Nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh đến cuối 2010 đạt 32,5 tỷ USD, tương đương 42,2% GDP và tăng 4,6 tỷ USD so với năm 2009.
> Nợ công vượt 50% GDP
Bộ Tài chính cuối tuần qua công bố số liệu chi tiết về nợ của Việt Nam trong năm 2010. Theo đó, tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm ngoái đạt 27,86 tỷ USD, tương đương 85,7% tổng dư nợ.

So với GDP 2010, nợ nước ngoài chiếm 42,2%, tăng so với con số 39% của năm 2009 và cao nhất kể từ năm 2006. Con số 42,2% GDP cũng cao hơn nhiều so với mức 38,8% mà Chính phủ dự kiến hồi cuối năm 2010.

Do dư nợ tăng, tổng lượng tiền mà ngân sách phải dành để trả các đối tác nước ngoài trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD), tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009.

Trong khi đó, theo cảnh bảo của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008.

Một điểm đáng chú ý khác, theo báo cáo của Bộ Tài chính, là lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Điều này có thể là hệ quả của việc Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cũng như việc uy tín nợ quốc gia bị ảnh hưởng do một số bất ổn của kinh tế vĩ mô và sự kiện Vinashin.

Hiện Việt Nam vẫn chủ yếu được vay nợ với lãi suất thấp 1 - 2,99% một năm (chiếm khoản 65,5% tổng dư nợ). Tuy nhiên, khoản vay có lãi suất cao từ 6 - 10% một năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009. Hiện các chủ nợ chính của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Pháp, ADB, WB... Các chủ nợ này đã nâng lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam lên hơn 2 tỷ USD trong năm 2010 (so với con số hơn 1 tỷ USD của năm 2009).

Nhật Minh