Thursday, December 8, 2011

Gorbachev lên tiếng

Mikhail Gorbachev kêu gọi bầu cử lại tại Nga

By Andrew Osborn, Moscow – PBD dịch

Mikhail Gorbachev hôm Thứ Tư đã lên tiếng kêu gọi bầu cử lại quốc hội của Nga, cáo giác nhà cầm quyền “gian lận và lừa gạt”.


Ông Gorbachev nói: ‘Kết quả bầu cử không phản ảnh đúng ý dân’ Hình: AP

Có đến 15,000 người sẵn sàng biểu tình trên đường phố Moscow vào cuối tuần này để tiếp tục phản đối kết quả bầu cử.

Trước các dấu hiệu cho thấy nỗi tức giận của người dân về cuộc bầu cử không hề giảm bớt, lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô đã góp tiếng với phe đối lập cấp tiến của nước này mà đòi hỏi hủy bỏ kết quả bầu cử mà các quan sát viên quốc tế nói là đầy dẫy gian lận.

Khi các trang mạng xã hội bằng tiếng Nga tối qua cho thấy là những người vận động chống đối Điện Cẩm Linh đang cố tổ chức ít nhất là 81 vụ biểu tình tại các thị xã và thành phố của Nga vào Thứ Bảy này, Mr Gorbachev nói: “Kết quả bầu cử không phản ảnh đúng ý dân.

“Do đó tôi nghĩ là họ (các lãnh tụ của Nga) chỉ có thể có một quyết định mà thôi, tức là hủy bỏ kết quả bầu cử và tổ chức bầu cử lại. Mỗi ngày trôi qua là càng có thêm người dân Nga không tin kết quả chính thức là trung thực.

“Nếu bất kể gì đến công luận thì sẽ làm mọi người nghi ngờ nhà cầm quyền và gây bất ổn tình hình.”

Cuộc bầu cử này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối lớn lạ thường của phía đối lập tại Moscow, gây bất ngờ cho nhà cầm quyền. Kết quả bỏ phiếu cho thấy giảm 15 phần trăm mức hậu thuẫn cho đảng United Russia đang cầm quyền của thủ tướng Vladimir Putin. Những người phản đối, lên đến 10,000 người hôm Thứ Hai, đòi hỏi phải tổ chức bầu cử lại và ông Putin phải từ chức.

Nước Đức, đồng minh thân cận nhất của Điện Cẩm Linh tại Âu Châu, đã lên án cuộc bầu cử ngày hôm qua, thúc giục Moscow phải chỉnh đốn việc làm của họ. Steffen Seibert, một phát ngôn viên của Thủ Tướng Angela Merkel, cũng lên tiếng chỉ trích như Hoa Kỳ về cuộc bầu cử này là đã thất bại vì “có nhiều vụ vi phạm thủ tục.”

Đức “muốn Nga phải tôn trọng các bổn phận dân chủ của họ trong vai trò một quốc gia có hiến pháp,” ông nói thêm. “Mà trong đó gồm các cơ hội đồng đều cho các đối thủ chính trị, quyền phản đối và quyền được phân xử công bằng.”

Nhưng Điện Cẩm Linh không tỏ ra dấu hiệu nhượng bộ nào. Ngược lại, ông Putin còn rõ ràng tỏ ra thách thức mà đến ủy ban bầu cử trung ương để nộp đơn tranh cử vào chức vụ tổng thống vào Tháng Ba, một cuộc bầu cử mà theo dự liệu thì ông ta sẽ thắng cử dễ dàng.

Kết quả cho thấy ông ta vẫn là chính khách được hậu thuẫn nhiều nhất trong nước; ông ta còn không thèm đưa ra nhận định gì về ba ngày phản đối của phía đối lập tại thủ đô. Ngược lại, đài TV nhà nước, mà đa số người dân Nga vẫn còn xem tin tức từ đó, đã cố tình lờ đi các cuộc biểu tình trong khi vẫn xun xoe như thường lệ mà loan tin bợ đỡ ông Putin và các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông ta.

Có khoảng 1,000 người đã bị bắt trong vài ngày qua và, trong một số trường hợp, bị kết án tù, nhưng nhiều cử tri người Nga sẽ không hay biết gì cả về chuyện này.

“Tôi không thể nhớ được có lần nào trong thời gian gần đây lại hoàn toàn im lặng tin tức như lần này,” Arina Borodina, một nhà phê bình truyền hình nói như thế trên đài phát thanh FM Kommersant.

Phóng viên chính trị của đài này, Stanislav Kucher, đã giận dữ chỉ trích các ký giả tại các đài nhà nước về việc lọc lựa để tường thuật loại tin tức nào đó mà thôi, đòi họ phải trả lại các giải thưởng đã được trao tặng trong những năm gần đây, “Các người giấu giếm tin tức với hàng bao nhiêu triệu người,” ông ta nói. “Các người tự xỉ nhục mình và cả nghề của các người.”

Một ít người biểu tình phản đối lập lại bị cảnh sát chống nổi loạn nặng tay bắt bớ vào đêm qua. Những người chứng kiến nói rằng có tối đa là 50 người xuống đường, và 20 người đã bị bắt.

Bản tin chính của Nga quyết định lờ đi những vụ này và mở đầu bằng một tin cũ – là Moscow đang mở rộng thêm các đường biên thành phố. Một đài TV cấp tiến hơn là Rain TV, thấy có vẻ như họ đang phải trả giá cho đường lối cởi mở hơn của họ, nói rằng các nhà kiểm soát đã đòi họ phải giao nộp các băng thu hình những cuộc phản đối chống Putin mới đây.

Trong lúc đó, có hơn 50,000 cảnh sát và lực lượng đặc biệt của bộ nội vụ vẫn có mặt trên đường phố Moscow, cô lập công trường nơi xảy ra các cuộc phản đối. Trực thăng của cảnh sát bay trên thủ đô suốt ngày, theo dõi mọi cử động của những người ủng hộ đối lập, trong khi Công Trường Cách Mạng của thành phố, với cái tên thật thích hợp và sẽ là nơi tập trung cuộc biểu tình lớn vào Thứ Bảy này, lại đột nhiên bị cấm qua lại để sửa chữa. Nhà cầm quyền chối đây không phải là hành động cố tình toan phá hoại cuộc biểu tình, và hứa sẽ mở lại sớm công trường này.

Bộ ngoại giao trả đũa những người chỉ trích họ, và nói việc chỉ trích cuộc bầu cử là “bị chính trị hóa” và “đáng ngờ.” Sergei Jeleznyak, một Dân Biểu thâm niên trong đảng của ông Putin, cáo giác là những người phản đối được các thế lực thù nghịch ở ngoại quốc khuyến khích, và cho rằng số vụ vi phạm thủ tục trong cuộc bầu cử là không đáng kể. Ông ta nói rằng: “Những kẻ kích động chuyên nghiệp nhận tài trợ từ các kẻ thù của nước chúng ta đang tích cực quấy rối. Các kẻ thù của chúng ta chống đối việc phát triển trong hòa bình của xã hội chúng ta và một nước Nga độc lập hùng cường.”

Source: The Telegraph

0 comments:

Powered By Blogger