Sunday, December 4, 2011

Bầu cử Quốc hội Nga trong căng thẳng, 5 website độc lập bị tê liệt

Trọng Thành

Ngày hôm nay 4/12, khoảng 110 triệu cử tri Nga được trông đợi sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 450 đại biểu Hạ viện Nga. Cuộc bầu cử diễn ra trong không khí căng thẳng, 55 nghìn binh sĩ và cảnh sát được triển khai riêng tại thủ đô Matxcơva.

Theo một số dự đoán, đảng Nước Nga Thống nhất dù chắc chắn sẽ giành được đa số, nhưng sẽ chỉ đạt được 56% phiếu bầu, tức là không đủ số phiếu để có được đa số áp đảo tại Hạ viện cho phép sửa đổi Hiến pháp. Kỳ bầu cử Hạ viện Nga hôm nay là một trắc nghiệm quan trọng đối với đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, sắp ra ứng cử Tổng thống năm 2012.

Trước tình thế này, theo đối lập và nhiều tổ chức phi chính phủ Nga, điện Kremlin tìm mọi cách để huy động cử tri đi bầu và gây sức ép lên đối lập. Nhiều đảng đối lập bị loại khỏi cuộc bầu cử, đã kêu gọi dân chúng biểu tình phản đối. Khoảng 330 nghìn binh sĩ và cảnh sát được huy động trên toàn quốc, riêng tại Matxcơva có 55 nghìn người. Nachi - phong trào thanh niên thân chính quyền – tuyên bố huy động được 150.000 người ủng hộ, tập trung tại trung tâm thủ đô Matxcơva hôm nay, để « vô hiệu hóa » mọi hành động phản đối kết quả bầu cử.

Theo một số ghi nhận tại chỗ, khá đông cử tri Nga thất vọng với đảng Nước Nga Thống nhất và những gian lận bầu cử đã bị tố cáo trên nhiều trang mạng độc lập.
AFP cho biết, có ít nhất năm địa chỉ Internet độc lập, tố cáo các gian lận trong bầu cử, đã bị tin tặc làm tê liệt. Trong số các địa chỉ bị tấn công, có trang mạng của đài phát thanh độc lập Tiếng vọng Matxcơva (Echo of Moscow), nhật báo Kommersant, tuần báo New Times, tổ chức phi chính phủ Golos và một trang web của tổ chức này.
Theo Tổng biên tập đài Phát thanh Tiếng vọng Matxcơva - radio do hãng khí đốt Nga Gazprom kiểm soát - vụ tấn công nhắm vào trang mạng của đài phát thanh này, vào đúng ngày bầu cử, rõ ràng là có mục tiêu cản trở việc công bố các thông tin tố cáo gian lận trong bầu cử. Còn theo tổ chức phi chính phủ Golos, tác giả của các cuộc tấn công tin tặc này phải là « những chuyên gia rất giỏi ». Tổng biên tập tuần báo New Times Ilia Barabanov thì khẳng định, không nghi ngờ gì nữa, chính quyền Nga chắc chắn đứng đằng sau các vụ tấn công này. Thực ra, hình thức tấn công tin tặc kể trên không phải là điều mới tại Nga, tuy nhiên, từ trước đến nay, các tấn công chủ yếu chỉ nhằm vào các trang blog của những người đối lập với chế độ Putin. AFP cho biết thêm nhận định của một trang mạng chuyên thông tin về các hoạt động tình báo Agentura.ru, theo đó, ngay từ đầu những năm 2000, cơ quan an ninh Nga FSB đã được trang bị các công nghệ để kiểm soát và ngăn cản các thông tin được truyền trên mạng Internet.

0 comments:

Powered By Blogger