Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Người Nga có truyền thống đế quốc từ lâu đời. Tham vọng thống trị thế giới dưới thời sa hoàng Ivan Đệ Tam (1440-1505) và dưới thời Lenin không chỉ gần giống nhau mà còn in hệt nhau. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels kết hợp với chủ nghĩa Lenin đã phục vụ đắc lực cho tham vọng đế quốc giấu mặt của Liên Bang Xô Viết.
Sách lược khởi loạn của Lenin (hay chiến thuật tạo phản) không phải là chỉ để lật đổ sa hoàng mà còn là để chiến thắng kẻ thù và nới rộng thế lực của đế quốc Nga trên toàn thế giới. Mục tiêu chế ngự thế giới của các sa hoàng xưa kia cũng là mục tiêu của Liên Bang Xô Viết thời hiện đại.
Sự khởi loạn xuất xứ từ nước Nga. Đó là phương thức thông dụng để thay đổi chế độ phong kiến. Phương thức này được Lenin nghiên cứu kỹ càng và xây dựng cẩn thận để sử dụng trong cuộc đảo chính tháng Mười và thực hiện tham vọng bành trướng của đế quốc Liên Xô.
Nội dung sách lược khởi loạn: những điểm chính cần ghi nhận
Trong suốt cuộc đời đấu tranh của y, Lenin đã tinh luyện phương thức khởi loạn mà những người Bolsheviks là những người đầu tiên đã sử dụng và đạt thắng lợi. Phương thức này cũng được người cộng sản ở những quốc gia khác áp dụng thành công trong những vụ cướp chính quyền liên tiếp xảy ra trong suốt chiều dài của cuộc Chiến Tranh Lạnh thế kỷ 20.
Sách lược khởi loạn được những người cộng sản coi như phần chính của khoa học đấu trang giai cấp mà sau đây là những điểm quan trọng cần ghi nhận...
Điểm chính đầu tiên: Một phong trào như sự khởi loạn rõ ràng là không thể giao phó cho các “tay hành động tài tử” (activiste). Đó phải là nhiệm vụ của những người chấp nhận hy sinh cuộc đời của họ.
Điểm chính thứ hai: Cuộc khởi loạn chỉ cần một nhóm nhỏ nòng cốt do sự hợp tác của những người giác ngộ có ý chí kiên cường, dày kinh nghiệm và đáng tin cậy. Một tổ chức quá đông đảo sẽ không thể giữ bí mật được, mà bí mật thì lại là yếu tố thiết yếu để có thể đấu tranh trường kỳ và liên tục.
Điểm chính thứ ba: Ngay trong nội bộ phong trào phải có kỷ luật sắt. Sự tự do phê phán chủ thuyết là điều cấm kỵ vì nó sẽ biến đổi dần dần đảng cách mạng thành đảng dân chủ cải lương.
Lenin không quan niệm nòng cốt đảng phải bao gồm toàn thể phong trào khởi loạn. Tuy nhiên với tính cách là một đội tiền phong, phong trào cần phải có dưới tay càng nhiu tổ chức càng tốt. Điều cần phải nhớ như in là không được để cho những người tầm thường của đám đông quyết định lấy đường lối phải theo. Cho nên cần phải có những người của đảng ở khắp nơi để thi hành mệnh lệnh của trung ương.
Dù chấp nhận quần chúng đã ý thức được các bất công và áp bức, vẫn không thể chắc chắn là họ sẽ giải thích các điều này một cách thích đáng. Người cách mạng phải len lỏi trong quần chúng để giải thích cho mọi người và cho mỗi người về quan điểm chính trị lịch sử của cuộc đấu tranh đang tiến hành.
Điểm chính thứ tư: Quần chúng không bao giờ có thể bằng sáng kiến riêng biết lúc nào và theo cách nào hợp tác với kẻ thù vì lý do chiến thuật. Vì vậy chính người cánh mạng chuyên nghiệp mới là người quyết định lúc nào và bằng cách nào tốt nhất để tiến hành hợp tác. Trong mọi sự hợp tác không bao giờ được hạ giá đảng xuống ngang hàng với những thành phần phải hợp tác.
Một số kỹ thuật chính trị khác phải thuộc nằm lòng
Bên cạnh những điều tâm niệm trên còn một số kỹ thuật chính trị khác cần phải nhận biết và thuộc nằm lòng. Những mục tiêu của cuộc khởi loạn phải được xác định và vạch rõ. Tất cả các hoạt động hợp pháp hay bất hợp pháp phải nhằm phá nát chế độ cũ và củng cố lực lượng cách mạng.
Để thực hiện được việc nói trên người cách mạng chuyên nghiệp phải học tập cách nhìn xã hội một cách đặc biệt nghĩa là luôn luôn tìm kiếm nhược điểm của nó, những nhược điểm có thể bị tấn công. Trong đấu tranh có ba nhóm cần được lưu tâm: quân đội, công nhân và trí thức.
Quân đội với tính cách là công cụ kiên cố nhất của chế độ cũ phải được gài cơ sở nòng cốt để làm tan rã tinh thần. Trong những nghiệp đoàn công nhân cũng phải gài cơ sở bằng bất cứ giá nào. Công nhân với tư cách quần chúng sẽ đảm đương những vụ đình công, những vụ xung đột đường phố với cảnh sát và quân đội và đưa ra những yêu sách cụ thể căn cứ vào đó các cán bộ của phe nổi dậy có thể lập các chương trình quấy phá và tuyên truyền. Các nghiệp đoàn phải được biến cải thành trường giảng dậy “Chủ Nghĩa Mới”. Trí thức phải được trung lập hóa, phải được biến thành một thứ trung tâm cung cấp lý thuyết để chuyển các phong trào bộc phát thành phong trào cách mạng.
Chìa khóa cho một tổ chức cách mạng hữu hiệu nằm trong tờ báo của tổ chức. Chỉ qua trung gian tờ báo này đội tiền phong mới có thể tập trung các yếu tố bất bình chính trị và phản kháng, nhờ đó làm phong phú thêm phong trào cách mạng.
Đó là chưa kể những công tác khác phải làm như phát triển hàng ngũ cán bộ, cảm tình viên và tạo ảnh hưởng của tổ chức trên các vùng dân cư khác nhau.
Đảng hay phong trào phải đủ rộng rãi để bao gồm tất cả quốc gia, đủ quyết tâm theo đuổi công tác một cách không gì lay chuyển nổi ngay cả trong những trường hợp không tiên đoán trước, đù mềm dẻo để tránh bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột bất ngờ với kẻ thù trong lúc bất lợi.
Lúc nào cũng phải khai thác nhược điểm của kẻ thù và tấn công họ trong những lúc mà tình thế tỏ ra thuận lợi nhất. Phải biết thuyết phục quần chúng và đồng hóa quyền lợi của đảng hay phong trào với quyền lợi riêng của họ.
Tư tưởng khủng bố của Blanqui và Nechayev
Lenin sinh trưởng ở Nga, một nước từ ngàn xưa chỉ có những chế độ cực kỳ tàn bạo. Bạo lực là văn hóa nền tảng của nơi y sinh ra và lớn lên và Lenin thấm nhuần văn hóa ấy. Trong cuộc đời hoạt động chính trị lúc chưa nắm chính quyền Lenin chịu ảnh hưởng của hai người: Louis Auguste Blanqui và Sergey Genadievich Nechayev.
Louis Augusta Blanqui (1805-1881) là người lãnh đạo một tổ chức bí mật tại Pháp, thuộc phe cách mạng bạo lực trong Quốc Tế I và chỉ huy quân sự của Công xã Paris. Nội dung của chủ nghĩa Blanqui là phải tin chắc “bất kể sự phát triển sức sản xuất ở trình độ nào chỉ cần dựa vào bạo lực là có thể sáng tạo ra một thế giới mới không có bóc lột, không có áp bức”. Lenin đã tiếp thu giáo huấn bạo lực của Blanqui từ rất sớm.
Sergey Genadievich Nechayev (1847-1882) là một người Nga theo chủ nghĩa vô chính phủ, cầm đầu một nhóm nhỏ khoảng vài trăm sinh viên tại St Petersburg. Y bị giam trong tù cho đến khi chết lúc mới 35 tuổi.
Lúc sinh thời, Nechayev, dưới danh nghĩa làm cách mạng chỉ biết nói dối, lừa đảo và khủng bố. Y viết cuốn sách “Giáo Lý Cách Mạng” phổ biến chính sách khủng bố, bắt đầu bằng một đoạn văn nổi tiếng như sau: “Nhà cách mạng là người đã có sẵn án tử hình. Người đó không được quan tâm đến tư lợi, thương mại, không được có tình cảm yếu ớt, dễ xúc động hay quyến luyến, không được có tài sản và tên tuổi. Mọi thứ liên quan đến cá nhân người đó phải hoàn toàn tan biến vào tư tưởng và đam mê tuyệt đối dành cho cách mạng”. Kinh bổn bạo lực của Nechayev là sách gối đầu giường của Lenin.
Chủ nghĩa Marx bạo lực và lỗi thời
Năm 1848 Marx và Engels công bố “Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản”. Tuyên ngôn này làm chấn động tầng lớp thống trị các nước Âu Châu nhưng không được quần chúng chấp nhận. Sau thất bại của Cách mạng Châu Âu năm 1852 hai ông giải tán Liên đoàn Cộng sản. Đó là giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức.
Giải tán xong Liên Đoàn Cộng Sản, Marx và Engels chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hòa của Lassall. Đó là giai đoạn hai của phong trào công nhân Đức. Trong giai đoạn này các chính đảng công nhân mới đều được thành lập dưới danh hiệu “Đảng Dân Chủ Xã Hội” chứ không còn gọi là đảng cộng sản nữa.
Như vậy trong tác phẩm của Marx và Engels có hai con đường xã hội chủ nghĩa: chủ nghĩa xã hội bạo lực và chủ nghĩa dân chủ xã hội. Tuyên Ngôn Đản Cộng Sản và Cuốn I Tư Bản Luận là căn cứ lý luận của chủ nghĩa xã hội bạo lực. Cuốn III Tư Bản Luận và Lời nói đầu cuốn “Đấu Tranh Giai Cấp Ở Pháp” là cơ sở lý luận của chủ nghĩa dân chủ xã hội.
*
Lenin gom góp văn bản và kinh nghiệm của ba luận thuyết nói trên: Chủ nghĩa Marx bạo lực, Chủ nghĩa khủng bố Blanqui-Nechayev và Sách lược khởi loạn, để tạo thành Chủ nghĩa Marx- Lenin và dùng lý thuyết này làm công cụ chinh phục thế giới.
Thể chế cực quyền đó đã bóp nghẹt sức sống của xã hội, bóp nghẹt sức sống của đảng cầm quyền và dẫn đến sự suy thoái toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật. Nguyên nhân cơ bản khiến Liên Xô sụp đổ là sự lũng đoạn tài sản, quyền lực và chân lý.
Qua Hồ Chí Minh chủ nghĩa Marx Lenin đã được du nhập vào Việt Nam. Áp dụng chủ nghĩa này Việt Minh đã thắng lợi trong vụ cướp chính quyền năm 1945 tại Việt Nam cũng như những người Bolsheviks đã thắng lới trong vụ cướp chính quyền tại Nga năm 1917.
Cả hai vụ cướp chính quyền nói trên đã được người cộng sản phong lên là “cách mạng” nhưng bản chất lừa gạt và khủng bố của loại cách mạng này ngày nay đã bị nhân loại phát giác và chối bỏ. Chính vì vậy mà đế quốc Liên Xô đã sụp đổ và hiện tượng sụp đổ này chắc chắn không phải chỉ dành riêng cho số phận của Liên Xô./.
Bài viết xong ngày 10/9/2017.
No comments:
Post a Comment