Friday, December 16, 2011

Giải pháp nào cho nền giáo dục VN để vượt lên sau khi đã “xuống hố cả nước” vì “thượng bất chính, hạ tất loạn”!?

Giải pháp nào cho nền giáo dục VN để vượt lên sau khi đã “xuống hố cả nước” vì “thượng bất chính, hạ tất loạn”!?

Nhân được đọc bài “ Giáo dục Việt Nam – Con đường ngã bảy ” đăng trên trang mạng “Dân Làm Báo”, tác giả Đinh Yên Thảo đã nhận định đúng rõ với hiện trạng giáo dục của đất nước, nhưng đã “Không biết cải cách ra sao, chỗ nào hay phải về đâu.” như ý tưởng ở phần kết luận của bài viết mà tôi xin được trích dẫn lại đây :

Câu chuyện giáo dục tại VN có lẽ đã quá cũ và là một bài toán đầy thách đố. Nhưng quả thật, nó luôn là một vấn đề quan trọng cho mỗi quốc gia muốn phát triển thật sự, nên vẫn mang những giá trị thời sự, một khi chưa có những giải pháp thoả đáng. Giáo dục VN không phải đứng trước ngã ba, ngã tư đường mà là một con đường ngã bảy. Không biết cải cách ra sao, chỗ nào hay phải về đâu. Còn đó những học sinh sinh viên, những thanh niên trẻ VN cần cù, hiếu học và thông minh xuất chúng. Cho họ vào một môi trường giáo dục tốt hơn, họ có khả năng thành tài và thăng tiến thật sự. Nhưng còn hàng triệu, hàng chục triệu học sinh trong nước và những thế hệ tiếp nối, liệu các em sẽ ra sao trong một nền giáo dục VN như hiện nay? Thú thật, quả có những phân vân khi tôi cũng dừng lại ở câu hỏi này. Vì giải pháp cho vấn đề này lại nằm ngoài tầm tay của mỗi chúng ta.” (Đinh Yên Thảo/ Giáo dục Việt Nam – Con đường ngã bảy)

Hay cách đây không lâu thêm một nhóm (14 người) trí thức là những nhà bác học chuyên gia có tiếng tăm ở hải ngoại đã ưu tư về những vấn nạn của VN và cũng đã đề ra một chương trình qua bài viết “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước”, đã được giới thiệu và đăng trên trang mạng “basamnews” ngày 27/10/2011, mang số (bài) 441 với 164 phản hồi. Nhưng theo tôi bài phản hồi góp ý có giá trị xây dựng và nhân bản nhất có cùng tựa đề của tác giả Nguyễn Quang được đăng trên mạng “An Việt Toàn Cầu” vào tháng 11/2011. Nếu nhóm trí thức nói trên cũng như những ai quan tâm đến vấn đề giáo dục mà chưa được đọc bài góp ý này, thì tôi xin mạn phép được giới thiệu và kêu gọi mọi người hãy đọc và suy ngẫm. Nên trong khuôn khổ bài này với cái nhìn nhất quán, tôi mạo muội thử đề ra một giải pháp đơn giản và thực tế cho tương lai của nền giáo dục VN dựa trên nền tảng TỰ NHIÊN, mà tôi dám quả quyết cách khẳng định là không còn có giải pháp nào khác có thể thực tế hơn và thích hợp hơn được. Vì là “dị giản nhi đắc thiên lý ” có nghĩa là đơn sơ giản dị mà đạt được đạo lý, hay nói giản dị kiểu bình dân như từ xưa nay không một ai chối cãi được đó là : “ CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO.“ !

Vì tính chất giản dị thực tế độc nhất vô nhị của câu tục ngữ bất hủ này nên tự nó có một giá trị chân thật. Nếu chúng ta dựa vào đó để suy xét những đề nghị cải cách về giáo dục cho VN của nhóm trí thức hải ngoại nói trên, thì phải nói đó không phải là giải pháp thực tế cho dù có viết ra cách cụ thể, mà chỉ là một mớ lý thuyết biện chứng để đừng nói là ảo tưởng, như điều đề nghị thứ 6 trong phần mở đầu :

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét thực hiện 8 điểm sau:

- 6. Thực sự làm cho giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Vì thế, chiến lược phát triển cần phải xây dựng theo hướng chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng và khả năng làm chủ công nghệ cao. Chiến lược phát triển cũng cần phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng nhiều hơn nữa. Do đó, phải có biện pháp hiệu quả nhằm cụ thể hóa các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ. Đồng thời, lãnh đạo phải cho thấy quyết tâm chăm lo sức khỏe của người dân qua các cải cách về y tế.

Cần tránh chính trị hóa học đường. Thay vào đó, cần giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Điều tối quan trọng là cần đảm bảo tự do học thuật, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.” (1)

Vì như cố TT Nga Boris Yeltsin đã tuyên bố : “cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thay thế”! Hay như câu nói đã đi vào lịch sử của cố TT VNCH Nguyễn văn Thiệu : “ Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.” Cho nên chỉ có ai ngây thơ để đừng nói là ấu trĩ mới dễ tin những gì cộng sản nói, hay chỉ có ai không biết bản chất bất lương ngoan cố của cộng sản, mới đi “hòa hợp hòa giải” với cộng sản hay đề nghị những thay đổi cho một chế độ không thể thay đổi !

Do đó đúng là ảo tưởng khi viết : “Thay vào đó, cần giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ.”, Vả lại, nếu dựa theo câu tục ngữ “Có thực mới vực được Đạo” để xét, thì điều đề nghị này mới chỉ là lý tưởng hay mục đích của sự giáo dục cần phải đạt tới chứ không phải là giải pháp thực tiễn và thiết yếu hay tiên quyết. Hoặc nói rằng : ”… chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách,”, thì cụm từ “chỉ đạo nội dung cải cách” hoàn toàn rỗng tuếch và vô nghĩa cho dù có “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” như ở mục thứ 4 trong phần “D” của bài chủ nói trên :

D. Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ

4. Về văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ

Chúng tôi có mấy đề nghị cụ thể sau:

a) Cần có chính sách ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội. Tăng cường quảng bá và khuyến khích những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, quyền con người,… Đồng thời, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống tích cực để làm nền tảng cho các ứng xử văn hóa, các chuẩn mực đạo đức trong sinh hoạt xã hội. Song song với việc này cần tích cực bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của dân tộc và ngăn chặn sự xâm thực không chọn lọc của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là từ Trung Quốc.

b) Cần giảm các hình thức thi đua, tuyên dương, trao huân chương như hiện nay: Các cơ quan, các đoàn thể tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm những mốc hoạt động (20 năm, 30 năm, v.v.) và vận động để được nhận huân chương. Đây là hình thức tốn kém thì giờ, ngân sách mà không có hiệu quả, chưa kể đến những tiêu cực trong quá trình xin-cho vốn rất phổ biến. Phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh cũng không thật sự hiệu quả vì dân chúng thấy tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, người cần học tập đạo đức Hồ Chí Minh (cần kiệm liêm chính chí công vô tư, …) trước hết phải là những người ở cấp lãnh đạo và quản lý nhà nước. Tổ chức học tập nghị quyết của Đảng sau các kỳ đại hội như cách làm hiện nay cũng tốn kém và làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Thay vào đó nên áp dụng các hình thức khác thích hợp và ít tốn kém thì giờ, ngân sách.

c) Việc cải tổ giáo dục được bàn quá nhiều trong thời gian qua nhưng không đưa lại kết quả. Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.

Một trong những nội dung cải cách cấp bách phải là nâng cao vị thế của người thầy, bắt đầu từ đồng lương đủ sống và nuôi gia đình. Từ đó tiến đến việc thiết lập lại sự trung thực trong học tập và thi cử, trả lại tính trong sáng của tuổi trẻ cho học trò, tạo điều kiện cho những tài năng nảy nở.

Một nội dung nữa là tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật, tạo ra sức thu hút đối với tuổi trẻ và qua đó giúp thế hệ trẻ có động lực phấn đấu mạnh mẽ, có ý thức công dân cao và hoài bão phát triển đất nước. Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Thủ tướng hủy bỏ Quyết định 97 đòi hỏi trí thức chỉ được góp ý riêng với các cơ quan có thẩm quyền.

d) Cụ thể hóa các biện pháp làm cho giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Triệt để thực hiện miễn phí bậc tiểu học và trung học cơ sở (chậm nhất là đến năm 2015) và trung học phổ thông (đến năm 2020). Song song với việc nâng cấp các đại học đang có, cần có ngay kế hoạch xây dựng một hoặc hai đại học chất lượng cao, trong đó nội dung giảng dạy, cơ chế quản lý, và trình độ giáo sư cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ tương đương với các đại học tiên tiến ở châu Á. Về các đại học và trường cao đẳng ngoài công lập, cần có biện pháp chấn chỉnh giải quyết ngay những nơi không đủ chất lượng và có quy chế để ngăn ngừa hiện tượng kinh doanh giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần ban hành các sắc thuế khuyến khích doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản đóng góp vô vị lợi (chủ yếu là tặng không) cho sự nghiệp giáo dục. Những vấn đề này cũng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể trước năm 2015.

Cần tăng cường mở rộng và xây dựng thêm các trường, các khoa liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ, xây dựng nhiều trường cao đẳng công nghệ để cung cấp đủ lao động cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới. Hiện nay, một mặt, trong nhiều ngành, sinh viên tốt nghiệp ra truờng không có việc làm, trong khi một số ngành về công nghệ tin học, điện tử, hoá học, kế toán, nông cơ, v.v.. thì nguồn cung cấp thiếu hoặc không đủ chất lượng. Chính sách sắp tới cần chú trọng đầu tư xây dựng thêm các ngành ở các lĩnh vực này và cải thiện chương trình, nội dung giảng dạy để nâng cao chất lượng. Mặt khác, nhu cầu về lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, cao đẳng kế toán,… đang và sẽ tăng nhanh nhưng khả năng cung cấp còn rất hạn chế. Tâm lý coi thường bậc trung cấp và cao đẳng trong xã hội Việt Nam rất lớn. Cần có chính sách khuyến khích học tập trong các bậc học này, chẳng hạn tăng cường chế độ cấp học bổng và quan tâm giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Tóm lại, cần đổi mới thể chế giáo dục và đào tạo hiện nay mới có thể thực hiện toàn dụng lao động và đẩy mạnh công nghiệp hoá trong thập niên 2010.

Nhiều cải cách trong giáo dục cũng nên được áp dụng trong y tế: tăng đầu tư xây dựng bệnh viện, xây dựng các cơ sở y tế ở nông thôn và phổ cập bảo hiểm y tế để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế với phụ phí thấp. Nên có chính sách miễn phí khám bệnh và phí nhập viện cho người dân nghèo hoặc cận nghèo.

e) Tăng cường đầu tư và cải thiện việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học: Một trong những lý do thành quả nghiên cứu khoa học của ta còn khiêm tốn là do thiếu đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2006 chẳng hạn chỉ có 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP. Trong cùng năm, Thái Lan đầu tư 1,79 tỉ USD (0,3% GDP) và Malaysia 1,54 tỉ (0,5% GDP). Đáng chú ý là Trung Quốc đầu tư 1,4% GDP cho khoa học và công nghệ trong năm 2010 và đặt mục tiêu đầu tư 4% GDP vào năm 2015. Ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam có đặc tính là tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất thay vì chi tiêu cho việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tăng đầu tư, cần phải xem xét lại việc sử dụng ngân sách khoa học. Theo cách làm hiện nay thì chúng ta có thể có những thiết bị khoa học tinh vi, nhưng không có người sử dụng hiệu quả những thiết bị này. Trong thực tế, tình trạng “thiết bị trùm chăn” đó đã trở nên phổ biến. Như đã phân tích ở trên, nền khoa học nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá lớn vào các đồng nghiệp nước ngoài vì thiếu chuyên gia có trình độ cao. Do đó, thay vì đầu tư xây thêm phòng thí nghiệm, cần chú trọng đầu tư vào đào tạo chuyên gia có trình độ chuyên sâu.

Chẳng những cần tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, chúng ta cần phải cải cách hệ thống phân phối ngân sách cho nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học. Hiện nay, các đề tài nghiên cứu cơ bản ở cấp nhà nước do các nhà khoa học xây dựng đã được quản lý khá tốt bởi Quỹ KH&CN quốc gia (Nafosted). Nhưng với các loại đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản xuất ở các cấp – do cơ quan chủ quản ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu nộp đơn xin và các cơ quan chủ quản xét duyệt và thẩm định – lại chưa có sự tham gia đúng mức của các nhà chuyên môn. Vì lý do này nhiều đề tài nghiên cứu của các bộ ngành, địa phương đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế.” (2)

Cho nên nếu ví sự mất giáo dục (mất dạy!) như một con người mắc bệnh “Sida” (Aids) đang chết từ từ vì cơ thể không còn khả năng đề kháng, thì vấn đề giáo dục VN hiện nay đã không còn chính nghĩa với những giá trị của Tính Bản Nhiên của con người (nhân bản) để thăng tiến, mà chỉ có chủ nghĩa Mác-Lê với đạo đức giả Hồ Chí Minh như là ‘vi rút HIV’, thì tự nhiên đã làm “xuống hố cả nước” và nhất là đầu độc thế hệ trẻ, nên đã dẫn đến một xã hội thối nát, vô liêm sỉ, như tôi đã chứng minh trong bài “ Chút le lói tinh thần dân tộc ”! Chỉ vì “ thượng bất chính, hạ tất loạn ”! Vì vậy những đề nghị của nhóm trí thức nói trên giống như dầu cù là xức ngoài da, không thể nào chữa được tận gốc căn bệnh “Sida”, mà trái lại phải có “thuốc đắng” cho uống vào thì mới hy vọng có thể “dã tật”, để mới có thể “phục sức”, đoạn mới “khắc kỷ phục lễ” rồi mới có thể “phục quốc” được !

Vì vậy mà “Có Thực mới vực được Đạo” là giải pháp cho mọi vấn đề của nhân loại nói chung và cho vấn đề giáo dục VN nói riêng. Nhưng tại sao “Có Thực mới vực được Đạo” lại là giải pháp cho vấn đề giáo dục VN ?

Thưa, hỏi tức là đã có trả lời, nên tôi sẽ lần lượt trình bày những lý do sau đây :

Vì “Có Thực” ở đây không chỉ có nghĩa đen như hầu hết người Việt chúng ta thường hiểu là phải có ăn trước đã, rồi mới có thể hành Đạo. Nhưng còn có nghĩa đích thực chính là nghĩa “hiện hữu” của con người và vạn vật Nhất Thể theo quy luật bất di bất dịch của Càn Khôn. Như tiền nhân có câu : “nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn” hay còn nói : “thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể” nên nói là Toàn Thể Viên Dung vì bao gồm thể-dụng, chân-giả, thiện-ác, đẹp-xấu, v.v… nên còn gọi là Đạo. Chứ Đạo ở đây không có nghĩa là tôn giáo hay là nghĩa con đường dẫn đến Niết Bàn hay Thiên Đàng. Vì vậy mà hai chữ “Có Thực” trong câu tục ngữ này cần được hiểu một cách rộng rãi và phóng khoáng hơn, với nghĩa mọi sự vạn vật đều phải “Có Thực” như Kinh Dịch nói: “tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hĩ.”(Hệ Từ Thượng).

Do đó, muốn “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” thì điều kiện ắt có cho mỗi người Việt chúng ta là phải “có thực”, không chỉ bằng cái thân xác da vàng mũi tẹt sống ở trên cái xứ có tên Việt Nam ở vùng biển Thái Bình Dương miền Đông Nam Á, hay sống tản mác ở hải ngoại khắp năm Châu. Nhưng là “có thực” từ trong tiềm thức, bằng tri thức và ý thức được ý nghĩa con người Việt chính là con Rồng cháu Tiên, hay còn gọi là “Giao chỉ” của đức Trời và đức Đất (đức=hoạt lực=’spiritual energy’). Vì vậy con người “có thực” không chỉ là con người sinh lý bởi sinh, lão, bệnh, tử, và với tâm lý thất tình lục dục bởi cái tiểu ngã ích kỷ hẹp hòi, chấp ta ngã mạn ; mà chính là con người Đại ngã Tâm linh hội tụ bởi tam đức : Nhân, Trí, Dũng, với cơ cấu tam bảo : Tinh, Khí, Thần thể hiện qua : Ý, Tình, Chí, theo ba mẫu đối tượng : Chân, Thiện, Mỹ. Hay nói cách khác con người “có thực” phải hội đủ 3 yếu tố căn bản để làm người, đó là : ẩm thực (ăn uống), ái ân (yêu đương) và thể diện (danh dự).

Thường ai cũng hiểu ẩm thực với nghĩa ăn uống nhưng thực ra còn có nghĩa “có thực” là ăn ở, ăn học, ăn làm, ăn chơi. Và ái ân cũng không chỉ có nghĩa ăn nằm để giải quyết vấn đề sinh lý, nhưng còn có nghĩa linh thiêng là “thiên nhơn tương dữ” hay còn nói “nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh”(H.T.H). Tức là đồng phận sự sáng tạo với vai trò tham dự vào công trình tuyệt hảo của Tạo Hóa, vì vậy mà con người cần được trân trọng, kính mến và yêu thương. Đó là những nhu cầu sinh lý và tâm lý tối thiểu cần được đáp ứng để con người “có thực” cái nhân phẩm, còn gọi là thể diện hay danh dự. Đó mới thật là những điều “thực tế” đúng với nghĩa nguyên thủy là “Tế Giao” tức nghĩa là “Lễ” nên đã được coi là cao điểm của văn hóa Việt tộc với phong tục “cúng tế”. Do đó mà mãi đến nay câu tục ngữ :” Tiên học Lễ, hậu học Văn ” vẫn được coi là nền tảng giáo dục. Vì ‘Tế’ là để “ tế tự kính ”, tại vì con người mang Tính của Trời (thiên tính) nên được gọi là Thiên tử, là Phật tử, là con Chúa. Và vì Thiên Chúa là Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Chơn Lý mà nếu có thể định nghĩa theo ngôn ngữ giới hạn của con người để có chút khái niệm bởi lý trí hạn hẹp, nhưng với cái Tâm thì có thể đạt được chiều kích vô biên của “ Chơn lý là cái khối tròn vô biên, đời đời, xoay quanh nó, luôn luôn tự nhìn nó, tự sống với nó, tự học hỏi nó, tự lo tìm thấy biết nó đời đời, để đời đời không bao giờ nó tự đánh mất.”(3). Còn ‘Giao’ là để thông giao với Trời và phối hợp với Đất qua đời sống thực tế bằng ẩm thực và ái ân thì tự nhiên sẽ hưởng được niềm vui sướng hoan lạc siêu phàm. Đó mới là hạnh phúc thật sự đúng nghĩa. “Quan niệm này đã bảo vệ người Viễn Đông không bị giết chóc vì thiên hay địa. Trái lại luôn giữ được : “ăn với đất vui với trời” như một phần trong đại cơ thể vũ trụ “giao thực hồ địa, giao lạc hồ thiên”. Sau này máu người Viễn Đông có bị đổ ra do những cuộc giao tranh ý hệ, thì cũng là tại đã du nhập những thuyết ngoại lai, chứ truyền thống Viễn Đông không có vun trồng thuyết nào mang tính chất giết người cả.” (3) Do đó người Á Đông mới có phong tục “cúng tế” và ăn uống vui chơi trong các lễ hội là để sống với ý nghĩa con người siêu việt nói trên. Từ đó, mà Việt tộc mới có câu nói thành tục ngữ : “ Có thực mới vực được Đạo “!

Vì vậy, muốn “cải cách tòan diện đất nước” hay thay đổi đường lối giáo dục hoặc bất cứ tiến hành điều gì, trước hết cần phải làm cho con người “Có Thực” với cái Tính Bản Thiện ban sơ từ đầu (nhân chi sơ tính bản thiện). Tức là cải thiện mình để tìm lại cái “Nhân Tính” mà cũng là “Thiên Tính” hay “Thiên Mệnh”. Vì vậy tiền nhân mới nói : “khắc kỷ phục lễ ”(L.N.XII,1) có nghĩa là phải tự xét lại để trách mình trước, như còn nói : “ tiên trách kỷ, hậu trách nhân ”, đối với sự sa đọa làm mất chính nghĩa, mất đạo đức, mất giáo dục, …nói chung là mất “nhân tính”, thì mới tìm lại được bản tính con người với cái Tâm (Đạo), tức là con người “Có Thực”. Do đó mà tiền nhân cũng đã nói :” Đạo mất trước, nước mất sau ”. Nên việc tự xét lại mình mọi lúc mọi nơi, luôn luôn là cần thiết để mới có thể tu chỉnh sửa đổi mình theo Đạo hầu mới có thể tiến hóa bằng quy Tâm (hay quy Tông). Vì vậy mà ngay chương đầu của sách Đại Học đã ghi : “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn.”, có nghĩa là mọi người ở mọi tầng lớp “từ bậc vua chúa xuống tới hạng bình dân, ai nấy đều phải lấy sự tu sửa chính mình làm gốc.”

Nhưng làm sao để tu thân là tu sửa chính mình ? Thưa đừng nghĩ “tu thân” là phải cạo đầu đi tu hay phải tụng kinh gõ mỏ và ăn chay trường. Nhưng thật ra “tu thân” chỉ là làm sao cho mình có được tâm chánh ý thành, hay còn nói là tìm được “thiên lý tại nhân tâm”. Nên sách Đại Học đã chép rằng : “Dục tu kỳ thân, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật.”. Có nghĩa là “muốn “tu thân” thì trước hết phải giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng (tâm chánh). Muốn giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng, thì trước hết phải làm cho cái ý mình thành thật (ý thành). Muốn cho cái ý mình thành thật thì trước hết phải có cái tri thức chu đáo (tri chu). Nên muốn có tri thức chu đáo thì cần phải nghiên cứu đến cùng lý tận tính của sự vật để cho sự vật với mình không còn phân cách ngăn ly.” Vả lại mỗi vật đều có gốc ngọn (bổn mạt); mỗi sự việc đều có đầu đuôi. Nên ai biết phân biệt đâu trước đâu sau để thi hành theo thứ tự, thì người ấy gần với Đạo : “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thủy. Tri sở tiên hậu, tắc cận Đạo hỹ.” (Đ.H). Như Kinh-Dịch có câu : “cùng lý tận tính dĩ chí ư mệnh”(Thuyết Quái) có nghĩa là truy cứu cho cùng tính chất của muôn vật để thông hiểu cho được vận mệnh tự nhiên tức là biết thi hành mệnh lệnh của Trời (thiên mệnh) vậy.

Ngòai ra sách Trung Dung còn có câu : “Thiên Mệnh chi vị Tính, suất Tính chi vị Đạo, Tu Đạo chi vị Giáo” có nghĩa “Tính tức là mệnh Trời, sống theo Tính tức là Đạo, tu sửa theo Đạo tức là Giáo”. Cho nên giáo dục đúng nghĩa truyền thống không phải là truyền chữ nghĩa, truyền sách vở, hay truyền kiến thức với kinh nghiệm như ai cũng tưởng, mà trái lại là làm sao là Truyền được cái Thống, là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức cái Nguyên lý Thống Nhất thâm sâu. Nó là động lực tiến hóa liên tục của mọi vạn vật và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói hay phong cách và thái độ của con người, bề ngoài coi như rời rạc nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu Uyên Nguyên. Vì vậy giáo dục chính là tu sửa mình sao cho “tâm chánh ý thành” để Thuận theo Tiết điệu và Hòa nhịp với cái Nguyên lý Thống nhất đó, là Lý Thái Cực, mà cũng là Thiên Lý ; nên tiền nhân mới nói là : “thiên lý tại nhân tâm”. Do đó người Việt mình hay nói : “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”.

Vì vậy, con người “có thực” là con người có “tâm chánh ý thành” tức là con người sống với Nhân tính thì “mới vực được Đạo”. Nghĩa là mới đạt Đạo để có “chủ đạo” (chứ không cần một ý thức hệ nào) hầu làm được mọi chuyện mà không hề quá đáng, nên có thể an bang tế thế, thì chuyện phục quốc và kiến quốc hay trị quốc cũng không cần chỉ đạo. Do đó từ cổ chí kim, ai ai cũng quý trọng người quân tử mới là người “có thực” Tài, “có thực” Đức, tức là “có thựcTâm, nên mới có thể thấy được thời cơ để hành động liền mà không đợi đến hết ngày : “quân tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật” (H.T.H). Nhờ vậy mới có thể làm người lãnh tụ và mới xứng đáng được gọi là “lãnh đạo”. Vì “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị”. (Đ.H.) : nếu lòng mình chẳng được ngay thẳng, thì mình nhìn mà chẳng thấy, lắng mà chẳng nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị. Cho nên những ai không có Tâm thì không “có thực” nên không thể “vực được Đạo” có nghĩa là không có Đạo Nhân, nên không phải là người mà chỉ là ngợm hay chỉ là cái loài lòng lang dạ sói ! Do đó cho dù có tài giỏi đến đâu mà không có Tâm, có Đạo thì cũng chỉ là hạng giá áo túi cơm hay tiểu nhân quỷ quyệt, gian xảo, tham lam, độc ác, dâm đảng, vô liêm sỉ… nên gọi là “ma mộc bất nhơn” như bọn “xảo hết chỗ nói” CSVN chẳng hạn. Chính vì vậy mà muốn tu thân để làm người “có thực” Tâm, thì trước hết phải giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng. Cho nên đại thi hào Nguyễn Du đã tóm tắt ý nghĩa cuộc đời người qua kết luận trong tác phẩm Kiều bằng hai câu thơ bất hủ :

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài ”.

Vì vậy, giải pháp “CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO” bằng “tâm chánh ý thành” để “tu thân” chính là nền tảng vững chắc không thể thiếu cho mỗi con người Việt của mọi tầng lớp để xây dựng một nền giáo dục cho tương lai VN, trong tinh thần quân tử đạo giống như tinh thần võ sĩ đạo (bushido) đã làm cho nước Nhật trở thành một dân tộc anh hùng mà cả thế giới phải kính nể qua địa ách sóng thần kinh hoàng hồi tháng 3 năm nay. Do đó, muốn cải cách toàn diện đất nước, trước hết phải cải thiện con người và đặc biệt những con người lãnh tụ. Vì muốn làm lãnh tụ không chỉ phải có tài mà nhất là phải có tâm đạo (đức) để mới có thể “lãnh đạo”. Vì người mang tên “lãnh đạo” tức là người được nhận lãnh cái Đạo Nhân cũng gọi là Đạo Trời để hướng dẫn cuộc đời, để đem lại cho đời một ý nghĩa ; nên hành động lúc nào cũng có “chủ đạo” mà không cần chỉ đạo. Vì muốn là chủ đạo phải hội đủ 4 đức tính : văn, lý, mật, sát.

- Văn : tức là “Văn Đại Đạo” chứ không là tiểu tài như viết văn hay có tư tưởng độc đáo, hoặc kết cấu với hệ thống nguy nga, phân tích tỉ mỉ… như bài “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” do nhóm trí thức hải ngoại, nhưng tất cả đều hạn hẹp trong hệ thống danh lý, biện chứng mà không kể chi đến Đại Đạo hay đường hướng Thành Nhân. Vì vậy mà Mạnh Tử mới nói : “ tiểu hữu tài vị văn quân tử chi đại đạo ”. Như vậy có nghĩa là người ta lấy cái bé nhỏ như kinh tế với thị trường làm trọng, làm chính yếu hơn cái lớn như nhân phẩm với nhân quyền. Hay tệ hơn nữa là lấy tiền của, danh vọng và quyền lợi của phe đảng làm tất cả, như thế giới hiện đại với xã hội tiêu thụ vật chất. Ví dụ như ai cũng biết Đảng cộng sản Trung Cộng là chế độ chó má độc tài, ma mộc bất nhơn đến độ có tên là ‘tử thần’ của thế giới : “Death by China”. Vậy mà vì quyền lợi kinh tế, các nước tự do dân chủ khắp năm Châu lại đi bắt tay với kẻ sát nhân Hồ Cẩm Đào để đừng nói là “chơi” với “chó” nên chó mới liếm mặt ! Tình trạng đó hiện đang ngự trị thế giới hôm nay là vì tất cả đều chấp nhất, không thiên lệch (duy tâm, duy thần) thì cũng địa lệch (duy lý, duy vật) thì làm sao có thể sáng sớm được nghe Đạo để rồi đến chiều tối dẫu có chết cũng vui. (Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ. L.N.IV,8). “Mà Đạo đã không được Văn tức không thể nghiệm thì tất nhiên chỉ biết đánh giá mọi sự theo cái “có” của lý trí tức các sản phẩm của tiểu ngã : ý niệm, văn từ, hệ thống… nói khác chỉ biết có suy tư (danh lý, biện chứng…) mà không biết đến Tâm Tư.”(5)

- : tức là “nhất nhơn chi tâm, tức thiên địa chi tâm ; nhất vật chi lý, tức vạn vật chi lý”, có nghĩa tâm một người cũng là tâm thiên địa, lý một vật cũng là lý vạn vật. Lý đó mới là triết lý. Tâm đó mới là Tâm tư. Nên Lý ở đây là Đạo lý, là Công lý, là “nhất lý thông” nên là Lý Thái Cực chính là Chân Lý, nên cần phải “tâm chánh ý thành” để quy Tâm mới đạt thấu tới Lý. Chứ không phải là duy lý với lý do, lý lẽ hay lý sự chỉ là sản phẩm của lý trí. Nên cái thứ lý này gọi là danh lý và một khi sắp đặt thành hệ thống thì gọi là ý thức hệ hay biện lý chứng như chủ thuyết với chủ nghĩa. Do đó nếu dựa vào cái lý lẽ của trí óc nhục ảnh để thuyết, để biện, rồi để chứng minh thì gọi là “vạn lý minh”. Nên ai cũng có lý với cái lẽ của riêng mình mà không có cái “nhất quán” nên không thể thông tới Lý Thái Cực được, vì chỉ có “nhất lý (mới) thông” mà thôi ! Vì vậy Khổng Tử mới nói :” Ngô Đạo nhất dĩ quán chi “(L.N.IV,15) : Đạo ta là do nơi một lẽ mà thông suốt tất cả. Đó chính là “thiên lý tại nhân tâm.

- Mật : Nho giáo bảo người quân tử phải “thối tàng ư mật ” (H.T.), tức là phải trở lui quay về đến chỗ ẩn tàng mắt không thấy, tai không nghe, nơi đó chính là Tâm để tìm ra chốn “hội thông” của vạn vật trong muôn ánh sáng. Nên ở đây Mật có nghĩa là Tâm linh và muốn có thực Tâm thì cần phải tu thân để tu sửa, tu luyện mài dũa bằng lối sống quy Tâm hay còn nói là : “như thiết như tha, Đạo học dã ; như trác như ma, tự tu” (Đ.H).

- Sát : nghĩa là phải có thực hành kiểm sóat bằng cách tự sửa sai, tức là có quên cái tiểu ngã mình đi được để sống thuận theo lẽ Đạo, thì dĩ nhiên là Thành Nhân. Nên tiền nhân mới nói là “hữu sát thân dĩ thành nhân”. Hay nói cách khác là “Tu Đạo chi vị giáo”, tức tu sửa theo Đạo mới là nghĩa giáo dục, giáo huấn, để thành Người vậy. Do đó nếu thiếu một trong bốn đức tính này thì không phải là chủ đạo.

Nói tóm lại, không phải như đề nghị số ‘6’ của nhóm trí thức là “6. Thực sự làm cho giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.”, mà trước hết phải là “tu thân” ở mọi nơi mọi lúc với tâm chánh ý thành để con người mới “Có Thực” thì mới có thể chu Tri để mới biết đường Hành động cho “tương dĩ thuận tính mệnh chí lý” thì mới Thành Nhân, như tôi đã diễn giải trong khuôn khổ bài này cũng như những ý nghĩa nguyên sơ mà tôi đã trình bày trong bài viết “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”. Vì nên nhớ rằng con người sinh ra mới chỉ là ‘giống’, là ‘loài’ người chứ chưa phải là người. Nên nếu chúng ta không “Có Thực” thì không bao giờ chúng ta có thể “Sống Thực” tức là sống trọn vẹn cái Nhân Tính của mình để mới Thành Người thực, nghĩa là “mới vực được Đạo” thì thành công tự nhiên cũng “có thực” vậy.

Do đó, để cho những ai còn bận tâm với vận mạng của đất nước, muốn đóng góp ý kiến và tài năng cho vấn đề giáo dục của nước nhà mai này, thì tôi thiết nghĩ quý vị cần nên đọc qua hay đọc lại trong phần ghi chú dưới đây, cái chương “Trước Thềm Đại Học” (6) của giáo sư triết gia LM. Lương Kim-Định đã viết vào năm 1975 nghĩa là cách nay hơn 35 năm, nhưng nội dung vẫn độc đáo và còn sống động nhịp theo thời đại đáng để cho mọi người suy ngẫm.

Viết xong, ngày 16 tháng 12 năm 2011.

(tức 22 tháng 11 năm Tân Mão)

Nguyễn Sơn Hà

Ghi chú : Tài liệu tham khảo :

- (1), (2) Bài viết “Cải cách tòan diện để phát triển đất nước”.

- (3) Trích “Chân Lý” hay của Kim Thân Cha

- (4) Tác phẩm “Nhân Chủ” – Kim Định

- (5) Tác phẩm “Tâm Tư”- Kim Định

- (6) Tác phẩm “Triết Lý Giáo Dục”- Kim Định

- Tứ Thư

- Kinh Dịch

CHƯƠNG I: TRƯỚC THỀM ĐẠI HỌC

1. Ý thức việc làm

“Tout seuil est une sacrée chose” (Porphyre) == Thềm nào cũng là một sự linh thiêng trọng đại, phương chi là thềm Đại học, nó càng linh thiêng vì trùng hợp với lứa tuổi thành nhân của những người bước qua, nó đòi ở họ những đóng góp quan trọng hơn vào việc kiến thiết tương lai cho mình cũng như cho xứ sở. Đó là nhiệm vụ đang đón chờ các bạn hôm nay đầu tiên bước qua thềm Đại học.

Để ghi bước vượt qua thềm trọng đại đó từ nay các bạn được bỏ tên học sinh để khoác lên mình một danh hiệu mới : sinh viên. Chữ sinh viên nghe hách hơn chữ học sinh nhiều lắm, nó gợi ngay ra sự kính nể mà người đời thường dành cho những chức trách đi kèm với chữ viên : quan viên, viên chức, viên ông, viên bà… Do sự kính nể đó mà các vòng kiểm soát được nới rộng ra, tự do gia tăng gấp hai ba lần. Kể ra đó là phần thưởng đích đáng cho các cô cậu đỗ tú tài hai. Tuy nhiên cái công lệ ở đời là hễ thêm tự do thì phải thêm trách nhiệm mà một trong những bó buộc của trách nhiệm là phải ý thức. Ý thức rộng hơn tri thức nhiều. Dưới trung học mới là tri thức, lên Đại học phải thêm ý thức nghĩa là tuy cũng học bài như dưới Trung học thật nhưng không còn thụ động nhận lấy mà phải ý thức, phải cố tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, cả đến cử chỉ hành vi đều mang thêm một ý nghĩa, đến cả bước chân của sinh viên coi như cũng vương vấn suy tư. Sinh viên ưa phê bình, thích đặt hết mọi vấn đề, đó là dấu hiệu tiến bộ cần được khuyến khích. Vậy chúng ta sẽ đặt lại vấn đề về lối làm việc sau đó đến mục phiêu của Đại học sao cho xứng danh Đại hoc (theo danh lý thì xét mục phiêu trước hợp lý hơn, nhưng theo lối giáo khoa bàn về lề lối làm việc là điều cần còn mục phiêu vì không ở cả trong quyền chúng ta nên đặt sau.)

Ai cũng biết rằng Trung học là cấp bậc thâu nhận những kiến thức phổ thông có tính cách bách khoa, ngược lại Đại học đi và chuyên môn một ngành để có thể đào sâu. Từ sự khác biệt căn bản đó mà đường lối làm việc cũng phải khác nhau. Ở Trung học việc chính là thâu thái các kiến thức của nhân loại đã sở đắc, người ta không có quyền chờ đợi ở cấp Trung học những khám phá mới. Sự tìm tòi cố gắng tuy có rất nhiều nhưng là hướng vào việc tìm biết (s’informer) nhằm bác học và quảng vấn. Còn Cao đẳng cũng mới là bước sửa soạn vào Đại học, nên là gạch nối giữa Trung học và Đại học, khác ở chỗ Cao đẳng tuy cũng thâu nhận kiến thức nhưng đẩy đến mức độ hoàn bị có thể hiện thực được, chẳng hạn như kỹ sư, sư phạm.

Bước lên Đại học thì vai trò đổi mới, ngoài việc chuyển đạt kiến thức mà nhà trường vẫn tiếp tục và đẩy đến mức độ cao nhất, thì Đại học phải đảm nhiệm thêm một trọng trách khác : đó là khám phá, phát minh, sáng tạo thêm cái mới. Sứ mệnh Đại học là bằng cách này hay cách khác làm gia tăng di sản tinh thần của một dân nước, của cả nhân loại. Nếu mục phiêu Trung học là truyền bá, bảo tồn, duy trì và Cao đẳng là thực hiện, thì Đại học phải tìm kiếm thêm những tri thức mới, phát kiến ra những năng lực còn tiềm ẩn trong con người hay sự vật, phải cố gắng nới rộng mãi vòng chân trời của tri thức, làm phong phú thêm di sản của con người và nhất là làm cho chúng trở nên sống động nhịp theo thời đại. Đó là một sự phân công thường bị quên đi, nên cần rút ra một hai hệ luận.

Trước nhất vì Trung học là bảo tồn, là truyền bá thì sự trung thành với chương trình là điều bó buộc. Ngược lại ở Đại học giáo sư lại được dành cho rất nhiều tự do để quy định nội dung chương trình của những bài ông giảng huấn ; có khi giáo sư phải đi ngược hẳn lại khi nhận ra đấy là điều kiện thiết yếu cho những bước tiến vượt bậc như phản lực cơ với phi cơ cánh quạt. Nếu bắt giáo sư phải mãi mãi trung thành với cánh quạt thì làm sao có được phản lực cơ? Đành rằng như vậy là mở cửa cho phiêu lưu, cho lầm lạc, nhưng miễn là có phương pháp thì những phiêu lưu ấy mới gây cho Đại học bầu khí sinh động tự cường giàu óc mạo hiểm. Nên nhớ là giáo sự Đại học không phải chỉ có chuyển giao tri thức đắc thủ là hết việc : nhưng còn phải đi tìm những phương trời mới mẻ. Đã gọi là tân kỳ thứ thiệt, thì giả thiết là chưa ai thấy mặt mũi, bộ dạng nó ra sao, vậy thì so với cái chi mà bảo là “lầm lạc”. Cái gọi là lầm lạc có thể chỉ là những giả thuyết làm việc, nên những lầm lạc đó giàu tính chất màu mỡ (fertile) biểu thị một tình trạng hăng say trong Đại học, cái đó mới đáng quý và có giá trị vượt xa lòng trung thành với chương trình ngồi ôm mớ lý thuyết của người xưa. Còn tránh những phiêu lưu vô lối là chuyện thuộc nhân sự. Đó là việc chọn người có khả năng thì đấy là trách nhiệm thuộc nhà hữu trách chứ không trong phạm vi triết lý. Nếu ở Trung học người ta quen đánh giá ông thầy qua tài giáo khoa chứ không qua nội dung chương trình vì đã do bộ định đoạt và do thủ bản trình bày sẵn : ông có thay đổi cũng là trong vòng sắp xếp nào đó cho sáng sủa theo ý nghĩ của ông. Ngược lại với giáo sư Đại học không nên áp dụng tiêu chuẩn đó nữa, tuy tài giáo khoa cũng vẫn quan trọng nhưng so với nội dung chương trình giảng dạy của ông thì chỉ đáng 1, 2 phần, đang khi nội dung chiếm đến 8, 9 phần. Giáo sư ở Trung học có hay cũng là hay cho học sinh của ông, hay trong phương pháp, ngược lại giáo sư Đại học nếu hay thật thì phải xét về nội dung : do đó ảnh hưởng của ông có thể vượt trường ốc để lan rộng xa ra ngoài, có khi qua nhiều thế hệ, như trường hợp Khổng Tử được tôn là vạn thế sư biểu chẳng hạn.

Đôi khi ta nghe sinh viên khen giáo sư nọ kia vì nói gì sinh viên cũng hiểu được. Đành rồi vậy là hay, nhưng nếu cái hay chỉ có bấy nhiêu thì còn chi nữa là lý tưởng Đại học. Hiểu được mới quan trọng một phần, còn chính cái hiểu được có hướng đi đâu và liên hệ thế nào với nhân tâm thế đạo, vũ trụ nhân sinh, tiền đồ đất nước… mới quan trọng gấp 8, 9 lần. Lý tưởng Đại học nằm trong đó, chứ không trong chỗ hiểu được hay không hiểu được. Ngoài chợ Cầu Muối ồn ào như ong vỡ tổ mà trăm vạn lời nói ra cho người cần nghe đều được hiểu hết. Nếu chỉ đánh giá theo hiểu được thì chợ Cầu Muối dám cao hơn Đại học lắm đó. Vậy thì hiểu được quan trọng 1, 2 lần mà nội dung cái hiểu được mới quan trọng 8, 9 lần. Học sinh không buộc biết nhưng sinh viên phải ý thức điều đó.

Nói lên mấy nhận xét này để sinh viên tập nhận thức ra tính chất của Đại học, nghĩa là không còn coi mình như một người thụ động chỉ việc theo lớp ghi cho đúng, nhưng phải coi mình như người học giả đi tìm tòi, đi khảo cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Phải đặt lại vấn đề, phải biết nghi ngờ cả ông thầy, tuy hầu hết chưa thể hơn ông thầy hoặc tìm ra được cái gì mới mẻ, nhưng đó chưa phải là điều quan trọng, điều quan trọng là phải biết nghi ngờ, vì đấy là bước đầu để trở nên người phát minh (“Le douteur est le vrai savant”. Cl. Bernard).

Vậy giáo sư cũng như sinh viên phải bỏ lại ngoài ngưỡng cửa Đại học lòng sùng tín chấp nhận vô điều kiện để thay vào đó một bộ óc thắc mắc, một sự khó tính yêu sách và chỉ chấp nhận khi có bằng chứng xác đáng, minh bạch. Vì thế điều phải tránh trước tiên là lối học tủ, ghi âm cho trúng để thi cho được. Không ai cấm việc muốn thi được, nhưng nên tìm điều đó qua lối học tự sáng tạo, tự tìm tòi, cố gắng để trở nên một người có khả năng đóng góp vào di sản tinh thần của Tổ quốc. Vì vậy một kết luận cụ thể là nên cố gắng đi nghe giáo sư mới dễ hiểu rõ tinh thần. ‘Cours’ in ra đã mất đi bao nhiêu phần sống động tế vi, là những cái chỉ biểu lộ phần nào qua giọng nói dáng điệu, nhất là môn triết. Vì triết học có hai điều khó, trước nhất là nó đề cập nhiều vấn đề vượt quá tầm tuổi của sinh viên, nó đòi một mức độ đứng tuổi nào đó, kèm thêm một kinh nghiệm về nhân sinh ấm lạnh kha khá cao. Vì hoàn cảnh không cho phép làm khác, nên sinh viên phải bù lại bằng chăm chỉ đi nghe ông thầy.

Một khó khăn phụ trội gây ra cho triết là do khúc quanh của lịch sử : các giá trị cũ đang sụp đổ tơi bời. Tư tưởng nhân loại đang biến đổi mau lẹ, nên có những người tốt nghiệp với mảnh bằng còn chưa ráo mực chữ ký của viện trưởng mà tư tưởng đã có chỗ cũ rồi. Vậy chính nhờ lúc nghe giảng mới hiểu ra dần lập trường các tác giả được trưng dẫn, và mới xác định nổi vị trí từng vấn đề. Đặt vị trí một vấn đề hợp theo hoàn cảnh của mỗi luồng tư tưởng là cái khó nhất nhưng nếu không vượt qua điểm này được thì hy vọng gì đóng góp vào việc gia tăng di sản tinh thần. Đành rằng triết không phải như bác học nên đọc sách triết ít khi thấy ghi xuất xứ, là vì đã bay bổng vào suy tư. Tuy nhiên trước khi bay bổng cần có một nền tảng khoa học, một phương pháp làm việc giống với nhà bác học, nói cụ thể là cần phải tìm lấy một hệ thống ‘fiche’ nào mình ưng hơn cả để ghi xuất xứ sách vở tư tưởng và ý nghĩ. Triết học thường vượt qua phương pháp. Nhưng muốn vượt qua phải biết trước đã, nếu không sẽ lộn xộn. (Nên đọc qua một vài quyển như “Travail intellectuel de Sertillanges”, hoặc “Education de la Volonté” của Payot nói tỉ mỉ về phương pháp làm việc. Quyển “Cửa Khổng” cũng theo phần lớn lối khoa học có ý giúp sinh viên tập quen phương pháp làm việc có xác thiết, có mạch lạc).

Mấy điều trên đây cần nhắc nhở cho sinh viên ngay từ lúc bước qua thềm Đại học để tránh rơi vào một tai họa mà các bậc thức giả đang than phiền và họ gọi là “journalisme”, tức thứ kiến thức bì phu phiến diện kiểu chuồn chuồn điểm nước, kéo dài mãi mãi trình độ phổ thông Trung học. Nhiều giáo chức Đại học bên Tây Phương lẫn lộn cả bình đẳng có tính cách xã hội, chính trị với bình đẳng tri thức. Mà thực ra trong phạm vi tri thức làm gì có bình đẳng. Nay nếu muốn bình đẳng hóa cả Đại học tức là đắp ụ trên đường tiến bộ mất rồi “But democracy is a social and political not an intellectual possibility”, lẫn việc phổ biến với nội dung của phổ biến. Phổ biến là việc của Trung học, tìm ra nội dung để phổ biến đó mới là việc của Đại học.

Trở lên là ít điểm thuộc về lề lối làm việc ở Đại học. Bây giờ chúng ta bàn đến điểm thứ hai là mục phiêu của Đại học.

2. Mục phiêu của Đại học

Đại học là gì? Thưa là cái học to, tiếng Tây kêu là ‘Université’ có nghĩa là hướng về (vers) một mối (unité). Kiểu nói là hai mà ý nghĩa là một : khi nhiều cái quy tụ lại một, cái một ấy tất phải to, phải đại. Vậy đại là gì, to là gì?

Thưa đại đây không có ý nói đến đại số lượng hay to thân to xác, to đống to mớ. Đại ở đây có ý chỉ về phẩm giá, sự tự lập : nghĩa là khỏi cần phải quy chiều vào cái khác nhưng tìm được lý do tồn tại ngay trong bản thân, từ trong nội tại, hơn thế nữa còn có thể cấp lý do tồn tại cho nhiều cái khác. Vậy cái gì là đại theo nghĩa đầy đủ như thế? Mục phiêu của Đại học chính là tìm ra mối đại nền gốc đó để cho các kiến thức khác quy tụ chung quanh. Nhiệm vụ của Đại học là thiết lập ra mối nhất thống nội tại bằng cách xác định đâu là gốc là đại và nhấn mạnh trên đó để làm trung điểm cho các cái học chu vi có nơi quy chiếu. Sứ mạng của Đại học là tìm ra và phát triển đến sung mãn cái điểm xét ra là đại để nó chiếu tỏa vào các ngành tri thức và thông cho tất cả nguồn sinh lực và tia sáng dẫn đạo. Nói cụ thể là Đại học sẽ chu toàn sứ mạng ngày nào mà những người xuất thân ở Đại học phần lớn trở nên trung tâm điểm ban phát ra những lời hướng dẫn cuộc đời, gây tươi vui trong cõi nhân luân, làm rung động những sợi dây lòng để hướng lên cõi siêu linh, để đem lại cho đời một ý nghĩa, để đem lại cho lân nhân lòng mộ mến những mối tình cao cả của nhân hậu, dũng cảm, vị tha, nồng nhiệt… Nói theo kiểu tiên Nho thì Đại học là để đào luyện ra đại nhân, đào luyện nên những kẻ sĩ, nghĩa là những người ý thức được sâu xa cái trách nhiệm nặng trên con đường Đạo thâm viên ; sứ mạng của kẻ sĩ về mặt hành động là tế thế an bang, về mặt tri thức là triệt thượng tới trí tri tâm linh và triệt hạ tới bậc cách vật tới chỗ nhất nghệ tinh. Ngược lại phải kể là Đại học sa đọa bao lâu chưa tìm ra cái mối đại đó khiến cho các tri thức chồng chất lại ngổn ngang vì thiếu nơi quy tụ, bao lâu những người xuất thân ở Đại học ra nếu không bị thác loạn tinh thần thì cũng chỉ thấy đời là phi lý, cuộc sống đáng nôn mửa. Cái học đó có gọi là Đại học, người xuất thân có gọi là nhà trí thức đi nữa cũng không làm cho tâm hồn họ thanh thản, vòng tay họ có mở ra hết cỡ cũng chi ôm nổi dăm ba cô với một vài đàn trẻ. Nói đến chuyện tế thế an bang là hão và chớ đợi ở họ những luồng tư tưởng sáng soi nồng nhiệt thường phát ra từ những tâm hồn đại độ bao la, và như thế là Đại học sa đọa.

Sa đọa vì không tìm ra điểm đại, ngược lại thành công là tìm ra được để mà vun tưới cái điểm to, cái đại bổn, cái căn cơ. Mới hay tìm ra điểm gốc quan trọng xiết bao. “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thuỷ. Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ” (Đại Học). Câu sách cổ đó vẫn còn giữ nguyên giá trị, nhưng ít khi được chú trọng vì thường thường ai cũng nghĩ rằng đã là Đại học thì cái chi chả là đại, nên không xét tới xem trong từng trăm môn dạy trên Đại học thì môn nào đáng làm bổn, làm gốc, làm đại. Bởi thế chúng ta phải gắng công tìm hiểu. Để dễ tiến hành chúng ta nên phân ra hai loại Đại học : một là Đại học cấp bậc, hai là Đại học tự thân.

Trước nhất ta cần biết thế nào là Đại học thuộc cấp bậc, và thế nào là Đại học tự thân (en soi). Đại học cấp bậc là cấp trên đối với cấp dưới, không có thành vấn đề : toán Đại học cao hơn toán Trung học. Xét về cấp bậc thì môn nào cũng có đại có tiểu, nên ý nghĩ hễ đã lên Đại học thì cái gì cũng đại cả là trúng ở phương diện này. Nhưng đó mới là chuyện thuộc cấp bậc độ số (degré) có tính cách tương đối : to là đối với nhỏ, chưa phải là to tự nội (en soi) nghĩa là trong bản thể (nature) đã mang theo tính chất quan trọng, đã có sẵn lý do của sự trọng đại, khỏi cần dựa vào tha vật. Phân biệt như thế rồi ta hỏi trong các môn dạy trên Đại học, môn nào xứng đáng làm gốc, làm bổn. Trả lời được câu này không những xác định được bản chất Đại học, mà luôn thể định hướng được cả nền triết lý giáo dục nữa. Vậy thì trung điểm đó là gì?

Xuyên qua lịch sử ta thấy có ba loại trung điểm mà cứ sự nó đã thay thế nhau giữ chức trung ương và ta có thể định tính vắn tắt là lý giới, nhiên giới và nhơn giới. Ba trung điểm đó thường đi đôi với pháp trị, cơ trị và nhơn trị. Có thể thêm siêu giới đi với thần quyền (théocratie) nhưng đó là chuyện thuộc phạm vi tôn giáo bên ngoài chương trình triết lý. Chỉ cần ghi rằng Âu châu thời Trung cổ đi lối Siêu giới. Từ thời Phục Hưng đạo đời ly dị thì đến lượt lý giới tức pháp trị : quyền hành nằm trong tay các luật gia. Đây cũng là thời thuận lợi phần nào cho triết học. Nhưng bước sang thế kỷ 20 thì quyền hành về tay nhiên giới với chế độ cơ trị (technocratie) : kỹ sư nắm tay lái và gọi là thời nguyên tử, tức là dùng khí năng thuộc nhiên giới để định tính một giai đoạn lịch sử. Bầu khí giai đoạn này đang lan tỏa và tràn vào nước ta. Công hiệu ra sao? Chỉ cần xem một ca cụ thể để rồi suy rộng ra. Anh A yêu cô B quá xá, thế nhưng anh A không thể nào cưới được cô B nữa vì khi bà C hỏi anh học gì, anh tình thực thưa ngay là văn khoa. Một lúc sau hỏi tiếp môn gì? Da rằng triết. Cái giề môi của bà C tuy kín đáo nhưng đủ sức tống cổ anh C ra khỏi cổng. Than nổi chi nữa? Ai bảo nhào vô triết học, sao không học dược hay y? Thời thế đổi rồi cu cậu ơi ! Xưa thì cáng anh đi trước võng nàng theo sau. Nay thì xe hơi chàng chay trước, xe đạp chàng theo sau ! Thời thế, thế thì phải thế. Đời cơ trị rồi mà ! Văn khoa, triết học còn có nghĩa chi đâu? Nhất là triết học lẽ ra đi với nhân trị, nhưng bên trời Âu chưa bao giờ triết nắm được quyền hành đó, phương chi đến thời cơ trị lại càng xuống giá. Thế là cơ trị nắm chính quyền và đó là thời đại của ta khi cứ sự mà nói. Và nếu xuôi chuyện thì cứ lý khỏi đặt lại vấn đề nhưng chuyện không xuôi nên mới lại có vấn đề tìm ra điểm đại cho Đại học, nghĩa là chúng ta phải tìm xem “cơ trị” đã phải là đại chưa? Nó đã là cái gì tuyệt đối có lý do tồn hữu nội tại của nó hay nó chỉ có ý nghĩa vì một cái khác thí dụ con người? Và nếu nó không phải là đại tự thân, thì nhất định là không tạo nổi mối nhất quán nội tại (cohérence interne) giữa các phân khoa mà đó mới là hồn Đại học, hồn văn hóa, hồn cho tinh thần đất nước. Và nếu đó không phải là linh hồn thì tất nhiên nó sẽ dẫn tới tình trạng tan nát ngổn ngang.

Do đó vấn đề hiện đại là nên cơ giới hóa con nguời hay là nhân bản hóa cơ giới và hiện các nhà giáo dục đàn anh đang bù đầu trước một vấn đề liên hệ mật thiết với câu hỏi trên tức là trong hai giải pháp một là chuyên môn, hai là toàn diện phải chọn đàng nào? Theo giải pháp chuyên môn thì nhiệm vụ khẩn cấp của Đại học cũng như của nhà giáo dục là phải gắng sức tìm ra càng sớm càng hay cái năng khiếu nổi nhất trong mỗi học trò để mà trau dồi vun tưới cho tài năng đó phát triển tới mức tối đa. Giải pháp này có cái lợi là sản xuất được nhiều nhà chuyên viên cho mọi ngành hoạt động nên được chấp nhận nhiều bên các nước có óc thực tế như Anh, Mỹ và nhất là Nga. Nhớ lại năm nào bộ trưởng kỹ thuật Pháp kêu cứu (S.O.S) vì nạn khan hiếm kỹ sư, bởi mức sản xuất kỹ sư kém Nga bốn lần. Lý do? Vì Pháp chọn lối toàn diện. Lối này chủ trương nhằm nhân bản hóa kỹ thuật, từ đó trọng tâm Đại học cũng như giáo dục hướng vào chỗ cốt làm phát triển đồng đều mọi khả năng trong con người ; đưa tất cả mọi tiềm lực đến một sự nảy nở bằng nhau để tạo nên tâm trạng quân bình. Vì coi con người trọng hơn kỹ thuật và đó là lý do bênh vực hữu hiệu cho giải pháp toàn diện này. Lý thuyết thì rất hay nhưng vì thiếu giải pháp hữu lý nên kết quả rất tệ. Đây là đại lược : chương trình giáo dục toàn diện sẽ đẩy thực xa trình độ kiến thức phổ thông. Với giải pháp chuyên môn thì kiến thức phổ thông thường dừng lại ở đệ tứ xuýt xoát, đàng này đưa tới tú tài II. Giải pháp này có tính tham lam, chương trình chất thật nặng, càng biết nhiều, văn hóa càng cao và bằng càng có giá trị. Những nước mới thoát nô lệ bị mặc cảm giữ giá cho mảnh bằng theo kịp bắc ‘metro’ thì còn nặng thêm nữa. Óc “toàn diện” còn cố leo lên đến Đại học ở năm thứ nhất gọi là dự bị dùng để trọn vẹn hóa trình độ văn học : vài ngoại ngữ, vài ba môn sử địa, văn chương, thêm tí cổ ngữ. Đến khi vào chứng chỉ, chừng năm sáu môn với chừng ấy giáo sư. Sinh viên cũng theo đà tham lam mỗi năm ít nhất theo hai chứng chỉ, vị chi là 12 môn với 12 giáo sư. Kết quả : Đại học là nơi thâu thập tri thức, sinh viên trở thành những ‘đánh-đống-viên’: đống của ai lớn người ấy có văn hóa cao. Kết quả là sản ra những con người rách nát (écartelé, nói theo chuyên môn là ‘schizophrénie’ thác loạn tinh thần vì thiếu hướng) với một mớ tri thức nửa chừng không làm nên trò trống gì có thể gọi là triệt thượng triệt hạ. “Toàn diện” trở thành “ngoại diện” (d’une encyclopédie lamentablement superficielle) duy trì mãi trình độ “nhật báo” ở Đại học, và trở thành kém cả những người theo giải pháp chuyên môn. Giải pháp này ít ra cũng giúp nắm vững cái cần câu cơm. Có thực rồi vực dần dần đạo cũng phải lòi ra. Và như thế là giải pháp chuyên môn hiện lên như một cám dỗ đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên chúng ta không thể theo giải pháp chuyên môn được, ít ra như hiện nay đang được thi hành vì càng ngày người ta càng ý thức sâu sắc về những ác quả của giải pháp đó, và đây là một hai lý do : trước nhất chuyên môn từ trong bản chất là chuyên biệt nên càng rút hẹp giới hạn bao nhiêu càng hữu hiệu bấy nhiêu : học chung về thuốc không thể hữu hiệu bằng chuyên về mắt, về răng, về tim v.v… Đấy là luật tất định, nếu muốn hữu hiệu thì phải tuân theo, không thể làm khác được. Nhưng đó chỉ là luật của nhiên giới đem áp dụng vào nhơn giới thì hậu quả là cơ giới hóa con người, biến nó thành những người máy (robot), những khí cụ. Con người khuôn theo nó trở thành những quái vật một mắt ti hí, hết nhìn được những vấn đề bao la toàn diện. Vì đã bị chi phối bởi luật chiếu giãi (loi de projection) theo đó, khi một người để hết tâm trí vào một giá trị nào, thì sẽ chỉ còn thấy có giá trị đó và sẽ nhìn mọi vật qua lăng kính duy nhất ấy. Freud nhìn tất cả qua tính dục. Rousseau thấy tất cả qua tình cảm, qua thiên nhiên. Platon thấy chỉ có ý niệm mới là giá trị. Hegel thì tôn vinh biện chứng làm chủ tể v.v… Người xưa đã gửi nhận xét đó vào những câu chuyện như Bá Nhạc học xem tướng ngựa, trông cái gì cũng là ngựa cả. Bào Đinh nước Tống học mổ trâu ba năm không thấy con trâu sống nào, trông con nào cũng là trâu chết cả. Bác sĩ Knoch xem ai cũng là bệnh nhân và đã biến một thị xã thành những con bệnh tưởng tượng. Kết quả là các khoa học chuyên biệt thay vì là một phương tiện, đã được tôn lên bậc cùng đích nội tại (fin en soi). Thế là có bao nhiêu khoa học là có bấy nhiêu mục phiêu tuyệt đối càng ngày càng xa nhau làm đứt hết mọi mối liên hệ nằm ngầm. Đại học cũng như văn hóa hoạt động tứ tung ngũ hoành, biểu lộ một sự nghèo nàn trong đường hướng, không còn chút sinh động gì trong tâm hồn, biến con người thành những bộ phận, những dịch vụ (fonction) trong bộ máy vô hồn, lù lù quay như bất cứ bộ máy nào. “Personne ne peut nier que la conscience moderne est désespérément disloquée entre ces “fin-en-soi” et ainsi les hommes ne cultivent plus que des qualités spécialisées : ils deviennent eux-mêmes des instruments” (Jung Moderne 123). Tâm thức con người căng trên những môn chuyên biệt được phong làm cùng đích và hạ mình xuống làm dụng cụ, chữ nho gọi là khí (quân tử bất khí). Con người không muốn làm chủ thể nữa rồi nên nhường lại ghế đó cho nhiên giới để đi hạ mình xuống làm phương tiện, làm khí cụ và trở nên một thứ man rợ, thượng lưu. Thượng lưu cũng có mà man rợ lại càng đậm màu (xem chẳng hạn quyển “La barbarie des élites” của Rostenne. Edition Desclé) và như thế là giải pháp chuyên môn cũng tai hại một cách sâu độc, nó cho một điểm quy tụ nhưng là điểm quy tụ chúi đầu xuống cái lỗ nhỏ hẹp, có bao nhiêu ngành là có bấy nhiêu mối quy tụ, bấy nhiêu đáy giếng. Và như thế thiếu xương sống trở thành vật vờ trôi giạt, vì thế nó vẫn không thắng nổi giải pháp toàn diện dẫu giải pháp này chỉ là ngoại diện. Do đó mà các nhà giáo dục cứ còn bù đầu như con lừa Buridan tránh hùm phải hạm : cả hai giải pháp cũng có lý, nhưng chỉ ở một phương diện, nếu nắm lấy cái lý đó mà giay thì trở thành thiên lệch và kết quả là cả hai giải pháp cùng làm cho sinh viên chơ vơ trong trường học, để rồi chơ vơ trong trường đời nghĩa là sẽ bị thả vào những ngó ngách của cuộc đời chưa được sửa soạn, chưa được nghe nói tới bao giờ. Đó là trạng thái bi đát trong khắp các đại học trên thế giới hiện đại và ngoại trừ một hai tia sáng le lói đó đây nghĩa là ngoại trừ những giải pháp chỉ hay có một chiều kiểu toàn diện ngoại diện nói trên thì chưa đâu tìm ra lối thoát, nghĩa là tìm ra cái điểm gọi được là ĐẠI là LỚN khả dĩ đáng làm trung tâm quy tụ cho mọi ngành và các nhà hữu tâm vẫn cứ đành dùng giải pháp vá vứu tô trát trước những làn sóng phá hoại của cơn khủng hoảng.

Sở dĩ tôi gạch dưới 3 chữ trên thế giới là để nhấn mạnh tính chất phổ quát và tỉ xích quốc tế của vấn đề chứ tuyệt nhiên không có ý chỉ trích Đại học nước ta. Nói về Đại học nước nhà cứ kể chung ra cũng là bình thường nghĩa là trừ một số khuyết điểm không thể nào tránh nổi ở bước đầu và sẽ lần lượt cải thiện theo đà tiến của nền độc lập quê nước thì đại để ta theo giải pháp toàn diện. Cái đó có những bất lợi như đã nói trên, nhưng nên nhớ bất lợi cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó tất nhiên Pháp là một đại biểu nổi nang (1). Vậy Đại học ta có kém thì cũng là kém một cách quốc tế chứ không phải do sự bất lực của bộ quốc gia giáo dục nước nhà. Trong thâm tâm các nhà dìu dắt nền Đại học cũng như giáo dục nước ta đang sôi lên nguyện vọng thiết tha tìm một giải pháp nào vừa thâu hóa được cái lợi của hai giải pháp đồng thời tránh được cái bất lợi của cả hai bên. Tuy nhiên đó là chuyện dài hơi, không phải một lúc mà làm hiện hình ngay lên được, muốn đi mau là hỏng việc. Trong ý hướng đi tìm đó chúng tôi thử phác họa với sinh viên một giả thuyết làm việc mà tôi xin gọi là giải pháp mẹ tròn con vuông.

(1) Những khuyết điểm đó được giáo sư Gusdorf mổ xẻ trong quyển ‘Université en question’. Payot)

3. Giải pháp mẹ tròn con vuông

Theo biểu tượng Kinh Dịch ta sẽ gọi là vuông tất cả các môn chuyên biệt, vì chuyên biệt nên có giới hạn nhỏ hẹp, Kinh Dịch chỉ thị bằng hình vuông có góc cạnh, giới mốc đóng khung. Còn vòng tròn ta dùng để chỉ Đạo lý tâm linh, nói nôm na là đạo làm người cái lý tưởng then chốt của đời sống con người toàn diện. Đạo này hiện nay chưa có và đó sẽ là việc chúng ta phải tìm lấy bằng cách mượn dữ kiện của cổ kim Đông Tây. Người xưa đã có nhưng nay ta không thể xài ít ra y nguyên được nữa. Tuy vậy ta có thể gỡ lấy chiều kích tâm linh của Đạo xưa để làm Trung điểm cho một tổng hợp thâu hóa mới. Vì tất cả sự cổ kính nhưng cũng rất mới mẻ nằm trong hai chữ tâm linh, nó có thể giúp ta phương thế để tìm lối thoát. Sở dĩ giải pháp “toàn diện” rất hay trong chủ trương nhưng thất bại trong thực hiện chẳng qua vì thiếu chiều kích này. Do đó thay vì tổng hợp (synthèse) thì chỉ làm được có tổng cộng (syncrétisme) nghĩa là không có yếu tố khác tính mà chỉ là cộng vào, chất đống lại các yếu tố cùng trình độ, cùng lượng chất. Nhưng cộng bao nhiêu cái có góc lại cũng không làm nên được một cái vòng tròn. Học 10 môn chuyên biệt, không làm nảy thêm được bản chất của sự toàn diện, vì thiếu chất tổng hợp là cái chỉ tìm được nơi dòng sống tâm linh đang chảy trong thâm tâm nơi sâu thẳm. Chỉ ở đó mới tìm ra chiều kích siêu việt để bao trùm lấy các ngành ngọn. Chỉ có yếu tố tâm linh mới đáng làm căn bản, làm cái đại để các môn khác quy tụ. Ta sẽ biểu thị nó bằng vòng tròn và theo tinh thần Đông phương ta thấy vòng tròn bao bọc lấy vuông. Và nôm na ta gọi là “mẹ tròn con vuông”: theo nghĩa mẹ đại con tiểu. Tâm linh cao hơn các khoa vật học. Hoặc muốn nói rõ lên sự quân bình thì là “hợp ngoại nội chi đạo dã”. Ngoại vuông hợp với nội tròn. Nếu tài là Vuông, còn đức là Tròn thì tài đức phải cố gắng kiêm toàn nhưng bởi vuông hay lấn át nên ta nhấn mạnh trên tròn và nói: “Đức chi bổn dã. Tài chi mạt dã”, Đức là gốc, Tài là ngọn.

Tiền nhân ta xưa đã ghi ý nghĩa đó vào đồng tiền hình tròn lỗ vuông. Lỗ vuông đâu có tiện xỏ bằng lỗ tròn, nhưng nếu không tiện lắm cho việc xỏ thì lại tiện để biểu thị được ý hướng đặt tình người lên trên tài vật. Tinh thần phải mạnh phải lớn đủ để bao trùm lấy con tài. Đạo nhân sinh phải thấu nhập được các chuyên khoa để cho tinh thần linh nhuận cõi nhiên cơ. Đành rằng thời đại này chúng ta phải mở rộng vuông tức phạm vi chuyên môn rất nhiều, nhưng đừng để cho bốn góc vươn ra ngoài, vì nó sẽ ngãng trở không cho bánh xe lăn được trên đường tiến hóa toàn diện.

Nếu đồng tiền tổ tiên là (hình)

Còn đồng tiền hiện đại là (hình vẽ)

Hoặc là (hình vẽ), tức là chuyên môn choán gần hết chỗ của tinh thần, thì đồng tiền của Việt Nam mai ngày sẽ phải là (hình vẽ)

Như vậy là đúng câu: “tiên lập hồ kỳ đại giả kỳ tiểu giả bất năng đoạt giả” (Mạnh V. b.15). Trước hết thiết lập cái bản cốt, cái tâm đạo, cho cái tiểu khỏi lấn át cái đại, nghĩa là đừng bao giờ để cho chuyên khoa trùm lên đạo người. Đạo người thuộc thành nhân, chuyên khoa thuộc thành công. Thành nhân chỉ có một và cần cho hết mọi người, xét cả về mặt là người tư nhân. Thành công có nhiều ngành và chỉ cần chung cho xã hội, mà không cần hết thảy cho tư nhân. Là tư nhân chỉ cần học một nghề đã đủ, đã chọn nghề này thì thôi nghề kia, nhưng đạo làm người ai ai cũng phải biết phải học, đạo ấy không còn riêng của phân khoa nào cả. Các phân khoa sẽ nhận thêm rất nhiều sinh viên, số người học văn khoa sẽ rút xuống từ năm ngàn còn một hai để gia tăng số chuyên viên. Nhưng về mặt chuyên viên thì chỉ nên học một ngành. Nên nhờ khoa hướng nghiệp chọn cho khá hợp khuynh hướng rồi hãy đẩy đến cùng cực, để có thể khám phá thêm, hầu đóng góp vào đà tiến triển của khoa học. Muốn như thế không thể theo nhiều ngành một trật : đào hai giếng sâu 5 thước, nước đã ít lại đục, nên đào một giếng 10 thước, nước vừa nhiều vừa trong. Cái tài con người ta thành ở chuyên hỏng ở tạp. Vậy hãy dồn hết năng lực vào một khoa mới mong đạt độ tinh thông. Đạt tới cái thú vui khám phá và đóng góp mà cái học lưng chừng không sao không sao có được. Thành công đã nắm vững, mưu sinh bảo đảm, riêng về phía xây đắp quê xứ số chuyên viên tăng lên mau lẹ sẽ kịp cung cấp cho một cuộc kỹ nghệ hóa gấp rút. Thế là ta nắm được cái lợi của giải pháp chuyên môn. Mặt khác chúng ta cố tránh ác quả của giải pháp đó bằng học thêm đạo làm người. Ta có thể theo lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc dành ra mỗi tuần ít giờ (từ 10 đến 20%) để học đạo người, mà vẫn không thiệt đến chuyên khoa. Trái lại là khác vì đạo làm người nếu được học cách đích đáng, sẽ làm gia tăng nghị lực tinh thần đến độ phi thường, như trường hợp Oppeinheimer nếu không tìm ra đạo học thì đã bỏ dở cuộc nghiên cứu nguyên tử năng. Đàng khác nếu sửa đổi theo đó thì chương trình sẽ nhẹ xuống ít gì một phần ba so với hiện đại, hơn thế nữa chuyên môn sẽ khởi đầu cách nghiêm nghị ngay từ đệ ngũ hoặc đệ tứ thì dành ra ít giờ đặng học đạo sống thật không ngãng trở sự theo đuổi việc học chuyên khoa mà còn đưa lại cho đời sinh viên một ý nghĩa sâu xa hướng theo lý tưởng cao trọng của nhân sinh.

Anh muốn học luật? Được lắm nhưng thiếu đạo làm người thì thay vì tìm hòa giải anh sẽ gây thêm và kéo dài các vụ tố tụng để cho đục nước béo cò. Anh tính làm bác sĩ, dược sĩ? Càng tốt, nhưng nếu thiếu đạo làm người mai ngày chỉ gõ vào lưng người ta anh đã lấy mấy trăm bạc dầu đó là người nghèo cực và dù một ngày anh gõ hai ba trăm lần. Anh thích học ngoại giao? Tốt lắm nhưng thiếu đạo làm người thì khi đi làm đại sứ thay vì tìm thị trường cho nước, anh chỉ lo sao trong cái vali ngoại giao còn có chỗ để dollar và hột xoàn… Anh thích học sư phạm? Được rồi nhưng thiếu đạo làm người anh sẽ đào luyện trẻ em theo cái mô phạm cái dạng thức nào đây? Nếu theo dạng thức người thì phải tri nhơn. Mà tri nhơn thì học ở đâu ngoài đạo làm người? Các ngành chuyên biệt khác cũng thế có lấy đạo làm người làm mối hội thông mới có mối liên hệ sinh động và cố kết lấy nhau và từ đó văn hóa mới thêm linh hoạt và xã hội con người mới mong thấm nhuần nhân hậu và khoan dung. Và có thế sinh viên mới đáng là sinh viên vì có đạo nhân sinh thấm nhuần cái học chuyên biệt để bao quanh bằng một vòng đai tinh thần nhân ái. Thế mới đúng nghĩa sinh viên nghĩa là sống cái tròn nếu không thì chỉ là sinh vuông vì dồn hết sinh lực vào những cái chuyên biệt cục hạn có góc vuông thuộc mưu sinh mà chưa là nhân sinh lý tưởng. Cho được là nhân sinh phải thêm cái vòng tròn tinh thần. Muốn thêm cái vòng tròn thì phải học thêm, học mãi, không học làm sao biết được đạo làm người. Để làm một cơ khí, kiến trúc một cái nhà hay biết những món chuyên khoa hướng đến cuộc sống thông thường còn phải chuyên chú cả đời. Huống chi cái lý uyên nguyên của cuộc sống nhân sinh toàn diện luôn luôn biến diễn trên con đường mỗi ngày mỗi mở vào sâu thẳm thì không học làm sao mà biết. Đã không biết thì đời sống trở thành phi lý và triết học chỉ còn có một việc khẩn thiết là vấn đề nên tự tử hay không? Sao lại đặt vấn đề thế : lẽ ra phải hỏi tôi có đáng sống chăng vì nếu sống thừa thãi (de trop) trong cái vô tri nhầy nhụa thì chết là phải rồi cần chi phải đặt vấn đề nữa? Rõ thua cả thế nhân họ không đặt vấn đề mà chỉ có việc tự vẫn và sát nhân. Tỉ số sát nhân, tự vẫn và loạn óc gia tăng theo hàm số tiến bộ của mực sống và tiện nghi, như những nước có mức sống cao nhất (Mỹ, Thuỵ Điển…) chứng tỏ điều đó trước sự kinh hoàng của các nhà xã hội học. “Seulement voilà ces hommes suédois ne sont pas heureux. Champions du confort et de la productivité, ils sont aussi champions du suicide et du divorce, de l’aliénation mentale, de l’alcoolisme et de la délinquence juvénile… Le Suédois ont découvert une nouvelle misère impossible à guérir par les moyens mêmes qui l’ont engendrées. On ne peut pas fonder une civilisation par la méconnaissance de la réalité humaine “(Introd. Sc.h.p.473). Trạng huống bi khổ gây nên do nghèo nàn có thể chữa bằng nâng cao mức sống, nhưng khi nỗi bi khổ lại thoát thai từ mức sống cao thì không thể chữa bằng nâng cao mức sống. Vì có trường hợp những nhà cự phú không tìm ra lẽ sống lên máy bay tự lái đâm vào núi để chấm hết một sự sâu xé trong tâm hồn. Không thể xây đắp một nền văn minh chân thật trên sự thiếu hiểu biết về con người. Do đó muốn tiến bộ trung thực phải biết đạo người.

Đành rằng không phải cứ học đạo là mọi người trở nên tốt. Nhưng không lẽ vì thế mà Đại học buông xuôi trách nhiệm dạy đạo làm người. Đành rằng hiện thời trong các Đại học không phải không có dạy đạo đó nhưng rất thiếu sót và tản mát, nên tuy trong số những nhà trí thức xuất thân trong những Đại học hiện đại vẫn có những tâm hồn cao thượng của con người chân nhân, bất kỳ ở đâu và bao giờ cũng có những con người như thế, nhưng họ phải tự lực học thêm quá nhiều. Họ là những bản lãnh cao cường đủ sức chống lại các ảnh hưởng ly tán của trường ốc, nên khi tốt nghiệp học cũng còn giữ được khả năng tốt người, nghĩa là còn bảo toàn được ít nhiều đức tính làm người để rồi tự tài bồi vun tưới cho đến độ làm người toàn diện chân thực. Tuy nhiên số đó hiếm hoi. Nay nếu nhà trường đi theo lối thống nhất “hợp ngoại nội chi đạo” thì số đó sẽ gia tăng có thể lên tới năm sáu mươi phần trăm. Nhưng dù gia tăng bằng nào đi nữa (cái đó còn tuy nhiều hoàn cảnh) Đại học cũng đã chu toàn sứ mệnh cao cả của mình, đó mới là điểm quan trọng.

Trở lên là sự phác họa sơ sài ít nét một giải pháp hợp tinh thần dân tộc, nó khác với những giải pháp hiện hành. Những giải pháp này khi thì mẹ Vuông con Tròn; có khi mẹ đã vuông lại còn đánh trụt thai nên đứa con tròn chỉ còn là bèo bọ của hạ tầng cơ sở… Tất cả đó là tinh thần ngoại lai đang tàn phá chút di sản nhân bản tâm linh của dân tộc còn sót lại. Đừng ai tưởng rằng tinh thần đó hủ bại, mà ngược lại nó đang được các nhà trí thức thượng đẳng cổ võ và hiện nay đã có những ánh vừng đông huy hoàng ở hai khoa vi thể và ‘thâm-tâm-y’ (psychosomatique) là hai khoa dẫn đầu trong việc tiến vào sâu thẳm và cũng là hai khoa giàu chất tổng hợp Đông Tây, Đạo đức và Khoa học. Hơn thế nữa đã có những mẫu người tổng hợp đó. Họ là một Jung, một Einstein, một Oppeinheimer. Tôi chỉ trưng lời một người trong họ tức nhà toán học trứ danh Schrodinger, đại để ông viết : càng ngày chúng ta càng nhận thức rằng chuyên môn không phải là một đức tính mà chỉ là một sự khốn khổ không thể tránh được, và một sự nghiên cứu chuyên biệt chỉ có giá trị của nó khi đã được hòa hợp vào cái biết toàn thể. Ông có trưng một bài “Những Đại học của Đức quốc”, năm 1957 với một đề nghị cải tiến như sau: “Tout professeur d’université devrait se montrer capable de voir des limites de sa matière… qu’au delà de ces limites interviennent des forces qui ne sont plus entièrement rationnelles, mais jaillissent de la vie et de la société humaine elle-même, de montrer à propos de chaque sujet qui conduit au-delà de ses propres limites étroites vers le chemin les horizons plus larges auxquels ils appartiennent…’’ (Science et humanisme p.19-20). “Lẽ ra mọi giáo sư Đại học đều phải nhìn thấy giới hạn của khoa mình dạy để nhìn ra được những sức mạnh ngoại lý đang tràn lên tự đời sống, từ xã hội, để từ những giới mốc của khoa mình có thể chỉ trỏ cho sinh viên hướng đến những chân trời rộng lớn hơn. Tác giả them : “Gardez le contact avec la vie, non pas tant avec la vie pratique qu’avec le fond idéal de la vie qui est toujours plus important”: “Cần phải tiếp cận với đời sống, không phải đời sống ăn làm nhưng là với cái nền tảng lý tưởng của dòng sống sinh linh là cái bao giờ cũng tối quan trọng”. Cái ông gọi là “căn cơ lý tuởng của đời sống” thì chúng ta gọi là tâm linh hoặc đạo làm người, là cái vòng tròn nhân ái khoan dung bao phủ lấy các tài năng kỹ thuật tột bực. Những người đó Jung, Einstein xứng đáng làm thầy chúng ta vì nơi họ tài ba kỹ thuật Tây Phương được lồng vào tâm hồn kẻ sĩ Đông phương : nhân hậu, bao dung, quảng đại. Hiện nay ảnh hưởng họ đang lan tỏa và đã gây tiếng vang nơi cơ quan “Văn hóa Liên Hiệp Quốc” (xem “Education et humanism”. UNESCO 1951). Trong một phiên họp của cơ quan này có lời khuyến cáo nồng nhiệt nên cho sinh viên các khoa khác nhất là khoa học nghe thêm ít giờ triết lý. Đó là dấu hiệu báo trước lối thoát kiểu mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên đó mới là lời khuyên. Vì một số điều kiện chưa hội đủ nên chưa mấy được thực thi. Do đó hiện tại bầu khí cơ trị vẫn tiếp tục bao trùm con người. Triết lý vẫn bị khinh khi là “kính nhi viễn chi”. Tại sao? Đó là điều chúng ta cần bàn tới.

4. Triết lý với Đại học

Chúng ta nghĩ gì về chuyện triết học bị khinh? Thưa đấy là một thảm trạng. Thảm trạng vì triết học bị khinh thì ít, nhưng trầm trọng hơn là chính triết học cũng có chỗ đáng khinh. Lý do là vì triết học đã không chu toàn nổi sứ mệnh cao cả của mình tức cũng là sứ mệnh của Đại học, nghĩa là tìm ra và phát triển cái đại học, tức cũng là đạo học hay là triết lý nhân sinh. Đàng này triết học đã hầu hết trở thành một tiểu tri kiểu chuyên khoa, nghĩa là cũng khép mình vào những phương thức của khoa học : từ địa vị bà Chúa trụt xuống làm tiểu tri làm con sen cho khoa học và xin khoa học ban cho một phép lành, một cái gật ưng chuẩn. Triết học sa đọa từ đấy và hầu hết triết học gia chỉ còn là những nhà bác học và biến triết học thành những khoa chuyên môn với đặc tính của chuyên biệt tức là tự ly khai với các khoa học khác, hay nếu có đề cập đến thì lại đứng trên cùng bình diện hiện tượng như các khoa thì từ lúc ấy đã trở thành vô tích sự, chẳng hạn khi triết muốn đề cập khoa học kiểu khoa học thì sẽ biến triết thành bản tổng kết các thứ khoa học. Kết quả là khoa học không ra khoa học, triết học chẳng ra triết học và từ đó ly dị với đời sống tâm linh, đi bàn những vấn đề xuất thế gian bằng những danh từ kỳ dị chẳng mấy ai hiểu được. Còn những vấn đề đang làm bù đầu óc loài người thì lại chẳng nhận được tia sáng nào từ triết học cả. Đó là lý do khiến người đời coi thường triết học, kể như một đồ xa xỉ thừa thãi. Đấy là một trong những lý do khiến cơ giới cứ phải tạm giữ tay lái con thuyền đời sống mặc dầu không thấy phương hướng đâu cả, vì khoa học có phải thiết lập ra để theo đuổi chuyện đó đâu? Nó thuộc về tổng hợp còn khoa học thuộc về phân tích kia mà. Ngày nay các bậc trí thức chân chính nhất trong nhân loại đều tin rằng : cái thiếu cho con người hiện đại không còn phải là khoa học nữa nhưng là một triết lý nhân sinh, một đạo làm người. Lối thoát cho nhân loại phải tìm về phía này. Vậy điều quan trọng cần thiết hiện nay là làm thế nào cho triết lý trở thành đạo làm người. Điều đó chưa có, nên ở trên tôi chỉ nói đạo làm người mà không nói tới triết. Vì triết có hai loại, một thuộc hàn lâm trường ốc thì có đã từ lâu rồi; còn triết lý nhân sinh thuộc loại hai thì mới khởi lên từ Schopenhauer và Nietzche, truyền qua Jaspers và Heidegger… nhưng đó mới là những cố gắng rời rạc còn lẫn nhiều yếu tố hàn lâm, chưa đủ trở thành một nền triết lý nhân sinh có đầy đủ uy tín. Cũng vì thế mà các điều bàn luận trên đây chỉ là tìm hướng cho công việc nghiên cứu của chúng ta chứ chưa dám coi là một đề nghị với quốc dân hay chính quyền chi cả. Trước khi nghĩ đến chuyện đó chúng ta còn phải gắng sức làm việc nhiều lắm, cố làm sao cho triết học chu toàn được sứ mệnh của mình là tìm ra cái mối quán thông, tìm ra cái bổn cái đại, tìm ra cái toàn diện, cái bao dung thể. Vì khi tìm ra được nó sẽ trở nên bà chúa đôn đốc các khoa học khác. Nếu sánh nền đại học của một nước như thái dương hệ mà mỗi hành tinh là một phân khoa hướng dẫn cho một ngành hoạt động thì triết lý phải là định tinh ở trung tâm : nó phải nóng hơn, sáng hơn để tung toé ra chung quanh nguồn ghị lực để nuôi dưỡng và sưởi ấm tất cả mọi hành tinh, ràng buộc trong hệ thống để thái dương hệ khỏi tan loãng trong Thiên Cầu vô tận.

Để kết luận chúng ta có thể nói như sau. Theo tinh thần cố hữu của dân tộc Việt Nam thì sự vật bé hơn con người. Con người tiểu ngã nhỏ hơn con người Đại ngã Tâm linh. Vậy nếu sứ mệnh đại học là đi tìm một trung điểm làm mối hội thông bao quát được mọi khoa để điều lý và linh động hóa tất cả thì cần lấy nhân bản tâm linh làm căn bản cho mọi ngành tri thức. Ngành nào không quy chiếu vào con người không thể gọi là Đại học tự thân, người nào không sống đạo làm người không phải là đại nhân, dẫu là một thiên tài đi nữa, nhưng họ chỉ là một chuyên viên với một mớ tri thức về sự vật. Biết vật bé hơn biết người. Đại học chính tông phải lấy tri nhơn làm hướng học tập, lấy nhơn trị làm phương châm tác hành. Cần đào luyện sao cho chuyên viên vẫn còn là người, không để cho nhân cách của chuyên viên bị trầm diệt dưới những đống tri thức cứng lạnh để cho “sự méo mó nghề nghiệp” rút hẹp nhãn giới lại quá đáng đến nỗi lấy tiểu làm đại. Sứ mệnh Đại học Việt Nam mai ngày là phải làm thế nào để vận mạng quốc gia không bị đặt vào tay những kỹ sư, bác sĩ, luật sư, công chức, giáo chức v.v… vì đó là những thứ mắt đã trở thành cận thị và lòng đã se cứng trước tình nhân loại chỉ còn biết thâu quén cho đầy túi tham, đào sâu thêm mãi cái hố phân ly đang há hốc miệng giữa bình dân và trí thức, giữa bần cùng và giàu sang, tức là con đường hữu hiệu nhất để dẫn quê nước tới hố bại vong. Vì đó Đại học phải làm thế nào để vận nước được trao vào tay những ‘Người-kỹ-sư’, ‘Người-luật-sư’, ‘Người-công-chức’, ‘Người-giáo-chức’… Nghĩa là những người có lòng nhân hậu có tình người bao trùm lấy những tri thức chuyên môn. Tuy là bác học gia, khoa học gia mà lòng vẫn còn biết rung cảm trước những đau khổ của tha nhân, chí vẫn biết thành khẩn lo lắng cho tiền đồ quê xứ và trong đáy lòng vẫn âm vang tiếng vọng siêu linh. Nếu muốn như thế thì cái đại sẽ không còn phải là tu văn, tu lý, tu cơ hay tu bất cứ cái chi chi khác nhưng là tu thân. Đừng hiểu tu thân theo nghĩa nhăn nhó co ro của những thứ kiểm tục hương nguyện nhưng phải hiểu theo nghĩa uyên nguyên cao cả của nó thì tu thân chính là dùng văn hóa chân thực làm cho phát triển đến cùng cực tất cả mọi cơ năng thuộc thân cũng như tâm. Nói khác tu thân là con đường hữu hiệu nhất để đưa đến thiên địa chi tâm, chính là nền tri thức quán thông thiên địa của những chơn nhơn, tức là cái biết cao sâu nhất, vĩ đại nhất : là Đại học trên các Đại học. Nếu hiểu tu thân theo nghĩa trung thực đó thì chúng ta dám mượn nguyên lý của sách Đại học để chấm hết rằng : “tự các thứ công tử dễ kiếm tiền : y khoa, dược khoa, cơ khí, điện năng… dĩ chí ư các thứ kiếm khó hơn một chút như luật khoa, hành chánh, quân sự, thương mại, báo chí huống chi là văn khoa… nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn (1). “Kỳ bổn loạn nhi mạt trị giả phủ hỹ. Kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã”, gốc loạn mà ngọn trị không thể có. Cái đáng phải thâm hậu lại phớt nhẹ, để nhấn mạnh trên cái chỉ cần lướt nhẹ, làm như thế mà mong được việc thì chưa hề có bao giờ vậy.”

(1) Chú thích: chính câu sách đại học như sau: “tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn.”

—0O0—

0 comments:

Powered By Blogger