Khi tôi gõ những dòng chữ này thì thân xác của tài tử Đơn Dương đã trở thành tro bụi. Mặc dù ông đã xong rồi một kiếp người, nhưng những thị phi khen chê đàm tiếu về ông thật sự chưa kết thúc.
Hầu như những người Việt ở hải ngoại ít ai biết tài tử Đơn Dương đóng phim gì, vai gì mà phần đông họ chỉ biết Đơn Dương qua scandal đầy tai tiếng với một người phụ nữ tên Liên tại Virginia và sau này là qua những tấm hình chụp ông thật tình tứ với bà chủ thẫm mỹ viện Hạnh Phước xuất hiện đây đó trên báo và trên các diễn đàn…
Bất ngờ tuần vừa rồi Đơn Dương bị stroke hôn mê và qua đời khiến báo chí trong nước và hải ngoại rầm rộ loan tin. Nếu tinh ý một chút người ta sẽ thấy chỉ có một số bạn thân thiết viết những lời ngậm ngùi trên blogs. Ngoài ra các báo tại Việt Nam chỉ đồng loạt đăng bài copy, trong đó nhắc lại sự nghiệp thì ít mà nhắc lại những tai tiếng về chính trị cũng như về tình cảm của người tài tử này thì nhiều.
Đối với tài tử Đơn Dương, tôi chỉ quen nhưng không thân, nhưng viết về ông tôi viết với những cảm nghĩ thật và những lời kể từ những người thân quen khả tín.
Cách đây mười năm, lúc đó phong trào Internet chưa thịnh hành nên tôi không biết nhiều đến những sinh hoạt văn nghệ điện ảnh trong nước. Lần đó cũng vào dịp Giáng Sinh, một người bạn lớn tuổi gửi tặng vợ chồng tôi cuốn DVD phim Mê Thảo Thời Vang Bóng do tài tử Đơn Dương đóng vai chính. Thật ra cuốn phim này không hấp dẫn tôi mấy vì độ quay chậm quá lại thêm tình tiết u uất khó hiểu, mặc dù các diễn viên diễn nội tâm khá đạt, nhưng đặc biệt nhất cái tên Đơn Dương của nam tài tử lại làm tôi chú ý, có lẽ cái tên nhắc tôi nhớ về một nơi chốn có ít nhiều kỷ niệm thưở thiếu thời.
Bẵng đi thật lâu, hình như vào khoảng năm 2006 vợ chồng chúng tôi với tư cách là phóng viên của đài truyền hình VMTV (Người Việt Michigan) đến Virginia phỏng vấn ông Trần Thụy Ly là cựu trung tá của binh chủng Nhảy Dù và cũng từng là cảnh sát trưởng của một số quận trong đô thành Sài Gòn trước năm 1975. Hiện ông là người đứng bán sạp báo Thương Phế Binh trước tiệm phở Xe Lửa trong trung tâm thương mại Eden mà nhiều người thương mến thường hay gọi là “sạp báo Ông Cò Ly”, một sạp báo TPBVNCH, một nét độc đáo mà có lẽ là sạp báo TPB duy nhất ở hải ngoại. Mặc dù chỉ đứng bán báo trong hai ngày cuối tuần mà trong suốt mấy năm qua ông Cò Ly đã gom góp gửi về cho các đồng đội TPB của ông ở quê nhà hơn 50 ngàn USD.
Lần này tình cờ chúng tôi gặp cả Đơn Dương và có dịp ngồi nghe ông kể lại những đoạn trường mà ông và gia đình ông bị nhà cầm quyền CSVN truy bức sau khi các phim Rồng Xanh và phim We Were Soldiers trình chiếu.
Báo RFA đã đăng lại nguyên văn như sau:
Chúng ta hãy nghe ông Đơn Dương tâm sự:
“Sau khi tôi trình bày cho báo chí ở trong nước rõ tất cả các thông tin và sự thực nhưng không báo nào dám đăng, tôi đành phải gửi đến thân nhân và bạn bè tôi của nước ngoài, các báo Mỹ và tôi trình bày tất cả những chuyện xảy ra ở Việt nam mà tiếng nói của tôi đã không được đính chính lại.
Tôi là một người nghệ sĩ, cả cuộc đời của tôi đã hy sinh, đã đam mê theo ngành mà cấm tôi, không cho tôi đóng phim, đó là lẽ sống của tôi, tại sao lại ngăn ngừa không cho tôi đóng phim, đó là lẽ sống của mình mà lại cắt ngang như vậy, mà không có lý do buộc tội tôi nữa. Cộng thêm nữa là tôi bị khủng hoảng, tôi có một nhà hàng với một người chị.
Có những người vẫn đến nhà hàng của tôi, những người có chức có quyền, những người ngay trong thành phần ban lãnh đạo, trong đó có một người giám đốc tên là Nguyễn Ngọc Quang, đi cùng các cựu chiến binh trong cái ngày lễ của Việt nam đến nhà hàng của tôi, thì tôi có chụp hình với tài tử Mel Gibson và hình với Patrick Swayze, tôi phóng lớn và treo kỷ niệm trong nhà hàng, thì chính ông Nguyễn Ngọc Quang đã tới, đi chung với nhạc sĩ Ca Lê Thắng, thì ông đã yêu cầu phải hạ cái hình xuống rồi mới kêu đồ ăn ra.
Những người nhân viên trong nhà hàng không dám bỏ xuống thì chính ông ta đã cầm cái hình bỏ xuống. Một tuần lễ sau thì một nhóm người khác tới, thì hình của tôi, người ta lấy dao, lấy cái muỗng bằng inox gạch lên mặt tôi và lấy thuốc lá dí vào mặt của tôi chung với Patrick Swayze, rồi hằng ngày trên đài phát thanh, có những bài báo phát thanh trên đài… hàng ngày cứ mở mắt ra là lo sợ không biết sẽ có chuyện gì xảy ra…
Lúc đó thì công an PA 25 vẫn cứ kêu tôi lên làm việc và họ cứ buộc tội tôi và bắt tôi phải làm bản tự khai là nhận tội. Cùng thời gian đó, bản thân tôi cùng vợ con đã chịu rất nhiều khó khăn, tôi bị hăm doạ, vợ con bị khinh rẻ, tương lai của các con tôi bị đe doạ…
Những đứa con của tôi khi tụi nó đi học, thầy cô nhìn nó với một ánh mắt khác, rồi bạn bè nó, ngay cả cái ông bảo vệ cũng nhìn nó… Nghĩa là không thể sống trong một tâm trạng như vậy.. Chính vì vậy mà tôi đã lên tiếng với nước ngoài yêu cầu can thiệp vào.” (ngưng trích)
Không chịu nổi áp lực từ dư luận và năm 2003, Đơn Dương đến định cư tại Hoa Kỳ. Đơn Dương cũng tâm sự cho chúng tôi biết sự thật về số tiền cát-xê của anh chỉ có 15 ngàn USD, sau khi trừ thuế chỉ còn lại vỏn vẹn 10 ngàn USD. Trong khi đó Mel Gibson được trả cát-xê 25 triệu USD.
Sau lần đó vì công việc gia đình tôi phải đến Maryland và lưu lại đây thêm một thời gian. Mỗi cuối tuần, gia đình con trai và tôi thường đến Thương xá Eden để ăn uống chợ búa, tôi còn hay ghé lại sạp báo của ông cò Ly mua vài tờ báo, hoặc vào quán phở Xe Lửa để gặp thăm vài người bạn nên nghe được khá nhiều chuyện thú vị trong giới văn nhân, nghệ sĩ, hội đoàn, thương gia trong khắp vùng. Trong những dịp này tôi cũng nghe loáng thoáng chuyện “cô bồ mới” của tài tử Đơn Dương là bà Trần thị Phương Liên, một người làm nghề địa ốc tại Virginia.
Khi tôi trở lại Michigan thì vừa lúc trang Take2Tango online cho nổ lớn scandal vụ bà Trần thị Phương Liên tố cáo tài tử Đơn Dương với những tội danh thật kinh khủng như:
1/ Chụp lén hình khoả thân và quay lén audio cảnh làm tình để tống tiền.
2/ Gian dối tình trạng viêm gan nặng.
3/ Lừa gạt tình trạng hôn nhân…
Mặc dù Đơn Dương có lên tiếng phủ nhận nhưng Take2Tango liên tục trưng thêm những bằng chứng như bản án của Toà Fairfax ký ngày 27-2-2009 xử Đơn Dương phải bồi đền cho bà Liên Trần số tiền là 200 ngàn USD. Tiếp theo các trang báo khác ào ào đăng theo…. Nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn cảm thấy sự việc này có gì đó không bình thường. Nghi ngờ nên tôi gọi hỏi thăm những người bạn tại Virginia và những người bạn này trả lời là họ cũng có cùng suy nghĩ như tôi và cho biết thêm đây chỉ là Phán Quyết Định Sẳn (Default Judgment) chỉ vì Đơn Dương không xuất hiện tại Toà đúng hẹn.
Sau đó tôi viết một bài với những tình lý rạch ròi hầu giúp thêm tiếng phản bác bị chìm khuất trong làn sóng đánh phủ đầu Đơn Dương nhưng Take2Tango không đăng, không những thế Thế Phương còn gọi điện thoại đến khuyên tôi đừng dính vào vụ này (!) Nghe Phương nói tôi rất buồn nên mặc dầu Phương và tôi quen nhau từ nhỏ (lúc tờ Trắng Đen của bác Việt Định Phương tại Saigon) nhưng tôi vẫn cự cãi với Phương tới nơi tới chốn và chấm dứt cộng tác bài vở.
Có một nhà văn nào đó đã nhận xét: Người Việt chúng ta sống nặng về tình cảm, có khuynh hướng hình thành quan điểm của mình theo cảm tính chủ quan hơn là theo lý luận khách quan. Vì thế vụ án lừa tình gạt tiền này là đề tài “Hot” nhất trên tờ Take2Tango cho đến khi Thế Phương đột ngột qua đời vào đầu tháng 11 năm 2010 và trang báo Take2Tango không người trông coi nên đành phải “giã từ làng báo”.
Câu chuyện lùm xùm phải trái thưa kiện giữa bà Liên Trần với Đơn Dương được tiếp tục đăng tải trên tờ Việtweekly và được quảng bá trên Ngụy Vũ Show thêm một thời gian nữa và kết thúc thật nhanh chóng với thủ tục bãi nại thật … êm re giữa hai người họ (?)
Theo tôi, nếu thật bà Liên Trần có xin lỗi Đơn Dương như lời đồn hay mới đây do lời xác nhận của ông Lê Cung Bắc trên các báo gấp ngàn lần hơn đi nữa thì danh dự của Đơn Dương cũng đâu vì thế được phục hồi như cũ. Đúng như người ta nói “tình thù” mới thật dễ sợ. Đàn bà mà “đao hạ” thì không bao giờ “lưu nhân” nên qúy ông mà gặp phải “tay này” chắc chắn chỉ có nước từ chết tới bị thương!
Chuyện bà Liên Trần chưa kịp để người ta quên thì lại thấy hình chàng tài tử đào hoa Đơn Dương cười tươi roi rói ôm eo ếch bà Hạnh Phước xuất hiện trên một số báo. Thế là thiên hạ lại có dịp râm ran… Riêng chúng tôi có ý mừng thầm hy vọng từ đây ông có bến đổ an toàn.
Chẳng bao lâu, ai ngờ cơn tai biến cấp tốc cướp đi sinh mạng người nghệ sĩ trong sự nuối tiếc và khơi gợi thêm lần nữa sự thắc mắc của nhiều người trong đó có cả tôi…
Không thắc mắc sao được khi đọc thông báo của gia đình cho hay con trai và người em sẽ bay từ Việt Nam qua Mỹ để lo hậu sự cho Đơn Dương? Điều chúng tôi ngạc nhiên và tự hỏi chuyện gì xảy ra cho cuộc tình Đơn Dương & Hạnh Phước mà cuối cùng người đưa Đơn Dương vào bệnh viện cấp cứu lại là một người đàn bà tên Mộng Hoa? Tôi gọi ngay cho một người bạn văn học tại Austin. Texas, anh trả lời ngao ngán “Họ chia tay rồi, mang tiếng chuột sa hủ nếp sao chịu nổi!”.
Sao những giây phút chông chênh buồn vì mất đi một người quen dễ mến. Tự nhiên tôi thấy Đơn Dương chết vậy mà hay. Ông “chết ngọt” như vậy vừa khoẻ thân vừa để lại nhiều nuối tiếc cho mấy bà “bồ” hơn là sống tàn tật nằm một chổ thì thật cay đắng trăm bề cho chính mình lại còn gây thêm bao nhiêu phiền lụy đến cho gia đình mà thôi!
Hãy bỏ qua hết những vui buồn, cay đắng, ghen tương, khuất tất trong gia đình của tài tử Đơn Dương. Điều tôi nhận thấy là lòng cảm thương và kính trọng người vợ mang tên Vũ Xuân Xanh. Cuối cùng bà vẫn là người đứng tên trên Cáo Phó và chứng kiến đóng nắp quan tài người chồng đầu đời của mình. Và tấm hình hai con trai ôm bát nhang cùng Di ảnh của người cha tài tử tuy hiền lành nhưng mang khá nặng (thói) nghiệp (trăng) đào hoa khiến ai nhìn cũng cảm động.
Rồi nghe Nguyễn Quang Lập ngậm ngùi: “Chào nhé Đơn Dương!. Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy. Đơn Dương ơi!. Kiếp sau nhớ về Đất Việt nhé!. Đừng quên! Kiếp sau Đất Việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy!”.
Và Đạo diển Đinh Anh Dũng: “Chuyện tình của nó cũng vậy, như chuyện qua ngày chứ chẳng có gì sâu sắc hết. Nó yêu mà hồn phách cứ để đâu đâu, hình như nó vẫn nhớ về ai đó trong nước thì phải. Giờ nghĩ cứ thấy tội nó thế nào, nó như một gốc cây đang yên lành, bỗng một cơn bão ập đến bứng rời khỏi đất. Để sau đó vẫn tồn tại, vẫn lây lất sống nhưng cứ nghĩ về chốn cũ của mình. Nhiều người thích ứng rất nhanh khi đến Mỹ, nhưng nó thì hoàn toàn khác. Ngoài chuyện làm nghề, thì những suy nghĩ của nó rất Việt Nam mà lại rất chân tình, chỉ đôi khi cáu lên khi nhắc lại chuyện cũ, nhưng hoàn toàn không thù hận gì kể cả những người đã từng “vô tình” làm cho nó phải ra đi.”
Bây giờ, chốn hư không mới thật là nơi chốn dung thân bình yên và mãi mãi cho người đàn ông mang đầy đủ tên họ – Bùi Đơn Dương.
(Hầm Nắng, 14/12/2011. Trong loạt bài Viết Về Những Người Một Thời)
Theo Wikipedia: (Chúng Tôi Từng Là Lính tên gốc tiếng Anh: We Were Soldiers là bộ phim chiến tranh của điện ảnh Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên trận Ia Đrăng của chiến tranh Việt Nam, diễn ra vào ngày 14 tháng 11 năm 1965. Đây là trận đánh quy mô lớn đầu tiên có sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ và quân chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ phim được dàn dựng bởi đạo diễn Randall Wallace, có sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh Hollywood như nam diễn viên gạo cội Mỹ là Mel Gibson (vai trung tá Hal Moore) và có nam diễn viên nổi tiếng của Việt Nam là Đơn Dương (vai trung tá Nguyễn Hữu An).
Chúng tôi từng là lính miêu tả về trận chiến kéo dài 34 ngày tại thung lũng hẻo lánh Ia Drang ở miền Nam Việt Nam vào tháng 11/1965. Đó là cuộc đối mặt đầu tiên giữa quân đội Việt Nam và quân nhân Mỹ, bộ phim tái hiện lại trận đánh khốc liệt đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam và được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết We Were Soldiers Once… And Young (Chúng ta là những người lính trẻ) của chính trung tá Hal Moore ngoài đời viết, Hal Moore và phóng viên Joseph L. Galloway, cả hai đều tham gia trận đánh nổi tiếng này.
Bộ phim sau khi công chiếu đã đạt nhiều thành công tại Hoa Kỳ với doanh thu hơn 20,2 triệu USD trong những ngày đầu công chiếu (số liệu do Exhibitor Relations công bố), theo thống kê thì 75% khán giả của Chúng tôi từng là lính đều hơn 25 tuổi, 44% lượng người xem là phụ nữ.[2] Bộ phim được đón nhận rộng rãi trong công chúng Mỹ và kể cả những nhân vật trong chính quyền, bộ phim đã trình chiếu tại Nhà Trắng và Tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã mời Gibson đến để cùng thưởng thức bộ phim.[3], ông Bush tỏ ra tâm đắc với bộ phim này.[4] Đặc biệt trong bối cảnh ngay sau vụ khủng bố 11-9, công chúng Mỹ cần một bộ phim ca ngợi tinh thần anh dũng của binh sĩ nước mình.
Tuy vậy, tại Việt Nam, bộ phim gây tranh cãi rất lớn và bị dư luận trong nước phản đối dữ dội vì cho rằng đã xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam và hình ảnh của người lính quân đội nhân dân Việt Nam.[5] (ngưng trích).
0 comments:
Post a Comment