Trở Về Trang chính

Sunday, November 22, 2015

Cần minh bạch một khái niệm

Nguồn: Dân Luận Tác giả: Thạch Đạt Lang Ngày 2015.11.21
Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học. Tôi hểu hai chữ Cộng Đồng là danh từ nói đến một thực thể nhưng lại có nghĩa bao quát, một khái niệm trừu tượng về một tập thể. Cộng đồng thường được dùng để chỉ một sắc dân cùng chủng tộc, tiếng nói, sống lưu vong trên một quốc gia khác, tập họp lại thành một tập thể với bản sắc văn hóa riêng như: - Cộng đồng người Việt, Lào, Kampuchia, Đại Hàn, Phi... trên nước Mỹ, cộng đồng người Việt ở Úc, Ba Lan…
Tuy nhiên, cũng có những cộng đồng gồm nhiều chủng tộc, nhiều tiếng nói riêng biệt như cộng đồng người Tàu hay còn gọi là Trung Hoa.
Cộng đồng nếu hiểu như thế là một nhóm người cùng chủng tộc, ngôn ngữ nhưng chưa hẳn đã cùng một văn hóa, thí dụ như cộng đồng người Việt tại Đức. Khái niệm cộng đồng rất trừu tượng nên dễ bị đánh tráo, nhập nhằng. Một cộng đồng có thể chỉ năm bẩy chục người nhưng cũng có khi lên đến hàng trăm ngàn. Trong một cộng đồng có thể có nhiều đoàn thể, tổ chức, đảng phái...hoạt động riêng biệt. Mỗi đoàn thể, tổ chức, đảng phái... sinh hoạt theo mục tiêu, tôn chỉ độc lập, do đó họ hoàn toàn không thể tiếm danh cộng đồng khi có sự va chạm, xung đột với nhau hay với pháp luật.
Ở Cộng hòa liên bang Đức có 2 cộng đồng người Việt, cùng ngôn ngữ, cùng tiếng nói nhưng khác biệt nhau về văn hóa khá nhiều.
Sự khác biệt về văn hóa nẩy sinh do sự cai trị của chế độ cộng sản ở miền Bắc trong thời kỳ đất nước chia đôi 1954-1975 khiến hai cộng đồng này không thể kết hợp, hòa nhập với nhau, do đó thường có những sinh hoạt riêng lẻ nhưng cũng ít đụng chạm với nhau.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 4 triệu người Việt sống rải rác ở nhiều quốc gia, tạo thành rất nhiều cộng đồng. Những cộng đồng người Việt lớn ở Mỹ tiêu biểu có thể kể là cộng đồng Bắc Cali, Nam Cali, Texas..., những nơi tập trung người Việt từ vài chục đến hàng trăm ngàn như Orange County hay San José…
Với một số lượng tập trung đông như vậy, các sinh hoạt của người Việt từ chính trị, văn hóa đến thương mại, ẩm thực...trở nên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng, phong phú cũng phát sinh nhiều vấn đề không dễ giải quyết.
Trong phạm vi bài viết này, người viết không muốn nói đến các vấn đề gây mâu thuẫn, khó lòng giải quyết mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự cố tình đánh đồng một tổ chức, một đoàn thể, đảng phái với toàn thể người Việt sống trong cộng đồng, gây ra bởi cuốn phim Terror in little Sài Gòn.
Nội dung cuốn phim ra sao, không cần phải nhắc lại ở đây. Mỗi người có quyền nhận định cuốn phim tùy theo sự hiểu biết, lương tâm, lòng tự trọng cũng như vị trí của mình, trách nhiệm đối với cộng đồng mà mình là một thành viên dù có tham gia sinh hoạt hay không.
Nhiều người cho rằng cái tên Terror in little Sài gòn của hai phóng viên Thompson và Rowley xúc phạm nặng nề đến cộng đồng. Điều này đúng hay sai? Xin đưa ra một thí dụ tương đương để độc giả tự nhận định. Báo chí, truyền thông toàn thế giới mấy ngày qua đồng loạt dùng mấy chữ Terror in Paris để loan tin quân khủng bố IS đã đồng loạt tấn công 7 địa điểm ở Paris, thủ đô nước Pháp, gây thiệt hại khoảng 140 người chết, 350 người bị thương, một số bị nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Khi đọc, nghe hay nhìn thấy chữ Terror in Paris, coi các clip video chiếu cảnh kinh hoàng, người chết, người bị thương, xe hồng thập tự hú còi inh ỏi... thử hỏi, có ai nghĩ rằng các chữ này nhục mạ, xúc phạm người dân Paris, người dân Pháp, hay người Hồi giáo, đạo Hồi không? Tôi tin rằng không.
Cảnh người chết nằm trên lề đường phủ khăn trắng, những vật dụng cá nhân vương vải khắp nơi, những khuôn mặt thất thần của các nạn nhân sống sót sau cuộc khủng bố chắc chắn gây niềm căm phẫn, tức giận cho toàn thể thế giới, nhưng không một ai cảm thấy tỏ vẻ bị xúc phạm vì những chữ Terror in Paris.
Nhiều người dân ở Paris, chủ nhân các nhà hàng, quán ăn... nơi xẩy ra các cuộc khủng bố tối thứ sáu 13.11.2015 đã nhanh chống phản ứng ngay cả khi các sát thủ còn đang bắn giết.
Họ giúp đỡ, lôi kéo, mở cửa... cho các nạn nhân vào trú ngụ trong các chỗ an toàn. Họ an ủi tinh thần, yểm trợ thực phẩm, nước uống, giúp đỡ băng bó cho các nạn nhân trong suốt thời gian chờ đợi bình yên, trật tự được vãn hồi.
Tinh thần tương trợ, nhân ái đó thật đáng trân trọng, nói lên cách hành xử văn minh của những người sống trong một xã hội dân chủ, tự do, không vì nguy hiểm bản thân mà trốn tránh bạo lực, chỉ tìm sự yên bình cho chính cá nhân mình hay gia đình.
Trở lại khái niệm cộng đồng.
Bài viết Đôi Điều về hiện tượng Terror in little Sài Gòn của tác giả Kông Kông đăng trên danchimviet.info ngày 15.11.2015, cũng như bài báo thuật lại cuộc họp báo của đảng Việt Tân ngày thứ bẩy 14.11.2015 tại Rose Center, Westminster đều cho rằng phim Terror in Little Sài gòn có ý xúc phạm mạnh cộng đồng người Việt tị nạn, sỉ nhục danh dự quân lực VNCH khi lồng trong phim những cảnh diễn hành kỷ niệm ngày quân lực 19.06 hay 30.04 với những quân nhân mặc quân phục đủ các binh chủng…
Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...
Đây là một sự nhập nhằng, gian trá khi đánh đồng một tổ chức, đoàn thể với cộng đồng người Việt tị nạn. Thủ đoạn này đã được chế độ cộng sản Việt Nam thường xuyên áp dụng khi bị người dân chỉ trích, phê phán, phản đối.
Chống đảng cộng sản VN không phải là chống lại đất nước, dân tộc Việt Nam. Đi tìm hiểu, điều tra hoặc phơi bày, lên án những phạm pháp của một tổ chức, một đoàn thể nằm trong cộng đồng không có nghĩa là xúc phạm cộng đồng.
So sánh thái độ của người dân Paris với cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ khi những ký giả như Dương Trọng Lâm, Nguyễn Đạm Phong, Lê Triết, Hoài Điệp Tử và nhân viên kỹ thuật tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong bị sát hại, chúng ta thấy được điều gì?
Thập niên 80 chưa có internet, báo chí còn xuất bản trên giấy. Thế báo chí Việt ngữ ở Mỹ lúc đó có đăng tin hay lên án những hành động phi nhân bịt miệng ký giả đó không?
Có báo nào đăng tin chia buồn với gia đình nạn nhân, hay cáo phó của thân nhân họ? Có ký giả, phóng viên nào viết bình luận hay cung cấp tin tức, đầu mối cho các cơ quan điều tra, cảnh sát FBI?
Cộng đồng người Việt lúc đó đã thành hình chưa, có họp báo, biểu tình lên án hành động khủng bố, giết hại các ký giả như đã đến họp Đại Hội Chính Nghĩa ngày 28.04.1983 không?
Có bao nhiêu người đến tham dự, chia buồn trong đám tang người chết hay tất cả bạn bè quen thuộc đều không đến dự vì...quá bận?
Vì lòng căm thù cộng sản, vì sự sợ hãi, vì an nguy bản thân, cho gia đình, vì muốn an thân tái lập lại cuộc đời, đâu là nguyên nhân để cộng đồng người Việt tị nạn im lặng trước bạo lực - những bạo lực không phải vì vô tình mà có chủ ý bịt miệng báo chí - xẩy ra trong cộng đồng bao nhiêu năm qua?
Dững dưng hay hả hê trước cái chết của Dương Trọng Lâm vì Lâm thân cộng, chủ bút tờ báo Cái Đình Làng, tuyên truyền cho cộng sản VN thì có thể hiểu được, tha thứ được. Nhưng còn Nguyễn Đạm Phong, có thật Nguyễn Đạm Phong bị nghi ngờ là thân cộng nhất, từng tuyên truyền cho CS nên bị giết? Bằng chứng thân cộng, tuyên truyền cho CS ở đâu? Vạch những gian trá, lừa bịp của Mặt Trận là thân cộng?
Còn những cái chết của Hoài Điệp Tử, vợ chồng ông Lê Triết, Đỗ Trọng Nhân và những vụ ám sát không thành như bắn ông Cao Thế Dung, Đoàn Văn toại... dù không được nói đến trong phim, vì lý do gì mà cộng đồng người Việt ở Mỹ không có phản ứng? Chắc chắn không phải vì những người này thân cộng hay tuyên truyền cho cộng sản.
Giờ đây, thay vì cộng tác, cung cấp tin tức, đầu mối cho các phóng viên Thompson, Rowley tìm ra manh mối những kẻ sát hại 5 ký giả nói trên, lại có những người không hiểu vì lý do gì, chỉ muốn kích động, lôi kéo cộng đồng đi phản đối những ký giả này và cuốn phim Terror in little Sài Gòn, để phủ nhận tội ác hay khỏa lấp sự sát nhân bằng luận điệu mơ hồ Nguyễn Đạm Phong bị giết là do thân cộng, tuyên truyền cho cộng sản nên đáng bị trừng phạt.
Trong buổi họp báo của đảng Việt Tân lúc 13:00g ngày 14.11.2015 tại Rose Center, Westminster, chính ông Đỗ Hoàng Điềm chủ tịch đảng Việt Tân đã tuyên bố rằng Mặt Trận từ lâu không còn hoạt động.
Xin hỏi:- Nếu Mặt Trận không còn hoạt động nữa thì tại sao đảng Việt Tân lại sợ hãi, phải đi phân bua với đồng bào rằng Mặt Trận không dính dáng gì đến những chuyện khủng bố trong cuốn phim?
Trong bài viết Đôi Điều về hiện tượng Terror in little Sài Gòn, ông Kông Kông cho rằng Việt Tân là Việt Tân, không phải là Mặt Trận dù cùng một gốc. Nên tách Việt Tân ra khỏi Mặt Trận. Phim Terror in little Sài Gòn, Thompson và Rowley không nói gì đến Việt Tân, họ chỉ nói The Front. Chính hai ông Đỗ Hoàng Điềm, Kông Kông cố tình gán Việt Tân vào Mặt Trận, rồi từ đó tìm cách lôi kéo cộng đồng vào sự phản đối cuốn phim nói trên.
Nhưng nói gì thì nói, cứ nhìn nhân sự ở Việt Tân, sự liên hệ, họ hàng thân thuộc của họ trong ban lãnh đạo tối cao thì biết họ có dính dáng với Mặt trận hay không ngay, cần gì phải đính chính, thanh minh.
Dù Việt Tân hay Mặt Trận có làm gì chăng nữa thì hãy có ăn, có chịu. Xin đừng mập mờ, kích động, lôi kéo cộng đồng người Việt tị nạn vào việc phản đối cuốn phim Terror in little Sài gòn của các ký giả Thompson, Rowley.
Hơn thế nữa, sự phân bua với cộng đồng NVTNCS không thể nào hữu hiệu bằng một phiên tòa lấy lại danh dự khi ProPublica tiếp tục khẳng định những điều họ công bố trong phim.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151116/phan-hoi-cua-co-quan-truyen-thong-propublica-ve-thu-ngo-cua-viet-tan
Ủa? Mà không được! Thưa Thompson, Rowley, đài PBS, Frontline, ProPublica ra tòa về tội bôi nhọ, vu khống thì phải là Mặt Trận mới có chính danh. Nhưng Mặt Trận không còn tồn tại nữa thì làm sao?
Thạch Đạt Lang.
Đính kèm bài phát biểu của Đỗ Hoàng Điềm chủ tịch Việt Tân
Đỗ Hoàng Điềm - Phát biểu của Đảng Việt Tân về Terror In Little Sai Gon

Theo Việt Tân

Vào lúc 13 giờ ngày 14/11/2015 vừa qua, đảng Việt Tân đảng tổ chức hai buổi sinh hoạt tiếp xúc với báo chí, đồng hương tại Nam California và Houston. Sau đây là bài Phát Biểu Của ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân trong buổi tiếp xúc với báo chí và đồng hương tại Nam California 14/11/2015. BBT - Web VT

* * *
Kính thưa Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Kính thưa Ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California,
Kính thưa Quý vị đại diện các hội đoàn và cơ quan truyền thông,
Kính thưa Quý vị quan khách,
Trước khi bắt đầu phần trình bày của tôi, chúng tôi xin tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân bị thảm sát qua cuộc khủng bố mới xảy ra tại thủ đô Paris, cho sự bình an của mọi người và đặc biệt cho cộng đồng người Việt tại Pháp.
Kính thưa Quý vị,
Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Quý vị đã nhận lời mời đến tham dự buổi gặp gỡ ngày hôm nay. Như tất cả Quý vị đã biết, vào ngày 3 tháng 11 vừa qua, chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS đã chiếu phim phóng sự “Terror in Little Saigon”. Phim này được thực hiện bởi một nhóm ký giả của tổ chức ProPublica, với hai nhận vật chủ chốt là đạo diễn Richard Rowley và phóng viên Adam Clay Thompson, gọi tên tắt là AC. Ngoài ra, phim này còn liệt kê danh tánh hai người Việt đã cộng tác với họ là Tony Nguyễn và Jimmy Tòng.
Nội dung của phim có thể tóm gọn là nhằm cáo buộc tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đứng đằng sau cái chết của một vài ký giả người Việt trong thập niên 1980. Để giúp tạo ấn tượng Mặt Trận là thủ phạm, họ đã vẽ lên hình ảnh tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản là khối người cực đoan, bạo động, và đang muốn tiếp nối một cuộc chiến để lấy lại những quyền lợi và vị trí xã hội đã đánh mất.
Từ tên gọi của phim cho đến nhiều đoạn trong phim đã xúc phạm đến chính nghĩa đấu tranh của tập thể người Việt tỵ nạn, đến hình ảnh của các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và của cộng đồng người Việt. Điều này đã được rất nhiều người nêu lên và đã có nhiều nỗ lực phản đối trực tiếp đến với nhóm làm phim và đài truyền hình PBS. Ngoài ra, chúng tôi được biết ban đại diện cộng đồng và các đoàn thể ở nhiều nơi đang thảo luận để có phản ứng thích đáng. Chúng tôi chỉ xin kêu gọi mọi người hãy tiếp tay với các ban đại diện cộng đồng và các đoàn thể để bảo vệ danh dự của tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản.
Vì phim đã đích danh ám chỉ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam nên chúng tôi đã buộc phải lên tiếng trong tuần lễ vừa qua. Ngay lập tức vào ngày 4 tháng 11, Đảng Việt Tân đã gửi thư phản đối đến ban giám đốc của đài PBS, chương trình Frontline và tổ chức ProPublica.
Kính thưa Quý vị,
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua nhưng tại sao ngày hôm nay Đảng Việt Tân lại phải lên tiếng? Lý do đơn giản vì Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, vị Chủ Tịch của Mặt Trận cũng là một trong những người sáng lập ra Đảng Việt Tân; kế đến trong hàng ngũ đảng viên Việt Tân có nhiều người đã từng là đoàn viên của Mặt Trận và hiện nay vẫn còn đang tiếp nối công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam; và sau cùng chúng tôi nhận thấy có nhu cầu phải bảo vệ danh dự của nhiều đoàn viên Mặt Trận đã xả thân và hy sinh vì đất nước đồng thời phải làm sáng tỏ những điều không đúng sự thật đã được trình bày trong phim.
Vì vậy qua buổi gặp gỡ cộng đồng ngày hôm nay, chúng tôi xin nói lên quan điểm của Đảng Việt Tân được tóm gọn vào 5 điểm chính yếu sau đây.
Thứ nhất, chúng tôi rất chia sẻ với những đau đớn và mất mát mà thân nhân của những người bị sát hại đã phải gánh chịu trong bao năm qua. Chúng tôi không chấp nhận việc dùng bất kỳ hình thức bạo lực nào để giải quyết sự khác biệt trong chính kiến, quan niệm hay chủ trương. Bởi lẽ đó, chúng tôi mong muốn công lý sẽ được đem lại cho những người đã bị sát hại và cho gia đình của họ. Chúng tôi mong rằng những ai có dữ kiện chính xác về những vụ án này hãy mạnh dạn trình với các cơ quan chức trách. Đấy chính là một hành động để vừa giúp đem lại công lý, vừa tẩy xoá sự tô vẽ của nhóm ký giả ProPublica là có sự bao che hay đe dọa nào đó khiến cho các nhân chứng sợ hãi không dám lên tiếng.
Thứ hai, chúng tôi khẳng định tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam không hề chủ trương và cũng không liên quan đến việc sát hại các ký giả người Việt như AC Thompson và Richard Rowley đã nêu lên trong phim. Nhiều cơ quan cảnh sát với nhiều kinh nghiệm đã bỏ rất nhiều năm để điều tra và cho đến nay chưa có bất kỳ một người nào của Mặt Trận đã bị truy tố. Ngay cơ quan cảnh sát liên bang FBI đã đóng hồ sơ sau 15 năm điều tra với kết luận không đủ bằng chứng để buộc tội một ai cả. Hoa Kỳ là một nước có luật pháp nghiêm minh với những cơ quan điều tra rất chuyên nghiệp, và họ đã kết luận là không có gì cụ thể để cáo buộc một ai đằng sau những vụ án mạng này.
Thứ ba, ký giả AC Thompson cáo buộc Mặt Trận đã có một bộ phận chuyên việc ám sát gọi là K9 và chính bộ phận này đứng đằng sau các vụ sát hại. Chúng tôi bác bỏ lời cáo buộc phi lý này của AC Thompson. Sự thật K9 chỉ là đơn vị tổ chức bình thường, gọi tắt của Khu Bộ 9 như các Khu Bộ K1 Hoa Kỳ, K2 Canada, K3 Âu Châu v.v. thuộc Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận, và dùng để gom tụ những người ở rải rác các nơi xa hoặc có địa vị cao trong quá khứ nên không tiện sinh hoạt tại một cơ sở địa phương. Đến cuối năm 1984, ông Phạm Văn Liễu, nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại, và những người trong nhóm của ông ta ly khai ra khỏi Mặt Trận và quay lại tấn công tổ chức. Kể từ đó thì K9 được thêu dệt để trở thành một cái gì ghê gớm qua những bài viết của ông Cao Thế Dung, một người trong phe của ông Liễu. Trong thập niên 1990, một vài đoàn viên Mặt Trận đã kiện ông Cao Thế Dung ra tòa về tội phỉ báng. Trong lúc đối chất, ông Dung đã chối quanh và cuối cùng thú nhận những lời cáo buộc Mặt Trận đứng đằng sau các vụ án mạng chỉ là những suy diễn của ông ta chứ không hề dựa trên bất cứ một bằng chứng cụ thể nào cả.
Thứ tư, nếu gọi là một điều bất ngờ của phim “Terror in Little Saigon” chính là sự tiết lộ kế hoạch của một cảnh sát điều tra tại San Jose, dùng thuế khóa làm lý cớ để tìm hiểu Mặt Trận có liên quan gì hay không đến các vụ án mạng. Để nhắc lại vào năm 1991, công tố viên quận Santa Clara đã truy tố một vài đoàn viên Mặt Trận với tội danh trốn thuế một số tiền chưa đến 50 ngàn đô la. Thời đó, trong khung cảnh có một số người sau khi ly khai Mặt Trận gay gắt qui chụp – dù không đưa bằng chứng cụ thể - rằng Mặt Trận nào là lường gạt đồng bào, nào là làm gì có chiến khu, nào là ông Hoàng Cơ Minh và “đồng bọn” đang tiêu xài phung phí ở bên Nhật v.v. Có thể nói dư luận cộng đồng đã hoang mang và nhìn Mặt Trận với cặp mắt rất xấu. Cho nên khi vụ thuế khóa đang tiến hành, Mặt Trận liền đã bị xem là “có tội” bởi một số dư luận dù bồi thẩm đoàn hay quan tòa chưa có kết luận.
Sự thật là năm 1995, sau khi công tố viên không có đủ chứng cớ để lập án trạng, họ đã để nội vụ bị hủy bỏ và chính quan tòa đã quyết định bãi bỏ toàn bộ nội vụ trước khi xét xử. Mặc dù quan tòa đã cho công tố viên thêm một năm sau đó để tái lập hồ sơ nếu muốn, nhưng rốt cuộc bên công tố vẫn chọn không làm gì thêm và nội vụ đã được đóng lại luôn từ 20 năm qua.
Ngày hôm nay, cuộn phim này đã ít ra nói lên hai điều: (1) mặc dù đã phải dùng thủ thuật thuế khóa nhưng rốt cuộc nhóm điều tra cũng chẳng tìm được bằng chứng gì để cáo buộc Mặt Trận liên quan đến các vụ án mạng, và (2) ngay cả trong vấn đề tài chánh, công tố viên cũng không tìm được chứng cớ gì để chứng minh đã có sự gian lận hay biển thủ tiền bạc cả. Tuy nhiên, ký giả AC đã trình bày sai lạc lý do vụ thuế bị bãi bỏ để tạo ấn tượng đã có sự bao che từ cấp chính quyền cao hơn hay vì công tố viên đã làm việc tắc trách.
Và thứ năm, lý do tại sao mà ông Hoàng Cơ Định và ông Nguyễn Kim đã từ chối không trả lời phỏng vấn của AC Thompson? Trước hết là qua những thăm dò về cá nhân AC Thompson và Richard Rowley đồng thời dựa trên những gì được biết về cung cách làm việc của họ, chúng tôi đánh giá những người này đã có sẵn định kiến trong đầu rồi. Chúng tôi lượng định họ không thật lòng muốn tìm hiểu sự thật mà chỉ muốn tìm kiếm, ráp nối những gì phù hợp với kết luận họ đã có sẵn. Và thứ hai, quan trọng hơn nữa là sự tham dự của nhân vật Tony Nguyễn trong phim này. Chúng tôi đã tìm hiểu về nhân vật này và thấy rằng Tony Nguyễn có những quan hệ mật thiết với chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Một vài năm về trước, chính Tony Nguyễn đã thực hiện một phim với những cáo buộc tương tự đối với Mặt Trận. Sau đó, anh ta cho biết đã nhận được sự tài trợ từ nhiều nguồn tại Việt Nam và của tổ chức Veterans For Peace, một tổ chức thân Hà Nội của một nhóm người Mỹ. Với hai lý do đó, ông Hoàng Cơ Định và ông Nguyễn Kim đã từ chối không tham dự vì không tin tưởng vào thiện chí cũng như chủ đích của AC Thompson, Richard Rowley và Tony Nguyễn.
Kính thưa Quý vị,
Mặc dù Mặt Trận đã không còn hiện hữu nữa từ nhiều năm qua nhưng hai thập niên 1980 và 1990 đã để lại cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm. Mặt Trận được khởi đi từ một tập hợp rất phong phú và đa dạng, qui tụ đủ mọi thành phần từ sinh viên đến người nội trợ, từ cựu quân nhân đến chuyên viên kỹ thuật. Với tất cả lòng nhiệt thành cho lý tưởng xây dựng một đất nước Việt Nam có tự do và dân chủ, biết bao nhiêu người đã ào ạt tham gia vào Mặt Trận, đã tình nguyện về vùng biên giới Thái Lào tìm đường về nước để cùng đồng bào đấu tranh. Trong gần hai thập niên hoạt động, đã có hàng trăm người yêu nước trong hàng ngũ đoàn viên Mặt Trận và đảng viên Việt Tân đã hy sinh mạng sống của chính mình cho đất nước. Trong số đó có Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Ngày hôm nay, vẫn còn đây đó những lời phỉ báng Mặt Trận lừa bịp đồng bào, “kháng chiến giả, kháng chiến ma” khiến tôi nhớ đến một bài viết trong đó có câu “không ai lại đi kháng chiến giả để mà chết thật” như Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các đoàn viên Mật Trận đã làm.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng dẹp qua tự ái, lắng nghe những chỉ trích để tìm xem đã làm gì sai để cải sửa. Đặc biệt trong những năm đầu của thập niên 1980, trong giai đoạn phôi thai của Mặt Trận, với sự phát triển ồ ạt, thiếu gạn lọc kỹ lưỡng, thiếu học tập hướng dẫn nội bộ đã đưa đến những vấp váp không thể tránh khỏi, điển hình là cách cư xử thiếu hòa nhã đối với nhiều người, nhiều tổ chức khác. Điều không may lớn nhất cho Mặt Trận là đã không giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ và hậu quả là những chụp mũ, xuyên tạc đến từ chính những người một thời là “chiến hữu” của nhau. Và ngày hôm nay chúng tôi vẫn phải gánh chịu hậu quả của những xuyên tạc và những vấp váp đó.
Thưa Quý vị,
Năm nay đánh dấu 40 năm chế độ độc tài Cộng sản đã ngự trị trên đất nước của chúng ta, và cũng là 40 năm đấu tranh không ngừng nghỉ cho mục tiêu đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho 90 triệu đồng bào tại Việt Nam. Ngày hôm nay, Đảng Việt Tân vẫn là một tập hợp đa dạng của nhiều thành phần từ trong nước ra đến hải ngoại, đang sát cánh cùng quý vị và toàn dân đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Chúng tôi tồn tại và tiếp tục phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng và rất nhiều thân hữu ở trong cũng như ngoài nước. Nhân cơ hội này, một lần nữa chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Quý vị.
Sau hơn 30 năm đấu tranh, Đảng Việt Tân đang được tiếp nối bởi một thế hệ mới đã trải qua và học hỏi từ những kinh nghiệm hay cũng như dở của quá khứ. Những người đảng viên Việt Tân chẳng phải là ai xa lạ. Chúng tôi cũng là những thanh niên đang tham gia chống Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông, là những nông dân đang tranh đấu chống bất công, là những thành viên đang cố gắng góp sức xây dựng một cộng đồng hải ngoại vững mạnh.
Bản thân tôi đã bước vào Mặt Trận trong những ngày tháng đầu năm 1982 và ngày hôm nay tiếp tục đấu tranh trong hàng ngũ đảng viên Việt Tân. Đi trước tôi là những thế hệ đàn anh đã dám từ bỏ cuộc sống ấm êm để mưu đồ hạnh phúc cho dân tộc. Đi cùng với tôi là những người chiến hữu, là những tổ chức bạn đang chung lưng đấu tranh chống độc tài. Và điều đáng mừng đi sau chúng tôi là những thế hệ trẻ tham gia đấu tranh vì không chấp nhận bất công.
Tất cả chúng ta tham gia đấu tranh không phải để lấy lại quyền lợi hay địa vị xã hội. Chúng ta đấu tranh vì mong muốn thấy một xã hội Việt Nam bình đẳng và lành mạnh, một đất nước Việt Nam tiến bộ và hùng cường. Xin hãy gìn giữ lý tưởng chung này để làm chất keo cho sự đoàn kết giữa tất cả chúng ta cho đến ngày thành công.
Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.

No comments:

Post a Comment