Sunday, December 4, 2011

MỤC TỬ LÃNH ĐẠO?


Tâm sự của người viết:

Hội Thánh của Chúa qua mọi thời đại không thiếu mục tử chân chính. Có biết bao vị đã trung thành với ơn gọi của mình và nhiều vị đã lưu lại tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Cho nên, noi gương các ngài, người công giáo không thể chấp nhận nhân cách, lập trường, thái độ và cách hành xử của một số mục tử qua các biến cố đã và đang xãy ra cho GHCGVN.

Có người bảo rằng những bài viết phê phán các đấng bậc như thế là quá “bạo”. Thật ra, vẫn chưa “bạo”. Kinh Thánh đã từng phê phán các loại mục tử đó “bạo” hơn rất nhiều, lắm lúc bằng những lời nguyền rủa rất gay gắt.

Trong lịch sử của Giáo Hội, đã có biết bao nhiêu vị lãnh đạo mẩu mực và tài đức song toàn. Bằng nhiệt huyết phục vụ, lòng trung thành với Giáo Hội, và nhất là với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, cuộc đời các ngài đã đã thu hút biết bao nhiêu tâm hồn trong sứ mạng lãnh đạo đoàn chiên. Các vị lãnh đạo ấy đã được Giáo Hội ca ngợi và xem đó là mẫu mực: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ.” (Hr 13, 7)

Ngoài phẩm chất đạo đức, các Giáo Hội Âu Mỹ thường chọn các ứng viên làm giám mục phải có tài lãnh đạo và quản trị giáo phận. Trong khi đó GHCGVN vẫn giữ truyền thống chọn ứng viên giám mục là những vị học giỏi hoặc đã từng đi du học, bất chấp vị ấy có tài lãnh đạo hay không. Và điều nguy hiểm nhất là các ứng viên đó phải “được sự đồng ý của chính phủ” trước khi được Vatican bổ nhiệm. Ngày nay, muốn “được sự đồng ý của chính phủ” thì không có gì là khó, chỉ cần ứng viên giám mục cúi đầu và hợp tác. Chính điều kiện hợp tác nầy đã sinh ra biết bao nhiêu hệ lụy khác cho hàng lãnh đạo của GHCGVN.

Người tín hữu luôn đặt kỳ vọng vào mục tử, nên ngạc nhiên khi có những mục tử lãnh đạo đã im lặng trước bất công, nín thinh trước những bạo lực của nhà cầm quyền đàn áp đoàn chiên. Khi đoàn chiên hoang mang và cần được hướng dẫn thì lãnh đạo biện minh rằng “Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể giải thích, và nếu có giải thích không hiểu có người chịu hiểu hay không?”* Chưa lên tiếng mà đã sợ người ta không hiểu thì có phải là tránh né và thiếu trách nhiệm, vì khiếp đảm hoặc vì phải hợp tác chăng? Chân dung của những mục tử lãnh đạo đó được Cựu Ước mô tả một cách mỉa mai: “Các vị lãnh đạo đều lặng lẽ làm thinh, lưỡi dính chặt với hàm”. (Yb 29, 10)

Dân gianViệt Nam có câu “thượng bất chính, hạ tác loạn”. GHCGVN trong những năm gần đây bị chao đão vì giới lãnh đạo. Hàng giáo phẩm chỉ mới được thành lập vừa tròn 50 năm, thế nhưng suốt khoảng 35 năm gần đây Giáo Hội liên tiếp đi từ biến động nầy qua biến động khác khiến giáo dân ngày càng mất niềm tin vào những người lãnh đạo Giáo Hội. Chưa bao giờ có chuyện giáo dân cầm biểu ngữ trong khuôn viên thánh đường để phản đối giám mục nầy, để vinh danh giám mục kia. Chưa bao giờ trên các mạng lưới toàn cầu có qua nhiều bài viết phê phán vai trò lãnh đạo của các đấng bậc trong Giáo Hội. Chưa bao giờ giáo dân gọi giám mục bằng ông nầy ông nọ và dùng những ngôn từ chưa bao giờ được dùng cho bậc lãnh đạo Giáo Hội. Tại sao giáo dân đã có những phản ứng như thế? Chính vì đã có những vị lãnh đạo chẳng là lãnh đạo, ngược lại, họ đã thỏa hiệp với nhà cầm quyền mà lơ là người dân, nhất là những người nghèo khó và cô thế, dưới những chiêu bài nào là “đồng hành với dân tộc”, nào là “trung thành với dân tộc”, nào là “tốt đời, đẹp đạo”…Tất cả chỉ là che đậy cho lời hứa hợp tác!

Chính vì đã có những vị lãnh đạo chỉ biết chạy theo chức quyền, địa vị, và vật chất… nên đã có chia rẽ trong hàng lãnh đạo của Giáo Hội. Tại sao có thể có một mục tử 72 tuổi lại đi thay thế một mục tử 58 tuổi, một người được toàn thể yêu mến? Còn hơn thế nữa, đã có những vị lãnh đạo Giáo Hội chẳng những đứng về phía nhà cầm quyền, mà còn làm thay những công việc của công an và chính quyền. Tất cả cũng chỉ vì lời hứa hợp tác!

Những việc làm đó của lãnh đạo đã tạo nên sự khủng hoảng chưa từng có trong GHCGVN, như Cựu Ước đã từng phê phán: “Lãnh đạo mà để tâm nghe lời gian trá thì thuộc hạ sẽ thành một lũ xấu xa. Khốn cho ngươi, hỡi đất nước có vua cai trị là một thằng nhãi con, có người lãnh đạo là những đứa mới sáng ra đã lo chè chén”. (Cn 29, 12)

Người lãnh đạo giỏi chính là người lãnh đạo biết lắng nghe. Chính nhờ biết lắng nghe, người lãnh đạo biết được tâm tư và nguyện vọng của giáo dân. Nhờ lắng nghe, người lãnh đạo hiểu được nhu cầu của cộng đoàn. Biết lắng nghe người lãnh đạo sẽ biết thay đổi những khiếm khuyết của chính mình. Huấn Ca của Kinh Thánh đã mời gọi giới lãnh đạo cộng đoàn lắng nghe như sau: “Xin hãy nghe tôi, thưa quý vị quan chức trong dân; xin lắng tai để ý, thưa quý vị lãnh đạo cộng đoàn.” (Hc 33, 19)

Người lãnh đạo cần phải khôn ngoan. Giáo Hội kỳ vọng nơi các mục tử cái khôn ngoan của Salômong, của “con cái sự sáng”, chứ không phải cái khôn ngoan của thế gian. Giáo Hội cần những vị lãnh đạo biết dùng sự khôn ngoan của Thánh Thần để lo cho đoàn chiên, chứ không phải dùng mánh khóe của loài người để chạy chức, chạy quyền, để “hợp tác”, tạo nên chia rẽ và khủng hoảng trong Giáo Hội. Hơn lúc nào hết Đất Nước, Giáo Hội, và ngay cả mỗi cộng đoàn đều cần những vị lãnh đạo đích thực biết hành động như Kinh Thánh đã dạy: “Thế nên, hỡi chư vị lãnh đạo các dân, nếu chư vị quý chuộng ngai báu và vương trượng, thì hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan, để chư vị được trị vì mãi mãi. Vua Sa-lô-môn miêu tả Đức Khôn Ngoan.” (Kng 6, 21)

Lãnh đạo là dẫn đường. Dù cho bất cứ lúc nào, các vị lãnh đạo Giáo Hội cần phải hướng dẫn bằng các giáo huấn khôn ngoan. Dẫn đường thì ắt phải đi trước và gương mẩu, chứ không thể có “lúc đi trước, lúc đi sau, lúc đi giữa đoàn chiên” và có lúc đi đêm với cường quyền như một vị mục tử đã từng tuyên bố. Vị mục tử đó quên rằng Thánh Gioan đã mô tả hình ảnh mẩu mực của kẻ chăn chiên và vị thế của anh ta là “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”. (Yn 10)

HĐGMVN đã đặt ra tất cả 17 ủy ban, kể cả Ủy ban Công lý và Hoà Bình vừa được thêm vào cho xôm tụ và “theo cấu trúc của Vatican”*. Thử hỏi những thành quả mà các ủy ban nầy đã làm được cho đoàn chiên là những gì? Bảo đảm rằng nếu có ai hỏi phương án và chương trình hành động cụ thể của từng ủy ban thì sẽ có rất nhiều ủy ban ấm ớ như giám mục Nguyễn Chí Linh. Giám mục nầy ấm a rằng “Hội đồng Giám mục Việt Nam có sứ mệnh mang tính toàn diện, chứ không phải chỉ đấu tranh cho công lý và hòa bình”*. Như thế thì giáo dân Việt Nam đừng mong gì hơn nơi các vị lãnh đạo ngoài những bức thư chung chung! Rõ ràng giữa cha với con, mục tử với giáo dân, lãnh đạo với con chiên mà chẳng thật lòng thì làm sao nói chuyện phúc âm hóa nhỉ?

Vị giám mục nầy cũng mặc nhiên thú nhận sự yếu kém của lãnh đạo: “Hội đồng Giám mục Việt Nam là một pháp nhân, nhưng không thể đảm đương tất cả những việc mà người khác cho đó là trách nhiệm của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vấn đề trách nhiệm, và vấn đề thiện chí- tấm lòng là hai vấn đề khác hẳn nhau”*. Khi trách nhiệm còn chưa phân định được, lại nghèo nàn về thiện chí và thiếu thốn cả tấm lòng thì con chiên còn gì để mong đợi? Thiết nghĩ HĐGMVN là gì và để làm gì thì đã có câu trả lời.

Sách Huấn Ca đã ghi rằng “Một tác phẩm được ca tụng là nhờ tay nghệ sĩ, ai lãnh đạo dân thì phải khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói.” (Hc 9, 17). Thế nhưng, thời gian qua, người ta thấy một số vị lãnh đạo Giáo Hội nhiều lúc đã quá vụng về trong lời ăn tiếng nói, từ những chuyện không đáng nói như “cờ vàng, áo đỏ”, đến những bài giảng bẻ cong và cắt xén lời Chúa một cách tùy tiện như vị đứng đầu Ủy Ban Giáo Lý và Đức Tin, hay là sự ngụy biện “không biết ăn nói”, đến những bài viết có tính cách ăn thua đủ của vị được tiếng là có tài giảng thuyết, và những lời tuyên bố hung hăng và háo thắng của một vị chủ chăn tuy tuổi còn trẻ nhưng lại già tai tiếng và đã quên “bài học vở lòng”…Nói hay im, tất cả chỉ để chống chế cho cái thế phải hợp tác và càng chống chế càng tỏ ra vụng về. Thật là đáng tiếc! Đúng là một đại nạn chưa từng thấy như Cựu Ước đã miêu tả: “Vườn nho của Ta, nhiều kẻ chăn chiên đến phá hoại, thửa đất của Ta, chúng giày xéo. Thửa đất yêu quý của Ta, chúng biến thành sa mạc cằn cỗi” (Yr 12, 10)

Tình cảnh của GHCGVN hiện nay chẳng khác chi lời báo trước của tiên tri Isaia: “Tổ phụ đầu tiên của ngươi đã phạm tội, và những người lãnh đạo ngươi đã phản nghịch cùng Ta.” (Ys 43, 27)

Trong 35 năm qua, đã “có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan” (Hc 44, 4) như Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Đức Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền…, nhưng hiện nay có không ít những vị lãnh đạo chỉ biết đưa ra những lới giáo huấn chung chung và còn tệ hơn thế nữa là những lời “giáo huấn” nhằm che đậy cho những mưu đồ hợp tác qua chiêu bài “đồng hành với dân tộc” và biện minh cho những sai lầm đáng nguyền rủa của lãnh đạo. Khi đoàn chiên hoang mang thì lãnh đạo không đưa ra được một lời trấn an mà lại đưa ra lời “giáo huấn” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) về 1.000 năm Thăng Long. Hết thuốc chữa! Làm sao con chiên có thể lắng nghe những lời giảng dậy từ môi miệng của những mục tử đó? Vừa qua, người ta mong đợi một sự đổi mới tối thiểu nào đó từ Đại Hội lần thứ XI của HĐGMVN, nhưng họp hành đã xong rồi, bổn cũ vẫn soạn lại, và thêm một lá thư chung chung lại vừa trình làng!

Càng hợp tác với với cường quyền dưới mỹ từ “đối thoại”, càng gây bè kết cánh, càng đưa ra những chiêu bài đánh lạc hướng dư luận, càng bóp chết tiếng nói của những mục tử chân chính… những người âm mưu khuynh loát GHCGVN càng đánh mất niềm tin yêu và kính trọng nơi con chiên. Qua các sự kiện gần đây biết bao tín hữu đã hoang mang và đức tin bị lung lay chỉ vì vai trò lãnh đạo của các mục tử đó. Có nhiều người cho rằng thà ở nhà đọc kinh và cầu nguyện với Thiên Chúa còn hơn đến thánh đường để nghe và thấy các mục tử nầy. Sự kiện Tổng Giám mục Hà Nội dâng Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa Hà Nội vào ngày quốc khánh của nhà nước cộng sản mà chỉ có 3 giáo dân tham dự là một thí dụ điển hình. Tình trạng nầy chẳng khác chi tiên tri Isaia đã nói lên trong Kinh Thánh: “Những kẻ lãnh đạo dân này đã làm cho nó lạc hướng, và những kẻ được lãnh đạo đã phải diệt vong.” (Ys 9, 15)

Đối với các vị lãnh đạo như thế, tiên tri Isaia đã cảnh báo một phiên tòa không thể tránh khỏi: “ĐỨC CHÚA đưa ra toà xét xử hàng kỳ mục và những kẻ lãnh đạo dân Người: “Chính các ngươi đã ăn hại vườn nho. Của cải người nghèo các ngươi đã bóc lột còn đang ở trong nhà các ngươi.” (Ys 3, 14)

Xin nhớ cho rằng “Người thực thi công chính được đi vào cõi sống, kẻ theo đuổi gian tà phải đến chốn tử vong.” (Cn 11, 19)

Trong sự thất vọng não nề về vai trò lãnh đạo của một số mục tử, giáo dân tự hỏi tương lai của GHCGVN sẽ đi về đâu?

Xin mượn lời của tiên tri Zêrêmia để tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa một tương lai cho GHCGVN: “Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.” (Yr 23, 4)

Và xin hãy đọc Thánh Vịnh sau đây như một lời cầu: “Lạy Thiên Chúa công minh, Chúa dò thấu lòng dạ con người, xin làm cho bọn ác nhân hết đường tác hại và cho người công chính được vững vàng.” (Tv 7, 10)

Tôma Thiện Minh

0 comments:

Powered By Blogger