Wednesday, June 4, 2014

'Nhiều người Mỹ hối tiếc vì Hoàng Sa 1974'



• Trung Quốc muốn khẳng định vị thế siêu cường quân sự số một thế giới, theo giới quan sát.
Trước những gì Trung Quốc đang thể hiện ở Biển Đông, Hoa Kỳ nay thấy 'hối tiếc' vì từng 'bật đèn xanh' để Trung Quốc chiếm thuận lợi các đảo ở Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1974, theo một nhà phân tích tình hình châu Á và Trung Quốc từ Mỹ.

Hoa Kỳ có vẻ đã đánh đổi một lợi ích ngắn hạn, để ngày nay nhận lấy việc để cho vị thế quân sự và chính trị chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương bị Trung Quốc thách thức, vẫn theo ý kiến này.

• Trao đổi với BBC hôm 02/6/2014 từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
"Theo tôi biết, trong nội bộ hai đảng ở Mỹ là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đúng là có nhiều người nuối tiếc."
"Lúc đó Mỹ đang chơi lá bài Trung Quốc và Mỹ kéo những chiến hạm của họ ra xa để họ không can dự, để cho Trung Quốc có thể đánh chiếm.
"Khi Trung Quốc lấy quần đảo Hoàng Sa, chiếm một số đảo ở Hoàng Sa và chiếm một số đảo ở Trường Sa, là cố tình để xây dựng cơ sở để chiếm lĩnh toàn bộ Biển Đông, gây mất an ninh và bắt chẹt thế giới."

Theo Giáo sư Long, xâu chuỗi các sự kiện qua nhiều năm, có thể thấy những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông nay đã là một vấn đề an ninh ở cấp độ thế giới mà không chỉ còn riêng ở tầm khu vực.

Ông nói: "Đây là vấn đề an ninh của khu vực, vấn đề an ninh của toàn thế giới, chứ không chỉ là vấn đề Trung Quốc đặt một giàn khoan hay là vấn đề tranh cãi chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc về đảo Hoàng Sa."

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng chính giới Mỹ đã nhận ra 'lỗi lầm' khi tính toán sai và để Trung Quốc nay có điều kiện thuận lợi 'thách thức' và 'lấn lướt' Mỹ ở khu vực, đe dọa an ninh quốc tế. Nhưng nhà phân tích cũng liên hệ trách nhiệm với quốc tế và ở khu vực của Việt Nam trong đối sách với các thách thức của Trung Quốc.

Ông Long nói: "Lúc đó, Mỹ vẫn còn chơi lá bài Trung Quốc, Mỹ ủng hộ Trung Quốc rất mạnh. Nhưng bây giờ là lúc khác, bây giờ mọi người thấy rõ ràng rằng năm 1974 và năm 1988, và sau đó Mỹ để cho Trung Quốc chiếm một số đảo của cả Philippines là những lỗi lầm. Bây giờ Mỹ và các nước trong khu vực thấy đây là lỗi lầm, mà bây giờ họ thấy đây là sự đe dọa cho cả khu vực và cho cả thế giới.
"Nếu bây giờ Việt Nam không cương quyết, tôi nghĩ đây đúng là lúc mà không phải chỉ có một, hai, ba hay bốn người trong lãnh đạo ở Việt Nam sẽ bị lịch sử lên án sau này, mà nhiều người trên thế giới sẵn sàng lên án Việt Nam là không giúp họ bảo vệ an ninh trong khu vực và cho thế giới mà lại ỡm ờ."

Hôm 30/5, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng nói với hãng tin Mỹ Bloomberg rằng Việt Nam đã 'chuẩn bị xong' các bằng chứng và đã sẵn sàng để kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Trong khi đó, hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói với diễn đàn Shangri-La rằng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn 'tốt đẹp' và kêu gọi Trung Quốc 'cùng đàm phán' với Việt Nam về vụ hạ đặt giàn khoan.

Bình luận về những phát biểu này, Giáo sư Long nói:
"Tôi hy vọng rằng Việt Nam nói nhún nhường như thế, nhưng lại có đi đêm phía sau, tất nhiên nói nhẹ nhàng như vậy để mua thời gian, nhưng đằng khác chuẩn bị để có những quan hệ tốt hơn với Nhật Bản, Philippines, Malaysia và qua đó với Mỹ...
"Bề ngoài nói như vậy là một chuyện khác, nhưng tôi mong rằng phía bên trong có những bước đi chắc chắn, chứ nếu một sự thoái lui... thì cái đó rất đáng tiếc cho đất nước."

'Nước cờ không thể thối lui'

Về khả năng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể có 'thỏa thuận ngầm' để Việt Nam không kiện, nhà phân tích bình luận:
"Không biết là lãnh đạo Việt Nam có nghĩ là họ có thể đàm phán song phương với Trung Quốc hay không, nhưng nếu họ làm như thế thì Việt Nam sẽ cô lập mình đối với toàn thế giới và như vậy Việt Nam sẽ bị Trung Quốc càng ngày càng bắt chẹt.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam đã sẵn sàng kiện Trung Quốc.
"Đây là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam để chứng minh cho thế giới biết rằng khi Trung Quốc lấy đảo Hoàng Sa và chiếm một số đảo ở Trường Sa là cố tình để xây dựng những cơ sở ở đó để chiếm lĩnh toàn bộ Biển Đông, gây mất an ninh và bắt chẹt thế giới."

Theo Giáo sư Long, đây là thời điểm quyết định để Việt Nam xử lý dứt điểm vấn đề chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Ông nói:
"Đây là một cơ hội rất tốt để Việt Nam vận động sự ủng hộ của thế giới. Bây giờ thụt lùi, thì rõ ràng không những mất mặt cho Thủ tướng Dũng, mà còn cho các nước khác thấy là họ 'bị lừa' hay sao đấy."

Ông nói tiếp: "Tôi nghĩ rằng đã dũng cảm nói ra rồi, dân chúng ủng hộ rồi, thế giới họ cũng vỗ tay rồi, mà bây giờ rụt đi nữa, thì không những anh mất tiếng đối với thế giới, mà anh cũng để cho những đối thủ của anh ngay trong nước dùng cái đó để tấn công anh để hạ anh.

"Tôi nghĩ rằng những người ủng hộ đường lối của Thủ tướng nên thúc đẩy Thủ tướng. Nghĩa là đây là nước cờ cũng như là nước cờ cuối rồi mà anh đã đi một nước cờ như vậy, mà anh lại thối lùi nữa, anh sẽ không những thua mà lại có hại cho đất nước nữa,"
Giáo sư Long nói với BBC.

0 comments:

Powered By Blogger