Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai cựu
thù, nhưng Việt Nam phải đứng một mình giữa gọng kìm Trung-Mỹ ở Biển
Đông.
Đó là kết quả sau chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ Ashton Carter từ 31/05 đến 02/06 (2015). Hai bên đã ghi dấu đậm nét
trong “Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng” và 3 cuộc
họp của ông Carter với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng
Quang Thanh; Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nhà nước
Trương Tấn Sang.
Các tin chính thức từ phía Việt Nam cho biết: "Tuyên bố tầm nhìn
chung về quan hệ quốc phòng để định hướng hợp tác song phương trên cơ sở
Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương được ký kết năm
2011."
Bản ghi nhớ Việt-Mỹ ký năm 2011 nhằm: "Tăng cường trao đổi đoàn các
cấp, nhất là cấp cao, tham vấn chính sách quốc phòng song phương; tăng
cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; tham gia các hoạt động gìn
giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm
kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai, thảm họa; hợp tác trong lĩnh vực
quân y, tham vấn lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, ADMM+ (ASEAN
Defence Ministers Meeting-Plus); hợp tác an ninh biển."(báo Lao Động online 01/06/2015)
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định: "Cuộc hội đàm đã diễn ra trên
tinh thần hữu nghị, cởi mở, thẳng thắn và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên
đã trao đổi về quan hệ quốc phòng song phương và nhận thấy sự phát triển
tích cực và ổn định trong lĩnh vực này. Chúng tôi hoan nghênh Hoa Kỳ đã
triển khai tương đối tích chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng lần này là nhằm tăng cường
hữu nghị, hiểu biết, xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác
toàn diện giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước". (VOV, Voice of Vietnam, 01/06/015)
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Carter xác nhận: "Hai bên hợp tác để đảm bảo
hòa bình và ổn định trong khu vực và xa hơn nữa. Mỹ cam kết ủng hộ một
Việt Nam độc lập, vững mạnh, thịnh vượng, tôn trọng quyền con người và
quy định luật pháp."
Ông nói trong cuộc họp báo chung với tướng Phùng Quang Thanh: “Chúng
tôi đã trao đổi về đề xuất của Mỹ các bên tranh chấp dừng ngay việc bồi
đắp tôn tạo các đảo. Bộ trưởng Thanh giải thích rất rõ ràng công việc
của Việt Nam. Bộ trưởng có đề cập Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông giữa ASEAN
và Trung Quốc. Tôi cho đây là một diễn đàn đa quốc gia và Mỹ rất ủng hộ
để giải quyết hòa bình các tranh chấp.”
Bộ Quy tắc ứng xử, hay Code of Conduct (COC) do Hiệp hội các nước Đông
Nam Á đề xướng với Trung Quốc từ năm 2012 nhằm “luật pháp hóa” hoạt động
của các bên ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã tìm mọi cách để từ chối ký
kết. Bắc Kinh cho rằng họ chỉ nói chuyện song phương với các nước có
tranh chấp với Trung Quốc, trong khi khối ASEAN thì không.
Chẳng những thế, Trung Quốc đã tự động tân tạo nhiều vùng đảo và dẫy san
hô ở Biển Đông mà cả Phi Luật Tân và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên Việt Nam là bên bị thiệt thòi và bị Trung Quốc đe dọa an ninh
nhiều nhất, sau khi Bắc Kinh đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của Việt Nam
trong quần đảo Trường Sa năm 1988 (cũng có tin nói 8 vị trí).
Tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La (Tân Gia Ba) ngày 30/5 (2015),
ông Carter tố cáo Trung Quốc đã chiếm 2,000 mẫu ở Biển Đông chỉ trong
vòng 18 tháng. Ông cáo giác Trung Quốc đã “vượt ra ngoài luật pháp quốc
tế” khi hành động như vậy.
Tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trường Carter nhắc lại: “Như tôi đã nói một
tuần trước ở Honolulu và hôm qua ở Shangri-La, Mỹ phản đối việc sử dụng
vũ lực làm gia tăng căng thẳng và quân sự hóa các tranh chấp trong khu
vực.
Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, nhưng chúng tôi có
quan tâm và lợi ích trong khu vực, liên quan đến tự do hàng không và
hàng hải, tự do thương mại. Không có hành động nào của bất kỳ quốc gia
tranh chấp nào có thể làm thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ.”
Ông cũng nói thẳng cho Trung Quốc biết: “Đừng bao giờ nghĩ sai. Chúng
tôi sẽ tiếp tục bay, rẽ sóng và tuần tiễu ở bất kỳ nơi nào luật pháp
quốc tế cho phép như Quân đội Mỹ vẫn làm khắp nơi trên thế giới.”
(“There should be no mistake,” Carter said. “The United States will fly,
sail and operate wherever international law allows, as U.S. forces do
all over the world.” (trích diễn văn tại Shangri-La)
Ông cũng kêu gọi tất cả các bên “dừng ngay và vĩnh viễn mọi việc liên quan đến bồi đắp và cải tạo đất”.
“Quan tâm của chúng tôi làm sao khu vực hòa bình và ổn định, bảo đảm
tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, để các quốc gia trong
khu vực kể cả Hoa Kỳ có điều kiện phát triển.”
Phía Việt Nam, qua lời tướng Phùng Quang Thanh, cũng xác nhận: “Việt
Nam đang đóng quân trên 9 đảo nổi, 12 đảo chìm. Với các đảo nổi chúng
tôi kè xung quanh để không bị xói lở, đảm bảo cho người dân và lực lượng
đóng quân trên đảo có cuộc sống an toàn. Với các đảo chìm chúng tôi chỉ
xây nhà rất nhỏ, ở được ít người và không mở rộng ra. Tính chất và quy
mộ của chúng tôi hoàn toàn vì mục đích dân sự.”
Ông Thanh hàm ý không mở mang rộng hay “quân sự hóa” như Trung Quốc đang
làm, sau khi Thượng nghị sĩ John MacCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự
Thương viện Mỹ tố cáo Trung Quốc đã đem súng Trọng pháo vào một trong
những đảo tân tạo.
Có tin nói các ổ đại pháo này đang có mặt ở đảo Gạc Ma, mới được tái tạo
rộng gần 14 mẫu. Tại tất cả các vùng do Trung Quốc tân tạo đều có dinh
thự phòng thủ, dàn radar, đường bay và bến cảng.
Trung Quốc - Việt Nam
Đối với Trung Quốc thì dù bị tấn công tại Hội nghị Shangri-La, Trưởng
đoàn, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội vẫn làm
như không quan tâm, và nói rằng: "Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn hòa bình và ổn định, và không bao giờ có vấn đề về tự do hàng hải".
Họ Tôn coi vùng Biển Đông như sân nhà của Trung Quốc nên tiếp tục khẳng định:
"Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên một số đảo và rạn san hô trên
Biển Đông chủ yếu vì mục đích cải tạo chức năng của các đảo và rạn san
hô này, cũng như điều kiện làm việc và sống của những người ở đó… Ngoài
việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, việc này sẽ giúp thực
hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên
quan đến việc tìm kiếm và cứu hộ trên biển, ngăn ngừa và cứu trợ thảm
họa, nghiên cứu khoa học, quan sát thời tiết, bảo vệ môi trường, an toàn
hàng hải, nghề cá và các dịch vụ khác."
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/6 (2015), Tân Hoa Xã (Xinhua)
trích lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
phê phán những chỉ trích về tình hình Biển Đông: “Trung Quốc phản đối tiến hành giải thích tuỳ tiện luật pháp quốc tế.”
Xinhua viết: “Bà tái khẳng định, hoạt động liên quan của Trung
Quốc là hợp pháp, hợp tình và hợp lý, Trung Quốc là người
bảo vệ và xây dựng luật pháp quốc tế và quy tắc quốc tế.
Trung Quốc không làm những viện vi phạm luật pháp quốc tế, hại
người lợi mình, nhưng kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và
lợi ích phát triển quốc gia theo pháp luật.”
Như vậy thì Trưởng đoàn Việt Nam tại Shangri-La, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói gì?
Ông Vịnh nói với Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN, 30-05-015): “Tại Đối
thoại Shangri-La lần này, tôi đi thay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang
Thanh bận việc ở trong nước nên đoàn Việt Nam không có phát biểu tại Đối
thoại.
Tuy nhiên, việc đầu tiên đoàn làm được khi đến đây là lắng nghe một
cách hết sức có trách nhiệm tiếng nói của tất cả các quốc gia có liên
quan về nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc song
phương bên lề nhằm trao đổi ý kiến xung quanh các vấn đề đang nổi lên,
như vấn đề xây dựng phát triển, vấn đề chiến lược và can dự của các nước
lớn hay vấn đề Biển Đông. Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi được lắng
nghe những ý kiến xung quanh những vấn đề như vậy để chúng ta nắm được
xu thế chung đối với khu vực của chúng ta, đồng thời chúng ta cũng bày
tỏ quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước xung quanh những vấn đề mà
thế giới và khu vực đang quan tâm. Trong các cuộc tiếp xúc thì đầu tiên
là chúng ta tập trung thúc đẩy hợp tác song phương, bàn những biện pháp
cụ thể để tăng cường hợp tác với các quốc gia.”
Đây là một thái độ rất khác thường của phía Việt Nam, nước bị Trung Quốc
chèn ép và lấn đất, dành biển nhiều nhất ở Biển Đông mà lại không công
khai phát biểu lập trường bảo vệ lãnh thổ của mình thì ai muốn giúp?
Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ dám đi nước cờ “hậu trường” để hy vọng Trung Quốc sẽ nương tay.
Tướng Vịnh tiết lộ việc họp với Phái đoàn Trung Quốc như thế này: “Có
thể ví dụ một số cuộc tiếp xúc song phương có kết quả rất tốt, như với
Trung Quốc. Tại cuộc gặp với đoàn Trung Quốc, hai bên đã bàn những giải
pháp cụ thể để thực hiện những cam kết của hai bộ trưởng quốc phòng đã
thống nhất trong giao lưu quốc phòng vừa qua. Bên cạnh đó, hai bên cũng
thống nhất những nội dung như nghiên cứu chiến lược chung, đào tạo và
bồi dưỡng cán bộ, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và trong một số
nội dung khác hai bên cũng đạt được sự thống nhất. Chúng tôi cũng đã bàn
về việc chuẩn bị để tháng 9 tới, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức đối
thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng tại Hà Nội, làm thế nào để
những cuộc đối thoại chiến lược này đóng góp thực chất vào việc tăng
cường mối quan hệ hai nước, song đồng thời cũng để giải quyết những vấn
đề còn vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề trên biển.”
Nói riêng về tranh chấp Biển Đông, tướng Vịnh xác nhận: “Về vấn đề
Biển Đông, đoàn Việt Nam đã đề cập một cách thẳng thắn, trung thực, trên
tinh thần xây dựng với đoàn Trung Quốc về những quan ngại của chúng ta
liên quan đến vấn đề Biển Đông. Và chúng tôi cũng đưa ra những đề xuất
mang tính chất xây dựng, trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược toàn
diện giữa Việt Nam và Trung Quốc để làm sao quân đội không làm tình hình
căng thẳng hơn. Ngược lại, quân đội hai nước phải tham mưu cho Đảng và
Nhà nước hai bên để xoa dịu tình hình, trước hết là không để xảy ra căng
thẳng, và tuyệt đối không để xảy ra xung đột. Sau đó, hai bên từng bước
tìm ra giải pháp để hợp tác trên những khu vực đã được phân định mà hai
bên đã thống nhất, như là tuần tra chung, hợp tác cảnh sát biển, tổ
chức tìm kiếm cứu nạn...”
Những điều ông Vịnh nói không có gì mới mà chỉ lập lại đường đi lối bước
“nhũn như con chi chi” của phía Việt Nam đối với hành động bành trướng
lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng, như đã chứng minh ở Biển Đông, mặc cho
Việt Nam năn nỉ ỉ ôi, Trung Quốc vẫn lấn chiếm ngày một thô bạo và mau
chóng khiến cho biển đảo Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc mỗi ngày một
nhanh, bất chấp những cam kết đã ký với Việt Nam từ trước.
Vậy mà ông Vịnh vẫn khiếm tốn nói với Tôn Kiến Quốc tại Shangri-La: “Chúng
tôi cũng trao đổi với phía Trung Quốc rằng vấn đề Biển Đông cần phải
được giải quyết tuân thủ theo luật pháp quốc tế và mỗi bên cần phải tự
kiểm soát hành vi của mình, đừng để hành vi của mình phải buộc phía bên
kia lên tiếng. Điều này là rất không hay đối với hai nước láng giềng vốn
có truyền thống tốt đẹp Việt Nam và Trung Quốc, thì chúng ta cũng không
nên để việc như vậy xảy ra. Chúng tôi đã trao đổi vấn đề như vậy với
đoàn Trung Quốc và họ cũng ghi nhận một cách tích cực. Chúng tôi tin
rằng, những thông tin đó sẽ được báo cáo lên lãnh đạo Quân ủy Trung ương
Trung Quốc.”
Người đứng đầu Quân ủy Trung ương Trung Quốc không ai khác hơn là Tập
Cận Bình, Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa. Họ Tập từng
nghiêm chỉnh lập lại quan điểm nhất quán của Lãnh tụ Đặng Tiều Bình đối
với Biển Đông rằng “biển của ta, hãy gác tranh chấp cùng khái thác”.
Ông Tập Cận Bình cũng chỉ thị cho Quân đội phải “bảo vệ quyền lợi biển” là cốt lõi của Trung Quốc.
Như vậy đã rõ chưa mà ông Vịnh và lãnh đạo CSVN cứ tiếp tục ngây ngô vuốt râu cọp?
Carter-Trọng-Sang
Nhưng đối với hai ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang thì họ đã nhìn vấn đề Biển Đông như thế nào rong cuộc
tiếp Bộ trưởng Ashton Carter ngày 01/06/2015?
Theo tin chính thức của phía Việt Nam thì không thấy nói đến tuyên bố
của ông Trọng liên quan đến Biển Đông trong cuộc họp với ông Carter.
Tin từ TTXVN cho biết ông Carter nhìn nhận: "Hợp tác giữa hai nước đã
đạt được nhiều tiến triển tích cực, kể cả trong lĩnh vực an ninh-quốc
phòng; khẳng định Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan
hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Bộ trưởng tán thành sự cần thiết tăng
cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh tầm quan
trọng và ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng
hải, hàng không trong khu vực và những diễn biến gần đây ở Biển Đông, Bộ
trưởng Quốc phòng Ca-tơ thông báo cho Tổng Bí thư kết quả tham dự Diễn
đàn Shang-ri La tại Xinh-ga-po vừa qua và tái khẳng định quan điểm ủng
hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao và trên
cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế."
Về phần mình, ông Trọng đã: "Khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng
và Nhà nước Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vì
lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển
trong khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư ghi nhận sự hợp tác của
Chính quyền, Quốc hội và nhiều tổ chức, cá nhân Hoa Kỳ nói chung trong
việc tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh; đồng thời cũng hoan nghênh
sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ với Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong
đó có việc rà phá bom mìn, tẩy độc môi trường, hỗ trợ nhân đạo và tìm
kiếm quân nhân mất tích. Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết phía Hoa Kỳ
nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này nhằm tăng cường lòng tin và sự hiểu
biết lẫn nhau, tạo cơ sở cho sự phát triển của quan hệ song phương,
trong đó có lĩnh vực quốc phòng."
Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với ông Trường Tấn Sang thì vấn đề Biển Đông đã được ông Sang nêu lên.
Tin TTXVN viết ông Sang đã: "Đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục có sự hỗ trợ cần
thiết cho Việt Nam trong quá trình tăng cường năng lực của các lực
lượng thực thi pháp luật trên biển. Chủ tịch nước cho rằng hai bên cần
tăng cường trao đổi thông tin trên các kênh thích hợp về các vấn đề quan
tâm.
“Trao đổi về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước nhấn mạnh qua theo dõi
tình hình, dư luận khu vực và thế giới đều thấy rằng Biển Đông là một
trong những vấn đề đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Việt Nam luôn theo
đuổi chính sách xây dựng đất nước phồn thịnh, độc lập, tự chủ, mong muốn
hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở đoàn kết và hữu nghị, đây là lập
trường nhất quán của Việt Nam. Các tranh chấp trên biển Đông cần được
giải quyết trên cơ sở đối thoại hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế,
nhất là Công ước về luật biển 1982 của LHQ, nghiêm túc thực hiện DOC và
sớm đi đến COC."
Bản tin viết tiếp lời ông Sang nói với ông Carter: “Chủ tịch nước
nhấn mạnh, trên diễn đàn quốc tế, chúng ta nghe nhiều đến khái niệm tự
kiềm chế, không làm phức tạp tình hình và Việt Nam là quốc gia nghiêm
chỉnh thực hiện điều đó. Thái độ của Việt Nam là rõ ràng, phản đối mạnh
mẽ các hành động làm thay đổi nguyên trạng, vi phạm nghiêm trọng luật
pháp quốc tế, đó là chưa kể việc có một số người tuyên bố việc thay đổi
hiện trạng, tôn tạo đảo có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Chủ tịch
nước khẳng định, sự phi lý của đường đứt khúc 9 đoạn đang làm phức tạp
thêm tình hình, Việt Nam hoan nghênh tất cả các nước ủng hộ lập trường
của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp mới nảy
sinh trên biển Đông.”
Ông Sang không nói tên Trung Quốc, nhưng rõ ràng ông đã chỉ trích hành
động và chủ trương của Bắc Kinh muốn kiểm soát gần toàn bộ diện tích
trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông mà họ đã tự vẽ trong hình Lưỡi Bò,
hay còn được gọi là đường 9 đoạn.
Ông Sang cũng đề nghị với ông Carter rằng: "Hai bên cần có những việc
làm cụ thể thiết thực như kết thúc TPP, bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận
vũ khí sát thương đối với Việt Nam.”
TPP, hay Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp
ước Đối tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương) bao gồm 12 quốc
gia gồm Brunei, Chile (Chí Lợi), New Zealand (Tân Tây Lan), Singapore
(Tân Gia Ba), United States (Hoa Kỳ), Australia (Úc Đại Lợi), Peru, Việt
Nam, Malaysia (Mã Lai Á), Mexico, Canda (Gia Nã Đại) và Japan (Nhật
Bản).
Khối kinh tế này đang có những cuộc thương thuyết vào giai đoạn chót và
hy vọng kết thúc trong năm nay (2015) sẽ là một địch thủ có khả năng
thách thức đối với kế hoạch bành trướng ảnh hưởng kinh tế của Trung
Quốc ở Á Châu và Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Carter thì nói với ông Sang rằng hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua:
"Là những tín hiệu tích cực và thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ nhằm tăng
cường hợp tác hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ có quan điểm khá tương đồng
liên quan đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, và
mong muốn rằng hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ về vấn đề này.”
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Carter đã công bố cung cấp 18 triệu
dollars cho Cảnh sát biển Việt Nam mua tàu tuần tra cao tốc Metal Shark
của Mỹ. Và Mỹ cũng giúp Việt Nam xây dựng trung tâm huấn luyện gìn giữ
hòa bình cho quân đội Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ sớm cử chuyên gia gìn giữ hòa bình công tác
thường trực tại tòa Đại sứ Mỹ để phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng
Việt Nam trong công tác huấn luyện quân đội Việt Nam tham gia các phái
bộ của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, những việc làm này của Mỹ hay việc Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí sát
thương phòng thủ cho Việt Nam sau này không có nghĩa là Lãnh đạo đảng
CSVN sẽ tìm đường thoát khỏi bao vây của Bắc Kinh.
Bởi vì Việt Nam vẫn còn khăng khăng bảo vệ lập trường quốc phòng 3 không gồm: "Không
tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ
nước nào; không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa
vào nước nào để chống nước khác."
Chủ trương này có vẻ là khôn ngoan đấy, nhưng Việt Nam sẽ phải đứng một
mình giữa ngã 3 đường ở Biển Đông, hay giữa gọng kìm Trung-Mỹ để nhìn
biển đảo Việt Nam mất dần vào tay Bắc Kinh thay vì có thể lấy lại những
gì đã mất. -/-
04/06/2015
0 comments:
Post a Comment