Sau
khi phát triển nhanh chóng trong gần suốt 40 năm, Trung Quốc hiện ở một
điểm ngoặt của sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong loạt
bài này, Tiến sĩ Xue Li sẽ xem xét năm thách đố then chốt và các cạm bẫy
tiềm tàng nhất mà Trung Quốc đối đầu ngày hôm nay.
Cạm bẫy tiềm tàng cuối cùng của Trung Quốc là mối đe dọa tới từ nước
ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ. Việc tây phương hóa Trung Quốc vẫn là một
mục tiêu dài hạn của Mỹ, và mục tiêu trung hạn của việc lôi kéo Trung
Quốc vào trật tự thế giới hiện nay cũng là một chiến thuật tây phương
hóa.
Trong giai đoạn trước mắt, thì người Mỹ nỗ lực thiết lập một sự hợp tác
đôi bên cùng hưởng lợi với người Hoa (win-win cooperation). Nhưng giả sử
như Trung Quốc lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, Mỹ sẽ điều chỉnh các mục
tiêu chính sách. Nếu sự trì trệ kinh tế và các cuộc biểu tình khổng lồ
xảy ra tại Hoa Lục, thì các thế lực muốn phân hóa Trung Quốc sẽ phát
triển mạnh mẽ hơn, và những người ở Hoa Kỳ muốn tây phương hóa Trung
Quốc (và vô hình chung triệt tiêu năng lực thách đố của Trung Quốc với
Mỹ) sẽ thấy rằng mục tiêu ấy trở thành thực tế hơn.
Kể từ khi Bắc Kinh khởi sự chính sách cải cách và mở cửa, thì sách lược
chính yếu của Hoa Kỳ là cam kết trước và gắn bó sau. Tuy nhiên, kể từ
năm ngoái, sách lược ấy đã có xu thế đảo ngược, gắn bó trước rồi cam kết
sau. Vì sự gắn bó trở thành quan trọng hơn, nên vấn đề Biển Đông bây
giờ là một mốc điểm để Hoa Kỳ theo dõi các xu thế trong chính sách ngoại
giao của Trung Quốc. Đồng thời, Hoa Thịnh Đốn ngày càng can dự trực
tiếp hơn trong vấn đề Biển Đông. Mỹ bây giờ là một trong các tham dự
viên then chốt.
Tuy nhiên, mục tiêu chính yếu của Mỹ hiện nay không phải là ngăn chặn
Trung Quốc (như họ từng làm với Liên Sô trong cuộc Chiến tranh Lạnh), mà
là duy trì tình trạng cân bằng quyền lực trong khu vực, duy trì tình
trạng ổn định của khu vực, và bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ. Ngõ hầu có
thể đạt được những điều này, Hoa Kỳ cần phải có một sự thông hiểu tương
đối rõ ràng về các mục tiêu chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì
thế, Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận được các chính sách nhập nhằng của
Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì Biển Đông không phải là lợi ích cốt lõi của Hoa
Kỳ nên sẽ khó xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở đó.
Thật ra, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không có ý định gây chiến với nhau
ở Biển Đông. Sự bất hòa về Biển Đông thật ra đều đã và đang được đôi
bên kiểm soát khá hiệu quả. Bắc Kinh cũng đang điều chỉnh chính sách
Biển Đông nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc hoàn thành sách lược thiết
lập “Con đường Tơ lụa Hàng hải trong Thế kỷ 21”. Trung Quốc và
Hoa Kỳ cần phải duy trì sự thông tin về vấn đề Biển Đông, như vậy họ có
thể đạt thêm sự thông hiểu và tránh được các tính toán sai lầm.
Giả sử Trung Quốc có thể ứng phó thành công với năm thách đố mà tôi đã
liệt kê trong loạt bài này, thì họ sẽ không bị vấp ngã ở ngưỡng cửa trở
thành một quốc gia phát triển. Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển cho
tới khi trở thành quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu
như Bắc Kinh không ứng phó nổi năm thách đố này, thì chúng sẽ trở thành
năm cạm bẫy trên con đường thăng tiến của Trung Quốc.
15/11/2015
_____________________________________
No comments:
Post a Comment