RFI - Lao động Trung Quốc trái phép ở Việt Nam : Một vấn đề quốc phòng
Trọng Nghĩa - Trong tháng 8/2011, báo chí Việt Nam liên tục cảnh báo về tình trạng bất bình thường liên quan đến lao động Trung Quốc tại Việt Nam, vừa rất đông, vừa có mặt khắp nơi, từ mũi Cà Mau cho đến vùng đồi núi Tây Nguyên hay ở các công trường phía Bắc. Theo nhiều nhà quan sát, điều này không đơn thuần là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề an ninh, quốc phòng.
Một bài báo đăng trên trang web của tờ Sài Gòn Giải Phóng đề ngày 15/08/2011, đã tổng kết khá đầy đủ vấn đề đang gây quan ngại : đó là các « sơ hở quản lý lao động nước ngoài » dẫn đến tình trạng được tờ báo gọi là « tràn ngập lao động không phép ».
Rất nhiều lao động Trung Quốc tại công trường bauxite Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh tư liệu
Reuters
Trong lời tòa soạn, tờ báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh - đã đặt ra một câu hỏi đang được rất nhiều người nêu lên. Đó là có cần thiết phải nhập khẩu lao động để làm những công việc mà người trong nước có thể đảm đương, trong bối cảnh người Việt Nam cũng đang thiếu việc làm hay không.
Phần dẫn nhập của bài báo chỉ đề cập một cách tổng quát đến những người « lao động nước ngoài không phép », nhưn toàn bộ phần phóng sự sau đó thì đều tập trung nói về thành phần lao động người Trung Quốc, mà theo ghi nhận của các phóng viên, chủ yếu được thuê làm các công việc phổ thông.
Công trình nhà máy đạm Ninh Bình : Cả ngàn lao động Trung Quốc, vài chục người Việt Nam
Báo Sài Gòn Giải Phóng nêu bật ví dụ tại công trình xây dựng nhà máy đạm Ninh Bình, chỉ cách Hà Nội khoảng 90 cây số, do một nhà thầu Trung Quốc thi công. Tại đây, có cả ngàn lao động Trung Quốc làm việc, so với vài chục công nhân Việt Nam. Về công việc, thì đó chỉ là lao động giản đơn, nhưng công nhân Trung Quốc thì được trả công cao gấp bội so với công nhân Việt Nam.
Vấn đề được chính sở Thương Binh Xã hội tỉnh Ninh Bình thừa nhận là trong số gần 2000 lao đọng Trung Quốc làm việc cho dự án đó, có đến gần 1500 người không được cấp phép. Thế mà họ vẫn được công khai làm việc, thâm chí còn được ở trong những khu tập thể riêng biệt, trong lúc công nhân Việt Nam thì phải tự lo.
Trường hợp tại Ninh Bình hoàn toàn không phải là cá biệt. Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/08 vừa qua đã tiết lộ là tại công trường nhà máy điện ở Quảng Nam, lao động Trung Quốc cũng tràn ngập, tập trung đông nhất ở hai công trình thủy điện Sông Bung 4 (gần 300 người) và nhiệt điện Nông Sơn (gần 200 người).
Chính tờ Tuổi Trẻ trước đó đã phát hiện tình trạng tương tự tại Cà Mau, vùng cực Nam của Việt Nam, với sự kiện có hơn một ngàn công nhân Trung Quốc làm việc cho dự án một nhà máy phân hóa học nhưng lại không có giấy phép.
Hai phần ba lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ (Lâm Đồng) không giấy phép
Ngay cả trên vùng Tây Nguyên, nơi các nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng các công trình bauxite ở Nhân Cơ và Tân Rai, vấn đề lao động Trung Quốc hiện diện đông đảo và làm chui cũng tồn tại. Tờ Vietnamnet hôm 12/8 đã nêu bật tình trạng gần hai phần ba trong số hơn 300 người Trung Quốc làm việc tại khu bauxite Nhân Cơ chẳng hạn không có giấy phép lao động.
Các tiết lộ liên tiếp của báo chí đã buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải lên tiếng. Ngày 11/8 vừa qua, phát biểu tại một cuộc họp với cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã phải lên tiếng chỉ trích sai sót của các cơ quan chức năng đã để xẩy ra tình trạng này.
Vấn đề lao động Trung Quốc trái phép tại Việt Nam dĩ nhiên đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về mọi mặt. Báo chí Việt Nam đã nêu bật tác hại về phương diện kinh tế đối với Việt Nam vì lẽ trong bối cảnh công ăn việc làm trong nước không đủ cho mọi người, nguồn lao động nhập cư này tất nhiên đã gia tăng sức ép trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, có một mối lo ngại lớn hơn nhưng ít được nhắc tới. Đó là vấn đề an ninh quốc phòng có thể nảy sinh khi một số lượng không nhỏ người Trung Quốc mà chính quyền Việt Nam không quản lý được lại có thể tỏa rộng ra trên toàn quốc, thậm chí tại những nơi được coi là trọng yếu về mặt an ninh quốc phòng như vùng Tây Nguyên hay khu vực biên giới.
Lao động Trung Quốc trái phép đặt ra vấn đề an ninh cho Việt Nam
Nhà báo Thanh Thảo tại Quảng Ngãi, một người theo dõi sát vấn đề này, đã không tránh khỏi quan ngại trước các hệ quả về phương diện an ninh bắt nguồn từ tình trạng Việt Nam đang bị lao động Trung Quốc tràn ngập. Nguyên nhân dẫn đến tình hình này lại là việc đã giành cho nhà thầu Trung Quốc quá nhiều công trình xây dựng.
- Nhà thầu Trung Quốc được cấp quá nhiều phép trong thời gian qua, với những gói thầu rải rác khắp nơi tại Việt Nam, trong đó có các địa bàn hết sức xung yếu về mặt an ninh, quân sự...
Hệ quả là các nhà thầu Trung Quốc dùng lao động của họ, mà hầu hết đều không có phép, không hiểu họ sang bằng đường nào, đi du lịch hay thế nào đó rồi thành người lao động tại Việt Nam.
Vấn đề là không ai biết thực sự họ là thành phần lao động như thế nào, báo chí thì nói là họ thuộc diện ít chuyên môn, ít học, nhưng không biết được thực chất họ là như thế nào ? Họ là dân sự thật, hay chỉ khoác áo dân sự ?
Thành ra phải hết sức cẩn trọng với lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, với số đông như vậy, lại rải ra trên toàn cõi Việt Nam như thế...
Các địa phương quản lý người Việt Nam thì chặt chẽ, nhưng đối với lao động Trung Quốc thì lại lỏng lẻo
- Chính quyền các địa phương thì quản lý người Việt Nam rất chặt chẽ... phải có hộ khẩu, đi đâu thì phải có tạm trú, tạm vắng… cư trú phải báo cho thôn, xóm, xã…
Ngược lại, đối với lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc thì quản lý rất lỏng lẻo, dưới đổ lên trên, trên đổ xuống dưới, không ai chịu trách nhiệm gì cả !
Tôi không hiểu là đằng sau nó có vấn đề gì không, có một thỏa thuận ngầm, có một sự nương nhẹ, một sự nhượng bộ nào đó đối với phía Trung Quốc ?
Nhà thầu Trung Quốc trúng rất nhiều gói thầu, nhưng có rất nhiều gói họ không thực hiện, hoặc thực hiện rất kém, nhưng họ vẫn tiếp tục trúng thêm rất nhiều gói thầu, và hầu hết đều đưa lao động của họ vào. Lẽ ra Nhà nước phải biết ngay từ đầu..., nhưng không hiểu vì sao mà quản lý lại lỏng lẻo đáng ngại, để xẩy ra tình trạng như hiện nay.
Cần phải có biện pháp trục xuất những lao động trái phép
- Bộ Lao động và cơ quan chức năng phải kiểm soát lại, nếu không có giấy phép thì phải trục xuất về nước, nhưng cần phải có thời hạn rõ ràng là từ lúc nói cho đến lúc làm là bao nhiêu ngày. Không giấy phép bị trục xuất là chuyện bình thường, đối với với nước nào cũng vậy.
Quan điểm cho rằng phải thuê lao động Trung Quốc là vì người Việt Nam không đúng vì người lao động Việt Nam ngày nay thất nghiệp rất nhiều.
*
Băn khoăn lao động Trung Quốc ở Việt Nam
Bộ không nắm, địa phương không hay nên sắp tới sẽ đi kiểm tra. Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, mức thu nhập như lao động Việt Nam.
“Tại Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau có hơn 1.700 lao động người Trung Quốc, trong đó gần 690 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép, số còn lại chưa biết đi đâu. Khi chúng tôi đến kiểm tra thì chủ sử dụng lao động vắng mặt hoặc lao động phân tán đi đâu hết khiến chúng tôi không thể biết chính xác là bao nhiêu”. Bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết tại hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15-8.
Sẵn sàng nộp phạt
Theo bà Nhãn, Ban Quản lý Cụm công nghiệp và nhà thầu (Công ty Kỹ thuật Ngũ Hoàng, Trung Quốc) đưa lao động đến làm việc nhưng chưa báo cáo bao nhiêu người, làm việc gì, mức lương ra sao nên các cơ quan quản lý lao động tại địa phương chưa nắm chính xác có bao nhiêu lao động Trung Quốc ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau.
“Sở LĐ-TB&XH và công an tỉnh chỉ làm công việc “phần sau” (kiểm tra, xử phạt). Lẽ ra các bộ, ngành khác phải nắm số lao động này ngay từ đầu khi triển khai dự án chứ địa phương khó kiểm tra, thẩm định thực tế năng lực nhà thầu ngoài nước như thế nào. Người dân địa phương muốn vào làm nhưng không vào được” - bà Nhãn nói.
“UBND tỉnh Cà Mau rất cương quyết để xử lý lao động ngoài nước không có giấy phép nhưng chưa giải quyết được, thậm chí khi chúng tôi đến làm việc họ cũng không tiếp. Ra quyết định họ sẵn sàng nộp phạt. Dù mức phạt có cao hơn nữa cũng chỉ là giải pháp tình thế” - bà Nhãn phân tích.
Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau. Ảnh: P.ĐIỀN
Bộ: “Địa phương phải quản!”
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng công trình cấp quốc gia nhưng Sở LĐ-TB&XH là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát lao động nên Sở phải có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh quản lý và điều hành chứ không thể nói khác được. Theo ông Hòa, lẽ ra Ban Quản lý Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau phải báo cáo số lao động ngoài nước đang làm việc tại đây với cơ quan quản lý lao động để nơi này quản. Kế đến, nhà thầu cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin lao động và phương án sử dụng lao động tại nơi làm việc.
Cũng theo ông Hòa, hiện Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an đã có phương án xử lý lao động chưa được cấp phép. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, Bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra lao động Trung Quốc đang làm việc tại các tỉnh Cà Mau, Ninh Bình, Đăk Nông để đánh giá thực tế.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, mức thu nhập như lao động Việt Nam. Nhưng bù lại họ làm việc rất khỏe, chịu khó, cần cù, làm việc với cường lực cao, không kén việc…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi rất lo vì lao động Trung Quốc đã có mặt ở tận đất mũi Cà Mau”. Còn ông Hòa cũng bỏ lửng với câu nói: “Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia…”.
PHONG ĐIỀN
*
Yêu cầu đưa lao động không chuyên môn về nước
Như Thanh Niên đã thông tin, trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau (xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) có 1.056 lao động người Trung Quốc không phép. Các ngành chức năng tỉnh đã nhiều lần kiểm tra và lần nào cũng phát hiện vi phạm, số lượng lao động không phép người nước ngoài cứ tăng lên trong mỗi lần kiểm tra; chỉ trong vòng 1 tháng, lao động không phép tăng gần 200 người.
Ngày 15.8, ông Đặng Văn Mỹ, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sở đã tiến hành làm việc trực tiếp với Ban quản lý dự án (BQLDA) cụm khí-điện-đạm Cà Mau và các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện công trình Nhà máy đạm Cà Mau. Đồng thời, yêu cầu BQLDA phối hợp và đôn đốc các nhà thầu Trung Quốc nhanh chóng hoàn thành thủ tục để cơ quan chức năng sớm cấp phép cho số lao động Trung Quốc đang làm việc trái pháp luật Việt Nam nêu trên từ đây đến ngày 19.8.2011. Đối với số lao động phổ thông Trung Quốc không có bằng cấp chuyên môn, yêu cầu nhà thầu đưa họ trở về nước và thay thế bằng lao động phổ thông tại địa phương”.
Trước đó, giữa Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau với BQLDA cụm khí-điện-đạm Cà Mau đã có nhiều cuộc họp xung quanh vấn đề này nhưng tình trạng vẫn tái diễn và nhà thầu vẫn chây ì.
*
Nương nhẹ nhà thầu và lao động “chui”
Nhà thầu giải thích việc sử dụng hơn 170 lao động nước ngoài không phép tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) là do không hiểu pháp luật Việt Nam (?!)
Ngày 15-8, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông hoàn tất đợt kiểm tra lao động nước ngoài trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho biết riêng tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), hơn một nửa lao động Trung Quốc không có giấy phép lao động.
Không hiểu luật ?
Theo kết quả kiểm tra, dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang sử dụng 309 lao động Trung Quốc, trong đó có đến hơn 170 lao động không có giấy phép lao động.
Ông Ninh Công Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra và hỏi vì sao không làm thủ tục xin cấp phép cho lao động nước ngoài theo quy định thì các nhà thầu đều trả lời do không hiểu pháp luật Việt Nam”.
Trong khi đó, ông Kiều Đức Quang, Trưởng Phòng Tổ chức Lao động và Chuẩn bị sản xuất, Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV, nói rằng: “Đó là số lao động trước đây đã làm việc tại dự án Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng, sau đó chuyển về đây nên chưa kịp làm thủ tục cấp phép cho họ”.
Lao động Trung Quốc đang làm các công việc giản đơn như trộn hồ, đẩy xe rùa tại công trình Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã không lập biên bản đề nghị xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động Trung Quốc trái phép tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ông Dũng giải thích: “Do các nhà thầu ở dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có thái độ hợp tác tốt, chúng tôi đang hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký nên chưa xử phạt”.
Điều đáng nói là ngoài số lao động không phép bị phát hiện, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 15-8, có rất nhiều “lao động kỹ thuật” của Trung Quốc được chứng minh là công nhân kỹ thuật, có 5 năm kinh nghiệm trở lên nhưng lại đang làm những công việc giản đơn của một lao động phổ thông, như đan sắt, trộn hồ, đẩy xe rùa… tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Sẽ đề nghị trục xuất
Để giải quyết tình trạng lao động “chui” tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ hướng dẫn các nhà thầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ liên quan để hoàn thành thủ tục cấp phép cho hơn 170 lao động nói trên. Đến ngày 4-9, nếu không đáp ứng yêu cầu này, sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Theo đó, đối với lao động làm việc dưới 6 tháng mà chưa có giấy phép lao động, sẽ bị xử phạt hành chính. Những trường hợp trên 6 tháng không có giấy phép, sở sẽ đề nghị với Bộ Công an trục xuất về nước. Như vậy, cũng giống như lao động Trung Quốc làm việc “chui” tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau (Báo Người Lao Động ngày 11-8), cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra hướng ưu tiên hợp pháp hóa cho số lao động bất hợp pháp nói trên.
Hiện nay, đã có một số vụ việc liên quan đến lao động Trung Quốc tại dự án trên ra ngoài công trình và có những hành vi vi phạm pháp luật. Trước tình hình này, theo ông Quang, trong thời gian tới sẽ thống nhất với chủ đầu tư và nhà thầu chính là Công ty Chalieco ra quy định hạn chế tối đa việc lao động ra ngoài. Đồng thời phối hợp với công an địa phương xây dựng quy chế tuần tra, kiểm soát lao động nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.
Chỉ trục xuất được 2 lao động
Trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Pagoda (huyện Cư Jút) do không khai báo tạm trú cho người nước ngoài và 15 triệu đồng đối với Ban Quản lý Dự án thủy điện Đắk R’tih (thị xã Gia Nghĩa) do không làm thủ tục cấp giấy phép cho 2 lao động Trung Quốc.
Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã trục xuất 2 lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ vì thường xuyên say xỉn và gây gổ với người dân địa phương.
Bài và ảnh: Cao Nguyên
0 comments:
Post a Comment