Tuesday, May 15, 2012

Có thể bị phạm luật khi mang thực phẩm, tiền, vào Mỹ

Tác Giả: Ðỗ Dzũng_NV   
Những người Việt sau khi về thăm Quê Hương trở lại Hoa Kỳ xin đọc kỹ bài tham khảo này để tránh bị phạt vạ và có thể bì tù tội một cách oan uổng.

LOS ANGELES (NV) - Người nhập cảnh vào Mỹ, kể cả công dân Mỹ trở về, nhất là những ngày trước và sau Tết, nên cẩn thận khi mang theo hàng hóa và tiền, nếu không muốn bị phạt, bị tịch thu, thậm chí bị giam giữ.
Mang hơn $10,000 khi ra hoặc vào Hoa Kỳ phải khai báo với quan thuế.
Ðó là thông điệp của Cơ Quan Quan Thuế Hoa Kỳ (US Customs and Border Protection-CBP) tại phi trường quốc tế Los Angeles gởi cho khách du lịch, tại cuộc họp báo hôm Thứ Năm.

“Lời khuyên của chúng tôi là mọi người nên khai báo rõ những gì mình mang vào nước Mỹ,” ông Paul Nguyễn, một “supervisor” của CBP tại phi trường, nói. “Chúng tôi chỉ thi hành luật, chúng tôi không có chủ trương làm khó bất cứ ai.”

 
Trên $10,000 phải khai báo
Theo CBP, bất cứ ai ra hoặc vào nước Mỹ nếu mang tiền, hoặc bất cứ gì có thể được coi là tiền, ví dụ như ngân phiếu, “money order,” ngoại tệ, tiền lì xì trong bao giấy đỏ..., tương đương hơn $10,000 đều phải khai báo tại trạm quan thuế phi trường.

 

Một số thực phẩm bị tịch thu tại phi trường Los Angeles.

“Theo quy định, tất cả mọi người phải khai báo khoản tiền này, khi ra hoặc vào nước Mỹ. Xin nhắc lại, chỉ khai báo nếu mang trên $10,000. Chúng tôi chỉ làm việc thống kê. Chúng tôi không giữ số tiền này. Cho dù mang bao nhiêu cũng không sao. Ðiều quan trọng duy nhất là phải khai báo với chúng tôi,” ông Paul Nguyễn cho biết.

Khi khai báo có mang hơn $10,000, khách du lịch sẽ phải điền mẫu đơn 105, có tên “Report of International Transportation of Currency or Nonetary Instruments,” do nhân viên quan thuế cung cấp.




Nhung nai cắt thành từng lát, mang từ Việt Nam sang, bị CBP tịch thu.
Ông Paul Nguyễn nói thêm: “Sau khi khai xong mẫu đơn 105, quý vị có thể đi với số tiền này. Chúng tôi không giữ gì cả. Nhiều người không hiểu, sợ bị tịch thu, nên không chịu khai báo. Chúng tôi từng thấy du khách mang $200,000 vào Mỹ để đi đánh bài. Họ cũng phải khai theo luật định và vẫn được giữ số tiền này.”

“Nếu không khai báo và bị phát giác, số tiền sẽ bị tịch thu, và du khách có thể bị bắt,” đại diện CBP khẳng định.

 Một số thực phẩm cấm
Một số thực phẩm làm sẵn có thịt và trái cây hoàn toàn không được mang vào Hoa Kỳ, dưới bất cứ hình thức nào.


 

Ông Paul Nguyễn (giữa) và hai nhân viên quan thuế Mỹ với hai con chó đánh hơi thực phẩm.
Bà Lee Ann Harty, phát ngôn viên của CBP tại phi trường Los Angeles, giải thích: “Theo truyền thống, thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong dịp Tết Nguyên Ðán hoặc các dịp văn hóa truyền thống của người gốc Châu Á. Tuy nhiên, các loại thực phẩm có thịt heo, thịt vịt, thịt gà, trứng, tổ yến, nước súp, canh... và các loại trái cây, đều bị cấm ngặt tại các phi cảng.”

Tại buổi họp báo, CBP bày ra đủ thứ thực phẩm bị tịch thu, nào là bưởi, táo, rau, nhung nai, thịt khô, lạp xưởng... Ðặc biệt, có những bịch nhựa bên trong toàn là “kẹo,” nhưng nhân viên quan thuế cho biết đó thực ra là khô bò cắt thành miếng vuông!

Một trường hợp khác là một hộp giấy, bề ngoài cho thấy đựng nước trái cây, nhưng bên trong lại chứa thịt, theo nhân viên CBP. Cơ quan này còn trưng bày cả một dương vật của con nai, được phơi khô, bọc giấy kiếng, để trong hộp gỗ. Một bịch nhựa bên trong là một cặp nhung nai, trị giá cả ngàn đô la. Rồi một bịch nhựa nữa, bên trong là hàng trăm miếng nhung nai cắt mỏng, như những miếng cải khô, có dán miếng giấy với hàng chữ “Dear Horn from Vietnam ” (Sừng nai từ Việt Nam ).

Trên bàn cũng có một bịch “nấm,” có đề chữ bằng tiếng Hoa đàng hoàng, nhưng nhân viên quan thuế cho biết “nấm” này làm bằng thịt bò!

Ông Paul Nguyễn làm việc cho CBP hơn 10 năm và làm tại phi trường Los Angeles trong bảy năm qua, “nên hiểu khá rõ những gì du khách thường mang vào Mỹ, vào mùa nào hoặc vào dịp đặc biệt nào.”

“Tốt nhất là cứ khai báo. Ðừng bao giờ nghĩ là mình có thể 'qua mặt' quan thuế. Nếu vi phạm, thực phẩm bị tịch thu và người mang bị phạt $300,” ông Paul Nguyễn khuyên.

Cấm trái cây, rau, hạt, đất
Theo quy định của Bộ Nông Nghiệp, tất cả các loại trái cây, rau, hạt và đất đều bị cấm mang vào Hoa Kỳ vì có thể có một số vi khuẩn làm ảnh hưởng sức khỏe công cộng.

Ông Paul Nguyễn kể: “Mang trái cây và rau vào Mỹ hoàn toàn bị cấm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nếu du khách mua một trái táo ở một phi trường ngoại quốc trước khi lên máy bay vào Mỹ rồi không ăn. CBP có tịch thu trái táo này hay không tùy theo du khách mua nó ở đâu và sau đó du khách đi đâu. Ðiều này rất quan trọng vì trái cây và rau tươi có thể mang sâu hoặc bệnh tật vào nước Mỹ.”

Theo tài liệu của CBP, hồi thập niên 1980, một số trái cây từ vùng Ðịa Trung Hải đem vào Mỹ, có mang theo một loại sâu, tạo ra nạn dịch ruồi tại California . Kỳ đó, tiểu bang và liên bang tốn khoảng $100 triệu để làm sạch loại sâu này. Sau này, giới chức y tế khám phá loại sâu này nằm trong trái cây do một du khách mang vào.

Ðể biết loại rau trái nào bị cấm, du khách nên vào trang web của Bộ Nông Nghiệp để tìm hiểu.

“Tốt nhất là không mang trái cây tươi và rau tươi vào Mỹ,” CBP đề nghị.

Trên bàn trưng bày “chiến lợi phẩm,” quan thuế Hoa Kỳ bày nhiều bịch hạt giống như rau muống, tía tô, ớt hiểm, quế lá to, bồ ngót, xà lách... Có cả những bịch nếp than, gạo lứt. Tất cả đều do Việt Nam sản xuất.

Về những loại hạt, nếu có giấy chứng nhận đã được kiểm nghiệm, du khách có thể mang vào Mỹ được, theo nhân viên quan thuế.

 Dược phẩm cũng bị kiểm tra, có thể bị tịch thu
Tại buổi họp báo, nhân viên Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Thuốc (FDA) cũng trưng bày một số “chiến lợi phẩm” và giải thích loại thuốc nào được mang vào Mỹ và loại nào không.

Ông Dan Solis, giám đốc phụ trách nhập cảng của FDA tại phi trường Los Angeles , giải thích: “Những loại thuốc tán nhuyễn không được mang vào Mỹ, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, ví dụ cho người bị bệnh tiểu đường. Ðó là quy định của Bộ Y Tế. CBP sẽ tịch thu tất cả các loại thuốc cấm. Nếu bị phát hiện vi phạm, du khách có thể bị phạt và bị tù.”

Trong trường hợp phải sử dụng một số thuốc đặc biệt, phải có sự bảo đảm của bác sĩ, nhưng chỉ được trong thời hạn một năm, theo ông Solis.

“Nếu trên một năm, quý vị nên có sự bảo đảm của bác sĩ ở Mỹ,” ông nói tiếp.

“Những loại thuốc làm bằng thảo mộc không bị cấm, nếu không có bất cứ chất gì làm thay đổi bên trong cơ thể người sử dụng,” ông Larry Howell, phó giám đốc của FDA tại phi trường Los Angeles , nói thêm. “Ngoài ra, những loại thuốc không có nhãn, hoặc có màu không theo quy định của FDA, cũng bị cấm.”

Ông Howell khuyên du khách nên vào trang web của FDA để biết rõ loại thuốc nào bị cấm mang vào Mỹ trước khi đi du lịch.

Phương pháp kiểm tra
“Chúng tôi được Bộ Nông Nghiệp và FDA huấn luyện rất kỹ càng để 'khám phá' những loại thực phẩm bị cấm,” ông Paul Nguyễn nói. “Ngoài ra, chúng tôi cũng được huấn luyện về tâm lý để đoán biết ai mang đồ cấm hoặc không. Chúng tôi đôi khi cũng được tin của cơ quan tình báo cung cấp.”

Tại phi trường Los Angeles , CBP còn có bảy con chó được huấn luyện đặc biệt để ngửi mùi thực phẩm.
 

Cô Leticia Hale, chuyên viên nông nghiệp của CBP, nói: “Khi chó ngửi thấy mùi thực phẩm trong hành lý, nó sẽ ngồi xuống cạnh du khách mang hành lý đó. Thế là chúng tôi biết phải làm gì kế tiếp.”

Cô cho biết thêm, phi trường này sử dụng chó đánh hơi thực phẩm lần đầu tiên năm 1984, và cũng là lần đầu tiên tại Mỹ, khi Los Angeles tổ chức Thế Vận Hội.

CBP ở phi trường này cũng có cả máy rà hành lý để tìm đồ vật bị cấm mang vào nước Mỹ.

Khi máy bay sắp đáp xuống, theo ông Paul Nguyễn, du khách được cấp một mẫu đơn, gọi là “Customs Declaration” (Tờ Khai Hải Quan) bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Việt, hoặc bằng ngôn ngữ nào đó, để khai báo.

“Chúng tôi luôn tạo cơ hội để du khách khai báo. Chúng tôi luôn hỏi 'quý vị có mang thứ gì cấm không' ít nhất ba lần trước khi quyết định mở hành lý bị nghi ngờ,” ông Paul Nguyễn chia sẻ. “Khi du khách nhất định không khai báo, đương nhiên là thực phẩm đó bị tịch thu và quý vị bị phạt.”

0 comments:

Powered By Blogger