Source: RFA | Posted on: 2017-09-10 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi khởi công xây dựng VinFast tại Hải Phòng. Vietnamnet
ập đoàn Vingroup vừa khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại xã đảo Đồng Bài, Cát Hải, Hải Phòng. Đây là dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam và dự kiến ra mắt trong hai năm tới.
Thời cơ
Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast là một dự án lớn với quy mô xưởng rộng 335 ha, chuyên sản xuất ô tô chạy xăng hoặc dầu diesel, ô tô điện và xe máy điện. Theo kế hoạch đến 60% linh kiện của hãng ô tô này sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam và mục tiêu nhà máy là 500.000 xe mỗi năm và trở thành hãng ôtô hàng đầu Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup nói rằng sự ra đời của VinFast thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm thế giới.
Tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse AG sẽ thu xếp cho VinFast vay khoản vốn lên tới 800 triệu USD.
Sau khi thông tin về dự án sản xuất ô tô này được đưa ra, chúng tôi ghi nhận rất nhiều ý kiến trên các trang báo, mạng xã hội ủng hộ và bày tỏ sự hào hứng với kế hoạch cho ra đời hãng ô tô thương hiệu Việt. Tuy nhiên cũng không ít người bày tỏ lo ngại rằng dự án này khó có thể thành công.
Chúng tôi trao đổi với chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một người rất am hiểu về lĩnh vực ô tô về vấn đề này. Trước hết ông nhận định rằng đây là một dự án hay, mang ý nghĩa tái tạo lại ý đồ xây dựng một kỹ nghệ cho xe ô tô Việt Nam cách đây hơn 20 năm nhưng đã thất bại:
Tôi hi vọng rằng Vingroup đã rút được những kinh nghiệm trong quá khứ, và có lẽ họ có những sức mạnh mà những nhóm đầu tư trong quá khứ không có.
Thứ nhất về tài chính, đây là nhóm của ông Vượng, có tiềm năng tài chính rất lớn. Họ đi lên từ bất động sản và từ đó họ tạo ra của cải. Cho đến giờ này vốn của họ rất lớn và quy mô hoạt động cũng lớn.
Điều thứ hai, sau mấy chục năm rút tỉa kinh nghiệm thì đó là những bài học rất quý cho Vingroup.
Thứ ba là nguồn tài chính từ nước ngoài mà trong trường hợp này là ngân hàng Thụy Sĩ sẵn sàng hợp tác với Vingroup.
Một lợi thế nữa mà chuyên gia kinh tế này đề cấp đến đó là thị trường cho ngành ô tô ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, người Việt ngày càng giàu có, tầng lớp trung lưu chiếm số lượng khá đông nên nhu cầu mua ô tô cũng vì vậy mà tăng lên hàng năm.
Như Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã nói, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đặt chân vào con đường tìm kiếm thương hiệu ô tô cho riêng mình, nhưng đến giờ vẫn chưa gặt hái được thành công. Điển hình như trước đây Việt Nam cũng từng cho sản xuất hãng xe Vinaxuki nhưng sau đó thất bại do thiếu vốn và thị trường tiêu thụ bấy giờ còn thấp. Chính bộ Công thương cũng từng nói Vinaxuki là một bài học đắt giá trong đầu tư.
Chúng tôi cũng trao đổi với một chủ doanh nghiệp chuyên về ô tô, xin giấu tên. Dưới con mắt của một chuyên gia về lĩnh vực này anh lại cho rằng dự án VinFast không khả thi với điều kiện của ngành ô tô hiện tại:
Chắc lại giống Vinaxuki đó! Việt Nam sản xuất giá gấp 3 lần thế giới, chẳng hạn như so với Thái Lan cũng gần gấp 3 thì mở ra bán ai mua? Linh kiện đã biết làm đâu, chắc lại lấy hàng Trung Quốc. Trường Hải còn lấy hàng Trung Quốc kìa!
Trường Hải được nói tới là một trong những công ty sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng việc Vingroup mở nhà máy sản xuất ôtô ở Hải Phòng là hành động yêu nước. Ông cũng nói rằng VinFast không chỉ đơn thuần là một nhà máy lắp ráp ôtô mà còn có ý nghĩa về thương hiệu quốc gia, giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động.
Thách thức
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế khác là ông Huỳnh Bửu Sơn lại chỉ ra những thách thức lớn mà VinFast sẽ phải đối mặt, trong đó ông nhấn mạnh đến việc cạnh tranh với các thương hiệu đã quen thuộc với người Việt Nam.
Tất nhiên trong thời buổi cạnh tranh như thế này, sản xuất ra một chiếc xe ô tô với một công nghệ cao thì mới cạnh tranh được và giá thành có thể chấp nhận được cho người tiêu dùng, trong khi phải cạnh tranh với các hãng xe rất nổi tiếng thế giới như Nhật, Đức, Hàn Quốc, Mỹ tôi nghĩ đó là một thách thức rất lớn. Chưa kể các quốc gia gần đây như Ấn Độ, Malaysia, và gần nhất là Trung Quốc họ cũng đã có hãng xe riêng. Vì thế tuy rằng Vingroup muốn sản xuất xe thương hiệu Việt Nam là một giấc mơ chính đáng nhưng để thành công chắc là phải vượt qua rất nhiều thách thức lớn.
Công nhân lắp ráp một chiếc xe tại nhà máy Toyota đặt ở Vĩnh Phúc ngày 01 tháng 7 năm 2004. AFP
Mặc dù Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã nhận định rằng người Việt ngày càng giàu có là một lợi thế thị trường cho VinFast nhưng theo ông thị trường này cũng là con dao hai lưỡi do thói quen “sính ngoại” của người Việt. Ông đánh giá rằng liệu VinFast có thắng nổi thói quen trọng hàng ngoại này hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất:
Công nhân lắp ráp một chiếc xe tại nhà máy Toyota đặt ở Vĩnh Phúc ngày 01 tháng 7 năm 2004. AFP
Những người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu rồi hàng tỷ bạc thì có lẽ giá cả cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng. Với những dòng xe của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Âu Châu đã được chứng minh trên thị trường bao lâu rồi. Bây giờ có dòng xe mới sản xuất tại Việt Nam, nhưng danh hiệu “made in Vietnam” thực sự chưa có trong giới tiêu thụ ô tô.
Một thách thức khác ông đưa ra đó là nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm về kỹ nghệ ô tô. Đây là yếu tố Việt Nam hiện còn thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra ông cũng cho rằng việc sản xuất linh kiện là một khó khăn không thể không nói tới trong thị trường ô tô của Việt Nam:
Xe ô tô được chế tạo không chỉ cần cái sườn và bộ máy tốt mà nó cần tất cả các phụ tùng từ plastic cho đến ghế đệm,… tuy nhiên kỹ nghệ phụ tùng xe hơi của Việt Nam còn rất yếu kém.
Bộ Công Thương cho hay, hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải nhập khẩu.
Cụ thể năm 2016, Việt Nam phải chi 5,8 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc. Dự báo, con số này sẽ tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2025 và 21 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra Bộ Tài chính cũng mới đề xuất sẽ giảm thuế nhập khẩu phần lớn linh kiện ô tô chủ yếu về 0%.
Cả hai chuyên gia kinh tế đều đánh giá rằng một thách thức lớn cho thương hiệu ô tô Việt Nam đó là kể từ năm 2018 sẽ miễn thuế nhập khẩu ô tô trong khối ASEAN. Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cho biết:
Nếu không đánh thuế nhập khẩu ô tô thì hàng rào thuế quan sẽ bị dỡ bỏ. Như vậy, áp lực đối với hàng sản xuất trong nước sẽ rất lớn. Nhưng tôi nghĩ điều này những nhà quản lý Vingroup cũng đã biết và chắc chắn đã có kế hoạch để đối phó. Bãi bó thuế nhập khẩu như vậy nhưng tôi nghĩ để bù lại thì sẽ áp dụng các thuế khác như thuế tiêu dùng đặc biệt chẳng hạn.
Tại một số quốc gia lân cận với Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia, nhiều hãng xe nội địa của họ đã thành công và vươn lên thâu tóm thị trường, đe dọa các hãng lớn từ Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên ông Huỳnh Bửu Sơn nói rằng Việt Nam nếu muốn được thành công như vậy thì phải coi đây là một dự án thực sự nghiêm túc, chứ không chỉ là sự a dua với các nước khác theo kiểu “thuyền đua lái cũng đua”.
-----------
Xe tăng "ma dze in Việt Nam" và linh kiện
No comments:
Post a Comment