Monday, May 14, 2012

TUYÊN BỐ CỦA ÔNG HÀO KHÔNG ĐÁNG ĐỒNG XU


PHẠM DUY NGHĨA

Cảnh nhà báo Hán Phi Long bị đánh hội đồng

Chỉ cần đọc cho kỹ tường trình của nhà báo Hán Phi Long phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam ( VOV) về vụ việc bị công an, dân phòng và những người mang thường phục đánh dã man và bài bình luận trên Tuổi Trẻ, là có thể biết được vì sao mình lại đặt tiêu đề: Tuyên bố của ông Hào ( Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên) không đáng đồng xu khi dám nói với Thủ tướng, với nhân dân cả nước, cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang an toàn, thành công, và hùng hồn khẳng định kẻ xấu kích động, thế lực thù địch phối hợp dựng clip giả để nói xấu chính quyền.
Nguyên văn bản tường trình sự việc của nhà báo Hán Phi Long:

“Chúng tôi đến xã Xuân Quan vào khoảng 9h00 sáng, sau khi từ trên đê rẽ phải theo con đường bê tông đi vào trong làng, đi được khoảng mấy trăm mét, tôi thấy rất đông người dân đang đứng ngoài đường với vẻ mặt rất căng thẳng, chúng tôi không thể đi tiếp vào được. Sau đó tôi đã quay xe lại, để xe vào sâu trong một con ngõ nhỏ là cổng của 1 hộ dân, tôi khóa xe và lấy máy ảnh nhỏ du lịch mang theo.


Nhà báo Hán Phi Long trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa

Khi ra đường tôi mới biết đây là đoạn đường cuối của thôn để ra cánh đồng. Đứng quan sát tôi thấy cách đó khoảng 25-30m, đối diện với những người dân là lực lượng cưỡng chế thi hành bao gồm công an mặc cảnh phục, cảnh sát hình sự có khiên đỡ và cả lực lượng mặc thường phục, (có người đeo băng đỏ, người không đeo), có người mang camera, máy ảnh quay phim.
Khi đó tôi thấy tình hình rất căng thẳng, một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng.
Do sợ khi đứng lẫn trong đám đông này kiểu gì cũng bị “tai bay vạ gió” vì rất hỗn loạn, tôi và anh Năm đã đi vào Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện), cách đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát.
Sau đó tôi lấy máy ảnh, ra đứng trên tường bao sân của nhà văn hóa đang xây dở để chụp 2 kiểu ảnh làm tư liệu. Lực lượng cưỡng chế từ phía cánh đồng và nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Một nhóm cảnh sát và cảnh sát cơ động lúc này từ trong nghĩa trang liệt sỹ trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa. Lúc này tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng, tay cầm máy ảnh du lịch đứng tại hành lang nhà văn hóa không chụp ảnh nữa. Đi đầu nhóm cưỡng chế tiến về phía tôi đứng là hai công an, một anh thấp nhỏ đeo lon thượng úy đến bên tôi.
Một ai đó chửi và hỏi: “Đ. M thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?” Tôi trả lời ngay:“Tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam” 2 lần. Nhưng họ không nghe, rồi xốc nách tôi kéo về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Lúc này tôi nói lớn hơn, liên tiếp: “Tôi là nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích chứ sao lại lôi tôi thế này”? Liền đó, mấy công an viên và những người mặc thường phục khác lao vào, chửi: “Đ.M mày giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con mẹ mày đi”.

Ngay sau đó nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cũng bị đánh

Một người lao vào giật máy ảnh trên tay tôi, nhiều công an và người không mặc sắc phục lao vào dùng dùi cui, tay không đấm, đạp, vụt vào mặt, người tôi, lên gối vào ngực tôi, liên tiếp đấm đá, vụt tôi rất mạnh. Lúc này tôi đau quá, máu trên mặt chảy ướt hết áo và quần của tôi, tôi choáng váng gục ngã vào chân tường rào của nghĩa trang liệt sỹ.
Mấy bà cụ đứng cạnh đó để xem vụ cưỡng chế thấy vậy mới hô hoán lên rằng, “sao đánh người vô cớ thế, đánh chết người ta rồi”…Thấy vậy, anh Năm lúc đó mới chạy ra và hô hoán nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.
Sau khi gục xuống đường, mấy công an kia bỏ tôi ra và lao về phía anh Năm đánh anh Năm, khi đó chỉ còn vài công an ở chỗ tôi, tôi đã bám theo mấy cụ già kia trốn vào trong một vườn cây gần đó.
Thấy máu trên mặt tôi vẫn chảy rất nhiều, mấy bà cụ liền bảo là phải vào trạm xá gần đây để băng bó lại, không thể để thế được và đưa tôi đi vòng phía mấy vườn cây vào phía sau trạm xá. Vào đến nơi, tôi được mấy nữ nhân viên y tế ở đây sơ cứu, lau vết rách trên môi cho tôi và bảo “Chảy máu nhiều như thế thì nên nằm xuống nghỉ tí đi cho đỡ choáng váng đã”. Sau khi nằm khoảng 10 phút, tôi lấy điện thoại gọi cho anh Năm, nhưng gọi mãi không được.

Những người tham gia hành hung 2 nhà báo mặc sắc phục công an, mang theo gậy và đội sẵn mũ bảo hiểm

Lo cho anh Năm nên tôi lại đội mũ bảo hiểm vào và đi ra phía cổng trạm xá. Lúc này lực lượng cưỡng chế là công an, cảnh sát cơ động vẫn đứng rất đông ở đó, tôi thấy có một người đeo quân hàm thượng tá cảnh sát cơ động, tôi trình thẻ phóng viên Đài TNVN ra và nói: “Chúng tôi là phóng viên Đài TNVN xuống đây có 2 người, nhưng vừa rồi trong lúc chúng tôi bị công an đánh, có đồng chí Ngọc Năm là Trưởng phòng của tôi cũng bị đánh và hiện tôi không thể liên hệ được, các anh ở đây có thể liên hệ ra phía ngoài được hỏi cho tôi tình hình và đề nghị đừng đánh phóng viên nữa”. Ông thượng tá kia nói đang “như thế này thì không biết đâu, không giải quyết gì cả”, rồi quay đi.
Lúc này tôi rất hoang mang và lo cho anh Năm, vì tôi đã thoát ra ngoài được còn anh Năm thì không thể liên lạc được, tôi quay vào trong trạm xá, ngồi đó một lúc. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm, sau đó cũng thấy nhấc máy, anh Năm hỏi: “chú thế nào rồi, có bị bắt không? Tôi nói em trốn thoát rồi, không bị bắt. Anh Năm nói anh bị bắt, còng tay, đang trên xe thùng về công an huyện rồi. Em về ngay công an huyện để trình báo cho họ biết”

Sau khi bị đánh, anh Long ngã gục và được người dân địa phương cứu thoát, còn anh Năm bị còng tay và đưa về trụ sở Viện kiểm sát huyện Văn Giang, Hưng Yên

Lúc này máu trên mặt tôi vẫn tiếp tục chảy ra, nhưng tôi cũng cố lại đi vòng qua sau một số vườn cây của những hộ dân ở đây, để ra ngoài đường (tôi thật sự lại bị bắt và đánh tiếp). Sau đó đi xuống công an huyện Văn Giang. Tại đây sau khi trình thẻ ở cổng công an cho người bảo vệ, tôi được chỉ vào trong một phòng của đội cấp chứng minh nhân dân, tại đây tôi được một công an đeo quân hàm cấp úy tiếp.
Tôi trình thẻ phóng viên, trình bày sự việc cho anh này, sau đó anh này bảo tôi ngồi đợi và vào báo cáo lãnh đạo. Anh này cầm thẻ phóng viên của tôi đi khoảng nửa tiếng, sau đó quay lại đưa cho tôi. Bảo đợi “sếp” làm việc.
Tôi ngồi ở đó hơn 1 tiếng đòng hồ, không thấy ai nói gì, ra làm việc hay hướng dẫn tôi đi đâu. Lúc này tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm và nói rằng: “Em đang ở công an huyện Văn Giang đây, anh ở đâu” anh Năm nói “anh đang bên Viện kiểm sát, em sang đây đi”. Tôi lại đi sang Viện kiểm sát, ngồi đợi ở đây một lúc. Tôi hỏi mấy nhân viên ở đây, họ nói “Có anh Năm đang ở đây và đang làm việc với cơ quan công an, anh cứ ngồi ngoài chờ đi”.
Tôi chờ khoảng gần 1 tiếng, thấy lâu quá tôi liều đi vào phòng nơi đang lấy lời khai của anh Năm. Lúc này có 1 viên công an đang ghi biên bản lời khai của anh Năm, thấy mặt mũi tôi máu me bê bết, sưng tấy nhiều chỗ, anh Năm nói “Đây là phóng viên Phi Long, bị công an đánh đến thế này đây”, lúc đó khoảng 12 giờ trưa.
Sau khi lấy lời khai của anh Năm xong, đến phần việc của bác sĩ vào kiểm thể (kiểm tra thương tích) thấy tôi như vậy, anh Năm đề nghị kiểm tra cho 2 người. Hai người được nói là bác sĩ đến kiểm tra thương tích, ghi biên bản xong. Lúc này trên mặt tôi máu vẫn rỉ ra khóe miệng; mặt mũi sưng phù nề, quần và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được “mời” đi bộ sang trụ sở Công an huyện Văn Giang.
Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được mời ăn cơm hộp với công an. Tôi nói, bị đau, không thể há miệng được nên không thể ăn được cơm được, các anh cho tôi hộp sữa để tôi uống”.
Sau đó, anh Năm và anh Long được tách ra đưa đến 2 phòng khác nhau để lấy lời khai.
Đầu giờ chiều, tôi được một Đại úy (không đeo biển hiệu) giới thiệu tên Trưởng, Phòng Hình sụ công an Hưng Yên lấy lời khai của tôi.
Tôi được anh Trưởng hỏi “Ai cử các anh về đây làm việc, có giấy quyết định gì không?”. Trả lời, “Tôi được Trưởng phòng là lãnh đạo trực tiếp của tôi phân công về đây”. Hỏi ai cử trưởng phòng anh đi. Tôi nói bên chúng tôi làm việc rất nguyên tắc, cấp trên của Trưởng phòng cử đi”.
Anh Trưởng hỏi “Anh có thấy chúng tôi cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không thấy! Và nếu có thì việc làm đó là không đúng luật, vì không ai cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác, khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường”.
Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh có biết không?”. Trả lời “Tôi không biết gì về quy định này, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào, ai ký gửi đến cho các cơ quan báo chí. Nên tôi đến đây là hoàn toàn phù hợp và đúng theo Luật quy định”.
Hỏi “Hôm qua anh có đi dự buổi họp báo của tỉnh Hưng Yên không”. Tôi trả lời “Tôi không đi dự, có người khác nên tôi không biết”.
Hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?”. Tôi trả lời “Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng ”.
Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị Công an đưa tôi đi chiếu chụp tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối giờ chiều hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các giấy tờ tùy thân. Trước đó, họ đã xóa mấy bức ảnh tôi chụp.
Sau khi tôi đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu tá, đội trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Ngay lúc đó anh Năm đã viết 1 bản kiến nghị lên lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc, anh Tiến đã tiếp nhận đơn và hứa chuyển cho lãnh đạo xem xét. Chúng tôi về đến cơ quan khoảng hơn 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi được anh Năm mua cho một chiếc áo sơ-mi để thay chiếc áo có nhiều vết máu, đứt khuy áo trước khi về nhà.
Những ngày sau, tôi phải nghỉ ở nhà điều trị vết thương và bớt căng thẳng. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm. Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh trong Clip là phóng viên VOV.
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam vào chiều 9/5, anh Long không giấu được sự xúc động: “Chính nhân dân là người cứu chúng tôi”.
______________________________
Khi nhà báo bị đánh
TT – Khi không thể chối cãi mãi được nữa, chính quyền tỉnh Hưng Yên bắt đầu lấy làm tiếc về việc lực lượng cưỡng chế ở Văn Giang đánh người.
Thật trớ trêu, người bị đánh đòn đau lại là hai nhà báo từ trung ương. Mặt mày sưng húp rồi cũng sẽ lành, song nỗi đau tinh thần sẽ mãi ê ẩm với cảnh đánh đập hung tợn này.
Các cơ quan báo chí nước ta rất dè dặt, chưa dám phanh phui những nhức nhối ẩn sau vụ thu hồi đất mang tính kinh điển này.
Một ống kính bí hiểm đã chộp lấy cảnh hành hung, sau khi được tung lên mạng, đoạn video clip lan truyền nhanh chóng, dần dần lộ ra danh tính của các nạn nhân. Không có đoạn video clip đó, không có sự phản ứng của công chúng, nếu người bị hại cũng cam nín lặng, ai dám tin rằng ở đất nước chúng ta hàng chục dân phòng và cảnh sát lại xúm vào đánh hội đồng một người không có khả năng kháng cự giữa thanh thiên bạch nhật.
Người ta bảo ánh nắng làm chết vi trùng. Bưng bít thông tin chỉ làm cho sự gian trá lên ngôi. Ngày nay với chiếc điện thoại di động bé xíu, một người nông dân vốn quen cày cuốc bỗng chốc có thể trở thành nhà báo công dân. Mẩu video clip trở thành chứng cứ buộc chính quyền tỉnh Hưng Yên phải đối mặt với sự thật, đối mặt với trách nhiệm giải trình.
Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố xây dựng một chính quyền minh bạch. Báo chí là một trụ cột góp phần tạo nên sự minh bạch ấy. Muốn làm được điều đó, nhà báo phải có quyền được an toàn, được tự do hành nghề. Luật pháp Việt Nam không hề thiếu những cam kết đó.
Đối mặt với những thế lực không ưa sự minh bạch, nguy cơ nhà báo bị cản trở tác nghiệp tự do, bị mua chuộc, bị đe dọa hoặc thậm chí bị đánh là những rủi ro nghề nghiệp thường thấy. Theo một nghiên cứu của Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam công bố tháng 10-2011, có tới 12 loại hành vi cản trở báo chí tác nghiệp rất phổ biến ở Việt Nam. Trong số các hành vi cản trở đó, đe dọa, giữ người, khủng bố tinh thần nhằm vào cá nhân và người thân trong gia đình nhà báo, trả thù phóng viên do viết bài phanh phui tiêu cực là các hành vi thường xảy ra. Vì lẽ ấy, dấn thân cho một nền báo chí trung thực và có trách nhiệm trước công chúng quả thật là một cam kết không kém phần nguy hiểm.
Hành vi hành hung nhà báo không chỉ làm tổn thương sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân người bị hại. Đằng sau báo chí là hàng triệu người dân với quyền được biết về những gì đang xảy ra trên đất nước này. Mỗi nhà báo bị đánh là ẩn chứa một mưu đồ bưng bít thông tin. Không được biết, không được bàn thì khó giám sát, quyền lực thật sự của nhân dân sẽ bị cản trở ngay từ quyền được tiếp cận thông tin. Vì lẽ ấy, những hành vi hành hung nhà báo cần bị nghiêm trị bởi pháp luật và lên án bởi toàn xã hội.
Hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang, thêm một lời cảnh báo để xây dựng một chính quyền mạnh. Chúng ta cần chung tay xây dựng một xã hội có năng lực phản kháng chống lại những điều ác, bất công vẫn còn nhởn nhơ tồn tại.
PHẠM DUY NGHĨA

0 comments:

Powered By Blogger