Sunday, August 14, 2011

Tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn ngày Chủ nhật đánh thức lòng yêu nước của người Việt Nam

Phỏng Vấn Gs Nguyễn Huệ Chi

Trọng Thành (RFI) - Hôm nay, 14/8/2011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Hà Nội đã bước sang lần thứ 10. Đây là cuộc biểu tình thứ hai sau khi Công an Thành phố Hà Nội gián tiếp thừa nhận, qua phát biểu của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (2/8/2011), việc chính quyền đàn áp và ngăn chặn các cuộc biểu tình trước đây là sai trái.

Để hiểu rõ hơn về không khí cuộc tuần hành xung quanh Hồ Gươm tuần này, nay bắt đầu trở thành một nếp sinh hoạt xã hội đều đặn tại thủ đô, RFI đặt câu hỏi với giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

RFI : Kính chào giáo sư, thưa giáo sư, được biết là cuộc tuần hành chống Trung Quốc gây hấn hôm nay lại tiếp tục diễn ra tại Hà Nội và giáo sư lần này có tham gia, vậy giáo sư có thể cho biết cảm tưởng và nhận xét của giáo sư về những điểm khác biệt của cuộc tuần hành lần này so với lần trước, cách đây một tuần ?

Nguyễn Huệ Chi : « Hôm nay tôi thấy khí thế rất là tốt. Sự tiếp tục tinh thần yêu nước, tinh thần chống hành vi lố lăng, quá đáng của phương Bắc biểu hiện rất rõ. Nhưng có thêm những yêu cầu mới, cho nên người ta đưa ra những khẩu hiệu mới, đến tôi cũng không ngờ.

Họ nói : « Không được quy kết trí thức yêu nước !», « Không được kết tội trí thức yêu nước ! ».

Đây là một vấn đề đặt ra, rõ ràng sau vụ Cù Huy Hà Vũ, sau việc đài VTV1 đưa ra những điều lố lăng thì mới có câu ấy.

Tiếp theo đó là những câu (khẩu hiệu) như : « Bảo vệ các trang mạng yêu nước ! », « Bảo vệ người trí thức yêu nước !» … Khi đến gần tòa báo Hà Nội mới, trong đám đông có một người hô lên đến gần chục lần : « Nguyễn Huệ Chi là người yêu nước ! ». Và mọi người hô vang : « Yêu nước, yêu nước, yêu nước ! ». Người được dẫn tên trong đấy là tôi, tôi cũng rất bất ngờ và cảm động quá, vì thấy rõ là lòng dân như một.

Đấy là về mặt tinh thần, còn về mặt số lượng người, tôi thấy đông hơn cuộc trước đây. Bây giờ có đến năm, bảy trăm người, trước đây chỉ ba, bốn trăm thôi. Đặc biệt là, người hai bên đường bao giờ cũng dừng lại, có người tham gia vào hàng ngũ, có những người đưa nước đến để ủng hộ cho đoàn đi. Đấy cũng là điều, mà người công an họ muốn giảm thiểu sự gia nhập, cho nên họ thúc đẩy những người ngó nghiêng đứng hai bên đường, đang lưỡng lự giữa việc định gia nhập và ý muốn đi tiếp vì công việc của mình, với lời nhắc : anh cứ đi tiếp công việc của anh đi ! Nhưng nhiều người vẫn nhập vào cuối hàng đi rất đông, kéo dài, rất dài.

Thứ ba là, đóng vai trò nòng cốt là trí thức thì tôi thấy có những người bận việc nên không đi, nhưng lại có những người mới xuất hiện. Chẳng hạn hôm nay, anh Nguyên Ngọc từ Đà Nẵng ra. Bản thân tôi mới đầu không định đi, vì hôm qua tôi mệt quá, thức đến 4 giờ sáng để làm việc. Nhưng anh Nguyên Ngọc gọi điện bảo tôi : « Đi đi chứ, ra đây mình trò chuyện luôn ! ». Thế là tôi phóng xe vụt ra, là gặp lại anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Quang A. Anh Nguyễn Xuân Diện thì đương nhiên là có mặt rồi. Rồi các nhà văn như anh Vũ Ngọc Tiến, cô Vi Thùy Linh, ... tham gia rất tích cực. Nhà văn, nhà thơ thì tham gia không được nhiều.

Một lớp những người tham gia nữa là các trí thức, nhưng không thích nói tên tuổi. Như các con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đều đi cả. Đó là điều rất là mới. Trước đây các cô ấy không muốn lộ diện, yêu nước nhưng không muốn lộ diện Bây giờ họ đi, họ đứng ở đằng sau. Họ là bạn của tôi, nên tôi biết.

Thứ tư nữa là, cách đi của đoàn tôi thấy rất thông minh. Bắt đầu từ cái chỗ công viên Lý Thái Tổ, họ đi theo hướng tay phải theo đường Đinh Tiên Hoàng, tức là đi theo chiều xe ô tô, nên xe cảnh sát bám theo ngay. Đi chừng 100 mét, họ bảo nhau ngừng lại, nhưng không biết vì sao. Thế rồi họ quay ngoắt một cái, xe cảnh sát đi quá đà rồi, đi ngược đường không đi được nữa. Đoàn tiếp tục đi mà không bị bám đuôi. (…) Tôi nghĩ đấy là những cách sáng tạo tự phát của quần chúng, và theo tôi rất cần thiết, để nói cho những người « chức năng » biết : chúng tôi là những người yêu nước chân chính, cho nên bằng mọi cách các anh không thể đối phó được với chúng tôi đâu. Ý chí của chúng tôi là gang thép. (…)

Thứ năm là, các phóng viên quốc tế đi trà trộn vào trong đoàn, họ rất thích thú và đi đến cuối cùng. Tôi nghĩ rằng đó chính là cái giao lưu, truyền thông là rất cần. Có một anh đi bên tôi và có nói với tôi : « Nếu không có thời đại @ thì chịu chết … », bởi vì mỗi người là một cá thể, không có gì nối với nhau được cả. Sức mạnh của @ đã nối được mọi người với nhau rất là giỏi. Kết nối ấy là yêu cầu của thời đại. Cho nên, tự nhiên tất cả trở thành một khối, từ đầu đến cuối.

Tôi nghĩ rằng người hô lên, « Nguyễn Huệ Chi là người yêu nước » chẳng có quen biết gì tôi cả. Nhưng cứ hô như thế, tức là tiếng vang của « cái mạng internet » đã vào thấu tâm can của họ.

Cái thứ sáu là sự khéo léo trong cách đối xử để cho những người cầm quyền không có cớ gì để đàn áp cả. Cái đấy là rất hay. Có người hỏi tôi, hôm nay ta biểu tình chống Trung Quốc cơ mà, chứ có phải biểu dương cái gì đâu, mà tại sao lại chỉ có cờ đỏ sao vàng. Tôi nói với họ rằng : « Không, cờ đỏ sao vàng chính là ngọn cờ của Hồ Chí Minh năm 1945. Đấy là ngọn cờ đoàn kết dân tộc. Ta cứ lấy cái mốc 1945 thôi. Ngọn cờ đấy rất hay, bảo vệ chúng ta an toàn ». Trong đoàn đi, tôi không thấy chen vào những ý đồ này khác.

Lại có những khẩu hiệu, « Không được tập trận gần biên giới Việt Nam ! », « Đả đảo việc tập trận gần biên giới Việt Nam ! ». Đó là những câu rất mới mẻ. « Đả đảo việc lao động Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam trái phép ! ». Những câu ấy được hô rất thường xuyên, những câu ấy rất mới, trước không có.

Tôi có sáu ý kiến như thế.

RFI : Thưa giáo sư, từ phía chính quyền, công an, có những cản trở gì không trong cuộc tuần hành hôm nay ?

Nguyễn Huệ Chi : Hôm nay, tôi thấy thái độ của các anh ấy khá tốt. Nhưng mà, chắc là ở trên cho phép họ không đàn áp, nên họ có thái độ rất tử tế. Chỉ có một lần, tôi thấy một cái xe phát ra tiếng : « Giải tán đi, tất cả những người ở trên vườn hoa giải tán đi ! ». Mọi người cười và nói, « Vườn hoa là chỗ mà phải giải tán, thì vườn hoa là của ai và sinh ra để làm gì ?! » Mọi người cười và không để ý những câu như thế.

Tôi nghĩ rằng đấy cũng chỉ là những anh, cũng giống như cái anh (công an) hôm nọ đạp mặt một anh đi biểu tình, như anh Đức, thì cũng chỉ là sự bột phát có tính bản năng. Và anh ta nói năng không nghĩ thôi. Còn thực ra những câu như thế, chắc là sau này, chắc là về nghĩ lại anh ấy tự thấy lố lăng, không đáng nói. Nhìn chung tôi thấy cách đối xử của họ rất là tử tế.

Vả chăng tôi thấy, càng có những cuộc như thế này, càng thức tỉnh lòng dân thì bên phía những người « chức năng » (thi hành công vụ), từ chỗ là công cụ họ cũng sẽ thức tỉnh để trở thành « người » (có lương tri). Và cái điều ấy cũng là điều rất tốt. Họ sẽ trở thành những con người có hiểu biết. Bởi vì, họ hiểu ra rằng, đấy (những người biểu tình) là những người làm cái việc cho đất nước, chứ đâu có phải là có những ý đồ này khác. Cho nên có lẽ, chính họ sẽ phải hiểu. Đương nhiên là ta không thể nghĩ rằng, phút chốc họ trở thành « người » một cách trọn vẹn được. Bởi vì, bao nhiêu năm họ đã bị biến thành công cụ rồi.

RFI : Câu cuối xin được hỏi giáo sư, tức là có khá nhiều người cho rằng, những cuộc tuần hành như vậy để tỏ thái độ đối với phe gây hấn trong chính quyền Bắc Kinh là « tốt », nhưng giờ đã có « hiệu quả », như vậy là « đủ », vì vậy không nên tiếp tục nữa. Ý kiến giáo sư về nhận định này ?

Nguyễn Huệ Chi : Tôi nghĩ khác. Đương nhiên tôi nghĩ là không phải nhất thiết người nào, Chủ nhật nào cũng phải đi cả. Mà phải là tùy sức, tùy tuổi, tùy điều kiện sức khỏe, tùy điều kiện công việc của mình, cho nên tham gia buổi này và có thể nghỉ buổi khác. Nhưng mà, việc duy trì mỗi Chủ nhật, có một vòng quanh Bờ Hồ như thế, đấy là một « tiếng vọng » rất lớn, để cho cả dân tộc nhìn vào mà thấy rằng : vẫn còn một bộ phận, cái bộ phận ấy tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc, sẵn sàng đánh thức mọi người. Và mọi người hễ nghe thấy tiếng gọi ấy, và khi có các điều kiện ở bên ngoài nó áp đặt mình vào thế không thể không đứng lên, thì họ vùng đứng lên. Cho nên, cái đó rất cần.

Còn nếu như mình làm một vài lần rồi ngừng lại, thì cái mục tiêu mà mình phản kháng « họ » coi thường. (…) Phải nói rằng toàn thể nhân dân Việt Nam đứng im lặng. Nhưng chính là, họ chờ những tiếng vọng của các cuộc biểu tình như thế, vọng đến lòng họ, họ thấy an tâm. Cho nên, tôi nghĩ là những cuộc như thế vẫn phải diễn ra.

Đó cũng là nơi để giải tỏa các bức bối, mà gần như dưới « một thể chế nào đó » không được giải tỏa. Tôi nghĩ rằng, cái cuộc « đua xe » ban đêm cũng chính là một hành vi giải tỏa, nhưng giải tỏa không đúng cách. Thế thì bây giờ người ta đi biểu tình, người ta bộc lộ cái tình cảm của người ta đối với đất nước và sự căm hờn của người ta đối với những kẻ xâm lấn, như thế là một cách giải tỏa đúng hướng và rất tốt. Tôi nghĩ rằng cái đó rất cần ! ».

RFI : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Huệ Chi.

0 comments:

Powered By Blogger