Saturday, March 3, 2012

Mấy ngày ở Đà Lạt

Xe đi trong đêm, đến Đà Lạt gần bốn giờ sáng. Trong tranh tối tranh sáng, thấy đèo Prenn đẹp huyền ảo như xưa. Mù sương và hoang dã. Khi khung cảnh hai bên đường nhòa nhạt, im lìm thì ký ức lại dậy sóng. Văn căng mắt giữ tay lái. Tôi cũng căng mắt nhưng lại đi tìm kiếm dấu vết nào đó của mơ hồ kỷ niệm. Góc quẹo gấp nhất và nguy hiểm nhất của Prenn là nơi miếu Ba Cô gần như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Cua thật gấp. Bên tay phải là dốc đá gần như dựng đứng, phía trái là vực sâu hun hút. Tôi đã từng dừng xe máy ở đó mấy mươi năm trước, đứng nhìn ngọn cây thông phía dưới chỉ ngang hàng với giữa cây thông kế tiếp bên trên để ớn lạnh về độ dốc. Ngày xưa một tai nạn đã xảy ra tại đây làm ba cô gái trẻ chết thảm nên người ta lập miếu thờ. Những cây thông vẫn còn đứng đó, phía trên dốc đá hay dưới triền sâu như nhân chứng cho mọi đổi thay. Trở về Đà Lạt trong đêm, trong cái còn thanh vắng như ngày xưa là cơ hội hiếm hoi, khó thể có hai lần!

Tìm lại được nét hoang sơ của Đà Lạt thật bất ngờ, như nhìn được một thiếu nữ say ngủ, nằm hớ hênh, đâu dễ gì!

Đã bốn giờ sáng 28 Tết mà Đà Lạt vẫn còn say ngủ! Rất lác đác người trong phố sớm. Năm nay tháng Chạp thiếu nên thành 29, khuya mai là giao thừa!

Bài “Xuân nầy con không về” của Trịnh Lâm Ngân là nỗi lòng của anh lính trẻ trong thời chiến, còn tôi, anh lính già khập khiễng đang trở về, giữa thời bình, sao cũng hoang vắng mênh mông?

Cây xăng Kim Cúc, cửa vô Đà Lạt còn nguyên đó, nhưng lạ. Lạ hẳn. Cái lạ là con đường bốn làn xe, có con lươn (divide) thật hẹp được trang trí hoa ở giữa, bắt đầu từ bót Nguyễn Tri Phương cũ. Ở đó, rẽ trái là vô bến xe chính của Đà Lạt. Đi thẳng là vô thành phố. Trước kia hai bên là thông, là cây cỏ thiên nhiên, còn bây giờ thì nhà cửa san sát, lố nhố. Đủ kiểu, đủ màu sắc. Khuôn mặt thơ ngây, hồn nhiên của Đà Lạt đã bị một tay trang điểm thật tồi! Ngập ngụa màu sắc phấn son, với bê tông cốt sắt!

Quẹo trái Yersin cũ, khu vực hành chánh trước kia, cũng đầy ắp biệt thự, nhà. Không biết đâu là đâu. Tòa Hành chánh Tỉnh tựa lưng vào ngọn đồi, ngày đó khá đồ sộ, bây giờ như nhỏ lại trước dinh thự chung quanh. Nét cổ kính của tòa nhà cũng mất. Palace vẫn chiếm nguyên ngọn đồi nhưng không phô ra trần trụi như trước, đang ẩn mình ngủ trong vòm cây dưới ánh đèn đêm. Trước kia trơ trụi hơn, bây giờ kín đáo hơn! Đến khu vực Bưu điện, nhà thờ Con gà thì cứ như lạc vào một khu phố nào đó, lạ hoắc, sáng trưng! Khuôn viên tượng Thánh Giu Se (?) trước nhà thờ, nơi chia hai lối lên và xuống, có cái dốc khá nguy hiểm để xuống cầu Ông Đạo sang khu Hòa Bình, bây giờ như nhỏ hẳn lại. Nhà thờ y nguyên nhưng nhìn cũng nhỏ lại! Ngày trước tháp chuông là đỉnh điểm cao nhất toàn thành phố, từ rất xa vẫn thấy cây thánh giá nổi lẻ loi trên táng lá thông xanh, cứ ngờ ngợ như đang ở một nơi nào đó của phương Tây bây giờ lùn tịt bên cái tháp Bưu điện sơn trắng đỏ bằng sắt, nhại theo hình tháp Eiffel thật đồ sộ. Trên đỉnh có đèn nhấp nháy với lá cờ đỏ. Chiều cao tháp (có thể) gấp đôi tháp chuông nhà thờ. Nếu loại bỏ ý đồ chính trị là nhà nước đang dần dần tìm cách triệt tiêu biểu tượng của Thiên Chúa giáo thì hình ảnh nầy cũng nói lên sự dốt nát thẩm mĩ về thắng cảnh thành phố Đà Lạt.

Lo lắng quang cảnh thiên nhiên của Đà Lạt bị tàn phá, thì đây có thể là biểu trưng!

Quăng người lên giường, cứ tưởng là dễ ngủ, vì hành trình mệt mỏi và khí hậu Đà Lạt lại mát lạnh với chăn ấm nệm êm, ai ngờ mắt cứ ráo hoảnh! Khoát cái áo lạnh ra sân thượng, khách sạn nằm trên lưng chừng đồi cao, nên toàn cảnh Đà Lạt mờ sương hiện ra trong tầm mắt. Sương mỏng và yên vắng từng lúc, từng lúc bị phá vỡ. Tiếng máy xe, ánh đèn xe càng lúc càng nhiều, rồi mọi thứ ánh sáng điện nhạt dần, nhạt dần chỉ còn lại đủ loại âm thanh của một ngày mới. Thành phố đang thức giấc! Bình minh và nắng sớm đẹp như giải lụa tơ vàng trùm lên. Cơ man là mái nhà, đủ màu sắc, đủ cao độ, đủ kiểu cọ, đủ kích cỡ như hàm răng lởm chởm của bầy quái vật đang ngoạm nuốt từng ngọn đồi, từng ngọn thông xanh. Nó đang nuốt dở dang một ngọn đồi khác, kế cận thác Cam Ly, mà thịt da đất bazan đang bày ra toang hoác, như ửng máu! Tôi cũng đã từng đi trong sương sớm Đà Lạt. Cái jacket nhà binh, cài một đóa hồng mới hái còn mọng sương đêm nơi túi áo, đem đến trao cho người yêu trước khi ra dãy Domino bụi đời tìm cốc cà phê sáng. Bây giờ đứng chơ vơ ở đây. Cà phê Domino cũng đã mất. Nghe nói quán của chị Năm-Huệ cũng còn nhưng đã dời về một ngóc ngách nào đó. Chỉ may mắn, người yêu ngày trước thì đang ngủ vùi trong chăn nên có lẻ loi trên sân thượng cũng ấm áp đôi chút trong lòng.

Về Đà Lạt lần nầy, ngoài gặp lại những thân thương, chúng tôi chưa biết sẽ làm gì, vì hình ảnh Đà Lạt cũ đâu còn. Hương xưa Đà Lạt đã mất. Hay làm khách lạ? Một chừng mực nào đó, từ đáy tim, như không muốn chấp nhận sự thật nầy!

Chiều cuối năm anh chị em, con, cháu từ bốn phương gom về nhà cha mẹ sau mấy mươi năm tản lạc. Đứa góc bể, đứa chân trời theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Câu ca dao “mẹ già như chuối ba hương” để chỉ chuối được giú đã đến lúc chín mùi, nhưng cha mẹ chúng tôi đã “chín” hơn thế nữa. Cả hai người đã quá chín mươi! Vài anh, chị cũng đã hơn 70. Đứa út ít cũng trên 50. Thế đấy, đất nước đã “thống nhất” từ hơn 35 năm mà đây là lần đầu hội ngộ! Anh Ba ngày trước lái chiếc jeep có cần câu, bây giờ nghễnh ngãng, nói cứ như bị cà lăm. Anh kể về chuyện đi bán dạo vé số ở An Giang. Mấy đứa út cười cười khoe răng sún, chỉ vào mặt nhau, nói nói: “Anh nhìn anh nhìn kìa.. thấy sân bay của tụi em không?” Thì ra, trán đứa nào cũng hói họi rộng như “sân bay”!

Cũng may là anh chị em chúng tôi không có ai khác giới tuyến, cái giới tuyến do một thứ chủ nghĩa gây hận thù làm chia rẽ từ gia đình đến dân tộc mà không biết cho đến bao giờ mới có cơ may hàn gắn lại được!

Còn cháu thì đủ loại, có đứa đã 40 lại thêm con cái nữa. Chào chào hỏi hỏi cứ ngớ ra!
Anh em con cháu cũng khó nhận diện nhau ngay cả trong một gia đình!

Tất cả cũng trên dưới 50 người gồm ba, bốn thế hệ gom lại trong một căn nhà cấp 4, nhỏ bé tuềnh toàng ở vùng quê, thay vì trước kia là một ngôi nhà bề thế giữa một khu vườn vuông vức mà mỗi cạnh dài đến một km cách đây không xa! Khu vườn cà phê đó còn có mít, có chuối, có ao cá, có con suối thiên nhiên phía sau, là công sức khai khẩn từ rừng hoang, là tích lũy tình yêu và của cải cả một đời cha mẹ chúng tôi. Thế mà, chỉ sau ngày 30-4-1975 không lâu, các quan chức từ huyện đến xã dùng đủ cách uy hiếp, cướp trắng! Họ đày ải cả gia đình tản lạc khắp nơi. Người xuống tận kinh rạch Châu Phú, kẻ vào rừng sâu Long Khánh. Cha mẹ chúng tôi lúc đó cũng đã gần 60, lại thêm một lần nữa đi khai hoang đất rừng! Chỉ năm bảy năm sau, sức đã cùng, lực đã tận nên con cái gom góp chút tiền, quay về mua lại một thẻo đất cất căn nhà nầy.

Có thứ “độc lập, tự do, hạnh phúc” nào như vậy không?

Từ lâu lắm tôi mất cái thú “đi đón giao thừa”. Nào là hái lộc đầu Xuân, nào là tay trong tay vào giáo đường dự thánh lễ. Nào là nghe tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ đỗ với ước nguyện đầu năm. Tất cả đều trang trọng và đẹp như một bài thơ. Đêm nay Bảo rủ tôi ra bờ hồ Xuân Hương. Chúng tôi muốn hòa vào dòng người, thử đi tìm cái rạng rỡ trong đêm giao thừa. Trang bị khăn quàng cổ, áo ấm, máy ảnh, chúng tôi cuốc bộ. Càng gần đến khu Hòa Bình, bỗng nhớ câu Kiều của cụ Nguyễn Du. “Dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm” Rất thành thật, người đông đang trẩy hội nhưng không thể nào tìm thấy được một nụ cười rạng rỡ! Tôi không thể hiểu được. Vì sao? Vừa xuống lưng chừng dốc Hòa Bình thì gặp ngay hơn mười em nhỏ khoảng 8-10 tuổi (người Thượng?) chia làm ba nhóm. Các em ngồi sát vào nhau tìm ấm, lưng tựa vào vách đá, đầu trần vì mũ đã được lật ngữa để trên vỉa hè. Đôi mắt các em như trơ ra (stare) trước dòng người. Tất cả các mũ đều trống trơn! Những hình ảnh tưởng tượng của Tố Hữu trong các câu thơ xách động ngày trước “đứa sung sướng là đứa con nhà chủ, còn đứa nghèo con mụ ở làm thuê” có minh họa rõ ràng như hình ảnh đang xảy ra trước mắt hàng ngàn người đêm nay?

Chen lấn đến quán Thủy Trang bên bờ hồ thì đã nghẹt người. Quán khép hờ cổng, để bảng “hết chỗ”. Chúng tôi bước qua vì Bảo có hẹn ở đây. Hầu hết là giới trẻ. Mặc đẹp, fashion cùng với đèn màu. Tôi nói Bảo ở lại, còn tôi quay ra, lang thang tìm cái lạ. Cái lạ của sự cách biệt giàu nghèo, của rạng rỡ và tăm tối. Và, đặc biệt, cái lạ đến ngớ ngẩn của người từ xa về. Còn khoảng 5 phút trước giao thừa, pháo bông từng đợt cả hai bên bờ hồ được bắn lên. Nghe bùùmm bùùmm rồi bụụụpp bụụụpp thì hàng ngàn tia sáng với màu sắc lung linh tỏa ra rồi tan biến. Từng cụm màu sắc đó bung ra như những thoáng sao băng muôn màu, muôn vẻ. Rồi tắt ngúm trả lại bóng đêm! Bài Ký “Đôi chút mông lung sau một chuyến về” [1] tôi đã chợt nghĩ về sự bùng nổ nầy như sự bùng nổ của trí thức cả nước biểu tình chống Tàu cộng xâm chiếm hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa suốt mùa hè năm ngoái, mà nay đã bị nhà nước dẹp tan. Không lẽ những hành động bày tỏ lòng yêu nước từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi cũng bị tắt lịm nhanh chóng như pháo bông đêm nay?

Sáng mồng Một chúng tôi lại ra phố tìm cốc cà phê. Cửa cà phê Tùng đóng im ỉm. Không biết là đóng vĩnh viễn hay chỉ đóng trong mấy ngày nầy (?) Khung cảnh chung quanh đã đổi thay đến độ như không thể nhận diện ra được thì chỉ có cà phê Tùng, vâng, chỉ duy nhất cà phê Tùng vẫn y nguyên hình dáng cũ. Mái tôn đã gỉ sét chịu sự thách đố của thời gian! Cà phê Tùng bỗng chốc như cô tình nhân chung thủy, âm thầm khép kín cửa để ngóng đợi người xưa! Có biết đâu, chúng tôi là một trong vô số tình nhân ngày ấy đang đứng lặng, cố ghìm lại cơn tim.

Chúng tôi đến một tiệm khác trên dãy phố dốc Hòa Bình, gần Ciné Ngọc Lan cũ. Cốc cappuccino đậm đặc nhưng sao uống cứ nhạt thếch! Ngồi đó, ngó tới ngó lui. Ngó gần ngó xa. Ngó người lên dốc, xuống dốc mới chợt nhận biết mình thật sự đã là người xa lạ! “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, hạnh phúc trăm năm một cõi đi về”(!) giọng ai đó hát nhạc Trịnh Công Sơn trong nắng sớm nghe thật buồn.

“Anh có tưởng tượng được là bây giờ đồn công an cũng cúng kiến đầu năm không?” “Đồn công an?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại. “Vâng, họ bày bàn thờ rồi rước thầy đến cúng!” Thế mà báo chí nói về chuyện thờ cúng ngay tại các cơ quan, tôi cứ tưởng là chuyện hiếm! Lễ cúng đầu năm là truyền thống trong từng gia đình người Việt nhưng cúng tại cơ quan, mà ở đồn công an, thì quả là lạ thật! Tại sao một thứ chủ nghĩa vô thần, một chế độ bất chấp sinh mạng con người bây giờ quay ra cúng bái? Tín ngưỡng là khía cạnh tâm linh, thiêng liêng và sâu thẳm nhất của người Việt Nam sao ra nông nỗi nầy? Có phải đây là niềm tin tôn giáo đang phục hồi hay chỉ là sự trắc ẩn lương tâm cần phải hối lộ thần linh?

“Bảy tám năm trước công an giết một em học sinh trong đồn. Chỉ là chuyện hát hò cãi vả gì đó ở quán k-aroke nên họ gọi công an. Công an bắt thằng nhỏ về đồn. Khoảng nửa đêm, bà hàng xóm ở cạnh đồn nghe nhiều tiếng động lạ, dòm qua cửa thì thấy mấy công an kéo lê một người bỏ dưới đường. Không biết có phải họ có ý định dàn cảnh như thằng nhỏ bị xe cán chết hay không (?) Khi họ vô rồi bà mở cửa ra chứng kiến, rồi kêu cứu. Cũng toán người đó ra làm bổn phận công an, mau mắn tiếp tay đưa nạn nhân đi bệnh viện. Cả thành phố đều biết ai giết nhưng không dám lên tiếng. Người thân quen lắm mới dám đến viếng tang. Cũng chỉ lặng lẽ thắp nén hương giữa không khí bao trùm đe dọa vì có nhiều công an mặc thường phục ngồi ngay trong nhà theo dõi! Giết thằng nhỏ chỉ vì họ bảo kê cái quán k-aroke đó! Chỉ có thế!” Giọng kể bị lạc đi, như nghẹn: “Thằng Hải, nó là bạn học của con em! Nhà ở phường 5, đường Hoàng Diệu gần đây.” Rồi trở lại trầm trầm, đều đều: “Thế mà báo chí im re, không có lấy một dòng! Cùng thời điểm đó có một anh tài xế chỉ vì không chịu nổi sự nhũng nhiễu hằng ngày nên đâm xe thẳng vào viên công an thì họ khai thác, đăng cả mấy tuần liền!”.

Ghé thăm người bạn cũ thích nghiên cứu bói toán gặp lúc khá đông khách, tôi muốn rút lui nhưng hắn giữ lại: “Đầu năm nên khách đông hơn chút đỉnh nhưng ngày thường cũng có. Xã hội càng ngày càng bất ổn nên người ta phải bám vào tướng số, thần linh.. như một điểm tựa. Đây là hiện tượng của xã hội.” “Cho nên việc nghiên cứu tướng số bây giờ thành cái nghề?” Tôi cười. “Không, mình chỉ giúp họ và chẳng đòi hỏi gì.” Hắn tiếp: “Mà đôi lúc cũng vui. Mình có cơ hội tiếp xúc đủ giới, đủ thành phần. Trước đây không lâu có một vị Đại tá, giáo sư bên Học viện Quân sự, tức liên trường Võ Bị và Chiến Tranh Chính Trị ngày trước, đến nhờ xem phương hướng để xây cất nhà ở. Vừa mới nhìn thấy mình vẽ hai trục thẳng góc, ghi Bắc đối với Nam, Đông đối với Tây thì ông ta cãi ngay. Cãi hùng hổ! Theo ông thì phải ghi liên tục Đông-Tây-Nam-Bắc, như vậy thì Đông đối với Nam, còn Tây đối với Bắc (!) Mình khéo léo hỏi ông dạy gì. “Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Nga. Đang dạy về Mác và Lenin.” (!)
Rời Đà Lạt bằng xe bus Phương Trang vào giữa trưa. Bỏ lại thành phố sau lưng nhưng không thể bỏ được cảm giác bùi ngùi. Đèo Prenn dưới nắng trưa đã mất hết vẻ huyền ảo như trong đêm tôi trở về! Prenn đang trần trụi. Đang phô ra những vết lở lói trên da thịt. Người ta đã khai thác du lịch tối đa trên đoạn đường đèo 8 cây số nầy như khai thác thân xác một cô gái điếm chỉ vì tiền! Người lên kẻ xuống. Xe hơi, xe máy chen nhau trên con đường hẹp, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Các tụ điểm nhếch nhác và rác rưởi. Rất nhiều khúc quành có người nghỉ chân, có nhiều người đang đứng đái rất tự nhiên.

Đà Lạt bây giờ mới thực sự đã rớt lại sau lưng. Chỉ có Đà Lạt ngày xưa, Đà Lạt còn trong ký ức.

(Feb. 24th, 2012)

© Hồ Phú Bông

© Đàn Chim Việt
____________________________

[1] http://www.danchimviet.info/archives/52205

0 comments:

Powered By Blogger