Người Cầm Bút Trong Thời Chiến
Người Cầm Bút Trong Thời Chiến
* ĐINH LÂM THANH*
Dù ở tại hải ngoại, đang tự do an hưởng một đời sống thanh bình với đầy đủ quyền hạn của một công dân, nhưng không thể quên rằng, chúng ta đứng trước một cuộc chiến không quy ước và đang trực diện với một kẻ thù gian manh nguy hiểm : Đó là tập đoàn cộng sản Việt Nam và bè lũ của chúng.
Những ai bỏ nước ra đi vì lý do chính trị, nếu còn chút tình đối với Quê Hương Dân Tộc, chắc chắn không thể khoanh tay làm ngơ trước hoàn cảnh đồng bào trong nước đang khổ đau dưới chế độ áp bức tàn bạo của bè lũ việt gian cộng sản…Nếu nói về những người cầm bút thì bổn phận còn nặng nề hơn nữa, vì chính thành phần nầy, hơn ai hết, phải nhận lấy một phần trách nhiệm tư tưởng đối với tập thể trong công cuộc tranh đấu của toàn dân nói chung, và cho cộng đồng người Việt Quốc Gia Hải Ngoại, nói riêng.
Trước tiên, đề cập đến giới cầm bút trong nước. Trừ thành phần bưng bô cho việt gian cộng sản, đa số còn lại cũng vì miếng cơm manh áo và mạng sống, họ phải nhắm mắt đưa chân, an phận làm kiếp ký sinh hoặc bán linh hồn cho quỷ dữ. Trái lại, đối với những người cầm bút chân chính thì hoàn toàn bị nhà cầm quyền cô lập từ tư tưởng đến kềm chế tinh thần cũng như việc kiểm soát hành động. Họ buộc phải im lặng. Ngoài ra, hành phần nầy không đủ phương tiện để lo ngày hai bữa, đó là chưa đề cập đến khả năng tài chánh để trang bị cho mình các phương tiện truyền thông…
Do đó một số nhà văn trong nước dù có hoàn thành tác phẩm của mình nhưng không thể in ấn, phổ biến dưới chế độ kiểm duyệt hay chuyển ra nước ngoài.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, một số nhà tranh đấu, có thể xem như những chiến sĩ bóng tối, qua ngòi bút, họ đã xử dụng tối đa các blogs và facebook để nói lên quan niệm chính trị cũng như những nỗi trăn trở của mình trước thời cuộc. Nhờ đó người Việt hải ngoại đã theo dõi được tình hình cũng như những biến cố vừa xảy ra trong nước.
Tuy nhiên, mọi việc cũng không dễ dàng dưới một chế độ bưng bít thông tin mà Hà Nội đã đưa lên hàng đầu, như vấn đề kiểm soát tư tưởng và hành động của người dân, nhất là đối với thành phần cầm bút không nằm trong các tổ chức văn hóa của cộng sản.
Bình thường người cầm bút bao giờ cũng mong được sự ủng hộ cũng như thương mến của độc giả, và trước tình trạng bát nháo chính trị hiện nay, người nào muốn yên thân thì không nên đụng chạm cũng như đừng bao giờ làm mất lòng bất cứ một ai, bạn hay thù, thân quen hoặc xa lạ...
Có lẽ vì lý do nầy mà đa số người cầm viết chuyên nghiệp cũng như tài tử từ quốc nội ra đến hải ngoại đều né tránh hai chữ ‘chính trị’ và chưa ai can đảm xác nhận việc dùng ngòi viết tham gia vào hoạt động chính trị.
Có lẽ họ nghĩ rằng muốn trở thành một nhà văn, nhà thơ đúng nghĩa của thời bình thì phải tránh xa các tổ chức tranh đấu hiện nay của toàn dân. Ngoài ra, một số người cầm bút còn xác nhận rằng, muốn tránh mất lòng độc giả thì phải đứng ngoài và đứng trên tất cả hoạt động chính trị.
Vậy trước tình trạng đất nước hiện nay, họ được xem như thành phần trốn bổn phận người cầm viết, hay nói một cách khác, tránh trách nhiệm của ‘người lính’ trong thời chiến. Như vậy, thành phần nầy có khác gì hơn là những người trốn quân dịch trước kia !
Đối với giới cầm bút hải ngoại, ngoài các nhà-văn-nhà-thơ-nhà-báo kỳ cựu, còn xuất hiện hàng ngàn ‘trăm hoa đua nở’ sau 36 năm định cư của người Việt tỵ nạn trên các vùng đất tự do.
Nhưng những cầm bút, có tinh thần, biết nghĩ đến quốc gia dân tộc và tham gia tranh đấu giành miếng cơm manh áo, tự do dân chủ cho người dân trong nước…thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Dù ít, nhưng là những người can đảm, chấp nhận tất cả gian nan cũng như ‘tai nạn’ xuất phát từ đâu và bất cứ dưới hình thức nào…một khi họ quyết định dùng ngòi bút để phục vụ lý tưởng.
Vậy những người nầy đã hành xử đúng vai trò của một người cầm bút trong thời chiến, hay có thể xem như một người lính, để cùng cộng đồng hải ngoại cũng như đồng bào trong nước đứng lên đánh đổ chế độ việt gian cộng sản.
Còn lại đa số đều quan niệm phải đứng ngoài chính trị. Họ dùng văn thơ chữ nghĩa để phục vụ văn hóa thuần túy hoặc để tự phục vụ cá nhân.
Những người còn giữ căn cước tỵ nạn rất buồn khi thấy rằng rất ít hội văn hóa tại hải ngoại công khai ra mặt chống chế độ việt gian cộng sản hoặc tẩy chay những cơ sở văn hóa đỏ mà thành phần cò mồi thường tổ chức nhằm phá rối cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại theo nghị quyết 36 của Hà Nội.
Tóm lại, thành phần cầm viết đứng trong hàng ngũ tranh đấu, tức là những người chấp nhận rủi ro cũng như khó khăn để chọn cho mình con đường đi đến mục đích theo tiếng gọi của lương tâm :
1. Có thể nói đa số người cầm bút không tham vọng chính trị, nếu người nào dấn thân vào công cuộc tranh đấu chung thì cũng là thực hiện một hoài bảo nào đó cho lý tưởng.
Ngoài ra họ còn xem việc tranh đấu như một đam mê để viết…nhằm giải tỏa những trăn trở ấp ủ trong lòng từ lâu nay…Họ không cần chỗ ngồi, chức vụ, không cần tạo niềm tin để kiếm phiếu cử tri qua các cuộc bầu cữ và cũng không nghĩ đến phần thưởng danh vọng và vật chất trong mai sau. Do đó, những người cầm bút không cần nịnh bợ o bế và cũng không sợ mất lòng ai khi viết ra những điều suy nghĩ trong đầu.
2. Chịu thua thiệt về nhiều phương diện. Quan trọng nhất là mất cảm tình và sự tránh né của gia đình, anh em, dòng họ, bạn bè (vì những người nầy sợ dây dưa với những kẻ được việt gian cộng sản gán cho cái tên là ‘cực kỳ phản động’) vì những người nầy sợ gặp rắc rối mỗi khi đi về Việt Nam.
Về mặt văn chương, người cần bút tranh đấu sẽ mất phần nào lòng ái mộ của độc giả - nhất là phái nữ và giới trẻ - khi hai giới nầy đang bị ảnh hưởng văn hóa đỏ công sản là tránh đề cập đến hai chữ ‘chính trị’.
3. Trong giới văn học đã khó tránh được chỉ trích ganh tỵ của vài đồng nghiệp, người cầm bút, nếu còn vướng thêm vào con đường chính trị thì không khỏi bị các mũi dùi từ nhiều phía, trong đó là những đoàn thể, hội đoàn cũng như cá nhân sẽ công kích mỗi khi có một vấn đề gì có liên quan hay va chạm đến quyền lợi của họ.
Nhưng dù phải đối đầu với nhiều trở ngại, một khi đã là người cần bút tranh đấu với chủ trương chống cộng một cách công khai, thì không bao giờ chịu buông tay trước hăm dọa của tập đoàn Hà Nội cũng như đánh phá, bôi nhọ của thành phần nằm vùng, hoà giải hoà hợp và các tổ chức cơ quan ngoại vi của tập đoàn việt gian cộng sản.
4. Từ bỏ những thú tiêu khiển cần thiết của tuổi già : Không nghỉ hè, không du lịch, không ngồi quán café, không bạn bè, không ăn nhậu, không tiệc tùng… mà suốt ngày tự giam mình trước máy vi tính, có nghĩa là tự rút ngắn thời gian quý báu của những ngày còn lại.
Những người cần bút tranh đấu nầy bất chấp và thách thức thí mạng với việt gian cộng sản thì sá gì những lời hăm dọa đánh phá của những người điên khùng, thành phần nằm vùng cũng như hạng vô liêm sỉ giấu mặt đổi tên để đánh phá…
Có thể kết luận, người cầm bút tranh đấu có lý tưởng thì không thể đóng vai con lừa…ngoan ngoãn theo sau bó cỏ. Cũng như không thể đóng vai con ngựa, chỉ biết tuân lệnh dây cương và ngọn roi… Đó là điểm then chốt mà việt gian cộng sản và bè lũ không bao giờ mua chuộc được những người cầm bút chân chính.
Việt gian công sản xếp thành phần cầm bút vào loại nguy hiểm của chế độ. Chúng biết rằng, một ngòi bút có thể ví như một binh đoàn trên mặt trận chống cộng sản, do đó, chúng đã công khai ra lệnh cho các tổ chức tình báo, gian điệp, công an, đầu gấu, mafia... phải triệt hạ cho bằng được giới cầm bút chống cộng.
Nhưng thành phần tranh đấu nầy, một khi đã đương đầu với cộng sản thì chấp nhận một mất một còn với chúng. Chỉ buồn một điều là ngay trong hàng ngũ người Việt Tỵ Nạn cộng sản hải ngoại vẫn còn một số người luôn vỗ ngực xưng danh là lính, là vua chống cộng…nhưng lại đi đúng rập theo con đường âm mưu của địch để hãm hại những người cầm bút tranh đấu.
Đồng bào trong nước cũng như người Việt Quốc Gia hải ngoại đang cần nhiều ‘binh đoàn’ cho cuộc chiến giành lại tự do dân chủ và ấm no hạnh phúc cho người dân. Vậy xin tha thiết kêu gọi những vị cầm bút hãy tham gia vào lực lượng chống cộng bằng chính ngòi viết của mình.
Đinh Lâm Thanh
Paris, .2011
http://www.hvhnvtd.com/
0 comments:
Post a Comment