Friday, December 16, 2011

So sánh lộ trình dân chủ Việt Nam và Myanmar

Hoa Kỳ chưa hề rời bỏ và hiện nay đang đặt trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương đã khuyến khích các quốc gia trong vùng, đặc biệt Việt Nam và Myanmar, tự tin hơn trước mưu đồ bành trướng nham hiểm của Bắc Kinh.

Lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Lãnh tụ khối dân chủ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Tuy nhiên, cách ứng xử của Hà Nội và Naypyitaw rất khác nhau trước biến cố quan trọng này để xây dựng lộ trình dân chủ cho dân tộc.

Tướng Ne Win chỉ huy vụ đảo chánh năm 1962 nhằm lật đổ Chính phủ dân sự để giới quân sự thay nhau cai trị Miến Điện liên tục từ đó cho đến năm 2010. Tập đoàn quân phiệt đã đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1988 và vụ tuần hành của các nhà sư năm 2007 nên bị Tây Phương cấm vận nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Myanmar không chủ trương tiêu diệt đảng phái chính trị nên vẫn có Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ giữ vị trí đối lập, Lực lượng Dân chủ Quốc gia ở thế trung dung, và hai được phe quân sự ủng hộ như đảng Phát triển và Đoàn kết Dân tộc, đảng Thống nhất Quốc gia.

Trong cuộc bầu cử năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ đã chiếm được 80% ghế Quốc Hội, nhưng giới tướng lãnh từ chối trao quyền thành lập Chính phủ cho Lãnh tụ Aung San Suu Kyi.

Từ đó, nhà cầm quyền bắt đầu chiến dịch đàn áp đối lập. Hàng ngàn đảng viên của Liên đoàn bị giam cầm. Vị nữ anh hùng của dân tộc Miến Điện bi tổng cộng 15 năm giam giữ và quản thúc tại gia kể từ năm 1989. Liên đoàn dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Suu Kyi vẫn không sợ hãi, kiên trì và thanh thản trong cuộc đấu tranh bất-bạo-động trường kỳ.

Hiến Pháp Burma được viết lại và đem trưng cầu dân ý năm 2008 dẫn tới cuộc bầu cử 2010 mà đảng Phát triển và Đoàn kết Dân tộc chiếm 80% ghế Quốc Hội trong khi Liên đoàn tẩy chay bầu cử nên bị ghép vào thành phần bất-hợp-pháp.

Giới tướng lãnh giả từ áo kaki, diện thường phục điều khiển tân chính quyền mà tính chất hợp pháp rất ít nên bắt buộc hay tự nguyện tiến hành cải tổ chính trị.
Tân Chính phủ nới rộng tự do ngôn luận, ngoại trừ lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, nên báo chí thi nhau đăng hình Lãnh tụ Suu Kyi mà chưa dám nghị luận. Chính quyền hợp-pháp-hóa các nghiệp đoàn, ban hành luật biểu tình, thả một số tù chính trị. Chấm dứt thời gian quản thúc tại gia và chính thức mở các cuộc tiếp xúc với lãnh tụ đối lập Suu Kyi, ngưng đàn áp các sắc tộc thiểu số vốn khởi diễn từ năm 1948. Miến Điện có 60 triệu người gồm nhiều sắc tộc với Bamar chiếm 68% và trên 10 nhóm khác chia nhau 32%.

Tân Chính phủ biết dùng sức mạnh quần chúng qua thảo luận công khai để ngưng dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ nhằm chống lại sự chi phối chính trị, kinh tế, quân sự của Bắc Kinh.

Dân chúng bất mãn vì ước tính 90% điện từ nhà máy Myitsone sẽ chuyển về Trung Quốc và Bắc Kinh đưa người của họ sang xây đập thủy điện. Vì thế, khi được có chút tự do, dân chúng Miến Điện lập tức thể hiện lòng yêu nước giúp tân chính phủ nhổ được chiếc gai mà không quá làm phật lòng đồng minh chiến lược.

Lãnh tụ Suu Kyi tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ nhằm chứng tỏ thiện chí hợp tác với Chính quyền mà đưa dân tộc thoát khỏi tình trạng lạc hậu nhất nhì thế giới.
Ngoại trưởng Clinton đã hội kiến với Tổng thống Thein Sein hôm 01-12-2011 tại thủ đô Naypyitaw và cùng đồng ý giảm cấm vận, tái lập bang giao tương xứng với tốc độ cải tổ chính trị của Myanmar. Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiến hành các cuộc nghiên cứu tài trợ cho Myanmar.

Các biện pháp cởi mở của tân chính phủ đã được Khối ASEAN đồng ý cho đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2014 mà Myanmar bị hụt vào 2006.
Sau đó, Ngoại trưởng Clinton đi Rangoon và đã hàn huyên, thảo luận với Lãnh tụ đối lập Suu Kyi 2 lần trong chuyến công du Myanmar 3 ngày về các biện pháp thúc đẩy công cuộc dân-chủ-hóa Miến Điện mà khó bị đảo ngược.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế, kể cả Lãnh tụ Suu Kyi cũng chỉ lạc quan một cách thận trọng vì giới tướng lãnh từng thất hứa nhiều lần.

Hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Myanmar chưa phai nhạt khi Phó chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm nước này vào cuối tháng 11-2011. Tân Tổng Tư lệnh Quân đội Miến Điện ghé Hà Nội trước khi sang thăm Bắc Kinh ngày 28-11-2011 đã bị dư luận đặt dấu hỏi.
Việt Nam đã thiết lập bang giao toàn diện với Hoa Kỳ từ năm 1995 và tiến hành đổi mới kinh tế mà vẫn siết chặt chính trị theo mô hình Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp có hệ thống những nhân vật phản kháng và tiêu diệt các đảng phái chính trị. Việt Nam vẫn duy trì chính sách bất dung với đối lập bằng các bản án nặng nề hoặc hình thức trục xuất.
Các nhà hoạt động chính trị Việt Nam chưa chứng tỏ khả năng thu hút quần chúng thành sức mạnh đối lập mà vẫn ở trong tình trạng phản đối lẻ tẻ nên khó tạo ảnh hưởng đối với chủ trương, chính sách trị quốc.

Dân Việt tức giận các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, kể cả việc khai thác bâu xít, tranh chấp Biển Đông, nhưng, Hà Nội không bao giờ sử dụng dư luận quần chúng để buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ. Trái lại, còn cấm đoán triệt để hành động phê phán hoặc biểu tình chống chủ trương bành trướng của Trung Quốc.
Hơn 10 năm, Luật Biểu tình và Luật Lập hội vẫn chưa được thảo luận tại Quốc Hội bởi vì đảng cộng sản tự biết chẳng đủ khả năng giành sự ủng hộ tự nguyên của quảng đại quần chúng.

Đáp ứng chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng thông tin, gắn bó với chính sách của Bắc Kinh khiến cho các nước trong Khối ASEAN phải e dè.

Tuy Hà Nội đã giảm án cho một vài tù nhân chính trị như Luật sư Lê Công Định với tin trục xuất sang Mỹ, Giảng viên đại học Phạm Minh Hoàng, và thả vài người gần mãn hạn tù theo kiểu “nín thở qua sông”. Nhưng, chủ trương tiêu diệt đối lập vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, lộ trình dân chủ Việt Nam ngày càng thêm chông gai cần đến loại xe ủi đất hạng nặng.

Miến Điện có điều kiện xây dựng một nền dân chủ cân bằng nhờ vào lực lượng đối lập đông đảo được tổ chức chu đáo và tân Chính phủ đang cố gắng hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Việt Nam thiếu lực lượng đối lập có tổ chức, thu hút được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng, lại có đảng cầm quyền ù lì và u tối nên khó thoát khỏi bàn tay thao túng của Bắc Kinh.


ĐẠI-DƯƠNG

0 comments:

Powered By Blogger