đình 2015a).
Dưới sự khuyến khích của chị Thu Sương, anh viết các ca khúc
Chinh Phu Hành Khúc, Chinh Phụ Hoài Ngâm và các bản Tù Ca, Hùng Ca với
cảm hứng từ hoạt động của những người đấu tranh cho tự do,
dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam (Đình 2015a). Anh cho biết
trong những bài Tù Ca, anh luôn luôn nhấn mạnh đến tình yêu vì tình
yêu là một sức mạnh để chiến thắng cái ác (Đình 2015b). Anh cho biết
nếu không có sự động viên chia sẻ của chị Thu Sương thì sẽ không có
những bài tù ca và một số bài hùng ca (tlđd.).
Hình 1: Đình Đại.
Hình 2: Nguyễn Thu Sương, còn được biết dưới tên văn nghệ Hạt Sương Khuya.
Về ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi," Đình Đại thổ lộ là do ảnh hưởng
từ nhiều sự kiện và hình ảnh cương cường và nhân ái của
những người chị tinh thần và người mẹ (Đình 2015a). Theo anh
(Đình 2015c), tình yêu giữa mẹ và con là một loại tình yêu "dĩ
tâm truyền tâm" như trong giáo lý Phật giáo, được truyển thụ
không cần lời lẽ và bình thường và đơn giản nhất. Anh cho biết
hình ảnh có ấn tượng nhất với anh là tấm hình hai mẹ con Thanh Nghiên
chụp bên tấm biểu ngữ (Hình 3). Với anh, "đó là một hình ảnh mạnh mẽ
nói lên một sự cảm thông, chia sẻ của hai thế hệ cho một sự dấn thân"
(Đình 2015b).
Các Tù Ca nói chung và ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" nói riêng, phát
xuất từ nguyện vọng cho những tù nhân lương tâm trong lao tù
cộng sản vì những hoạt động cho tự do và nhân quyền (Thu 2015;
Hạt 2015). Qua một bài viết của Phạm Thanh Nghiên về tác giả Nguyễn
Ngọc Già, trong đó có nhắc đến ước nguyện của tác giả mong sẽ có một tác
phẩm dành riêng cho các "Tù Nhân Lương Tâm" (Phạm 2015a), chị Thu
Sương đề nghị và khuyến khích Đình Đại viết các bài Tù Ca cho
những tù nhân lương tâm, "cũng để Phạm Thanh Nghiên làm tròn lời ước
nguyện của tác giả Nguyễn Ngọc Già" (Hạt 2015).
Nguyên văn lời ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" như sau (Đình 2015a):
Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu
Lạy Mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu
Lạy Mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa
Dù cùm sắt với xà lim con cũng không sờn lòng
Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non
Lời Mẹ ru con con nguyện mãi khắc ghi lòng
Dù ngục tù tối tăm lòng con vẫn sáng
Vẫn rực sáng với tình yêu Mẹ cho con vào đời
Mẹ dạy cho con thương giống thương nòi
thương nương khoai sông ngòi
thương ruộng lúa, thương xóm làng
Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất
của non sông nơi cha anh đã nằm xuống ngàn đời
Từ Nam Quan về đến Cà Mau
Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông
con vẫn nhớ con mãi nhớ máu cha anh đã chảy thành dòng
Lạy Mẹ con đi vào chốn tù lao
Lạy Mẹ con đi đạo hiếu con không vuông tròn
Mẹ cười chứa chan tình bao la non nước
Mẹ dạy con bất khuất như cha ông ta bao đời
Ru hời ru hỡi hời ru.
Trong bài này, tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, hoặc người xem. Ngoài ra, như thường lệ, tôi sẽ chú trọng phần lớn vào ý nghĩa văn chương của lời ca, với vài nhận xét về các khía cạnh nhạc.
A. Bối cảnh
cho ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi": những khái niệm về tình mẫu tử
và lòng yêu nước và Phạm Thanh Nghiên và mẹ cô.
Trước khi đi vào thảo luận bài hát "Lạy Mẹ Con Đi," chúng ta
hãy tìm hiểu thêm về hai khái niệm quan trọng trong bài là
tình mẫu tử và lòng yêu nước. Ngoài ra, vì Đình Đại viết ca
khúc này để tặng cô Phạm Thanh Nghiên, ta cũng nên biết đến
Phạm Thanh Nghiên và hoàn cảnh cô đã khiến Đình Đại có cảm
hứng viết bài hát tặng cô.
1. Trong các loại tình yêu,
tình mẫu tử và tình yêu tổ quốc là hai loại tình yêu thiêng
liêng, mạnh mẽ, và lâu dài nhất:
Câu "Tình yêu là gì?" là câu được tìm tòi nhiều nhất trên
Google vào năm 2012 (theguardian 2012), cho thấy ảnh hưởng sâu đậm
của tình yêu trên con người. Có nhiều quan điểm khác nhau về
tình yêu. Theo sinh hóa học, "tình yêu là một trạng thái thần
kinh mạnh mẽ như đói và khát, chỉ có cái là lâu dài hơn".
Tình yêu hiện hữu dưới nhiều dạng: ưa thích (philia), vui đùa
(ludus), thực tế (pragma), tinh thần vô vị kỷ (agape), tự yêu
mình (philautia), và vật chất, xác thịt (eros) (tlđd.).
Tình yêu được nẩy sinh vì cái nhu cầu sâu xa nhất của con người
là nhu cầu thắng được ngục tù của cô độc (Fromm 1963, 8). Tình
yêu trai gái thường được nhắc đến nhiều nhất trong các loại
tình yêu, và là đề tài cho biết bao nhiêu tác phẩm văn chương
và nghệ thuật. Trong bài này, tôi sẽ không đi sâu vào các loại
tình yêu, mà chỉ đề cập đến loại tình yêu có sức mạnh không
kém, và nhiều khi còn vượt quá, tình yêu trai gái. Đó là các
loại tình yêu vô vị kỷ như tình yêu nhân loại, lòng bác ái,
lòng vị tha, tình mẫu tử, và lòng ái quốc. Đặc biệt, hai
loại tình yêu liên hệ đến ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" là tình mẫu
tử và lòng yêu nước.
a) Tình mẫu tử:
Tình mẫu tử là "sự xác định vô điều kiện về đời sống và nhu
cầu của người con" (Fromm 1963, 41). Hai khía cạnh quan trọng
trong sự xác định về đời sống của người con gồm có: "sự chăm
sóc và trách nhiệm cần thiết tuyệt đối cho việc bảo tồn mạng
sống và khôn lớn của đứa con," và cái "thái độ làm thấm
nhuần trong đứa con một tình yêu sinh sống" (tlđd.). "Chính
vì bản chất vị tha và vô vị kỷ mà tình mẫu tử được coi là
loại tình yêu cao nhất, và linh thiêng nhất trong mọi gắn bó
tình cảm" (tlđd., 42).
Khoa học chứng minh có mối liên hệ giữa tình mẫu tử và tình
yêu trai gái. "Tình mẫu tử và tình yêu trai gái cùng dính líu
đến một nhóm vùng trong não đặc biệt và trùng hợp nhau"
(Bartels và Zeki 2004, 1162). Đặc biệt, tình cảm mạnh mẽ về
người khác không những ngăn cản tình cảm xấu mà còn ảnh hưởng
đến việc phán xét xã hội về người đó (tlđd.). Tình
mẫu tử, do đó, bao gồm cả mối quan tâm của người mẹ đến các
hoạt động xã hội của con mình. Đó là cái trách nhiệm "cho
việc bảo tồn mạng sống và khôn lớn của đứa con," và cái
"thái độ làm thấm nhuần trong đứa con một tình yêu sinh sống,"
như trình bày trên. Khi người con dấn thân vào các hoạt động xã
hội, cho dù do sự khuyến khích của người mẹ hay không, người
mẹ có trách nhiệm theo đuổi việc đó và sẽ làm hết sức để
giúp con mình phát huy tình yêu cho việc sinh sống. Nếu hoạt
động của người con trong việc biểu lộ lòng yêu nước phù hợp
với ý muốn của người mẹ, nỗ lực của người mẹ lại còn to
tát hơn trong việc khuyến khích và bảo vệ hoạt động của con
mình qua tình mẫu tử. Khi hai mối tình này được phối hợp, sức
mạnh kết hợp của chúng sẽ thật là mạnh mẽ, như được trình
bày qua ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" của Đình Đại.
b) Lòng yêu nước:
Có nhiều định nghĩa cho lòng yêu nước, nhưng ta có thể coi một
định nghĩa thường được trích dẫn. Lòng yêu nước (hay tình yêu
nước, lòng ái quốc) là sự gắn bó tình cảm với một quốc gia
mà một người coi đó là quê hương người đó. Sự gắn bó này,
còn được gọi là niềm hãnh diện quốc gia hoặc dân tộc, có thể
được xem xét dưới các đặc tính khác nhau liên hệ tới quốc gia
của mình, như những khía cạnh về chủng tộc, văn hóa, chính
trị, hoặc lịch sử (Wikipedia 2015b). Định nghĩa trên không nhất
thiết là đúng hoặc chính xác, nhưng ít nhất nó cho ta một
khái niệm tổng quát về lòng yêu nước. Thảo luận về đề tài
này đi quá xa phạm vi của bài này. Tuy nhiên, ta có thể có vài
nhận xét.
Trước hết, lòng ái quốc (patriotism) thường bị lẫn lộn với
chủ nghĩa (hoặc học thuyết, tinh thần) quốc gia/dân tộc
(nationalism) và nhiều khi được dùng không phân biệt trong vài
trường hợp. Tuy nhiên, ta cần phân biệt hai từ ngữ này. Trong
bài "Nước, Quốc Gia, Dân Tộc, và Việt Nam Cộng Hòa" (Cao-Đắc
2015), tôi trình bày sự khác biệt giữa "nước," "quốc gia," và
"dân tộc" và sự lẫn lộn hoặc khó khăn trong việc dịch từ ngữ
"nationalism." Khi phân biệt lòng ái quốc (patriotism) với
nationalism, chữ "nationalism" có thể hiểu theo tiếng Việt là
"tinh thần quốc gia" hoặc "tinh thần dân tộc" tùy vào quan điểm
của sự so sánh.
Lòng ái quốc liên hệ tới "sự gắn bó và tình cảm sâu đậm với
quốc gia và người dân," trong khi tinh thần quốc gia/ dân tộc
hàm ý "học thuyết rằng người dân được gắn chặt nhau trong đoàn
kết, định mệnh, và những khát vọng chinh trị chung" (Gat và
Yakobson 2013, 26). George Orwell (1945) nhấn mạnh rằng không được
lẫn lộn tinh thần dân tộc/ quốc gia với lòng ái quốc. Theo
Orwell (1945), lòng ái quốc là "mối tình cảm sâu đậm cho một
chỗ đặc thù và cách sống đặc thù nào đó, mà một người tin
là tốt đẹp nhất trên thế giới nhưng không có ý bắt buộc người
khác. Lòng ái quốc theo bản chất có tính chất phòng thủ, cả
về quân sự lẫn văn hóa. Tinh thần dân tộc/ quốc gia, mặt khác,
thì không thể tách rời khỏi ý muốn cho quyền lực." Một quan
điểm khác cho rằng lòng ái quốc và tinh thần quốc gia/ dân tộc
của một người đều dính líu đến tình yêu, nhận thức với, và
quan tâm đặc biệt về một thực thể, và chỉ khác nhau về định
nghĩa của thực thể đó. Với lòng ái quốc, thực thể đó là
nước (country) của người đó; với tinh thần quốc gia/ dân tộc,
thực thể đó là quốc gia /dân tộc (nation) theo ý nghĩa về
chủng tộc và văn hóa của người đó (Stanford 2013).
Ngoài việc phân biệt lòng ái quốc và tinh thần quốc gia/ dân
tộc, phán xét về lòng ái quốc cũng là một vấn đề phức tạp
và là đề tài tranh cãi sôi nổi giữa các triết gia, học giả,
và các nhà nghiên cứu về chính trị, xã hội học, và lịch sử.
Phê bình về lòng ái quốc hay tình yêu nước trải một phạm vi
khá rộng lớn, từ chê bai cho tới ca ngợi.
Ở một thái cực, tình yêu nước bị coi là vô đạo đức. Leo
Tolstoy, văn hào và triết gia Nga cho rằng tình yêu nước thì "ngu
xuẩn và vô đạo đức" (Stanford 2013), vì bất cứ người yêu nước
nào cũng đều tin rằng đất nước của mình là tốt đẹp nhất và
nó bắt ta phải thúc đẩy quyền lợi của đất nước ta đổi lại
với tất cả các nước khác bằng mọi giá, kể cả chiến tranh (tlđd.).
Chia sẻ cùng ý tưởng với Tolstoy, Kateb (2006, 3) coi lòng ái
quốc là sự sai lầm hai lần: "nó là một lầm lỗi đạo đức trầm
trọng và căn nguyên thường là một trạng thái tâm thần lẫn
lộn." Kateb (2006, 9) tin rằng "lòng ái quốc khiến một loại
tình yêu vị kỷ biến thành một lý tưởng" vì nó "lý tưởng hóa
một thực thể - đất nước - mà người ta coi là chính họ hoặc
của họ."
Ý tưởng của Kateb và Tolstoy dường như khá hạn hẹp vì họ cho
rằng các quốc gia chỉ có thể hiện hữu nếu chúng cạnh tranh
nhau toàn diện. Trên thực tế, tuy cạnh tranh là một yếu tố quan
trọng, hợp tác cũng là một yếu tố quan trọng không kém.
Ngoài ra, Kateb và Tolstoy dường như chỉ xem xét lòng yêu nước
dưới hình thức cực đoan nhất, là sẵn sàng chết và giết vì
tổ quốc. Thực ra, lòng ái quốc có thể được thể hiện trong
một phạm vi rộng lớn và có nhiều mức độ khác nhau. Dưới một
quan điểm khác, ta có thể coi các lời phê bình về lòng ái
quốc của Tolstoy và Kateb nhắm vào tinh thần quốc gia/ dân tộc
cực đoan.
Ở một thái cực ngược lại, tình yêu nước được coi là tối
thượng và "các quyền lợi tối cao của một nước quan trọng hơn
bất kỳ vấn đề đạo đức nào mà mâu thuẫn với các quyền lợi
đó" (Machiavelli trong Stanford 2013). Ở một mức độ kém cực đoan
hơn, tình yêu nước được coi là một "đức tính đạo đức thiết
yếu nhất" (MacIntyre trong Stanford 2013). MacIntyre (2002, 50) lý
luận rằng các ý niệm về đạo đức được phát sinh từ cộng đồng
một người. Nếu không có cộng đồng đó, một người không thể là
một tác nhân đạo đức. Vì vậy, lòng trung thành với cộng đồng
đó là điều kiện đầu tiên cho đạo đức. Lòng ái quốc là sự
biểu lộ lòng trung thành đó. Do đó, lòng ái quốc không những
là đức tính mà còn là "đức tính thiết yếu." Dưới mức độ dè
dặt hơn, Primoratz (2002, 196-197) tin rằng lòng ái quốc không
bắt buộc mà chỉ là được chấp nhận một cách đạo đức. Nó có
thể là một đức tính với ý nghĩa không dính líu gì đến đạo
đức (thí dụ đức tính chính trị), nhưng nó không phải là đức
tính đạo đức.
Tuy có nhiều lý thuyết về tình yêu nước, một điểm căn bản là
tình yêu nước đặt vào đất nước, và không đặt vào chính quyền
nắm giữ quyền lực trong nước (Stanford 2013). Lý do đơn giản là
đất nước có tính chất lâu dài hơn chính phủ hoặc đảng phái
cầm quyền. Các chế độ độc tài, điển hình là chế độ cộng
sản tại Việt Nam, thường rêu rao và đồng hóa tình yêu nước với
lòng trung thành với đảng cai trị.
Trong bài này, tôi coi lòng ái quốc là tình cảm sâu đậm của
một người với những gì mà người đó coi là quê hương xứ sở
của mình. Những cái đó có thể vật chất, cụ thể như xóm
làng, đường xá, nhà cửa, sông ngòi, núi non, biể̀n đảo, người
dân, ngôn ngữ; hoặc tinh thần, trừu tượng như lịch sử, văn hóa,
phong tục, tập quán. Cái tình cảm sâu đậm đó không nhất thiết
kéo theo sự khăng khăng là quê hương xứ sở mình phải tốt đẹp,
nhưng nó hàm chứa ước vọng cho quê hương xứ sở mình được tốt
đẹp và hoàn mỹ. Lòng ái quốc có tính chất chủ quan và tự
nhiên, và do đó không thể bắt buộc ai cũng phải có, cũng như ta
không thể bắt buộc ai cũng phải có lòng vị tha. Tuy nhiên,
lòng ái quốc, nếu có và nếu được theo đuổi một cách chân
chính, tượng trưng cho một mối tình thiêng liêng, vì nó hàm
chứa lòng vô vị kỷ và sự trung thành của một người với môi
trường sinh sống và đồng bào của người đó.
Lòng ái quốc còn có thể được coi như tình yêu của người con
dành cho cha mẹ, tổ tiên, vì đất nước tổ quốc thường được ví
là quê cha đất mẹ. Một người sinh trưởng trong một đất nước có
những sự tùy thuộc, kỷ niệm với nơi ăn chốn ở, với đồng
bào, với thói quen sinh sống, giống như một đứa con tùy thuộc
vào cha mẹ và có những kỷ niệm sinh sống với cha mẹ. Ngoài
ra, trong một xứ sở, một người nhận diện mình là một phần tử
trong cộng ̣đồng vì mình trông giống người trong cộng đồng,
nói cùng thứ tiếng, có kiểu ăn mặc và hành xử giống nhau, có
cùng cội nguồn, tổ tiên, lịch sử, quá trình tranh đấu, v.v.
Cái nhận diện đó giống như sự ý thức về di truyền giữa người
con và cha mẹ người ấy. Dưới quan điểm này, tương tự như khái
niệm về cộng đồng và lòng trung thành của MacIntyre trình bày
ở trên, lòng ái quốc bao gồm bổn phận hoặc nghĩa vụ bảo vệ
cộng đồng, đất nước, xứ sở, vì đó là môi trường giúp cho sự
trưởng thành của một người. Do đó, tuy lòng ái quốc không nhất
thiết phải bắt buộc có theo đạo đức trong mọi trường hợp theo
quan điểm của Primoratz ở trên, nó bắt buộc phải có trong
trường hợp đất nước bị nguy biến, bị đe dọa trước hiểm họa
xâm lăng, và mọi người phải có bổn phận bảo vệ đất nước.
Lòng ái quốc, do đó, nên được coi là một đức tính miễn là nó
được dựa trên những nền tảng chân chính. Với nhiều người, thí
dụ người mẹ trong ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi," lòng ái quốc còn
được coi là một đức tính đạo đức hoặc luân lý và nên được
truyền bá và dạy dỗ.
2. Phạm Thanh Nghiên và mẹ cô:
Phạm Thanh Nghiên sinh năm 1977, là con út trong gia đình nghèo có 7
anh chị em (Phạm 2014a; 2015b). Ba cô qua đời năm 2004. Theo lời
Nghiên, cha cô trước đó sùng bái Hồ Chí Minh, nhưng vài năm
trước khi ông mất, ông không còn coi trọng Hồ nữa. Mẹ cô, bà
Nguyễn Thị Lợi, mấ̀t năm 2014 (Phạm 2014b). Nghiên bắt đầu hoạt
động vào cuối năm 2006. Những hoạt động đầu tiên của cô phần lớn
biểu lộ chống đối Tàu cộng xâm lấn tại biển Đông và sự đàn
áp của nhóm cầm quyền cộng sản. Vài thí dụ của những hoạt
động này như sau (Van 2012): tổ chức cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12
năm 2007 (với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và một vài anh em ở Hà Nội);
viết bài "Uất ức-Biển ta ơi!"; viết đơn gửi Ủy Ban Nhân Dân thành phố
Hà Nội (cùng với Vũ Cao Quận và Nguyễn Xuân Nghĩa), xin phép để tổ
chức biểu tình yêu cầu chính phủ có biện pháp kiềm chế, một "sáng kiến
táo bạo và chưa từng thấy trong chế độ cộng sản" (Van 2012). Vì những
hoạt động này, cô bị cơ quan an ninh gây khó dễ.
Thanh Nghiên bị bắt vào ngày 18 tháng 9 năm 2008, trong khi đang tọa
kháng tại nhà với khẩu hiệu mang nội dung "Hoàng Sa - Trường Sa là của
Việt Nam," và "Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng ngày
14/9/1958" (Phạm 2015b). Hôm ấy, công an đến nhà và còng tay cô,
Cô hôn mẹ từ giã. Mẹ cô "hời hợt đáp lại nụ hôn" của cô, có lẽ vì
đang bị khủng hoảng tinh thần trong lúc chia tay con. Bà phán
cho những người công an một câu, "Như vậy là các anh đã bắt con tôi
về tội yêu nước!" Nghiên cho biết câu nói đó đã khích lệ cô suốt 4
năm tù (Phạm 2014b). Đây có lẽ là hình ảnh mạnh mẽ đã khiến
Đình Đại cảm xúc và viết ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" mô tả lúc
Thanh Nghiên tạ từ mẹ trước khi đi vào tù. Cô bị kết án 4 năm tù
giam, 3 năm quản chế. Cô hết hạn quản chế vào ngày 18 tháng 9 năm
2015.
Cuộc sống gia đình cô rất là khó khăn. Mẹ cô phải làm lụng
vất vả, làm những công việc đồng áng, việc nhà như nấu cơm, trông em
cho nhà chủ. Có nhiều đêm, mẹ cô cùng bà cô họ xa, "quẩy đôi quang
gánh, cuốc bộ ngót nghét hai chục cây số từ trong quê ra thành phố mót
phân về bón ruộng" (Phạm 2014b). Cuộc sống nghèo khổ và những lao
tâm lao lực của bà chắc chắn đóng góp cho tình yêu Nghiên dành
cho mẹ, và hun đúc trong tâm khảm cô tình yêu mẹ và lòng yêu
nước qua lời dạy dỗ của mẹ cô, trực tiếp hay gián tiếp. "Trong
những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà dành trọn thời gian và sức
lực để thăm nuôi và chăm sóc chị Phạm Thanh Nghiên trong suốt 4 năm tù
đày" (Danlambao 2014). Sau khi Phạm Thanh Nghiên ra tù vào 2012, mẹ cô
tiếp tục là nguồn động viên to lớn cho cô trong cuộc đấu tranh đòi tự
do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam (tlđd.).
Hình 3: Phạm Thanh Nghiên và mẹ cô, bà Nguyễn Thị Lợi, với biểu ngữ đòi hỏi nhân quyền.
Sau khi ra tù, cô gắn bó với Mạng Lưới Blogger Việt Nam và cùng các anh
chị em trong Mạng lưới chủ xướng và thực hiện khoảng 7, 8 chiến dịch.
Những câu nói bất hủ của Phạm Thanh Nghiên trong cuộc đấu tranh
của cô: "Tôi bày tỏ sự ủng hộ các nhà 'phản động,' và xin gia nhập phong trào 'phản động' Việt Nam"; "Trước
hết cho tôi được gửi lời cảm ơn ĐCSVN, Nhà nước CHXHCNVN vì đã cho tôi 4
năm tù giam để tôi có cơ hội nhìn rõ hơn bộ mặt của chế độ"; "Người Pháp dựng lên nhà tù Côn Đảo để giam giữ người cộng sản. Người cộng sản dựng lên nhà tù để cầm tù Dân tộc mình."
B. "Lạy Mẹ Con
Đi" kể lời người con từ giã mẹ trước khi đi vào lao tù, nói
lên tình mẫu tử và lòng yêu nước thiêng liêng mạnh mẽ trước
bạo quyền đàn áp.
Trước hết, ta nên ghi chú rằng ngoài ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi"
của Đình Đại, còn có ít nhất ba ca khúc khác có cùng tên do
ba tác gỉả Anh Bằng, Chúc Hiếu, và Nguyễn Phú Yên. Ba ca khúc
này cũng mô tả cảnh người con giã từ mẹ để ra đi, như đi lính
(Anh Bằng, "Lạy mẹ con đi, ôm ấp linh hồn Việt Nam") (CongHoa 2014), xuất gia (Chúc Hiếu, "Lạy mẹ con đi xuất gia tu học kể từ đây")
(Chúc 2015), và lấy chồng (Nguyễn Phú Yên, thơ Hàng Sơn, "Lần
đầu tiên con rời xa quê hương") (nguyenphuyen 2014). Tuy lạy mẹ
thường được dùng để diễn tả cảnh tượng giã từ, giã từ để đi
vào ngục tù có lẽ là một hình ảnh bi thương độc đáo nhất.
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" là lời người con nói với mẹ mình
trước khi rời nhà để đi vào tù lao. Lời ca không xác định giới
tính người con và hoàn cảnh người ấy, nhưng Đình Đại cho biết
anh viết bài hát là một món quà tinh thần cho Phạm Thanh
Nghiên. Do đó, lời bài hát có thể được diễn tả theo những sự
kiện liên hệ đến Phạm Thanh Nghiên. Tuy nhiên, tinh thần quả cảm,
lòng yêu nước của cô, tình yêu thương mẹ và con của hai mẹ con
cô, và sức mạnh tinh thần của hai người có tính chất phổ quát
trong con người, nhất là người Việt. Do đó, dù không biết gì
về cô và mẹ cô, khán giả vẫn có thể hiểu và cảm nhận sự
rung động của tâm hồn trong lời ca ý nhạc.
Mở đầu bài hát, người con chào từ giã mẹ để đi vào cuộc
sống đổi thay của cuộc đời. Cô cho biết ngay cô ra đi vì cô không
chấp nhận chịu khuất phục dưới áp bức ("Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu/ Lạy Mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu.") Với câu "Lạy mẹ con đi,"
Đình Đại cho thấy người con có sự kính trọng thương yêu mẹ cô.
Lạy là một hình thức nghi lễ khá đặc biệt trong các phong
tục trên thế giới, nhất là về phương diện tôn giáo (Wikipedia
2015a). Tại các quốc gia Á Châu như Nhật Bản, Tàu, Việt Nam,
ngoài tôn giáo và lễ nghi, lạy còn được dùng để bày tỏ sự
kính trọng hoặc phục tùng (tlđd.).
Người con giã từ mẹ để đi đâu?
Cô sẽ đi tới chốn "bể dâu," ngụ ý cuộc đời với nhiều đổi
thay. Thành ngữ Hán Việt "Thương hải biến vi tang điền" (biển xanh
biến thành ruộng dâu) ngụ ý cuộc đời thay đổi, thường được
viết gọn là "bể dâu" như trong câu "Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
trong truyện Kiều. Đình Đại (2015d) cho biết anh còn dùng "bể
dâu" để nói đến lòng người và việc người phải dấn thân chịu
nhiều nghiệt ngã, từ hoàn cảnh cho đến nhân tâm. Với câu "Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu,"
Đình Đại chưa cho biết rõ rệt nơi cô gái sẽ đến là gì, mà
chỉ mơ hồ cho biết cô bước chân vào cuộc đời, và sẽ không còn
ở nhà với mẹ nữa.
Trong câu kế tiếp, cô gái cho biết lý do tại sao cô ra đi. Đó là vì cô "không muốn sống cúi đầu."
Có nghĩa là nếu cô ở lại thì cô phải chịu phục tùng những
kẻ có quyền hành. Tại sao? Kẻ có quyền hành cho cô hai lựa
chọn: nếu cô vẫn muốn làm những chuyện cô làm, thì cô phải ra
đi; nếu cô nghe theo lời chúng và phục tòng chúng, thi cô mới
được ở lại.
Cô gái chọn ra đi, cho dù cô biết việc đó sẽ hủy hoại tuổi
trẻ của cô, vì cô sẽ bị giam cầm với gông cùm trong tù ngục.
Cô không nản chí, và vẫn muốn tiếp tục theo đuổi con đường đấu
tranh của cô ("Lạy Mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa/ Dù cùm sắt với xà lim con cũng không sờn lòng.")
Tới câu này, Đình Đại mới cho biết nơi cô gái sẽ tới. Đó là
ngục tù. Với một cô gái còn trẻ, bị giam cầm vài năm đủ để
làm tuổi xuân cô "tàn úa" vì đó là khoảng thời gian mà lẽ ra
cô được vui sống với đời, với gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè,
và các người thân yêu.
Cô gái vẫn còn nhớ lời mẹ ru cô lúc cô còn bé, dạy cô yêu nước non tổ quốc, và cô mãi mãi không quên ("Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non/ Lời Mẹ ru con con nguyện mãi khắc ghi lòng.")
Không có gì lạ khi cô gái vẫn còn nhớ lời mẹ cô ru cô lúc cô
còn bé. Đó là không kể sau này khi cô lớn lên, mẹ cô vẫn có
thể hát bài ru con cho những em bé khác, hoặc hát lại cho cô
nghe để nhắc nhở những ngày cô còn bé. Đa số những bài hát ru
con của người Việt đến từ dân ca hoặc các bài ca dao. Đề tài
các bài hát này thường là những mẩu chuyện cổ tích, cuộc
sống đồng quê, lời dạy dỗ, các chuyện tình, hoặc những bài
không nhất thiết có cốt truyện mà chỉ cần có giai điệu êm ái
(Xem, thí dụ như, Văn 2011). Những bài ru con không nhất thiết
phải rõ ràng cụ thể về lòng yêu nước, mà chỉ cần về quê
hương, cuộc sống hàng ngày, hoặc cảnh đồng quê, như trong các
câu ca dao. Những hình ảnh quê hương đó đủ tạo ra lòng yêu nước
cho cô con gái. Ngoài ra, lời ru con có thể được dùng như một
ẩn dụ nói lên mối tình cảm sâu đậm của tuổi thơ.
Cho dù ngục tù tối tăm, lòng dạ cô vẫn sáng ngời vì tình yêu mẹ cô dành cho cô từ lúc cô sinh ra đời ("Dù ngục tù tối tăm lòng con vẫn sáng/ Vẫn rực sáng với tình yêu Mẹ cho con vào đời.")
Ở đây, ta thấy sự tương phản giữa tối tăm và ánh sáng, giữa
tàn ác và tình yêu, và cho thấy "tình yêu là một sức mạnh để
chiến thắng cái ác" (Đình 2015b).
Cô gái nhắc đến những lời dạy dỗ của mẹ cô. Mẹ cô dạy cô
thương yêu nòi giống, đất đai, quê hương, đồng ruộng, và xóm
làng ("Mẹ dạy cho con thương giống thương nòi, thương nương khoai sông ngòi, thương ruộng lúa, thương xóm làng.")
Mẹ cô dạy cô thương từng tấc đất của non sông nơi mà cha anh đã
hy sinh mạng sống họ để bảo vệ khỏi tay kẻ thù xâm lược ("Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất/ của non sông nơi cha anh đã nằm xuống ngàn đời.")
Ta có thể hiểu sự dạy dỗ này khởi đầu qua các bài hát ru
con, và sau đó khi cô con gái lớn khôn, bà mẹ tiếp tục dạy dỗ
con. Nhưng dạy dỗ thế nào?
Theo tôi nghĩ, người mẹ trong ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" dạy cô con
gái những đức tính và lòng yêu nước qua thí dụ làm gương cho
con, vì đối với bà, lòng ái quốc là một đức tính, và có
thể là một đức tính đạo đức cần được truyền bá và dạy dỗ.
Có thể bà không chủ tâm hành động để làm gương, mà bà chỉ
sống thực trong cuộc sống hàng ngày của bà, và con bà chứng
kiến các hành động của bà, và coi đó như là những lời dạy
dỗ. Đó có thể là hành động của mẹ Thanh Nghiên, khi bà sinh
sống với việc đồng áng, đi bộ từ quê ra thành phố, và làm
việc ruộng nương. Hình ảnh mẹ làm lụng với nương khoai, ruộng
lúa nơi xóm làng có thể tạo niềm thương yêu trong Thanh Nghiên,
và từ tình yêu mẹ nẩy sinh ra tình yêu thôn quê, sông ngòi, quê
hương, và tổ quốc. Có thể bà cũng sẽ dạy con qua lời lẽ,
nhưng việc đó có lẽ không nhiều và không quan trọng bằng qua
hành động và thí dụ của chính bà. Ngoài ra, một trong những
cách dậy dỗ hay nhất là người mẹ đồng ý hoặc ủng hộ những
hoạt động của con mình khi những hoạt động đó phù hợp với
chiều hướng mong muốn của bà. Đó có thể là cách dậy dỗ của
mẹ Phạm Thanh Nghiên khi bà khuyến khích con tham gia những hoạt
động chống đối Tàu cộng xâm lấn tại biển Đông.
Cho dù bằng cách nào, bà mẹ dạy cô con gái biết yêu thương quê
hương. Quê hương non sông đó bao gồm đất đai từ ải Nam Quan ở cực
Bắc tới mũi Cà Mau ở cực Nam, và từ vùng Cao Nguyên tới biển
Đông ở vùng giữa. Cô nhớ mãi những thế hệ trước đã đổ máu
hy sinh để bảo vệ gìn giữ đất đai khỏi kẻ ngoại xâm ("Từ Nam Quan về đến Cà Mau/ Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông/ con vẫn nhớ con mãi nhớ máu cha anh đã chảy thành dòng.")
Lời nhắc nhở đến ải Nam Quan và biển Đông không phải là ngẫu
nhiên. Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Tàu cộng đã làm sôi
động trong người dân và hai nhà cầm quyền cộng sản trong suốt
bao nhiêu năm qua. Vấn đề biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, đã
được biết rõ (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2015c).
Ngoài ra, câu "Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông" còn có
một ý nghĩa sâu sắc mà Đình Đại muốn gói ghém. Với câu này,
Đình Đại (2015c) muốn nhắc nhở đến những hy sinh bảo vệ vùng
biển Đông của người dân Việt, như được duy trì bởi cư dân vùng
đảo Lý Sơn. Theo truyền tích lịch sử, người dân Việt đã có
một truyền thống bảo vệ vùng đảo Hoàng Sa ít nhất là từ ba
trăm năm trước, dưới thời chúa Nguyễn (Wikipedia 2015f). Theo
truyền tích, hàng năm triều đình tuyển chọn 70 dân đinh, khỏe mạnh,
cường tráng, để thành lập một đội quân cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa,
làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (Kiến
2013). Có những ngôi mộ gió, đơn giản là những ụ cát nhỏ nằm
rải rác trong những mẫu ruộng, được xây dựng để tưởng niệm
những chiến sĩ trong hải đội Hoàng Sa này (tlđd.).
Cô gái khẳng định cô giã từ mẹ ̣để đi vào ngục tù, và cô
biểu lộ nỗi niềm tiếc nuối là cô không thể ở nhà phụng dưỡng
mẹ cho tròn chữ hiếu ("Lạy Mẹ con đi vào chốn tù lao/ Lạy Mẹ con đi đạo hiếu con không vuông tròn.")
Đình Đại khéo léo đưa ra hai sự kiện "đi vào chốn lao tù" và
"đạo hiếu con không vuông tròn" bên cạnh nhau cho thấy sự lựa chọn
của cô con gái trước một tình trạng khó xử: nếu cô đi tù, cô
sẽ không thể chăm sóc mẹ; nếu cô đồng ý làm theo lệnh kẻ cầm
quyền để được ở nhà chăm sóc mẹ thì cô sẽ không thể thi hành
những gì mẹ cô đã dạy dỗ cô là thương yêu đất nước và ghi nhớ
hy sinh của cha anh đã ngã gục để bảo vệ non sông. Cô chọn đi
vào tù. Tại sao? Vì đó là ý nguyện của cô do lòng yêu nước,
và quan trọng hơn, vì đó cũng là ý nguyện của mẹ cô khi bà
dạy cô thương yêu tổ quốc. Dưới quan điểm đó, cô không bất hiếu
chút nào, mà còn ngược lại, cô là người con rất có hiếu đạo
vì cô đã làm đúng theo ước nguyện mẹ cô.
Mẹ cô cười với cô với nụ cười chứa chan tình thương yêu bao la
như quê hương nước non và lời dạy cô bất khuất, như cha ông đã
bao nhiêu năm trong lịch sử, trong tiếng ru con ("Mẹ cười chứa chan tình bao la non nước/ Mẹ dạy con bất khuất như cha ông ta bao đời/ Ru hời ru hỡi hời ru.")
Đình Đại (2015d) cho biết anh dùng "bất khuất" không những chỉ
sự không khuất phục dưới bạo quyền của những người như Thanh
Nghiên và những người chị mà anh biết như Thu Sương, mà còn bao
hàm ý nghĩa về lý tưởng mà một trong những người chị của anh
đang theo đuổi. Mẹ cô cười cho thấy bà vui vì con mình đã có
sự lựa chọn đúng. Nụ cười của bà chứa chan tình yêu quê hương
ngầm ý cho thấy tình yêu quê hương tổ quốc cao cả hơn sự gần
gũi mẹ con, và bà đã hy sinh lòng thương yêu con mình để cho con
thi hành ý muốn của con, và cũng là ý muốn của bà, là làm
trọn vẹn tình yêu nước. Đó cũng là lời bà ru con bà khi cô
còn bé, "Ru hời ru hỡi hời ru."
Câu chuyện cô gái và bà mẹ trong "Lạy Mẹ Con Đi," hay câu chuyện
của Thanh Nghiên và mẹ cô, khiến ta liên tưởng tới Joshua Wong
và cuộc cách mạng dù (umbrella revolution) tại Hồng Kông năm
2014. Không cha mẹ nào muốn con mình bị tù đầy hoặc bị thương
tích khi phải xô xát với cảnh sát với dùi cui và lựu đạn cay,
hoặc bị trù trong học hành sự nghiệp. Nhưng cha mẹ Joshua ủng
hộ anh và nhận thức tầm quan trọng của hoạt động cách mạng
đối với anh (Williams 2015). "Gia đình anh phần nào đánh thức
mối quan tâm về xã hội, vì cha của Joshua thường dẫn anh đến
thăm các giới kém may mắn, nói với anh là anh nên lo cho họ"
(Wikipedia 2015d). Cha mẹ anh, Grace và Roger Wong, từng dẫn con
trai họ tới vài cuộc chống đối khi anh còn nhỏ. "Chúng tôi luôn
luôn dạy Joshua có lòng thương người, quan tâm, có nguyên tắc và
trung thành," cha mẹ anh viết trong lời tuyên bố chung sau khi con
họ trải qua 25 tiếng bị cảnh sát tạm giam, "và chúng tôi rất
hãnh diện về mọi chuyện cậu ta làm để Hồng Kông là nơi tốt
đẹp hơn cho thế hệ cậu ta, và thế hệ chúng tôi." (Sagan 2014).
Giống như mẹ của Thanh Nghiên, cha mẹ của Joshua Wong bày tỏ
lòng thương con qua việc hai người ủng hộ việc làm của Joshua,
cho dù họ biết việc đó có thể đưa Joshua vào ngục tù.
C. Với giai
điệu nhẹ nhàng và tiết tấu ít thay đổi, "Lạy Mẹ Con Đi" khơi
động cảm xúc và diễn tả ý tưởng mạnh mẽ qua kỹ thuật ẩn ý
và các kỹ thuật diễn tả điêu luyện khác.
Như trình bày ở trên, nội dung câu chuyện của "Lạy Mẹ Con Đi"
khá đơn giản, không có tình tiết gì phức tạp. Tuy nhiên, ý
nghĩa câu chuyện thật hay và sâu sắc. Ngoài ra bài hát có giai
điệu nhẹ nhàng, tiết tấu đều đều, thích hợp cho lời kể lể
hoặc tâm sự. Phần trình diễn tuyệt diệu của Nguyễn Thu Sương
(tức Hạt Sương Khuya) với giọng ca thánh thót và truyền cảm
trong tiếng ̣đàn guitar réo rắt cho thấy bài hát không cần có
những kỹ thuật hòa âm cao cấp hoặc phức tạp cũng khiến người
nghe ngây ngất và bồi hồi.
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" đạt được mức truyền cảm tuyệt diệu là
do cách diễn tả ý tưởng với những kỹ thuật tinh vi của lời
ca và âm nhạc. Như tôi đã viết nhiều lần trong các bài trước,
một nhạc sĩ thường viết nhạc, diễn tả và sắp xếp giai điệu
tiết tấu dựa vào năng khiếu tự nhiên theo nguồn cảm hứng nào
đó. Nhưng khi người nghe thưởng thức bài hát, người nghe nhận ra
các kỹ thuật mà nhạc sĩ dùng cho dù người nhạc sĩ không
nhất thiết ý thức các kỹ thuật đó.
1. Đình Đại có cách dùng chữ
đơn giản nhưng hữu hiệu và trình bày câu chuyện như diễn tiến
qua ống kính của nhà quay phim
Đình Đại dùng chữ đơn giản, không màu mè, và rất ít dùng mỹ từ. Những từ ngữ như "không muốn sống cúi đầu," "dù tuổi xuân tàn úa," "thương từng tấc đất," "con mãi nhớ máu cha anh," "chốn tù lao," và "tình bao la non nước"
đều là những ngôn từ mộc mạc đơn sơ, nhưng chân thật. Chính
cái đơn sơ chân thật đó là nét độc đáo của bài hát, làm nổi
bật tình mẫu tử và lòng yêu nước vì đó là hai loại tình yêu
không cần cách diễn tả hoa mỹ, màu mè.
Tuy cách dùng chữ đơn giản, Đình Đại cũng áp dụng mỹ từ chọn
lọc. Ta thấy rải rác trong bài có những ẩn dụ tinh tế. Thí
dụ, cảnh tăm tối trong ngục tù là ẩn dụ cho sự tàn ác, ánh
sáng rực lên là ẩn dụ cho tình mẫu tử thiêng liêng. Đặc biệt,
Đình Đại dùng "lời ru con" vừa để vẽ ra hình ảnh người mẹ
chăm sóc con vừa để là ẩn dụ cho sự sâu đậm và thắm thiết
của tình mẫu tử.
Đình Đại mô tả cảnh tượng người con tạ từ lạy mẹ ra đi như
một nhà quay phim thu hình qua ống kính tạo ra hình ảnh linh
động, thực tế, và có nghệ thuật. Như một nhà nhiếp ảnh hay
một người quay phim chuyên nghiệp, Đình Đại điều khiển ống kính
với một nghệ thuật tinh vi. Anh mở đầu với ống kính cho thấy
cảnh tổng quát ("chốn bể dâu") và với lý do mơ hồ ("không muốn sống cúi đầu"). Kế tiếp, anh thu ống kính nhỏ lại cho rõ nét và cho biết những chi tiết đặc thù ("dù tuổi xuân tàn úa") và cảnh rõ rệt ("cùm sắt với xà lim"), tạo một quang cảnh diễn tiến trôi chảy.
Sau đó, anh đột ngột chuyển sang cảnh khác, với hình ảnh khác hẳn cảnh trước ("Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non/ Lời Mẹ ru con con nguyện mãi khắc ghi lòng"), và liên kết lời ru bà mẹ với cảnh ngục tù mà cô gái sắp phải trải qua ("Dù ngục tù tối tăm lòng con vẫn sang/Vẫn rực sáng với tình yêu Mẹ cho con vào đời").
Cảnh ru con không chỉ xuất hiện một lần. Đình Đại kết thúc
bài hát với câu ru nhắc nhở lại tình yêu thương mẹ con ("Ru hời ru hỡi hời ru").
Câu cuối móc nối với cảnh ru con trước đó, khiến hình ảnh và
âm thanh có sự phối hợp chặt chẽ, giúp cho ý tưởng vang vang
và tồn tại lâu dài trong tâm trí khán gỉả cho dù bài hát
chấm dứt.
Các kỹ thuật diễn tả này, tuy có thể không hiển hiện rõ rệt
trong đầu óc Đình Đại khi anh viết nhạc, cho thấy tài năng tiềm
tàng khác thường của anh. Tuy nhiên, kỹ thuật diễn tả độc đáo
nhất của Đình Đại, mà có lẽ ít nhạc sĩ nào có thể sánh
được, là cách dùng ẩn ý, hoặc một biến dạng của phúng dụ,
hoặc ngụ ý, như được trình bày sau đây.
2. Kỹ thuật ẩn ý che giấu ý
tưởng chính phơi bày tính chất phản quốc của chế độ cộng sản
đi ngược lại quyền lợi tổ quốc qua cách dùng câu chuyện cô con
gái tạ từ mẹ để vào ngục tù:
Một trong những kỹ thuật trong nghệ thuật là ẩn ý, nghĩa là
giấu ý chính của tác phẩm, và để khán gỉả suy diễn dựa vào
những chi tiết gợi ý. Kỹ thuật này có tác dụng mạnh mẽ trên
khán giả vì nó buộc khán giả phải suy nghĩ và tham gia vào
việc thưởng thức tác phẩm. Do đó, khán giả thường được lôi
cuốn vào tác phẩm và cảm thấy thích thú hơn.
Ẩn ý có thể diễn tả qua nhiều cách: ý chính ngầm và phúng
dụ. Ý chính ngầm (implied main idea) là cách dùng các chi tiết
hỗ trợ che giấu ý chính và khiến khán giả tìm tòi và suy
đoán ý chính dựa vào các chi tiết hỗ trợ (Zadina, Smilkstein,
Daiek và Anter 2014, 246-247). Phúng dụ (allegory) là một loại
"khí cụ văn chương hoặc tu từ mang ý nghĩa kín qua hình ảnh,
hành động, và biến sự để cùng nhau tạo ra ý nghĩa đạo đức,
tinh thần, hoặc chính trị mà tác giả muốn diễn đạt" (Wikipedia
2015e). "Phúng dụ là một câu chuyện, nhưng không phải là bất
cứ chuyện gì. Phúng dụ là truyện có nhân vật, bối cảnh, và
biến sự tiêu biểu cho cái gì khác hẳn với cái trong truyện"
(Brunken 2013). Một thí dụ nổi tiếng của phúng dụ là truyện
"Animal Farm" của George Orwell (Literary Devices). Tôi cũng dùng
phúng dụ trong bài thơ văn xuôi "Uy Lực" (Cao-Đắc 2014).
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" không phải là phúng dụ hoàn toàn vì
cảnh tượng mô tả cô gái lạy mẹ từ giã trước khi đi vào lao tù
trong bài không có ngụ ý nào. Tuy nhiên, bài hát dùng ý chính
ngầm hoặc một biến dạng của phúng dụ là không tiết lộ ý
chính mà để khán gỉả tự suy ra qua cảnh cô gái lạy từ giã
mẹ, và các chi tiết về lòng yêu nước. Ý chính của bài hát
là nguyên nhân cho sự ra đi vào tù và các chi tiết hỗ trợ là
hậu quả của nguyên nhân đó, diễn tả qua cảnh cô gái lạy mẹ,
kể lể về tình yêu nước. Đình Đại ca ngợi lòng ái quốc, và
đặc biệt nhắc đến biên giới, đất đai, và biển Đông. Cô gái
phải đi vào lao tù. Tại sao? Khán giả có thể suy đoán cô gái
bị giam cầm trong lao tù vì cô đã chống đối lại nhóm cầm
quyền, những kẻ đã bán nước, xúc phạm đến tổ tiên, và coi
thường những hy sinh của cha ông bảo vệ giang sơn.
Đình Đại không hề nhắc đến các sự kiện rõ rệt đưa đến việc
cô gái bị bắt vào tù, nhưng lời ca đã cho đầy đủ dữ kiện và
chi tiết hỗ trợ. Bất cứ cô gái làm chuyện gì, chuyện đó phải
tương ứng với hành động yêu nước, và kẻ cầm quyền ra lệnh
bắt giam cô là kẻ đi ngược lại quyền lợi quốc gia tổ quốc. Cho
dù người nghe không biết bài hát là để tặng cho Phạm Thanh
Nghiên hoặc không biết Phạm Thanh Nghiên là ai, họ cũng hiểu.
Đình Đại cũng không cần vạch ra nhóm cầm quyền đã làm gì,
nhưng ai cũng biết là chúng đi ngược lại những lời dạy dỗ của
mẹ cô gái.
Bằng cách hoàn toàn không đả động gì đến hành động can trường
của cô gái và những hành vi phản quốc của nhóm cầm quyền
cộng sản, Đình Đại tạo một tác dụng mạnh mẽ trên khán gỉả
hơn nếu anh đề cập đến những việc đó. Khán giả sẽ được lôi
cuốn vào bài hát vì họ tham gia vào việc suy diễn, tuy trong
tiềm thức, lý do cô bị giam cầm. Những gì không nhắc ra lộ
liễu thường tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn, vì nó khiến người nghe
dùng trí tưởng tượng và suy nghĩ, và trong tiến trình suy diễn
đó, người nghe dễ bộc phát cảm xúc. Qua cảnh tượng người con
lạy mẹ ra đi vào chốn tù lao vì ảnh hưởng lời dạy dỗ yêu
nước thương nòi của mẹ, ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" phơi bày tính
chất phản quốc của chế độ cộng sản đi ngược lại quyền lợi
tổ quốc và hành vi tàn ác của kẻ cầm quyền trong việc giam
cầm những người bày tỏ lòng ái quốc chống Tàu cộng.
3. "Lạy Mẹ Con Đi" có giai
điệu và tiết tấu thích hợp với lời ca, tạo nên cảm xúc nhẹ
nhàng nhưng sâu đậm cho tình mẫu tử và lòng yêu nước:
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" là một bài hát dùng lời kể lể tâm
tình để khơi động cảm xúc về tình mẹ con và tình yêu nước.
Bài hát chú trọng vào khía cạnh tình cảm nhẹ nhàng, và không
phải là một kích động mãnh liệt dồn dập. Để đạt mục tiêu
này, bài hát có các khía cạnh âm nhạc (giai điệu, tiết tấu)
phù hợp với lời ca, giúp khán giả thả hồn theo điệu nhạc
trong lúc lắng nghe lời ca đầy xúc động.
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" có hai giai điệu: giai điệu nhẹ nhàng
và chuyển động (movement) hạn hẹp, thích hợp cho lời kể lể và
buồn bã, và giai điệu mạnh với chuyển động cao, thích hợp cho
lời thống thiết khơi dậy nỗi cảm xúc.
Với giai điệu nhẹ nhàng êm ái, cô gái kể lể việc cô ra đi, tâm
trạng cô, và những gì cô nhớ lời dạy dỗ của mẹ ("Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu... Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non... Lạy Mẹ con đi vào chốn tù lao"). Bài hát chấm dứt với quãng nhạc chậm dần như lời ru ("Ru hời ru hỡi hời ru..."). Với giai điệu mạnh cao bổng, cô gái nói đến lời mẹ cô dậy dỗ cô một cách tha thiết ("Mẹ dạy cho con thương giống thương nòi... Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất").
Ngay sau đó, giai điệu trở lại nhẹ nhàng với chuyển động
xuống trầm với nét uyển chuyển tuyệt vời, vẽ ra hình ảnh đất
nước Việt Nam từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, và cao nguyên tới
biển Đông. Quãng nhạc chuyển tiếp "Từ Nam Quan về đến Cà Mau/ Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông"
có lẽ là khúc nhạc tuyệt vời nhất trong bài, đưa tâm hồn
người nghe lắng đọng trong một giây phút ngắn ngủi để bùi ngùi
nhớ đến những hy sinh của người dân Việt trong việc bảo vệ
đất đai, biển đảo.
Tiết tấu, hay nhịp điệu, đóng vai trò quan trọng trong việc đem
lại nét nghệ thuật cho một bài hát. Thông thường, một bản
nhạc có tiết tấu nhịp điệu thay đổi để tránh sự nhàm chán
và để tạo những tác dụng gây nhớ trên người nghe, nhất là thay
đổi tiết tấu giữa phiên khúc và điệp khúc (Ewer 2013). Tuy
nhiên không phải ca khúc nào có sự thay đổi nhịp điệu đều hay,
vì việc đó còn tùy các yếu tố khác như giai điệu, lời ca, và
tác dụng nào đó trên khán giả.
Trong ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi," tiết tấu chậm chạp, đều đều,
không thay đổi nhiều, cho các phiên khúc, kể cả phần điệp khúc
("Mẹ dạy cho con..."). Bài hát có nhàm chán không? Đương
nhiên là không. Tiết tấu chỉ là một phần trong bài hát, và
không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhất là với những bài
hát chú trọng vào cảm xúc. Giai điệu của bài hát đủ để tạo
cảm xúc dạt dào. Cộng vào đó, lời ca thiết tha, chân thật, và
có ý nghĩa như được phân tích ở trên. Hai yếu tố đó quá đủ
đem lại nét đặc sắc cho bài hát. Trong những bài hát có giai
điệu nhẹ nhàng êm ả và lời ca tha thiết, nhịp điệu thay đổi
qua các khúc đoạn có thể làm giảm nét đặc sắc đó. Thực ra,
cái đều đều của tiết tấu chính là một khía cạnh độc đáo vì
nó thực hiện như một nền trên đó những nét chấm phá của giai
điệu và lời ca được nổi bật lên.
D. Kết Luận:
Đình Đại viết ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" là lời tạ từ của một
người con với mẹ trước khi đi vào ngục tù. Lời ca tha thiết,
làm nổi bật tình mẫu tử và lòng yêu nước của người con. Qua
cách diễn tả kín đáo của kỹ thuật ẩn ý, Đình Đại lôi cuốn
người nghe vào bài hát trong việc suy diễn nguyên nhân người con
bị vào tù. Cộng với giai điệu nhẹ nhàng và tiết tấu chậm
rãi đều đều, và cách dùng chữ đơn sơ chân thật, bài hát đem
lại nỗi cảm xúc êm ái nhưng có tác dụng mạnh mẽ lâu dài trên
người nghe.
Ca khúc "Lạy Mẹ Con Đi" là một tác phẩm âm nhạc tuyệt vời, có
tác dụng mạnh mẽ về cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, và
nhân quyền tại Việt Nam. Bài hát cho thấy tài năng xuất sắc
của Đình Đại, và kết quả huy hoàng của sự hợp tác giữa
những người miệt mài trong cuộc đấu tranh như Phạm Thanh Nghiên,
Nguyễn Thu Sương, và Đình Đại.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cám ơn chị Phạm Thanh Nghiên, chị Nguyễn Thu Sương (tức Hạt Sương Khuya), và anh Đình Đại
đã bỏ thì giờ trả lời các câu hỏi của tôi và cung cấp tài
liệu. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài này.
Ngoài ra, tôi xin cám ơn bạn Bụi trên trang mạng Dân Làm Báo đã yêu cầu tôi viết bài này.
Tài Liệu Tham Khảo:
tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã
dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.)
đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
Bartels, Andreas và Semir Zeki. 2004. The neural correlates of maternal and romantic love. NeuroImage 21, 1155-1166.
http://kyb.tuebingen.mpg.de/fileadmin/user_upload/files/publications/attachments/Bartels2004_maternalLove_%5B0%5D.pdf (truy cập 19-9-2015).
Brunken, Jason W. 2013. Introduction to Allegory. 2013.
http://allegory.happykidsschool.com.tw/home/module2/what-is-allegory (truy cập 27-9-2015).
http://allegory.happykidsschool.com.tw/home/module2/what-is-allegory (truy cập 27-9-2015).
Cao-Đắc Tuấn. 2014. Uy Lực. 7-9-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/09/uy-luc.html (truy cập 9-9-2015).
Cũng xem, The Mighty Force. 7-9-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/09/the-mighty-force.html (truy cập 9-9-2015).
Cũng xem, The Mighty Force. 7-9-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/09/the-mighty-force.html (truy cập 9-9-2015).
_________. 2015. Nước, Quốc Gia, Dân Tộc, và Việt Nam Cộng Hòa. 21-7-2015.
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/07/nuoc-quoc-gia-dan-toc-va-viet-nam-cong.html (truy cập 6-10-2015).
Chúc Tâm. 2015. Lạy Mẹ Con Đi - Thích Chúc Tâm. 16-2-2015.
https://www.youtube.com/watch?v=GyNwbvd3PgE (truy cập 19-9-2015);
Lạy Mẹ con đi - Nhật Thiện. http://www.hoalinhthoai.com/music/detail/ms-1398/genre-2/Lay-Me-con-di-Nhat-Thien.html (truy cập 19-9-2015).
CongHoa VietNam. 2014. Lạy Mẹ Con Đi - Duy Khánh. 4-1-2014. https://www.youtube.com/watch?v=P6RYjaYSU3o (truy cập 19-9-2015).
Danlambao. 2014. Tin buồn: Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ ruột chị Phạm Thanh Nghiên vừa qua đời. 26-2-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/02/tin-buon-ba-nguyen-thi-loi-me-ruot-chi.html (truy cập 27-9-2015).
Đình Đại. 2015a. Lạy Mẹ Con Đi. . . 14-7-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/07/lay-me-con-i.html (truy cập 4-10-2015).
_________. 2015b. Thư nhóm gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 7-10-2015.
_________. 2015c. Thư nhóm gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 11-10-2015.
_________. 2015d. Thư nhóm gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 16-10-2015.
Ewer, Gary. 2013. Strengthening a Chorus With Subtle Rhythmic Changes. 28-1-2013. https://garyewer.wordpress.com/category/rhythm/ (truy cập 3-10-2015).
Fromm, Erich. 1963. The Art of Loving. Bantam Books, New York, New York, U.S.A.
Gat, Azar và Yakobson, Alexander. 2013. Nations – The Long History and Deep Roots of Political Ethnicity and Nationamism. Cambridge University Press, New York, U.S.A.
Hạt Sương Khuya. 2015. Khúc Tù Ca cho ngày 2 tháng 9. 2-9-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/09/khuc-tu-ca-cho-ngay-2-thang-9.html (truy cập 8-10-2015).
Kateb, George. 2006. Patriotism and Other Mistakes. Yale University Press. New Haven, Connecticut, U.S.A.
Kiến Thức. 2013. Giai thoại huyền bí về mộ gió ở đảo Lý Sơn. 12-5-2013. http://kienthuc.net.vn/giai-ma/giai-thoai-huyen-bi-ve-mo-gio-o-dao-ly-son-229083.html (truy cập 11-10-2015).
Literary Devices. Không rõ ngày. Allegory. Không rõ ngày. http://literarydevices.net/allegory/ (truy cập 27-9-2015).
MacIntyre, Alasdair. 2002. Is Patriotism a Virtue? In Patriotism, edited by Igor Primoratz, Prometheus Books, Amherst, New York, U.S.A. pp. 43-58.
nguyenphuyen. 2014. Lạy mẹ con đi. 2-9-2014. https://www.youtube.com/watch?v=4lWSmdMIx9Y (truy cập 19-9-2015).
Orwell, George. 1945. Notes on Nationalism. 1945. http://www.resort.com/~prime8/Orwell/nationalism.html (truy cập 6-10-2015).
Phạm Thanh Nghiên. 2014a. Chút kỷ niệm nhân ngày giỗ bố. 24-12-2014. http://phamthanhnghien.blogspot.com/2014/12/chut-ky-niem-nhan-ngay-gio-bo.html (truy cập 27-9-2015).
_________. 2014b. Mẹ tôi - Những ngày Mẹ sống và những ngày Mẹ mất. 18-4-2014. http://phamthanhnghien.blogspot.com/2014/04/me-toi-nhung-ngay-me-song-va-nhung-ngay.html (truy cập 27-9-2015).
_________. 2015a. Ngày “Quốc nạn” nhớ Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già. 28-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/ngay-quoc-nan-nho-tu-nhan-luong-tam.html (truy cập 8-10-2015).
_________. 2015b. Thư nhóm gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 7-10-2015.
Primoratz, Igor. 2002. Patriotism – Morally Allowed, Required, or Valuable? In Patriotism, edited by Igor Primoratz, Prometheus Books, Amherst, New York, U.S.A. pp. 187-199.
Sagan, Aleksandra. 2014. Joshua Wong: Meet the teen mastermind of Hong Kong's 'umbrella revolution'. 2-10-2014. http://www.cbc.ca/news/world/joshua-wong-meet-the-teen-mastermind-of-hong-kong-s-umbrella-revolution-1.2784105 (truy cập 27-9-2015).
Stanford Encyclopedia of Philosophy. 2013. Patriotism. 8-5-2013. http://plato.stanford.edu/entries/patriotism/ (truy cập 22-9-2015).
theguardian. 2012. What is love? Five theories on the greatest emotion of all. 13-12-2012. http://www.theguardian.com/commentisfree/2012/dec/13/what-is-love-five-theories (truy cập 19-9-2015).
Thu Sương. 2015. Thư nhóm gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 8-10-2015.
Van Thanh Phan. 2012. Giải nhân quyền Việt Nam 2012 - Montreal. 14-12-2012. https://www.youtube.com/watch?v=3uV_UnnqFxA (truy cập 10-10-2015).
Văn Nghệ. 2011. Những bài hát ru con. 17-6-2011. http://vanghe.blogspot.com/2011/06/nhung-bai-hat-ru-con.html (truy cập 26-9-2015).
Wikipedia. 2015a. Prostration. 7-9-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Prostration (truy cập 19-9-2015).
_________. 2015b. Patriotism. 23-9-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Patriotism (truy cập 25-9-2015).
_________. 2015c. Territorial disputes in the South China Sea. 14-9-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Territorial_disputes_in_the_South_China_Sea (truy cập 27-9-2015).
_________. 2015d. Joshua Wong (activist). 26-9-2015.
https://en.wikipedia.org/wiki/Joshua_Wong_%28activist%29 (truy cập 27-9-2015).
_________. 2015e. Allegory. 19-7-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Allegory (truy cập 27-9-2015).
_________. 2015f. Hải đội Hoàng Sa. 4-8-2015.
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_%C4%91%E1%BB%99i_Ho%C3%A0ng_Sa (truy cập 11-10-2015).
Williams, Carol J. 2015. Hong Kong student protest leader Joshua Wong: 'We will win'. 25-2-2015. http://www.latimes.com/world/asia/la-fg-hong-kong-activist-joshua-wong-20150225-story.html (truy cập 27-9-2015).
Zadina, Janet Nay; Smilkstein, Rita; Daiek, Deborah; và Anter, Nancy. 2014. College Reading: The Science and Strategies of Expert Readers. Wadsworth Cengage Learning, Boston, U.S.A.
0 comments:
Post a Comment