Thursday, April 12, 2012

30-4: Một lễ kỷ niệm đau lòng của Việt Nam

Vũ Đức Khanh/Asia Sentinel

Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản, Việt Nam đã không tạo được thanh danh trên thế giới. Một nước Việt Nam mới cần phải tập trung vào tương lai.

Những người trốn khỏi VN có cuộc sống khá hơn tình trạng này

Ngày 30 tháng tư năm 1975 mang một ý nghĩa lớn đối với người Việt. Với một số người, đó là ngày mà đất nước của mình bị mất đi. Với những người khác, là ngày đất nước của họ, một thời bị phân chia ra hai miền Nam Bắc, cuối cùng được thống nhất.

Ngày 30 tháng Tư, đối với những người này, là một ngày để tán dương ca tụng. Tuy nhiên, nói cho cùng, đó là ngày thành phố Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản, và nước Việt Nam cùng những công dân của mình mãi mãi bị thay đổi.

Trong cuộc chiến tranh, có kẻ thắng người thua, và đối với những ai trung thành với chính phủ miền Nam Việt Nam hoặc phản đối chế độ Cộng sản, họ đã bị đánh bại, và bị buộc phải chạy trốn và định cư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong một khúc quanh mỉa mai của số phận, những người tị nạn phần lớn đã thành công trong việc hội nhập vào cộng đồng mới của họ và xây dựng được cuộc sống của mình.

Ngược lại, những người ở lại, dù tự nguyện hoặc miễn cưỡng, đã là đối tượng của nghèo đói và sự lãnh đạo kém cỏi của một nhà nước độc đảng.

Ngày nay, sự việc đất nước Việt nam sẽ đi về đâu vẫn còn là điều chưa biết. Tuy nhiên, rõ ràng là sẽ phải có những thay đổi thực sự. Kể từ khi những ngưòi Cộng sản nắm quyền vào năm 1975, giới trung thành vào đảng từng hy vọng rằng Việt Nam sẽ thay đổi tốt hơn. Nhưng, như thời gian đã hiển lộ, thay vào đó là Việt Nam và người dân của mình đã phải chịu đựng khổ đau. Các thay đổi về kinh tế được ban hành trong cuối những năm 1980 và 1990 có cải thiện điều kiện sống cho một thiểu số may mắn. Tuy nhiên, phần lớn dân chúng vẫn còn sa lầy trong nghèo túng, với GDP đầu người tương đương với 3.300 USD trong năm 2011, xếp hạng 166 trong thế giới 226 quốc gia. Hơn nữa, người dân đã chẳng được trao quyền gì nhiều. Trên các chỉ số của hệ số Gini, xếp hạng các nước căn cứ trên sự chênh lệch thu nhập, Việt Nam đứng thứ 77 trên thế giới.

Nhu cầu cải cách

Những thay đổi cần thiết để hiện đại hóa Việt Nam là cải cách chính trị và hiến pháp. Chính phủ phải tôn trọng nhân quyền. Lời nói suông giả dối không thể đáp ứng đủ. Tuyên bố có tự do ngôn luận nhưng lại từ chối quyền hạn đó khi công dân chỉ trích nhà nước là chưa đủ. Bất kỳ cải cách chính trị nào đều phải thay đổi chính phủ về cơ bản. Những gì cần đến sẽ không phải là một giải pháp băng bó tạm thời, mà là một phương cách mới (và những quy định mới) về cai trị.

Sự thành công của bất kỳ cải cách thực sự nào cũng sẽ đòi hỏi chế độ hiện hành phải từ bỏ nhiều quyền lực và thẩm quyền của mình cho các tỉnh và chính quyền địa phương. Một mức độ phân cấp là cần thiết để chính phủ trung ương phải được giới hạn khả năng hành động đơn phương và phi dân chủ của mình. Về điều này, sự thay đổi sẽ đến từ từ, tuy nhiên, người dân phải đảm đương trong việc tạo ảnh hưởng đến sự thay đổi. Để cùng sống và cùng hít thở trên cùng một mảnh đất như các nhà lãnh đạo của mình, người công dân thông thường phải được cùng hưởng những cơ hội ngang bằng mà quy luật tự nhiên đã ban cho những người mà họ phải phục tùng.

Mối quan tâm cấp bách nhất chắc chắn sẽ là số phận của Đảng Cộng sản. Một đảng mà giới lãnh đạo kém cỏi từng ảnh hưởng lâu dài đến đất nước không thể buộc phải đi vào lãng quên. Dân chủ đòi hỏi nguyên tắc đa số và quyền của thiểu số. Thành phần thiểu số, tuy không được phổ biến và gây tranh cãi, nhưng phải được cung cấp những cơ hội như thành phần đa số. Phe đối lập phục vụ mục đích cần thiết của việc khiến chính phủ cầm quyền phải có trách nhiệm, không phải với chính mình (phe đối lập) nhưng là với người dân.

Ngoài những ngôn từ hùng hồn thông thường cho sự thay đổi, như dân chủ và quyền con người, có những lý do khác quan trọng không kém. Như các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược để đi đúng hướng và có lợi nhuận, chính phủ cũng thế. Một nhà nước độc đảng có thể mang lại mô hình hiệu quả nhất trong việc đạt được sự đồng thuận, nhưng nó vô cùng thiếu sót và cồng kềnh ở cấp cơ sở. Mặc dù một hình thức chính phủ dân chủ có thể xuất hiện không hiệu quả một cách nản lòng, nhưng nó vẫn là hình thức chính phủ thuận lợi nhất.

Nhu cầu hòa giải

Giả sử rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ trong cải cách hiến pháp và chính trị, trả tự do cho các hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến chính trị ra khỏi nhà tù, giả sử rằng các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở mọi cấp của chính phủ, và các đảng phái đắc cử sẽ biểu quyết kế hoạch nhằm tiếp tục hiện đại hóa và dân chủ hóa tại Việt Nam – điều gì sẽ diễn ra sau đó?

Dễ hiểu là sẽ có những cảm giác thù địch chống lại chế độ cũ. Rất khó để có thể tưởng tượng rằng dĩ vãng sẽ là dĩ vãng, và tất cả sẽ được tha thứ. Sẽ có những cá nhân cảm thấy rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam phải trả lời cho những tội lỗi, có thật hay tưởng tượng nên, của họ. Và những người lãnh đạo này có lẽ cũng nên phải trả lời. Nhưng loại công lý ô hợp phá phách sẽ không được phép thay đổi các quy định của pháp luật.

Để Việt Nam thực sự di chuyển về phía trước, đầu tiên là phải làm hòa với quá khứ của mình và phải chứng nghiệm một giờ phút thanh tẩy. Mặc dù về chính trị và lịch sử khác nhau, một ví dụ để học theo là Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Nam Phi sau khi kết thúc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Xin nhắc lại là, tuy sự khác biệt ở Việt Nam và Nam Phi là rộng lớn, nhưng một ủy ban như vậy có thể giúp chữa lành vết thương cũ. Ủy ban ấy sẽ không mang được công lý đến với những tội ác trong quá khứ, nhưng có thể mang lại ánh sáng sự thật. Nó có thể mang đến sự minh bạch mà trước đây không từng có được.

Một ủy ban như thế có thể sẽ không được tất cả mọi người chào đón, nhưng đeo bám quá nhiều vào quá khứ sẽ không giúp một nước Việt Nam mới tập trung đuợc vào việc xây dựng lại cho tương lai.

Nhu cầu thay đổi

Việt Nam, như đang tồn tại ngày nay, chưa hề sẵn sàng để đối mặt với tương lai. Phương pháp kinh doanh của đất nước này bắt nguồn từ trong chính trị của quá khứ. Nền chính trị của Đảng Cộng sản từng là một loại chính trị tự bảo quản, bám víu vào bất cứ quyền lực nào mà họ có thể. Mặc dù các đảng viên không còn có thể được mô tả như những người cộng sản thực sự, đảng phải nhận ra rằng họ đang bị các nước láng giềng từng thích nghi với các thay đổi bỏ xa hơn.

Việt Nam đã nỗ lực để hiện đại hóa, nhưng họ đang bị những nước đã có những bước căn bản nhưng cần thiết vượt qua. Nếu Việt Nam muốn thủ diễn được bất kỳ vai trò quan trọng nào trong thế kỷ 21, trước tiên là Việt Nam phải tham gia vào thế kỷ 21, tuy nhiên, điều này không thể xảy ra mà không có những thay đổi thực sự. Cơ hội phải xảy ra ở thượng tầng, nhưng phải được hỗ trợ từ dưới cơ sở.

Ba mươi bảy năm sau khi Sài Gòn xụp đổ, người dân Việt Nam có một lựa chọn để thực hiện: Họ có thể tiếp tục sống như 37 năm qua, hoặc có thể bắt đầu định hình tương lai của mình.

© Vũ Đức Khanh

Nguồn: Vietnam’s Disheartening Anniversary by Khanh Vu Duc (Asia Sentinel – April 4, 2012)

0 comments:

Powered By Blogger