Song Chi.
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il, nhà lãnh đạo bí ẩn và quái gở của một quốc gia bí ẩn nhất trên thế giới đã qua đời. Không có vị khách quốc tế nào được mời tham dự. Cả thế giới chỉ được biết, được nhìn thấy những thông tin, hình ảnh gì về tang lễ mà truyền thông của đất nước này muốn cho biết. Trong đó hình ảnh người dân Bắc Hàn than khóc tập thể, vật vã hơn cả cha chết được nước này công bố rộng rãi như muốn cho thế giới biết người dân đau đớn, thương xót “vị lãnh tụ kính yêu” của họ như thế nào. Song ngược lại, khi nhìn những hình ảnh đó người dân các nước chỉ thấy tội nghiệp cho nhân dân Bắc Hàn đã bị nhồi sọ một cách quá đáng và kinh hãi cho tệ sùng bái cá nhân, cũng như hậu quả của sự bưng bít thông tin ở đất nước này.
Trừ dân Bắc Hàn (mà cũng không biết bao nhiêu phần trăm thực sự xót thương ông Kim Jong-il hay buộc phải khóc nếu không muốn…ghép tội phản động và đi tù chẳng hạn), dư luận thế giới ngay trên những trang báo/TV/radio chính thức tầm cỡ của các nước từ Tây sang Đông, chả có mấy lời tốt đẹp dảnh cho nhà lãnh đạo độc tài này. Cái chết của ông ta còn làm cho các nước có liên quan như Nam Hàn, Nhật Bản, ngay cả Trung Quốc hay Mỹ đều phải lo ngại. Sợ bất cứ một sự xáo trộn nào đó như đảo chính, tranh giành quyền lực v.v…có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hòa bình chung của khu vực và thế giới. Sợ người nối ngôi Kim Jong-un với khuôn mặt búng ra sữa và kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm chính trị chưa bao nhiêu kia bổng nổi hứng bắn mấy quả hạt nhân để hù dọa, ra oai với thế giới và để chứng tỏ bản lĩnh của mình thì…nguy! Những người lãnh đạo Bắc Hàn từ trước đến nay vẫn chứng tỏ họ là những kẻ chả sợ gì ai, thế giới muốn nghĩ về họ như những thằng liều, thằng hủi…họ cũng chả quan tâm.
Lần này ông Kim Jong-il chết, hình như chỉ có mỗi nước XHCN Cu ba là để quốc tang 3 ngảy. Mấy nước VN, Lào, Trung Quốc…không nhúc nhích gì. Lần trước, cách đây 17 năm, năm 1994, khi cha ông Kim Jong-il là “chủ tịch vĩnh cửu” Kim Il-sung chết, nhà nước Việt Nam còn quyết định treo cờ rủ để quốc tang. Bây giờ thời thế đã khác. Các ông lãnh đạo VN chắc cũng không muốn thế giới xếp họ vào hàng ngũ bạn bè của nhà lãnh tụ độc tài đã cùng với cha mình là nguyên nhân gây ra sự đói nghèo, lạc hậu triền miên của đất nước và nhân dân Bắc Hàn, bị cả thế giới lên án. Còn trên các trang blog cá nhân của người Việt, và người TQ, theo BBC trong bài “Dân mạng TQ bình việc ông Kim qua đời”, nhân vật Kim Jong-il và kể cả cái chết của ông ta chỉ gây nên những lời bình luận cay nghiệt, hài hước, mang tính châm biếm …. của mọi người. Đúng là nhờ “mở cửa”, nhờ có internet, người dân TQ cũng như VN mới hiểu được chế độ Bắc Hàn là kinh khủng như thế nào.
Kể cũng lạ. Chỉ những quốc gia độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo là mới có nạn sùng bái cá nhân nặng nề như vậy. Quốc gia nào cũng có ít nhất một ông lãnh tụ được tô vẽ như huyền thoại, đầy tài năng đức độ, cuộc đời và nhân cách không một tì vết, khuyết điểm, và được tôn thờ hơn cả thánh sống, tồn tại mãi mãi cùng với chế độ. Chỉ đến khi chế độ đó sụp đổ thì bao nhiêu mặt trái, tội ác của vị lãnh tụ ấy đối với đất nước, dân tộc mới được phơi bày công khai, như trường hợp Liên Xô với Stalin, Lênin.
Nói người thì cũng chạnh nghĩ đến ta. Nào có xa xôi gì cái thời mà người dân miền Bắc khóc thương khi ông Hồ Chí Minh qua đời, cũng khóc tập thể có khác gì người dân Bắc Hàn bây giờ. Không chỉ khóc khi lãnh tụ cùa nước mình mất, có những người như ông nhà thơ Tố Hữu còn khóc thay cho dân Liên Xô khi Stalin chết chẳng hạn! Cho mãi đến trước thời kỳ “mở cửa”, xã hội Việt Nam về mặt tuyên truyền giáo dục một chiều, bưng bít thông tin có khác gì Bắc Hàn.
Và nếu người VN chúng ta nhìn người dân Bắc Hàn để tự hỏi vì sao họ lại có thể chịu đựng lâu đến thế một chế độ quái gở như vậy, hay để mừng rằng VN bây giờ dễ thở hơn Bắc Hàn nhiều. Nhưng trong khi đó thì người dân tại các nước đang có một chế độ tự do dân chủ pháp quyền và một xã hội văn minh, thịnh vượng, đầy tính nhân bản, lại nhìn vào người dân VN chúng ta và tự hỏi sao người VN lại có thể chịu đựng lâu như vậy, giỏi như vậy một cái chế độ như chế độ ở VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản suốt bao nhiêu năm nay!
Cũng may cho nhân dân Bắc Hàn là một ngày nào đó khi chế độ độc tài ở Bắc Hàn sụp đổ, còn có một nửa nước phồn vinh thịnh vượng với mô hình dân chủ gần như hoàn hảo là Nam Hàn để mà kéo vực lên, để mà noi theo và không phải mất quá nhiều hời gian làm lại từ đầu. Giống như Tây Đức và Đông Đức.
VN thì lại không được như vậy. Nếu không có chuyện thống nhất hai miền, miền Nam VN chắc chắn nếu không khá hơn thì cũng ngang ngửa với Nam Hàn bây giờ. Và khi thời cơ thống nhất đến bằng một con đường hòa bình chứ không phải đổ máu như đã từng diễn ra, quá trình làm lại, xây dựng lại đất nước của người VN chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn. Chưa kể , những quốc gia phải sống trong một mô hình thể chế chính trị độc tài quá lâu sẽ rất khó mà chuyển đổi thành một xã hội tự do dân chủ thực sự, mà phần nhiều sẽ thành một chế độ dân chủ giả hiệu. Cứ nhìn Liên Xô-nước Nga bây giờ thì cũng thấy.
Với TQ hay VN sẽ còn nặng nề hơn. TQ vừa là một quốc gia mà văn hóa tinh thần chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, Khổng giáo, vừa là một nước phong kiến lâu đời trước thời kỳ đảng cộng sản lãnh đạo, người dân chưa từng trải qua một giai đoạn sống dưới một mô hình tự do dân chủ. VN có thể có một giai đoạn ngắn ngủi với nền dân chủ non nớt ở miền Nam, nhưng hơn sáu thập kỷ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là quá dài!
Trở lại chuyện ông Kim Jong-il qua đời. Ai rồi cũng chết. Là lãnh tụ vĩ đại thì cũng chẳng thể thoát khỏi quy luật sinh tử. Nhưng chết đi để lại một di sản thế nào cho đất nước, dân tộc, hoặc chết đi trong cái nhìn như thế nào của dư luận thế giới, của chính người dân nước mình và trong lịch sử đời đời ghi lại về sau mới là quan trọng. Ngay cả khi lịch sử đã được bưng bít, bóp méo, viết lại theo chế độ đang cầm quyền thì sau này, sự thật vẫn là sự thật mà thôi.
0 comments:
Post a Comment