Wednesday, May 16, 2012

Phục Luật Sư, Uất Độc Long


Sreeram Sundar Chaulia – Times of India, PBD dịch
Vụ ông Trần Quang Thành, người luật sư mù bất đồng chính kiến, vượt thoát khỏi vòng quản thúc tại gia ở tỉnh Sơn Đông đến tạm trú trong tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, đã khiến cho thế giới lại chú ý đến tình trạng thiếu nhân quyền của Trung Cộng. Những vụ này cũng đã đã gây ra ngột ngạt trong mối bang giao giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ.
Một nước mà bỏ tiền chi tiêu vào việc theo dõi người dân trong nước còn nhiều hơn cả lãnh vực quân sự quốc phòng, và có nhiều tù nhân chính trị nhất trên thế giới thì muốn giấu giếm rất nhiều chuyện. Thủ đoạn ngoại tư pháp nhằm quản thúc tại gia những người vận động, ngay cả sau khi họ đã phải ngồi tù để thi hành các bản án ‘pháp luật’ dành cho họ, không phải chỉ xảy ra đối với ông Trần hay người đoạt giải Nobel là ông Lưu Hiểu Ba. Hàng trăm người đã dám nêu lên sự thật về quyền thống trị độc tài của Trung Cộng khiến nhà cầm quyền khó chịu cũng đã bị cùng số phận như vậy. Nếu những người can đảm đó được tự do viết và nói, họ ắt đã làm hỏng mục tiêu về một “xã hội hòa thuận” của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Trần là nạn nhân của cơn tức giận của một nước độc đảng vì ông ta đã phơi bày ba việc độc ác của họ, tức là việc tước đi các quyền sinh sản bằng chính sách một con được áp dụng từ năm 1979; bỏ rơi những người tật nguyền hoặc mất khả năng; và các hạn chế về quyền tự do tôn giáo bằng cách đàn áp tín ngưỡng nào không được Đảng Cộng Sản tán thành.
Ông Trần đã làm nhà cầm quyền tức giận hồi năm 2005 vì ông khởi kiện thay mặt các công dân bị cán bộ nhà nước buộc phải phá thai và triệt sản. Ủy Hội Kế Hoạch Gia Đình chính thức của Trung Cộng cho biết họ đã ngăn ngừa được hơn 400 trường hợp sinh sản, nhưng không nhìn nhận là đã áp dụng các biện pháp cưỡng bách và tra tấn rất nhiều người trong tiến trình này. Ông Trần đã bị gọi là bù nhìn bị “các lực lượng ngoại quốc chống Trung Cộng” giật dây để lên tiếng bênh vực cho nông dân nghèo có gia đình bị các viên chức đảng tại địa phương giữ làm con tin vì chống lại các biện pháp kiểm soát dân số.
Trớ trêu thay, việc Đảng Cộng Sản thực thi quá triệt để chính sách một con này lại đang tác hại đến viễn ảnh tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Cộng. Nhân khẩu tại Trung Cộng đã (số lần sinh con của mỗi phụ nữ) tụt xuống 1.7 và còn tiếp tục giảm hơn nữa. Đây là một lý do chính khiến nhiều người tin rằng Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Cộng về mặt tăng trưởng kinh tế, nếu không phải là GDP tuyệt đối, trong thập niên tới vì tỷ lệ nương tựa tương đối không thuận lợi của Trung Cộng (tỷ lệ số người làm việc với người không làm việc), mà tỷ lệ này lại chính là một yếu tố tùy thuộc vào mức sụt giảm dân số. Sinh suất của Ấn Độ khá cao là 2.7.
Ông Trần đã lên tiếng phản đối chính sách một con thật khắc nghiệt vì thương cảm những người bạn nông dân của mình. Nhưng vô tình ông cũng đưa ra giải pháp đảo ngược đường lối này, mà lẽ ra đã bảo vệ được tiềm năng kinh tế về lâu về dài cho Trung Cộng. Nay thì đáng tiếc là Đảng Cộng Sản đã làm hư hại mất tiềm năng này. Không thể phục sinh được số 400 triệu mạng người hoặc hơn nữa. Lợi tức đang gia tăng của người dân Trung Hoa có nghĩa là nay họ tình nguyện chọn cách có ít con hơn hoặc không có con. Nhà nước Trung Cộng có thể đàn áp để kềm chế mức tăng trưởng dân số trong hơn 30 năm qua. Nhưng không hề có trường hợp nước nào đột nhiên đảo ngược được đường lối để khuyến khích công dân của họ bắt đầu sinh con đẻ cái đông đúc hơn.
Lý do nữa khiến ông Trân trở thành cái gai đâm vào những người cầm quyền tại Bắc Kinh là việc ông bênh vực mãnh liệt cho người tàn tật. Ông đại diện cho những người tàn tật và đã thắng trong các vụ kiện các cơ quan nhà nước khi họ từ khước quyền lợi và không chịu bảo vệ người tàn tật. Chính sách một con và kỳ thị người tàn tật được liên kết với nhau, vì đảng cộng sản đã hết sức tàn nhẫn mà bắt buộc các phụ nữ tàn tật phải phá thai để tránh sinh ra “trẻ em không khỏe mạnh”. Ông Trần, và nhiều người khác như ông ta, đã lên tiếng chống đối các hành động bất nhân này nay đang phải trả một cái giá cho hành động chống đối của họ.
Yếu tố thứ ba, vốn đã làm cho ông Trần trở thành một mục tiêu đáng giá của nhà nước Trung Cộng, là lý tưởng của ông được ‘các nhà thờ tại gia’ hoạt động ngầm và các cơ quan Cơ Đốc Giáo Trung Hoa hải ngoại ủng hộ triệt để. Chính ông Trần thì không phải là người theo Cơ Đốc Giáo, nhưng việc ông đã phải chịu cùng các biện pháp trừng phạt như giáo dân Cơ Đốc không được Đảng Công Sản chấp nhận, đã tạo ra niềm cảm thông gắn bó giữa hai bên. Nhà cầm quyền Trung Cộng xem yếu tố Cơ Đốc này là âm mưu gây suy yếu quyền kiểm soát bằng bàn tay sắt của đảng đối với các hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo không được đảng chấp thuận – dù là Pháp Luân Công, Lão Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo hay Cơ Đốc Giáo – đều bị xem là các mối de dọa không đội trời chung vì các tôn giáo này có thể trở thành các nguồn động viên quần chúng để quảng bá các giá trị chống độc tài.
Cách đây hai năm, chính mắt tôi chứng kiến, thái độ lo âu hoang tưởng về việc kiểm soát triệt để tín ngưỡng này khi đảng tổ chức một cuộc viếng thăm kiểu Potemkin (1) đến các các ngôi chùa Phật Giáo ở ngoại ô Bắc Kinh cho du khách từ Ấn Độ. Trong cuộc thăm viếng “theo đúng đường lối của đảng” này tôi đã được giới thiệu gặp gỡ một ‘hòa thượng’ Phật Giáo mà hòa thượng này “tình cờ” cũng là một lãnh tụ đảng tại địa phương. “Hòa thượng” này chê bai Đạt Lai Lạt Ma và nhất định cho rằng Phật Giáo chỉ có thể phát triển dưới quyền lãnh đạo của đảng và những người hoạt động bên ngoài cơ cấu nhà nước là “không yêu nước”.
Vậy thì trường hợp ông Trần Quang Thành không phải chỉ là một vấn đề gai góc trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng mà còn phản ảnh rõ rệt nạn xuyên tạc và giả dối do thể chế độc tài bấy lâu nay áp đặt lên xã hội Trung Hoa. Con độc long này xụ mặt uất lên vì bị mất mặt trước quốc tế về cách đối xử với một người mù đáng thương. Nhưng người này lại chính là tiêu biểu của tinh thần tìm tự do của người Trung Hoa. 

Source:http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2012-05-09/edit-page/31627591_1_chen-guangcheng-china-beijing-s-american
________________________________
Chú thích của người dịch:
(1) Theo truyền thuyết thì vào năm 1787, Thống Đốc Grigory Potemkin của Nga đã ra lệnh dựng lên những ngôi làng giả tạo dọc theo bờ Sông Dnieper để che mắt Nữ Hoàng Catherine Đệ Nhị khi nữ hoàng viếng thăm xứ Crimea. Từ đó mà những trường hợp lập lên các kiến trúc hay làng mạc giả tạo để che mắt người khác hay được gọi là công trình kiểu Potemkin.

0 comments:

Powered By Blogger