Sunday, April 15, 2012

Nỗi kinh hoàng của một người thoát khỏi ‘trại tế bần’ Ðà Nẵng



ÐÀ NẴNG -Nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng đang thực hiện chính sách ‘làm sạch thành phố’ bằng cách bắt tất cả những người ăn xin, nhặt rác, bán hàng rong mà nhiều người trong số đó bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội thành phố.

Trung tâm bảo trợ xã hội này tọa lạc tại tổ 8, Ðà Sơn, Ðà Nẵng, nơi có nhiều công an, cán bộ quản lý cửa đóng then cài… Nơi này có thể chứa vài trăm người, nếu cần, nó sẽ chứa cả ngàn người. Ai vào đây cũng chỉ hy vọng một điều duy nhất: Ðược ra ngoài!

Hai người thuộc hội viên Hội Người Mù Ðiện Bàn tên là Hùng và ông Tân, cùng nhiều người bán hương đèn, chiếu, chổi khác tại lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn hôm 19 tháng 2 Âm lịch đã bị bắt vào đây.

Ông Hùng, vừa thoát ra khỏi trại, kể: “Chúng tôi là hội viên Hội Người Mù Ðiện Bàn, Quảng Nam, thì cũng như mọi năm thôi, cứ đến lễ hội, chúng tôi lại bán hương, bán chổi. Nhưng năm nay ác nghiệt quá!”

“Hai anh em tôi vừa dắt nhau đến chỗ đường vào cổng chùa, vừa ngồi xuống bán, chưa kịp bán bó hương nào đã bị bắt, họ viện lý do là những người mua bán như chúng tôi làm mất mỹ quan thành phố, mất đẹp lễ hội… Họ nói là chúng tôi lợi dụng mua bán để xin ăn.”

Nói đến đây, ông Hùng tức tưởi, ông nói thêm rằng cuộc đời ông chưa bao giờ ngửa tay xin ai, làm một người sống qua hai chế độ, nếm trải không biết bao nhiêu hạnh phúc và khổ nhục, ông luôn giữ tư cách và lương tâm của mình trong sạch, vậy mà những người bắt ông đã “ngậm máu phun người”.

Hốt lên xe, lùa vào trại…

“Ðược chừng mươi phút, họ nói với tôi là mời tôi lên xe bus đi đến địa điểm khác, nói xong ba bốn ông công an, dân phòng xúm vào kéo tôi lên xe, vừa đến chỗ xe, tôi sờ tay vào xe thì nhận ra đó không phải là xe bus mà xe bít bùng của công an dùng chở tội phạm, tôi hoảng hồn, níu tay vào cửa xe, cố ghì lại…”

“Họ kéo tôi không được, thì bấm vào xương sườn tôi đến đau nhói, một người dùng giày giẫm lên chân tôi, đau quá, tôi gượng không được, cuối cùng phải buông tay, và họ đưa tôi về nhốt ở trại Ðà Sơn, thật là khủng khiếp!”

Ông Hùng và vết thương do bị công an 113 bấm huyệt vào xương sườn để lôi lên xe hôm bắt vào trại. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Nhấp một ngụm nước suối cho đỡ lạc giọng, ông Hùng kể tiếp: “Khi tôi vào trại, cùng đi với tôi có mấy người lang thang cơ nhỡ, rồi nhậu đêm ngủ đường cũng bị bắt vào, trong hội người mù thì có thêm anh bạn trẻ tên Tân, anh này cũng mù mắt, cụt tay, còn nặng hơn tôi…”

“Ở trong trại, kinh hơn cả địa ngục, vì khi mới bước vào trại, câu đầu tiên người ta ‘chào khách’ với tôi là: ‘Mấy người kia còn trẻ, có thể ra trại sớm, riêng với ông, thì thôi mút mùa lệ thủy, đừng mong có ngày ra!”

“Cuối cùng, tôi phải nhờ mấy người bà con làm việc ở phường Hải Châu, Ðà Nẵng xin bảo lãnh tôi ra, mới có ngày đi kiếm cơm hôm nay, mấy người còn lại, có lẽ sẽ bị nhốt ít nhất là đến ngày 1 tháng 5, qua lễ hội pháo bông Ðà Nẵng mới được thả ra”.

“Mà cũng đúng vậy, với đội ngũ công an, cán bộ và chó săn, có con nặng cả trăm ký, dày đặc như thế, cổng cao vòi vọi, đóng im ỉm suốt ngày, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cứ tới giờ thì người ta gọi đi ăn cơm, ngoài ra, ai còn sức lao động thì đi làm tăng gia, ai già thì nằm chờ cơm, mình vừa nhớ nhà, vừa sợ đủ thứ hết, nghe người ta ho mình cũng sợ”…

“Vì trong trại chỉ phân biệt khu nam riêng, nữ riêng, còn lại thì người điên, người mù, người đi ăn xin, người bán hàng rong… trẻ già gì nhốt hết vào một trại như thế, mình nghe mấy thằng điên nó ho mình cũng hoảng sợ, không biết nó đánh mình giờ nào, tự dưng thấy tủi thân và nhục nhã vô cùng. Nói là trung tâm cho nghe sang chứ thật ra còn nhục hơn cả trại tế bần!”

Nói đến đây, ông Hùng thở dài, cảm giác như ông đang chất cả thế sự, đời ông trong tiếng thở.

Ông Hùng còn cho biết thêm là hiện tại, trong trại chứa chừng 160 người, có người ở Quảng Ngãi ra, người từ Thừa Thiên, Huế vào, người Quảng Trị… Những người này đều bán hàng rong, đi lượm rác, đi làm thuê độ nhật, tối ngủ vỉa hè… Họ đều là lao động chính, và một khi họ bị đưa vào trại, cả một gia đình khốn khó của họ trở thành con tàu mắc cạn.

Trại tế bần? Trung tâm bảo trợ xã hội? Hay là trại tập trung?

Có lẽ đây là câu hỏi mà bất kỳ người nào đã từng vào trung tâm bảo trợ xã hội Ðà Nẵng đều nghĩ đến, và là nỗi ám ảnh của họ.

Bởi, nếu là trung tâm bảo trợ xã hội thì chí ít phải có tính nhân đạo của nó, nó cho người vào đây sống một cảm giác thoải mái, một niềm tin rằng mình còn có chỗ dựa trong xã hội và xã hội mình đang sống là tốt đẹp.

Nhưng rất tiếc là cái nơi này luôn cho người vào đây một cảm giác duy nhất: Mình là thứ bỏ đi của xã hội, mình đã hoàn toàn nằm ngoài lề cuộc đời và không có cơ hội tiếp xúc xã hội.

Nếu đã vậy, thì cũng không thể gọi nó là trại tế bần, càng không thể gọi nó như cái tên nó đã ghi trên bảng, mà nó gần với một trại giam.

Và, một khi nó tồn tại, hiện hữu như một mối đe dọa với người nghèo, thì liệu cái thành phố chứa nó có phải là thành phố văn minh?

Phi Khanh

http://www.nguoi-viet.com/

0 comments:

Powered By Blogger