Tác Giả: Huy Phương | ||
Mỗi lần Tháng Tư về, ai trong chúng ta cũng có những hồi tưởng và suy nghĩ khác nhau, phần tôi vẫn ám ảnh bởi những nấm mồ oan khuất gây ra bởi biến cố này, mà thủ phạm không ai khác hơn là những người thắng trận cuối cùng.
Như thế nào mới gọi là một cuộc “tắm máu?” Mặc dầu đã có lệnh đầu hàng của cấp chỉ huy, những người lính VNCH, nhân viên chính quyền xã ấp, đảng viên các đảng phái khi ra đầu hàng đã bị du kích và lính chính quy Việt Cộng trả thù bằng cách tàn sát, thân xác bị vùi dập ở bìa rừng, bờ ruộng cho đến bây giờ gia đình nạn nhân cũng không hề biết họ ở đâu. Trong cuộc rút lui của những người lính miền Nam đã buông vũ khí, bọn du kích chọn trò chơi bắn sẻ và pháo tập trung để lại bao nhiêu máu xương trên những vùng cát biển của miền Trung, những hài cốt trôi dạt theo sóng biển hay lẫn lộn với đất cát thời gian. Những cái chết không để lại dấu tích, nhưng nỗi đau của những người thân không bao giờ phai nhạt vì ba mươi bảy năm qua gia đình chưa có nắm xương về. Chính quyền mới bắt buộc trình diện và cầm tù không có bản án tất cả nhân viên chính quyền, quân đội, đảng phái miền Nam, tịch thu nhà cửa, xô đẩy gia đình của họ đi vùng “kinh tế mới” với mục đích trả thù, đày đọa những thành phần gọi “phản cách mạng,” dành nhà cửa, ruộng vườn cho cán bộ, viên chức được đưa từ miền Bắc vào. Ở những trại tập trung ven rừng hay hốc núi, mộ những người tù “cải tạo” kiệt lực, mộ những người tù anh hùng bị xử bắn bây giờ ở đâu? Làm kiệt quệ sinh lực của miền Nam bằng chính sách đánh tư sản mại bản, một lối cướp ngày công khai có súng đạn yểm trợ, bỏ tù họ và gia đình, xóa bỏ giai cấp tư sản miền Nam để tạo ra một lớp tư sản mới trung thành với chế độ. Nấm mộ những người chết vì trận chiến cướp bóc này xiêu lạc nơi nào? Nấm mồ thủy táng trong lòng biển Thái Bình Dương là nấm mồ lớn nhất trong lịch sử loài người, nơi đó hằng trăm nghìn người Việt Nam đã chấp nhận cái chết hơn là phải sống với chế độ bất nhân. Thảm kịch thủy táng vô tiền khoáng hậu này kéo dài mười lăm năm và phải nói là không một gia đình nào không có người thân tử nạn trên đường vượt biên, vượt biển. Không một vòng hoa nào được gửi xuống đại dương để an ủi những linh hồn của những người ra khơi không bao giờ cặp bến, và làm sao chúng ta quên được nỗi đau này. Xa hơn thời điểm 30 Tháng Tư vài năm chúng ta cũng chưa quên những nấm mồ tập thể của Mậu Thân, bắn giết, chôn sống càng nhiều càng tốt để đáp ứng lời kêu gọi “toàn thắng ắt về ta.” Chúng ta cũng chưa quên đoạn đường kinh hoàng của Quảng Trị mùa Hè 72 khi trung đoàn pháo Bông Lau của cộng sản “cứ nhắm vào dân mà pháo.” Rồi chiến xa, pháo binh chận đường dân di tản trên Quốc Lộ 13 A cho lá “cờ in máu chiến thắng...” Ngày 30 Tháng Tư đưa đến cảnh đổ nát hoang tàn của nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi có 16,000 mộ phần của những người lính VNCH, những người được xem là của phe thất trận. Trừ những bộ lạc mọi rợ thời Trung Cổ, còn thì trên thế giới văn minh này, ai cũng biết tôn trọng di hài những người đã chết, dù mới hôm qua đây, họ đang cầm súng đứng ở bên kia chiến tuyến. Việc kết thúc nội chiến Nam Bắc của nước Mỹ là một bài học văn minh và đạo lý mà một quân đội mọi rợ, không tính người như Bắc Việt không thể nào học nổi. Tôi cho thảm trạng của Nghĩa Trang Quân Ðội ngày nay là một điều ô nhục, một vệt máu bẩn không thể nào chùi sạch trên trên khuôn mặt của chế độ mới. Cộng Sản Bắc Việt xây một nấm mộ nổi ngay giữa thành phố Hà Nội nhưng lại lấy lý do cần đất cho thành phố đã đào xới, hủy diệt, xua đuổi cả nghìn ngôi mộ của nghĩa trang lâu đời của Saigon là Mạc Ðĩnh Chi, che giấu cho lòng ganh tỵ, thù hận hơn cả một chính quyền đô hộ. Trong đạo lý Ðông phương, đào mồ cuốc mả là một hành động khó có thể tha thứ. Sau này ở trong nước đã có nhiều vụ đào mộ để tìm của, được đưa ra xử trước tòa án, bị lên án là hành động thất đức, nhưng vụ đào mả nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, nơi có nhiều ngôi mộ của nhiều người có tiếng tăm và giàu có dưới thời Pháp thuộc, phải được coi như là một tội ác. Hai ngôi mộ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu được cải táng từ nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi về quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Mộ bia của ông Diệm có khắc chữ Huynh, mộ bia của ông Nhu khắc chữ Ðệ. Nghe nói chính quyền “cách mạng” không cho gia đình ghi tên hai người trên mộ bia. Sao lại có những hạng người thù hận, nhỏ nhen đến như vậy! Ðó là lý do vì sao cứ đến ngày 30 Tháng Tư, hình ảnh những ngôi mộ xa gần, mới cũ cứ ám ảnh trong tôi. |
Sunday, April 22, 2012
Thương những nấm mồ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment