Vì sao họ không đến? (Phần I)
Nhà Báo Nguyễn Thượng Long - Những người mà “Lửa” yêu nước trong lòng đã tắt, nếu họ vào đảng, thì đảng không thể mạnh thêm, nếu họ đắc cử vào Quốc Hội thì cũng chỉ để giơ tay và vỗ tay, nếu họ mưu sinh trong nghề cầm phấn thì cũng lại “Còn ghế còn tiền”, nếu họ cầm dùi cui, cầm súng thì chắc chắn cũng lại “Chỉ biết còn đảng còn mình” và chỉ “Trung với đảng”. Nếu họ có lạc bước vào “làng” dân chủ thì cũng sẽ chỉ là thứ “Dân Chủ Đô La”...
“Xin dành cho những ai chưa một lần đến vườn hoa Lê Nin để biểu lộ lòng yêu nước của mình”
BA NHAM NHỞ MANG TÊN GIÁO DỤC ĐÀO TẠO:
Khi cuộc biểu tình lần thứ 4 chủ nhật 19-6-2011 để phản đối Trung Quốc đã có những hành động vi phạm lãnh hải của Việt Nam sắp nổ ra, HT một học sinh cũ của tôi, nay đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học danh tiếng của Hà nội, tìm gặp tôi dưới chân cột cờ Hà Nội với câu hỏi:
“Thưa thầy! Vì sao các thầy cô giáo và học sinh phổ thông lại không đến với các sinh hoạt chính trị như thế này?”.
Tôi bảo: Câu hỏi của em cũng là câu hỏi của nhiều người. Đúng là vậy, những chủ nhật vừa qua, nói là sinh viên & học sinh xuống đường, thì thực ra chỉ có một số sinh viên các trường Cao Đẳng và Đại Học của Hà Nội là tham gia mà thôi. Học sinh các lớp cuối cấp của bậc phổ thông trung học cùng thầy cô giáo của họ gần như là thiếu vắng. Nói là gần như, vì cũng có 1 – 2 giáo viên PTTH không rõ của trường nào đã có mặt ở vườn hoa Lê Nin sáng 5 – 6 – 2011. Tôi chỉ phát hiện ra họ trong những nick name đã comment ào ạt vào bài viết “Nhật Ký Biểu Tình” của tôi khi bài này xuất hiện trên mạng ngay ngày hôm sau 6 – 6 – 2011.
Vì họ không đến với cuộc biểu tình này mà chúng ta nói họ là những người không có lòng yêu nước! Nói thế là không đúng. Đã là người thầy giáo thì mọi hình ảnh, lời nói, hành động của người thầy trước học trò luôn theo định hướng để hình thành nhân cách cho học trò. Trong những phẩm chất của nhân cách thì “yêu nước” phải là phẩm chất số 1. Không có chuyện người được gọi là có nhân cách mà lại không yêu đất nước đã sinh ra mình. Trong 5 điều Hồ Chí Minh dậy Thiếu Niên và Nhi Đồng, dù không thấy nói gì đến tình yêu ông bà, cha mẹ, thì “Yêu Nước” vẫn được ông đặt lên hàng đầu đấy chứ. Vậy tại sao sau bao nhiêu thập kỷ có 5 điều dậy này rồi mà hôm nay người học trò cũ của tôi vẫn đặt ra một câu hỏi như vậy?
Theo tôi GD ĐT Việt Nam hiện nay đã sở hữu trong tay một bộ 3 nham nhở nhất trong những nham nhở của ngành mình: GIAN DỐI TRONG THI CỬ - VỊ THÀNH TICH TRONG THI ĐUA - SA SÚT LÒNG YÊU NƯỚC.
Trong 3 cái nham nhở nhất kể trên thì 2 nham nhở đầu đã được ông Nguyễn Thiện Nhân khống chế bằng “vòng kim cô 2 không” rồi, hiệu quả của nó thế nào? Thôi thì hậu xét. Giờ đây ngành GD chẳng lẽ lại phải có 1 nói không nữa là “Nói không với sự sa sút lòng yêu nước!”.
Trong khi chưa thấy ngành cao quý nói gì về chuyện này thì nhà thơ – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người tham dự rất sớm cuộc biểu tình yêu nước cùng SV – HS những ngày qua đã lo lắng đưa ra lời cảnh báo về hội chứng vô cảm thể “Mù Thiêng”. Theo ông đó là hiện tượng một số người không còn khả năng rung động, xúc động trước những gì có thể làm mọi người thấy rưng rưng và rơi lệ.
Người Việt Nam nào mà không xúc động khi chứng kiến hình ảnh một người cúi xuống hôn lên mặt đất dưới chân mình, khi người đó vừa bước qua biên giới, sau nhiều chục năm bôn ba xứ người, thì hôm nay lại có quá nhiều người Việt Nam, quá nhiều thành viên của ngành GD ĐT lại vô cảm trước một Phạm Thanh Nghiên, một phụ nữ nặng không đầy 35Kg, cận thị nặng, cô đơn, lặng lẽ ngồi toạ kháng trước nhà mình dưới khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, rất nhiều người không hề thấy xúc động trước hình ảnh một nam sinh viên dáng mảnh khảnh, hai cánh tay giơ cao nhiều giờ liền một biểu ngữ phản đối Trung Quốc trước cửa Lãnh Sự Quán TQ tại thành phố Sài Gòn ngày 5 – 6 vừa qua. Sinh viên đó đứng như một tượng đài bằng xương bằng thịt, một biểu tượng của lòng yêu nước đến vô bờ của lớp trẻ, làm xúc động biết bao người chứng kiến, vậy mà lại có người coi hình ảnh đó chỉ là một game show lai rai!
Nhiều người nhìn hình ảnh Cù Huy Hà Vũ hiên ngang đi giữa những người “Chỉ biết còn đảng còn mình”, nhìn hình ảnh cháu bé 5 – 6 tuổi lũn cũn đi trong tay là biểu ngữ phản đối Trung Quốc, nhìn hình ảnh các vị nhân sĩ, các trí thức, văn nghệ sĩ…với những mái tóc bạc phơ dẫn đầu những đoàn biểu tình vừa qua bằng thái độ vô tình của những người ngoài cuộc, khác máu tanh lòng!
Tôi biết, rất nhiều người trong đó có người phụ nữ Việt Nam 80 tuổi, mẹ Lê Hiền Đức, một Teresa của dân oan Việt Nam, bà đã lặng lẽ khóc bên tôi khi tôi cho bà xem những bức ảnh sinh viên Sài Gòn bị bẻ cổ, bị vặn sườn, đặc biệt là hình ảnh viên đại uý Minh, đội phó an ninh Quận Hoàn Kiếm Hà Nội đạp thẳng gót giầy vào mặt anh Nguyễn Trí Đức lúc anh Đức đang bị 4 công an khiêng như khiêng lợn trước cửa xe bus bắt người trong buổi sáng 17/7/2011 trước vườn hoa Lê Nin, nhưng tôi cũng thấy không ít người nhếch mép rồi tuôn ra những lời vô tình. Những hình ảnh dưới đây nếu lọt vào mắt họ, có lẽ cũng chẳng nói được điều gì (!?)
Tứ mã hội phanh thây
Hội chứng “Mù Thiêng”, hiện tượng mà nhiều người coi: Cuộc sống này, thế gian này không còn điều gì là thiêng liêng nữa! Quan điểm đó, đúng là đang lan tràn trong xã hội nói chung, trong ngành GD ĐT& ngành công an nói riêng, là một hiện thực không thể bác bỏ, thì cũng không thể nói: Chương trình GD ĐT của ta không có nội dung đề cao lòng yêu nước, yêu con người. Những năm qua, nhiều tỉ USD tiền vay ODA mà con cháu sẽ oằn lưng để trả nợ đã được đầu tư cho siêu dự án thay sách giáo khoa, chẳng lẽ những cuốn sách mới đó lại chẳng nói gì đến những dạng tình cảm này ?
LÒNG YÊU NƯỚC & CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẬY
Không một giáo viên nào lên lớp lại có quyền không có giáo án. Bên cạnh những nội dung thuộc về giáo dục trí dục, giáo án nào cũng phải nói tới những nội dung giáo dưỡng về tư tưởng. Trong những nội dung giáo dưỡng tư tưởng tất nhiên không thể thiếu giáo dục lòng yêu nước. Một bài giảng có thể bị chê là yếu về nội dung trí dục, không đáng sợ bằng bài giảng bị chê là yếu về tính tư tưởng. Thế nhưng, tính tư tưởng đã từng được hiểu một cách hết sức thô sơ, ngô nghê như: Sau một bài dậy, học trò phải thấy đảng là đỉnh cao trí tuệ, là mùa xuân bất diệt, CNXH luôn luôn là tốt đẹp là trường tồn, CNTB là xấu, là giẫy chết (!?). Một đề toán mà lại cho ra một đáp số mà số quân ta lại chết nhiều hơn số quân địch thì người ra đề coi chừng đấy (!?). Chính người viết bài này, hơn 40 năm trước khi giảng bài “Kinh tế Nhật Bản những năm cuối thập kỷ 1960” đã suýt mất nghề vì dại dột giảng trước học trò:
“Chỉ cần hơn 2 thập kỷ sau chiến tranh 2, bằng nghị lực, sự thông minh và một bản lĩnh phi thường, người Nhật Bản đã tạo nên trên đất nước mặt trời mọc của mình một hiện tượng thần kỳ về kinh tế ”. (NTL 1969)
Với bài giảng đó, tôi đã bị trưởng đoàn thực tập xếp loại yếu về giáo dục tư tưởng (!?) vì qua bài giảng đó, học trò của tôi chẳng căm thù phát xít Nhật, lại cứ xuýt xoa trước sự phục hồi kinh tế thần kỳ của người Nhật và ao ước người Việt Nam mình cũng sớm được như thế (!?). Đã có thời, để chắc ăn, sau một bài giảng là đến màn thầy trò đứng lên hùng hổ hô khẩu hiệu đả đảo thực dân, phong kiến, đế quốc và quân ta muôn năm & như thế là họ coi là giáo dục tư tưởng (!?).
Những bài giảng Địa Lý về “Lãnh Thổ - Biển - Đảo Việt Nam”, những bài giảng Lịch Sử về “Mẹ Âu Cơ”, về “Hùng Vương”, về “Hai Bà Trưng”, về những cuộc đại phá quân Nam Hán, đại phá Tống – Nguyên - Minh - Thanh, những bài GDCD về “Nhân Phẩm”, về “Lòng Tự Trọng”, những bài Ngữ Văn, những áng văn bất hủ để giáo dục lòng yêu nước như: “Bình Ngô Đại Cáo”, “Hịch Tướng Sĩ Văn”, “Bài thơ thần bên bờ sông Như Nguyệt”, “Hải Ngoại Huyết Thư”, “Bản Án chế độ thực dân Pháp”, “Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Thư cho con của Tướng Quân Trần Độ”… đã từng có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa của GD ĐT Việt Nam nhiều thập kỷ nay rồi, nay đang nằm trong tay những con người coi giáo dục cũng là thị trường, là thương trường! và DẬY – HỌC là BÁN - MUA, nên tâm hồn họ là: “Còn ghế còn tiền”, trái tim họ là những giá băng, cùng với phương pháp giáo dục là hô khẩu hiệu và đọc - chép nghị quyết thì kết quả sẽ thế nào nhỉ?
Dạ thưa! Những bài giảng, những kiệt tác văn chương đó có thể cũng đã tạo ra biết bao điểm 9, điểm 10 trong những báo cáo định kỳ của Lớp, của Trường, của Sở, biết bao giờ dậy xuất sắc, biết bao sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô, biết bao danh hiệu giáo viên giỏi các cấp, đem lại biết bao thu nhập do học thêm tự nguyện và cả do cưỡng bức học thêm, nhưng …than ôi! Ngọn lửa yêu nước đọng lại trong lòng người dậy và người học vẫn chỉ là lửa “Ảo”, lửa “Lân Tinh”, thường thấy ở chốn tha ma mộ địa. Những thứ lửa này đã nhanh chóng lụi tắt trong những vật vã mưu sinh giữa muôn mặt đời thường. Những người đã tắt “Lửa Lòng” như thế thì làm sao họ còn chỗ cho những rưng rưng khi nghĩ về biển đảo của tổ quốc lúc phải đối diện với sự mất còn, để họ tự tìm đến vườn hoa Lê Nin những ngày này!
Những con người như thế, đương nhiên họ không chấp nhận những:
Đỗ Việt Khoa tuẫn nạn vì GD ĐT, Phạm Thanh Nghiên lao lý vì toạ kháng: HS – TS là của Việt Nam, Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Trần Đại Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc… lao lý vì treo biểu ngữ có nội dung vì tất cả mọi người, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ lao lý vì tranh đấu cho những quyền con người, Vi Đức Hồi lao lý vì dám “Đối Mặt”, Nguyễn Anh Tuấn thấy chuyện bất bằng không tha, Từ Anh Tú sinh viên bị đuổi học vì đọc mạng, Nguyễn Trí Đức bị công an đạp vào mặt & những sinh viên Sài Gòn bị bẻ cổ, vặn sườn vì đi biểu tình, Nguyễn Văn Phương sinh viên đọc Tuyên Cáo trước Nhà Hát Lớn… cùng các vị nhân sĩ, trí thức khả kính, các bậc lão thành cách mạng, các nhà văn, nhà thơ, học giả nổi tiếng đã từng dẫn đầu các đoàn biểu tình. Các vị không có chỗ đứng trong tâm tưởng những con người rất nghèo lòng yêu nước nhưng lại quá dồi dào lòng vị kỷ này. Họ là sản phẩm được dán nhãn mác “Made in GD ĐT Viet Nam ” & tội lỗi lớn nhất của ngành GD ĐT đương đại là đã cho ra biết bao thế hệ là những người VN không còn niềm tin vào những điều cao đẹp, nhưng lại quá thừa sự vô cảm trước nguy cơ mất nước. Tôi không nói số người này là tất cả, nhưng tôi dám khẳng định số người này là không nhỏ. Họ là ai vậy? Xin thưa : Họ đang ở quanh ta, đó chính là chồng ta, vợ ta, sếp ta, con ta, người thân của chúng ta, bạn bè cùng cơ quan chúng ta, hàng xóm chúng ta…và cũng có thể lắm chính là ta, lúc mà “Lửa Lòng” ta đã nguội lạnh.
Xin ai đó đừng vội lớn tiếng rằng: Người viết bài này đã phủ định sạch trơn! Hãy thử cùng nhau làm 2 trắc nghiệm: Tỉ lệ những người xuống đường trong những ngày qua so với số dân cả nước & Tỉ lệ những người tham gia đàn áp biểu tình so với số người xuống đường biểu tình là bao nhiêu? Lời giải cho các trắc nghiệm này sẽ là những con số biết nói, bởi nó mang những thông điệp về cuộc đời này. Những con số đó là số thực & không thể bác bỏ được.
Những người mà “Lửa” yêu nước trong lòng đã tắt, nếu họ vào đảng, thì đảng không thể mạnh thêm, nếu họ đắc cử vào Quốc Hội thì cũng chỉ để giơ tay và vỗ tay, nếu họ mưu sinh trong nghề cầm phấn thì cũng lại “Còn ghế còn tiền”, nếu họ cầm dùi cui, cầm súng thì chắc chắn cũng lại “Chỉ biết còn đảng còn mình” và chỉ “Trung với đảng”. Nếu họ có lạc bước vào “làng” dân chủ thì cũng sẽ chỉ là thứ “Dân Chủ Đô La”, “Dân Chủ Cuội” khá hơn thì cũng chỉ cỡ “Dân Chủ Cải Lương”, tệ hại hơn nữa sẽ là thứ “Chim Mồi” của công an, được công an bảo kê để nhử bắt đồng đội của mình. Người ta đã có quá nhiều chứng cớ để nói rằng, nếu không có thứ “Chim Mồi Sặc Sỡ” đó, công an không dễ mà khống chế được làn sóng Dân Chủ tự phát nẩy nở ở Việt Nam & cũng nhờ sự giúp sức của “Chim Mồi Sặc Sỡ” đó mà Công an dư sức đặt cái gọi là “Phong Trào Dân Chủ” tại quốc nội phải đối diện với sự cáo chung khó tránh khỏi. Có lẽ Thanh Tùng rất đúng khi viết:
“Ta nhìn sâu vào mắt nhau mà thấy lòng đau xót”.
Ngành GD – ĐT đương đại đã, đang và sẽ còn mang lại cho đất nước những con người như thế !...thì ai cũng hiểu được: Vì sao giáo viên và học sinh phổ thông không đến vườn hoa Lê Nin vào những ngày này & vì sao mà các sếp lớn, sếp bé, kể cả các sếp GD ĐT đã chối bỏ nền GD trong nước để cho con cháu họ lũ lượt ra nước ngoài, nương nhờ nền GD của bọn tư bản xấu xa và giẫy chết (!?)
(Còn nữa)
Hà Đông 2 – 8 2011
Ngày bị khống chế & cách ly khỏi phiên toà phúc thẩm Tiến Sỹ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ.
Vì sao họ không đến ? (Phần II)
“Tổ Quốc mãi mãi trường sinh, Dân Tộc mãi mãi trường tồn. Thế giới này ngày càng chật hẹp, không có nơi ẩn nấp nào là an toàn dành cho những con người không xứng đáng. Chắng sớm thì muộn tất cả sẽ phải hiện nguyên hình trước vị QUAN TOÀ của Lịch Sử ”.
*
“Xin dành cho những ai chưa một
lần đến vườn hoa Lê Nin để bầy tỏ
lòng yêu nước của mình” (NTL)
“ÔI…! NGÀI BỘ TRƯỞNG…!”
Kì thi vào Đại Học & Cao Đẳng, khối C năm học 2005/2006, dư luận xã hội vô cùng sửng sốt trước các thông tin về kết quả của môn Lịch Sử. Hàng nghìn bài thi được điểm O. Trong đó không ít bài làm có thể phải vào Ghi – Nét về sự ngớ ngẩn.Ví dụ : Tú Tài năm đó viết:
- “ Để phản đối chiến tranh đặc biệt của Mỹ, nhà sư Thích Quảng Đức đã thắt cổ tự tử ở Ngã Tư Sở ( Hà Nội) (!?).
- “Xăm Đéc Nô Rô Đôm Xi Ha Núc lãnh đạo cách mạng Lào (!?) ( Nguồn : Thu Phương – Báo CAND Thứ 3 ngày 26 – 7 -2005).
Năm đó Bộ Trưởng Nguyễn Minh Hiển giữ thái độ im lặng trước “Thành Tích” đặc biệt này.
Kì thi đại học và cao đẳng năm nay, cũng với hàng ngàn bài thi môn Sử được nhận điểm O, lứa đàn em hậu sinh khả uý đã làm các bậc đàn anh 5 – 6 năm về trước phải sững sờ về kiến thức của mình. Luận về việc Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) tìm đường cứu nước, không ít bài đã viết:
- “Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chứ có phải đi ngao du đâu?”.
- “Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước vì đã vứt bỏ tình yêu thương với một thiếu nữ cùng quê”. Đặc biệt và ấn tượng nhất phải là:
- “Nguyễn Tất Thành (Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung) thuở nhỏ tính tình ngổ ngáo, người thường xuyên trốn học đi biểu tình, bị thực dân Pháp bắt được, đuổi học, từ đó người căm thù thực dân, đế quốc mà ra đi tìm đường cứu nước”. (Nguồn Báo Điện Tử Dân Trí)
Thực ra việc học trò lúc cắn bút giữa trường thi rồi viết linh tinh vào bài thi, không phải chỉ đời nay mới có, đó là truyện muôn thuở của học đường rồi.
Hôm nay, việc học trò của chúng ta mô tả cuộc dấn thân tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành theo hướng đó đã đặt các nhà viết lịch sử đảng, Ban Lý Luận, Tuyên Huấn, Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Chính Trị ĐCS Việt Nam, các nhà Mác Xít thuộc nhiều thế hệ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ trước kia, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng cùng các ông “Vua” khác hôm nay vào tình thế dở khóc, dở cười, không nói không được & Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận đã liều mình, đăng đàn cứu tất cả, ông nói:
“Đó là điều bình thường…”, “Điểm Lịch Sử thấp không chỉ ở Việt Nam, ở Châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động …” - (Nguồn báo Điện Tử Dân Trí).
Thật là đáng buồn, bao thế hệ người Việt đã coi Hồ Chí Minh là Thánh, đã triển khai học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi kể chuyện về Hồ Chí Minh ở quy mô cả nước vậy mà bây giờ tú tài Việt Nam lại viết về chuyến xuất dương tìm đường cứu nước của ông như thế, rồi lĩnh điểm zero mà ông Luận vẫn cho là bình thường được thì thật sự là điều khó tưởng tượng.
Điều ông Luận nói có đúng là đặc điểm của thời đại này không? Xin gõ vào ô tìm kiếm của Google dòng chữ : “Hàng ngàn bài thi môn sử được điểm O”, mọi người sẽ biết cư dân mạng đã dành cho câu nói của ông Luận những gì?
Tôi nghĩ: Hồ Chí Minh mà tú tài của chúng ta có thể viết như vậy, thì các vị TIÊN ĐẾ, các bậc NHÂN THẦN – THIÊN THẦN khác trong lịch sử Việt Nam & nhân loại đang ngự trong những lăng tẩm, đền đài, miếu mạo cũng như trong tâm thức mọi người sẽ được các tú tài của ta tưởng tượng và mô tả như thế nào? Không biết là nên cười, nên khóc hay cũng lại là bình thường khi thấy học sinh viết:
“Lê Duẩn là em họ Lê Nin (!?)” và “Vua Gia Long Nguyễn Ánh gọi Hoàng Đế Càn Long của Trung Quốc là anh giai” !
Hàng nghìn điểm O về Lịch Sử và có thể lắm cũng hàng ngàn điểm O môn Văn, môn Địa trong một kỳ thi đại học ! Toàn là những bộ môn đầu bảng trong nỗ lực hình thành nhân cách người Việt Nam văn minh, hiện đại, hình thành ý thức tự hào về “Nam Quốc Sơn Hà…”, về nòi giống Rồng Tiên thì đó là vấn đề xã hội thực sự nghiêm trọng rồi đấy chứ, sao lại có thể nói là bình thường được. Một nền giáo dục mà lại tạo ra những con người chẳng hiểu gì về lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình thì làm sao có thể nói nền GD đó đã có công lưu giữ mãi ngọn lửa yêu nước từ đời này qua đời khác. Rẻ rúng bộ môn Lịch Sử đến thế thì chả trách thầy trò Giáo Dục Phổ Thông lại chẳng thờ ơ trước những cuộc xuống đường để phản đối những tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông. Họ còn tìm đến vườn hoa Lê Nin làm gì vào những ngày này nữa? Khi vừa ngồi vào ghế Bộ Trưởng, ông Luận bảo: Tôi không có ý định tạo dựng ấn tượng cá nhân, thế câu nói vừa rồi của ông nên hiểu đó là ấn tượng của ai?
Thưa Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận, trong lần sinh viên và học sinh biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc và Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn cuối năm 2007 để phản đối kế hoạch Tam Sa của Trung Quốc nhằm hợp pháp hoá việc thôn tính Hoàng Sa vào lãnh thổ của họ, có lãnh đạo sở GD ĐT, hiệu trưởng nhà trường nào dám trái lệnh cấm tham gia biểu tình của ông? Năm đó ông là Thứ Trưởng Bộ GD ĐT? Và đến những chủ nhật gần đây của tháng 6 và tháng 7 - 2011, có lãnh đạo Sở, lãnh đạo trường PTTH nào dám vượt qua những nỗi sợ hãi để trái những lệnh tương tự, dám cho phép học sinh của mình đi bầy tỏ lòng yêu nước? Xin trả lời: Không! Không một ai dám cả. Cái mà các sếp giáo dục nâng nưu trong tay lúc này không phải là “Trái Cam bị bóp nát trong tay Trần Quốc Toản” khi không được tham dự Hội Nghị Bình Than (10 – 1282), mà lại là “Còn Ghế Còn Tiền” và những “Chân Lý” mà ông mới nói đấy.
Xin gửi tới ông lời tán thán: “Ôi…! Ngài Bộ Trưởng!” của tôi, một cựu giáo chức đang đứng bên lề “xa lộ” GD ĐT tấp nập ngược xuôi là những điều hay – dở.
LÒNG YÊU NƯỚC & NHỮNG NỖI SỢ HÃI.
Trên đường bị 2 nhân viên an ninh chính trị Quận Hà Đông dẫn độ từ vườn hoa Lê Nin trở về, tôi vô cùng ngạc nhiên khi một vị hỏi tôi:
“Sáng nay, lúc ở gần vườn hoa Lê Nin, bác có nhận ra 2 nữ giáo viên cùng công tác với bác trước kia ở THPT Trần Hưng Đạo không?”
Tôi giật mình, thế là họ đang nghi tôi đã có những xúi giục đồng nghiệp cũ đi biểu tình. Tôi ngẫm nghĩ, nếu làm được việc đó, tôi sẽ rất tự hào, vì tôi đã làm đông thêm những người dám bầy tỏ lòng yêu nước của mình. Tôi đã nói với họ: Không rõ, 2 cô giáo đó có phải là những giáo viên trẻ về trường khi tôi đã ra khỏi trường rồi không? Nếu vậy, tôi không biết họ. Nói rằng 2 người đó đã có thời gian cùng dậy với tôi! Tôi khẳng định là không hề có. Tôi quá thất vọng về những người đã cùng dậy với tôi ở THPT Trần Hưng Đạo – Phố Xốm - Hà Đông - Hà Nội.
Năm năm về trước (2007), khi bỏ phiếu tín nhiệm tôi ứng cử ĐBQH 12, các đồng nghiệp của tôi, người bầu tôi, người gạt tôi thì cũng đều không dám công khai cầm bút trước các quan chức của MTTQ, lãnh đạo Sở GD ĐT Hà Tây, các nhân viên an ninh PA25 (An ninh bảo vệ Văn Hoá – Giáo Dục). Họ lúng túng & sợ hãi đến mức hiệu trưởng NTNA, bí thư chi bộ nhà trường NCN phải ra lệnh mở hết cửa các Toilet, các phòng học để mọi người vào đó thực thi quyền bầu cử của mình (!?) …Những con người mà khi nhận được quà biếu của tôi là những bài viết về những tiêu cực của Giáo Dục chứ không phải là loạt bài tôi cổ xuý cho Tự Do – Dân Chủ và Nhân Quyền…đã ngoan ngoãn nộp cho hiệu trưởng, kể cả những bài tôi gửi đích danh cho hiệu trưởng, với dòng chữ: “Bài này tôi đã gửi cho cơ quan Công An rồi, xin đừng gửi cho Công An nữa”. Vậy mà tất cả vẫn được vị hiệu trưởng này cần mẫn gom lại rồi trình báo cho công an (!?)…Những hiệu trưởng, hiệu phó, kể cả những đảng viên như thế ! Tôi dám chắc họ không đủ bản lĩnh chính trị, không đủ sự can đảm để tìm đến vườn hoa Lê Nin trong ngày hôm đó. Xét cho cùng họ cũng chỉ là những con bệnh đáng thương của hội chứng vô cảm mà Nhà Thơ – Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã cảnh báo.
Thưa những ai vẫn còn dành cho GD ĐT một sự quan tâm và thương cảm! Có thể nói: Học đường ngày nay không còn là mảnh đất mỡ mầu để nuôi dưỡng những điều cao thượng và đẹp đẽ nữa. Trong ngày khai giảng, trong những tiết chào cờ đầu tuần, đâu có còn vang lên những điều có thể làm cho mọi người rưng rưng, xúc động khi nghĩ về tình cảnh của tổ quốc, về cảnh ngộ của dân tộc. Thay vào đó, đây là chỗ để người ta đốc thúc việc tận thu các loại tiền, là nơi ban bố các quyết định trừng trị học sinh và có nơi cũng là lúc trừng phạt cả thầy cô hư (!?). Vào những ngày này, những ngày có biểu tình yêu nước một cách ôn hoà của sinh viên và học sinh, tiết học này lại là thời điểm để các ông bà hiệu trưởng “Còn ghế còn tiền” lên hò la, đe nẹt học sinh, cấm học sinh tham gia vào các sinh hoạt yêu nước! Là người của GD ĐT, tôi hết sức thông cảm với những người đồng nghiệp của tôi, song tôi không thể chấp nhận được những vị giám đốc, những vị hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư thanh niên đã hạ mình nói liều, nói bậy:
“Những người tham gia biểu tình những ngày qua là những kẻ hâm, điên, bất mãn, vô chính phủ, là bị các thế lực thù địch lôi kéo, là đi biểu tình thuê (!?)” (sic). Tôi có quá nhiều dẫn chứng cho kết luận này.
Tiết học đầu của 1 tuần học dưới mầu cờ tổ quốc, đất nước quặn đau, mẹ tổ quốc quặn đau vì sự hững hờ, vô cảm, biến chất và vô trách nhiệm của những đứa con vẫn thường vỗ ngực là cao học, là “thạc sĩ” này, là “tiến sĩ” thậm chí là cả Viện Sĩ hàn lâm nước này, nước nọ (!?)
Phải chăng cấm học sinh đến với những sinh hoạt chính trị xã hội như thế là dấu hiệu ngành này đang tìm về những giá trị bản thể của nó đã có từ ngàn đời như:
Học đường là một thứ “Tu Viện” khép kín cách ly với cuộc đời bên ngoài đã quá ô trọc! Không có chuyện này. Người ta đang hô hào xã hội hoá, thương mại hoá GD – ĐT kia mà (!?).
Phải chăng GD ĐT đang quay lại với thái độ sống của những con mọt sách trong những Tháp Ngà :
“Vạn ban giai hạ phẩm – Duy hữu độc thư cao!”
Tạm dịch : Mọi ngành nghề đều thấp kém, duy nhất việc đọc sách là cao cả! Cũng không có chuyện này.
Chí thú sách vở gì đâu mà khi chấm thi tốt nghiệp PTTH 2010 – 2011, 11 Sở GD ĐT của 11 tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ đã ngấm ngầm bắt tay nhau xé toang đáp án chấm văn của Bộ GD – ĐT rồi thay bằng một biểu điểm khác để muốn cho đỗ bao nhiêu thì cứ việc cho (!?). Báo Người Lao Động đăng ý kiến phản hồi: “Không chỉ môn Văn, môn Sử - Địa cũng thế !”, Tờ Thanh Niên thì mạnh dạn méc độc giả: “Không chỉ Văn mà cả chấm Toán cũng rứa! và chuyện đó họ có hỏi ý kiến Bộ và Bộ cũng cho phép rồi. (!?) Không biết mai này trong 11 ông, bà giám đốc uống nhầm thuốc liều đó, có ông nào, bà nào sẽ phải làm “Con Dê” để tế thần “HAI KHÔNG” không đây! Xin chờ hồi sau sẽ rõ.
Theo tôi, những động thái của GD ĐT bấy nay là quá đủ để nói: Ngành GD ĐT có quá nhiều cố gắng để tạo ra sản phẩm của mình là những con cừu có thói quen chỉ đi theo các lề có sẵn. (“Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do” – Giáo Sư Toán Học Ngô Bảo Châu)
Để khép lại câu chuyện buồn này, có lẽ cũng chẳng là thừa khi cùng ôn lại “Sự Tích Đầm Mực”, viết về thầy Chu Văn An (1292 – 1370) và những học trò của ông thời hậu Trần hơn 600 năm về trước.
“Sau vụ dâng Thất Trảm Sớ - Sớ đòi chém 7 tên gian thần không được vua Trần Dụ Tông chấp nhận, Thầy Chu treo mũ áo từ quan, bỏ Quốc Tử Giám về quê dậy học. Trong số học trò của ông có một thư sinh tướng mạo khôi ngô tuấn tú sáng nào cũng đến sớm để nghe giảng, nhưng không ai rõ là người này ở đâu. Bè bạn, đồng học dò xem thì cứ thấy thư sinh đó đến khu Đầm Đại nằm giữa làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung, nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội thì biến mất bèn bẩm với Thầy Chu. Thầy Chu biết đó là con của thuỷ thần. Năm đó gặp lúc trời làm đại hạn kéo dài, một lần Thầy Chu hỏi: “Trong các trò, ai có tài thì làm mưa giúp dân giúp đời!”. Người trò lạ có vẻ lưỡng lự, sau đứng ra xin nhận và nói: “Con vâng lời thầy là có tội với Thiên Đình, nhưng con cứ làm để giúp dân”. Nói đoạn, thư sinh ra giữa sân trường, lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn, lấy bút thấm mực vẩy khắp 4 phương trời, rồi tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen ùn ùn kéo đến, trời đổ mưa như trút. Trong mưa gió người ta thấy thư sinh cúi lậy Thầy, lậy bạn rồi rùng mình hoá thành con Thuồng Luồng lớn mải miết trườn về phía đầm nước. Đêm hôm đó có một tiếng sét lớn, đến sáng người đi đường thấy xác con Thuồng Luồng lớn nổi trên đầm nước. Để nhớ ơn, dân làng lập đền thờ thần. Theo truyền thuyết nơi nghiên mực rơi xuống làm làn nước ở đây lúc nào cũng có mầu đen, nên được gọi là Đầm Mực. Bút rơi xuống đất Tả Thanh Oai, biến làng này thành làng văn học, quê hương của những danh sĩ tầm cỡ, đặc biệt vang dội là dòng họ Ngô Thì…như cha con Ngô Thì Sĩ – Ngô Thì Nhậm”.
GD ngày nay không thiếu những bậc thầy tài danh, khoa bảng nhưng hiếm quá những trí thức có bản lĩnh, tâm đức như Thầy Chu Văn An. Học trò thời nay cũng không hiếm những nhân tài tầm cỡ, nhưng cũng quá ít những sĩ tử có tấm lòng với thầy, với bạn, với dân, với nước như chàng thư sinh trong câu chuyện này.
Tôi vô cùng xúc động khi thấy “Già Làng” Nguyên Ngọc đứng ở hàng đầu cuộc biểu tình 14/8 vừa qua. Đã bắt đầu xuất hiện một số học sinh gái, cổ quàng khăn đỏ, trong tay là các biểu ngữ phản đối Trung Quốc. Các cháu là con cháu của những gia đình nhân sĩ, trí thức lớn được hưởng những “Gen” miễn dịch trước những lầm lạc, những biến chất tràn lan xã hội. Những biến chất đó đang làm đa phần lứa trẻ khác trở nên ơ hờ trước những kiếp nạn của dân tộc và có không ít số trẻ đã phải tự tìm đến những triết lý sống thích nghi, đầu hàng có tính thực dụng, cầu an và yếm thế kiểu Makkeno (Mặc Kệ Nó):
“Sợ giặc, không bằng sợ bị công an bắt, bị nhà trường đuổi học, bị chính quyền phân biệt đối xử.” và “Yêu đảng, yêu nước, yêu CNXH, yêu dân… không bằng yêu chính bản thân mình”.
Như thế thì câu hỏi mà HT, cô học trò cũ của tôi hỏi ngày nào trước cửa Đại Sứ Quán Trung Quốc đã có câu trả lời rồi đấy. Một trả lời cũng thật đớn đau & bất ngờ quá với tôi! với em! với bạn! & bất ngờ với những ai nữa đây? Dạ thưa! Đây là một câu hỏi mở xin dành cho tất cả mọi người.
***
Khi bài viết này sắp được công bố, một người bạn gmail hỏi tôi: Tuần này bác sẽ ra Hồ Gươm để có phóng sự về biểu tình chứ? Tôi trả lời: “Ông Nhanh mới họp báo, tuyên bố biểu tình phản đối Trung Quốc là yêu nước & Công An Hà Nội không trấn áp người biểu tình”, vậy mà mấy chủ nhật liền tôi vẫn được Công an Hà Đông và Hà Nội “Săn Sóc” kỹ lưỡng quá. Khẩu hiệu rất hiền mà tôi chọn: “NAM QUỐC SƠN HÀ NAM NHÂN CƯ!” (Sông núi nước nam người nam ở !) chưa một lần được hoà cùng mầu cờ sắc áo với những người biểu tình cùng những tiếng thét vang dội của lòng yêu nước bên bờ Hồ Gươm huyền thoại, điểm kết nối với Yên Tử - Chùa Hương – Chùa Một Cột – Đền Quan Thánh – Núi Nùng - Hồ Tây thành một hàng rào tâm linh có vai trò hoá giải tức thì những tà tâm – ác đức của thù trong & giặc ngoài muốn huỷ hoại sự trường tồn của giống nòi Đại Việt. Sự kiện ngay sau ngày tiếp quản Hà Nội 1954, Hồ Tây một ngày bình yên bỗng bầu trời rực rỡ là mây ngũ sắc, mặt hồ bỗng nổi sóng dữ trong âm vang là tiếng voi gầm ngựa hí đã dìm chết đoàn phù thuỷ Tầu có sứ mạng đi trấn yểm các huyệt đạo của Đại Việt lại núp bóng là đoàn nghệ thuật Tề Tề Cáp Nhĩ…là dẫn chứng rất đắt cho sự tồn tại của dải tâm linh huyền thoại này. Nay dù bị Công An khống chế, tôi vẫn thấy, dù thiếu tôi thì bầu trời vẫn là nơi tung cánh của những Cánh Chim báo nguy cho dân tộc & cả những Cánh Én báo mùa xuân sẽ trở về với đất nước mình, dân tộc mình.
Hồ Tây một điểm tâm linh huyền thoại
Thông qua những việc làm, những phát biểu đầy trách nhiệm của những lão thành cách mạng khả kính, những vị nhân sĩ chân chính, những trí thức, những sinh viên học sinh còn giữ được lòng yêu nước, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài, không hẹn mà cùng tiếng nói chung là: “Tổ Quốc Trên Hết”, dẫu rằng đến với họ là bôi nhọ trắng trợn! là mạ lị đê hèn! thậm chí là cả những hành vi của đám thảo khấu côn đồ, thì một xã hội dân sự vẫn đang lừng lững bước tới. (Theo cách nói của Già Làng Nguyên Ngọc và nhà báo nổi tiếng Bùi Tín).
Những gì không phải đã đến với Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, với Giáo Sư Huệ Chi, với nhà giáo Phạm Toàn, với Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, các bloger dũng cảm như Nguyễn Xuân Diện, các trang báo điện tử bị gọi là “Lề Trái Rác Rưởi” ở trong và ngoài nước, đến với Luật Sư can đảm như Trần Đình Triển, đến với Cụ Trần Lâm, một Luật Sư trung thực và nhân hậu, đến với những bị cáo rất đáng kính trọng như Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ…thái độ bất khuất của họ là những dẫn chứng hào hùng rằng: “Không phải người Việt Nam nào cũng cúi mặt và ngậm mồm.”
Giữa lúc nhiều quân đoàn Trung Quốc đang áp sát dọc tuyến biên giới với Việt Nam, tầu sân bay Tinh Lang mới khánh thành & dàn khoan khổng lồ của TQ đang lăm le tiến vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cũng là lúc các Bloger TQ trên trang mạng Sina.com đang râm ran những lời đe doạ Việt Nam thì thật đáng buồn, tối 4/8/2011 Trần Bình Minh giám đốc Truyền Hình VN lại muối mặt cộng hưởng với họ bằng cách cho phát sóng phóng sự bôi nhọ Cù Huy Hà Vũ và trang mạng yêu nước Bauxite.vn làm sững sờ người xem trong và ngoài nước. Đặc biệt là khi tấm màn nhung của QH 13 lặng lẽ buông xuống trong chiều 6- 8-2011 mà không dám đưa ra một Nghị Quyết nào về Biển Đông! Tôi biết rằng, đất nước tôi, dân tộc tôi đang đối diện với những nguy cơ gì?
Có thể lắm, phẩm giá, lương tâm, lòng trắc ẩn của một bộ phận người Việt Nam hôm nay nói chung, nói riêng với ngành GD ĐT là có vấn đề rồi, nhưng tôi vẫn vững tin:
“Tổ Quốc mãi mãi trường sinh, Dân Tộc mãi mãi trường tồn. Thế giới này ngày càng chật hẹp, không có nơi ẩn nấp nào là an toàn dành cho những con người không xứng đáng. Chắng sớm thì muộn tất cả sẽ phải hiện nguyên hình trước vị QUAN TOÀ của Lịch Sử ”.
Hành trang để thế hệ tôi đi hết phần đời còn lại, đơn giản chỉ là những niềm tin vô hại như vậy./. (Hết)
Hà Đông 9 - 8 – 2011.
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Giáo dục Hoà Bình – Hà Tây
- Nguyên Thanh Tra Giáo Dục kiêm nhiệm Hà Tây.
- Nơi ở: Tố 6 Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
0 comments:
Post a Comment