Thị trường chứng khoáng trồi sụt ở mức kỷ lục trong tuần qua sau khi công ty S&P hạ điểm tín dụng của Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử cùng những hệ lụy của nợ công ở Nam Âu giờ đây lan dần đến Pháp-Ý cho thấy thế giới có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lần hai. Dù Trung Quốc hiện tăng trưởng 10% và có trữ lượng ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD, nhưng với nền kinh tế lệ thuộc 60% vào xuất khẩu thì những trì trệ tại Âu-Mỹ cũng gây nên nhiều lo ngại sâu xa.
Nếu chỉ đứng riêng trên phương diện tài chánh thì cuộc khủng hoảng có thể tránh khỏi nếu ba khối Hoa-Mỹ-Âu phối hợp bao gồm cả chính sách trong nước và ngoại thương. Bài viết trình bày dưới đây một giải pháp lý thuyết (theoretical solution) – vì thực tế có làm được hay không còn do các toan tính tranh giành quyền lợi giữa những cường quốc, cũng như bởi áp lực phe phái mà mâu thuẫn xã hội trong từng quốc gia.
Tuần qua chỉ nói nhiều đến nợ công của Hoa Kỳ hiện ở mức 14.000 tỷ USD mà không bàn về động cơ chính để vực dậy nền kinh tế trong ngắn hạn là công ăn việc làm và sức mua của dân chúng.
Dân Mỹ trước đây có tâm lý tiêu xài nhờ giá nhà tăng. Giá nhà hiện đã giảm 30%-50% lại không tăng trở lên được vì còn hàng triệu căn tồn đọng bị ngân hàng tịch thu. Một số khác vẫn còn mang nợ địa ốc cao hơn giá trị nhà. Chính quyền Mỹ cần tăng chi để giúp nhà băng và con nợ giải toả các món nợ xấu thì thị trường địa ốc mới phục hồi, dân chúng mới vay mượn ngân hàng mua xe, tivi, tủ lạnh. Nhưng trong hoàn cảnh nợ nần và bất mãn chồng chất hiện giờ thì đề nghị này sẽ bị bóp nghẹt tức khắc bởi dư luận, Quốc Hội và cuộc bầu cử năm 2012.
Lâu dài thì Mỹ phải có đồng thuận để bớt nợ công bằng cách cắt giảm y tế, an sinh xã hội, quốc phòng và tăng thuế. Nhưng nhà nước giờ này hạ chi tiêu trong lúc tỷ lệ thất nghiệp còn quá cao ở mức 9% sẽ khiến thêm nhiều người bị mất việc. Nhưng nếu chỉ tăng chi mà không có biện pháp tạo công ăn việc làm bền vững trong nước chẳng khác gì giúp cho Trung Quốc phát triển vì bán thêm hàng hoá sang Mỹ.
Cần nhiều chính sách dài hạn để tạo công việc như giáo dục, bảo vệ tác quyền và các ngành công nghệ chủ lực nhưng biện pháp gần nhất để cắt giảm chênh lệch mậu dịch là Bắc Kinh phải tăng nhanh giá trị đồng Nhân Dân Tệ.
Tiền lên giá cũng giúp Trung Quốc giải quyết nạn lạm phát hiện trên mức 6.5%, vì hàng hoá họ mua vào kể cả xăng dầu sẽ xuống giá. Các nước như Nam Hàn, Đài Loan, Brazil được bớt áp lực cạnh tranh từ Hoa Lục sẽ cho đồng tiền họ tăng giá (so với đô-la) khiến thị trường hối đoái quốc tế trở lại cân bằng.
Âu-Mỹ-Nhật muốn phục hồi kinh tế phải giảm chi tiêu và tạo ra công ăn việc làm. Nhưng cần thêm một thị trường tiêu thụ mới lấp khoảng hỏng của Tây Phương.
Bắc Kinh phải mở cửa thị trường trong nước bằng cách tăng chi về y tế và xã hội thay vì tích trữ tiền mặt trên 3.000 tỷ USD. Dân chúng Hoa Lục nếu được an tâm về tương lai thì sẽ rộng tay tiêu xài thoải mái.
Nhưng nỗi khổ của Bắc Kinh – nhất là qua bài học của gói kích cầu trên 500 tỷ USD vào năm 2008 – là tiền chi trong nước không đến tay dân chúng mà rơi rớt nơi nào mất hết vì chính nhà nước giờ này cũng không biết nợ xấu cho các địa phương và doanh nghiệp nhà nước vay là 40%, 60% hay 90% GDP! Bóng địa ốc hiện đã căng phồng mà bỏ thêm tiền lại càng không kiểm soát nổi nữa. Vì thế hàng trăm triệu dân trong nước đói nghèo mà tiền phải gởi ra nước ngoài để ít nhất trên sổ sách còn biết giữ được bao nhiêu.
Tình hình khu vực đồng Euro cũng không kém nan giải. Mới năm trước Âu châu chê trách Đức là keo kiệt, sau thế chiến thứ hai được viện trợ để hồi phục còn giờ này lại đòi hỏi nhiều điều kiện ngặt nghèo khi các láng giềng Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gặp nạn. Nhưng giờ đây khủng hoảng bắt đầu lây lan sang Ý và Pháp, người ta bắt đầu lo rằng quá nhiều nước cần cứu vớt sẽ kéo luôn cả Đức chìm xuồng.
Vấn đề nơi đây là một số lớn tiền nợ của Nam Âu do các ngân hàng Pháp-Đức cho vay. Chính quyền hai nước này hứa bảo đảm nợ chẳng qua để giúp cho hệ thống ngân hàng của họ khỏi bị sập tiệm. Dù vậy tuần qua đã bắt đầu có những tin đồn rằng các ngân hàng Pháp bị thua lỗ sẽ kéo theo nước Pháp bị hạ điểm tín dụng.
Trong khung cảnh toàn cầu hoá thì nhà băng và quỹ đầu tư của Đức-Pháp-Mỹ-Nhật-Trung Quốc v.v… đều có liên hê. Có người ước đoán trong hoàn cảnh tệ hại nhất Pháp và Ý bị vạ lây thì cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu sẽ là 30 ngàn tỷ USD (so với 2 ngàn tỷ USD năm 2007 tại Mỹ).
Cái khổ là cần giải pháp toàn bộ trong lúc mỗi quốc gia, mỗi khối lợi ích lại chỉ lo đến mình; hoặc sợ mình giúp người khác rồi tới phiên mình bị hụt hơi. Thị trường chứng khoáng trong hai tháng tới đây sẽ là chỉ số của nền kinh tế thế giới trong 3-5 năm tới đây!
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
0 comments:
Post a Comment