Song Hà (nuvuongcongly) - Nằm trong chính sách chung là cướp chiếm đất đai tôn giáo, dưới đủ mọi chiêu bài, Giáo xứ Cầu Rầm – GP Vinh là một trong những nạn nhân dai dẳng của nhà cầm quyền Nghệ An.
Chiêu bài cũ: “Di tích tội ác” và dự án nhà nước bán đất nhà thờ.
Như chúng tôi đã thông tin: Nhà thờ Cầu Rầm trước đây tọa lạc tại khu Cửa Nam Thành phố Vinh, là một khu đất rất rộng rãi, thoáng mát gần hồ nước. Khuôn viên gồm nhà thờ với đầy đủ các công trình phụ trợ của một Giáo hạt lâu đời. Nhà thờ Cầu Rầm vốn nổi tiếng là một công trình kiến trúc được người dân Xứ Nghệ tự hào về vẻ đồ sộ và kiến trúc đẹp của Thành Phố Vinh, một tỉnh miền Trung Việt Nam.
Những năm chiến tranh, cả Thành phố Vinh cũng như khu vực miền trung là khu vực bom đạn ác liệt nhất, lại gần các trọng điểm đánh phá như phà Bến Thủy, tuyến đường huyết mạch vào Nam, vì vậy nhà thờ cũng đã bị bom đạn triệt hạ.
Sau chiến tranh, nhằm cướp đoạt với chính sách tận diệt tôn giáo, nhà cầm quyền Nghệ An giở bài lấy Nhà thờ Cầu Rầm làm “Di tich tội ác Đế Quốc Mỹ” để ngăn chặn giáo dân xây dựng lại cơ đồ của mình. Thời gian chờ đợi đã 39 năm nay (1972-2011) mà nhà cầm quyền Nghệ An vẫn bất chấp bao giấy tờ đơn thư của giáo dân.
Những năm làm con đường lên Kim Liên, Nam Đàn – quê Hồ Chí Minh – nhà cầm quyền Nghệ An đã làm con đường cắt qua giữa nhà thờ.
Đây là một hành động tội ác. Xưa nay, chưa có một nhân vật nào trong lịch sử Việt Nam mà để làm đường vào nhà mình, lại chiếm cướp đất nhà thờ, Thánh thất hoặc nơi thờ tự… Chỉ có con đường về quê Hồ Chí Minh này đã cướp đất nhà thờ Cầu Rầm cách cố ý.
Nhưng, rồi mảnh đất vàng của phần còn lại này đã làm ứa nước bọt bao kẻ cơ hội và tham nhũng, đến khi đó, cái gọi là “Di tich tội ác Đế Quốc Mỹ” cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với các cán bộ cộng sản ở Nghệ An. Vì thế, nhà cầm quyền Nghệ An đã cho Công ty Công ty Cổ phần Trường Giang, của Sài Gòn đã được mời chào để làm “Dự án xây dựng khu cao ốc”. Chính quyền Nghệ An đã dấm dúi cấp phép cho công ty của tư nhân này vào phá hoại nền móng dưới sâu của Nhà thờ, nhà xứ Cầu Rầm để thi công.
Ngày 23/5/2010, hồi 8h30 khoảng 5.000 giáo dân Hạt Cầu Rầm đã cùng nhau về khu đất Nhà Thờ để phản đối Công ty Trường Giang thi công trên đất của họ, đồng thời phản đối chính sách cướp chiếm của chính quyền Nghệ An.
Các giáo dân đã giương cờ, biểu ngữ để nói lên ý nguyện của họ quyết tâm bảo vệ tài sản đất đai cha ông họ đã đổ mồ hôi, xương máu mới có được, cũng như những con em họ đã đổi mạng sống của mình để có ngày hôm nay thì tài sản của họ lại bị chiếm cướp.
Đến đó, thì nhà cầm quyền Nghệ An đã phải chùn bước và đình chỉ công ty tư nhân kia lại và để đó đến nay.
Chiêu bài mới: “Trưng cầu ý kiến nhân dân”?
Mới đây, báo Nghệ An, số 8736, ngày 20/06/2011 đưa một mẩu tin lạ: “Trưng cầu ý kiến nhân dân về địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm các Liệt sỹ Tỉnh Nghệ An”.
Đọc mẩu tin này người dân bình thường thất rất lạ và hỏi nhau rằng: “Chẳng lẽ nhà nước giờ coi dân quan trọng thế à, làm cái đài tưởng niệm liệt sĩ có chút đất và chút tiền thế mà cũng trưng cầu ý kiến nhân dân”?
Vậy sao cả việc đại sự như sửa Hiến Pháp đã được Hiến pháp quy định cụ thể là phải trưng cầu ý dân mới được sửa, mà đảng chỉ cần phẩy tay là sửa ngang xương, dân có được chút nào ý kiến?
Nhưng, giáo dân thì không lạ.
Cả Giáo phận Vinh đọc rõ vanh vách cái đầu quan chức Nghệ An muốn gì.
Trong cái gọi là “Trưng cầu ý kiến” nói trên do Giám đốc Sở Thươn binh xã hội Nghệ An Bùi Nguyên Lân ký có đoạn:
- Địa điểm 2; Tại Vườn hoa Phường Cửa Nam (Khu vực Nhà thờ Cầu Rầm cũ).
Cái đuôi con chồn là chỗ này đây, bày đặt làm gì cho nhọc công.
Nếu đảng và nhà cầm quyền Nghệ An thấy việc dựng tượng đài cần “Trưng cầu ý kiến” nhân dân thì thử hỏi cái tượng đài to tổ bố ở Thành phố Vinh, để đặt tượng Hồ Chí Minh được Trưng cầu ý kiến khi nào? Khu vực tượng đài đó chiếm hết 14ha đất đai lâu đời của nhân dân, trong đó có các Xí nghiệp, nhà máy, Rạp chiếu bóng Cửa Đông, các cơ quan, khu dân cư… nhưng đảng thích là đuổi tất, đập tất, chi hàng đống tiền dân vào để làm.
Dân có được “trưng cầu ý kiến” bao giờ không? Tất nhiên là không.
Nếu Trưng cầu ý kiến nhân dân, nhân dân chỉ cho Sở Lao động vào đập cái nhà Tỉnh ủy hoặc cái tượng dài Hồ Chí Minh để làm đài tưởng niệm Liệt sỹ thì ý kiến dân có được tôn trọng không?
Cho đến nay, giáo dân Hạt Cầu Rầm chưa bao giờ bán, tặng hoặc cho, đổi tài sản đất đai này cho bất cứ ai, nên mọi sự xâm phạm vào tài sản này đều là bất hợp pháp và bất hợp hiến. Bởi vì Hiến pháp và pháp luật từ xưa đến nay luôn ghi rõ là đất đai thờ tự được pháp luật bảo hộ và bảo vệ.
Giáo dân Vinh nói: “Cứ cho nó bày cho đủ trò, kể cả trò trưng cầu, xong vào làm xem thử có làm được với choa không, Choa thà chết, chứ đừng hòng cướp đất nhà thờ choa lần nữa”?
Giáo hạt Cầu Rầm với hơn 2 vạn giáo dân, cùng với nửa triệu giáo dân Vinh đang chờ xem cái trò này sẽ dẫn đến đâu.
Nhưng, chắc chắn một điều, việc cướp đoạt đất của nhà thờ Cầu Rầm, phần còn lại là điều không có bất cứ ai chấp nhận được.
Giáo hạt Cầu Rầm có quyền và trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình, cũng chính là bảo vệ tài sản cho giáo hội Công giáo Việt Nam.
Không một thế lực nào dù mưu mô xảo quyệt đến đâu có thể lật ngược được điều đó.
Ngày 4/7/2011
0 comments:
Post a Comment