Sunday, December 25, 2011

Thi hài Kim Jong-il được bảo quản ra sao?

Linh cữu Kim Jong-il

Đang có nhiều đồn đoán rằng thi hài lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il sẽ được tẩm liệm và bảo quản trong lăng cùng với thi hài cha ông, cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Ông Kim Jong-il qua đời hôm 17/12 vì nhồi máu cơ tim.

Hiện chưa có thông báo chính thức về những gì sẽ diễn ra sau lễ tang mà theo lịch sẽ được tổ chức ngày 28/12 tới sau 13 ngày quốc tang.

Linh cữu ông Kim Jong-il hiện đang được quàn tại Lăng Kumsusan cho mọi người vào viếng.

Tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng trong thời gian trước tang lễ, thi hài ông cũng đang được tẩm ướp, chuẩn bị cho việc bảo quản lâu dài hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời một chuyên gia bảo quản xác Hàn Quốc, Cho Jae-sung, nói: "Họ có thể giữ xác ông ta trong quan tài bằng kính khoảng 10 ngày với nhiệt độ ở trong lăng".

Sau đó nếu muốn giữ lâu, người ta sẽ phải tiếp tục xử lý thi hài trong nhiều ngày.

Một khi đã yên nghỉ vĩnh hằng trong lăng bên cạnh cha ông, ông Kim Jong-il sẽ là lãnh tụ thứ năm trên thế giới sau ông Kim Il-sung, Vladimir Ilyich Lenin của Nga, Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam có thi hài được gìn giữ để người đời sau thăm viếng.

"Đây là hành động thần tượng hóa gia đình họ Kim. Họ giữ thi thể các ông ấy với mục đích duy trì thể chế."

Cựu đại sứ Bắc Hàn tại Thái Lan Hong Soon-kyung

Cựu đại sứ Bắc Hàn tại Thái Lan Hong Soon-kyung, người đã đào tẩu và nay sống tại Nam Hàn, cho rằng điều này chắc chắn sẽ xảy ra: "Đây là hành động thần tượng hóa gia đình họ Kim. Họ giữ thi thể các ông ấy với mục đích duy trì thể chế".

Trước kia thi hài Joseph Stalin cũng được đưa vào lăng cùng với Lenin tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, nhưng sau đã bị chuyển đi chôn năm 1961 dưới thời Nikita Khruschev.

Ngoài ra, thi hài cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng được vợ ông bảo quản và gìn giữ ở một chốn riêng tư.

Chi phí tốn kém

Thi hài Chủ tịch Kim Il-sung được một nhóm chuyên gia Nga xử lý bảo quản sau khi ông chết vì bệnh tim năm 1994.

Quá trình ướp xác này tốn tới 1 triệu đôla lần đầu tiên, và mỗi năm mất thêm 800.000 đôla nữa.

Tuy nhiên lần này, khi quan hệ Nga-CHDCND Triều Tiên không còn mặn mà như trước, có thể các chuyên gia Bắc Hàn sẽ trực tiếp đảm nhiệm công việc.

Chuyên gia sinh học Ilya Zbarsky, người từng tham gia bảo quản thi hài Lenin, nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn năm 1999: "Cứ hai lần một tuần chúng tôi lau mặt và tay ông ta bằng một dung dịch đặc biệt".

"Chúng tôi có thể sửa sang lại một vài chi tiết nhỏ. Mỗi năm một lần, lăng Lenin đóng cửa và toàn bộ thi thể được cho vào dung dịch hóa học để ngâm tẩm."

Thi hài Lenin trong lăng

Vẻ ngoài của ông Lenin nhợt nhạt như tượng sáp

Các chuyên gia Nga cũng chịu trách nhiệm bảo quản thi hài Hồ Chủ tịch, mà có nguồn tin nói mỗi năm phải được chuyển sang Nga một lần để bảo dưỡng định kỳ.

Quá trình xử lý, gọi một cách đơn giản là ướp xác, dựa vào nguyên tắc chính là chống phân hủy và có hai cách thức chính để làm việc này.

Karen Caney, Tổng thư ký Viện Chuyên gia Ướp xác của Anh, giải thích rằng cách phổ biến nhất và hay được dùng để bảo quản ngắn hạn tử thi cho tới khi chôn cất là pha hóa chất, thường là có chứa formaldehyde, với nước lã rồi bơm vào hệ thống mạch máu.

"Phải làm việc này càng sớm càng tốt, vì quá trình phân hủy bắt đầu ngay sau khi người ta qua đời."

Tuy nhiên làm cách này chỉ giữ được thi thể một vài tuần là nhiều.

Để giữ lâu hơn, thí dụ như tới ba năm trong một số phòng thí nghiệm của trường đại học với mục đích cho sinh viên nghiên cứu, thì phải xử lý nhiều hơn.

Công nghệ tiên tiến

Giáo sư Sue Black, Trung tâm Giải phẫu học và Nhận dạng thuộc Đại học Dundee, nói nguyên tắc chủ chốt cho việc ướp xác là tạo lập một môi trường vô trùng.

Lăng Hồ Chủ tịch

Thi hài Hồ Chủ tịch yên nghỉ trong lăng

Các mạch máu chính đều phải mở để hút hết máu ra ngoài, tránh vi khuẩn sinh sôi. Sau đó toàn bộ được rửa bằng hóa chất đặc biệt.

Giáo sư Black nói: "Cần phải thay đổi hoàn toàn thành phần hóa học của mô cơ, loại trừ hết vi khuẩn và nấm mốc".

Tử thi sau đó được rửa và ngâm trong một lượng lớn chất cồn glycerol, với mục đích ngăn chặn khô teo, và chất formalin, dùng để tẩy trùng.

Bà Black cũng cho hay người ta thường thêm màu vào trong dung dịch formalin để cho xác người chết có màu tự nhiên.

"Trong trường hợp tử thi được mang ra trưng bày thì lại càng phải chú ý tới các yếu tố bên ngoài như trang điểm bộ mặt và mang tóc giả, vì tóc thật sẽ rơi rụng hết trong quá trình xử lý."

Sau đó là điều kiện phòng trưng bày với các chi tiết như độ ẩm hay nhiệt độ cũng phải được tính toán kỹ lưỡng.

Theo giáo sư Black, công nghệ ướp xác trên thế giới đã tiến một bước dài kể từ thời Lenin.

Ông Lenin nằm trong lăng, thi hài được chiếu sáng nhưng trông nhợt nhạt như tượng sáp và bóng nhoáng một cách kỳ lạ.

Tuy nhiên, công nghệ ngày nay đã cho phép các xác ướp bề ngoài trông rất thật.

Giáo sư Black cho rằng nay người Bắc Hàn đã có thể tiếp cận các kỹ năng và nguyên vật liệu cao cấp nhất cho công việc này, chủ yếu là từ Trung Quốc, nơi giải phẫu học và công nghệ ướp xác đã ở mức độ tinh vi.

Bản tiếng Anh bài về cách ướp xác lãnh tụ được đăng trên Bấm BBC Magazine

0 comments:

Powered By Blogger