Hôm
17/10/2015 tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Trung
Ương của Đảng CSTQ, phát biểu trong bài diễn văn tại Diễn đàn Hương Sơn ở
Bắc Kinh: "Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực một cách cẩu
thả, ngay cả trong các vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung
đột bất ngờ".
Ông nói thêm “[Những hòn đảo đó] sẽ không phương hại tới tự do hàng
hải ở Biển Nam Trung Hoa, mà thay vào đó, nó làm cho chúng tôi có thể
cung cấp những dịch vụ công cộng tốt hơn cho hoạt động hàng hải và sản
xuất" (VOA 17/10/15).
Diễn đàn Hương Sơn do TQ chủ xướng, mở hội nghị ở Bắc Kinh với sự tham
dự của các bộ trưởng quốc phòng thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) mà trong đó có BT QPVN Phùng Quang Thanh tham dự.
Hôm 16/10 ông Thanh cho biết “Đặc biệt trong cuộc gặp lần này BT QPTQ
[Thường Vạn Toàn] cũng nêu ra vấn đề là dù TQ có phát triển lớn mạnh
đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực" (VOV 16/10/2015).
Tại sao TQ có lập trường như vậy? và lập trường này có phản ảnh đúng thực trạng và hành động của TQ hay không?
Đặt mình vào vị trí của TQ, tạm mang đôi giày của họ để tìm hiểu xem thế giới quan của họ ra sao?
Trước nhất là Giấc Mơ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, ông lãnh đạo và
chủ xướng giấc mơ này nên ông đánh động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và
ông ở vào thế phải thực hiện nó. Thực hiện ở Hoa Đông (Senkaku) với Nhật
thì quá rủi ro vì chính quyền của ông có thể không kiểm soát được nội
tình, cho nên như ông Allen R. Carlson viết trên National Interest, tuy
quan hệ với Nhật xấu tệ nhưng bị đóng băng (bit.ly/1LAxvS9) tức hòa bình trong căng thẳng.
Thứ hai, Biển Đông xa hơn, chủ nghĩa dân tộc của dân TQ yếu hơn, chính
quyền dễ kiểm soát nội tình hơn cho nên dễ xâm lấn hơn. Nhưng Hoa Kỳ,
siêu cường mà TQ sợ nhất, cần nhất, muốn chia quyền bá chủ nhất và không
muốn đụng độ quân sự nhất, đã đưa ra hai nguyên tắc mà TQ không thể vi
phạm, vì HK sẽ phản ứng (1) Tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, (2)
Giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng các phương tiện hòa bình.
Chỉ cần TQ tôn trọng hai nguyên tắc này, tức tôn trọng luật quốc tế
UNCLOS (do các quốc gia mạnh về hàng hải vẽ ra và HK thực thi lâu nay
trên biển, dù thượng viện HK chưa thông qua) thì HK không can thiệp vào
vấn đề tranh chấp chủ quyền. Điều này có nghĩa là HK KHÔNG QUAN TÂM ai
làm chủ các mỏm đá, miễn là các nước chủ nhân tuân thủ các quy định về
đá nửa nổi (50m), đá nổi (12 hải lý) và đảo có sinh hoạt kinh tế (thêm
EEZ 200 hải lý).
Cho nên vấn đề thực sự sẽ là TQ muốn các đảo nhân tạo nửa nổi trước đây
được lấn lên để hưởng quy chế 12 hải lý (Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Su
Bi) và các đảo tự thân đã có 12 hải lý sẽ lấn lên thành có thêm EEZ
(Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma).
Nếu họ lấn được thì các đảo khác đang ở trong tay Việt Nam và Phi sẽ rất
là khó giữ vì họ lập vùng kiểm soát ra vào và cô lập như họ đang làm ở
Cỏ Mây với Phi, áp dụng chiến thuật bào mòn (salami slices/lát cá) theo
thời gian để VN và Phi bỏ đảo.
Chiến lược của TQ thì BẤT BIẾN, nghĩa là chiếm lấy Biển Đông, KHÔNG
TƯƠNG NHƯỢNG các nước có tranh chấp, nhưng chiếm TRONG HOÀ BÌNH, vũ lực
chỉ được dùng làm hậu thuẫn phía sau, họ không nổ súng trước nhưng nếu
VN hay Phi nổ súng thì họ sẽ vịn vào đó mà ra tay. Tránh đụng độ với HK.
Chiến lược này làm cho HK không thể phản ứng, nên tê liệt hóa được HK mà
vẫn đạt được mục tiêu. TQ hay nhắc binh thư Tôn Tử về nghệ thuật cao
nhất của chiến tranh là không đánh mà chiếm được thành.
Thứ ba, cũng như HK tuy không máu xanh bằng HK về kinh tế, TQ đang xây
dựng các huyết mạch và khu vực kinh tế thương mại nằm trong vùng ảnh
hưởng của mình. Con Đường Tơ Lụa trên biển và Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ
Tầng Châu Á là để thu hút các nước trong vùng, và Diễn Đàn An Ninh Hương
Sơn là cây dù an ninh để bảo về vùng ảnh hưởng này. Họ muốn đẩy HK ra
khỏi khu vực. Bà phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh khi phản pháo về việc HK
dự định cho tàu chạy vào vùng 12 hải lý đã biểu lộ rõ rệt ý định này khi
nói HK đừng nhân danh tự do hàng hải, dùng nó làm cái khiên che chắn để
vi phạm chủ quyền của TQ, và không chấp nhận một nước ở quá xa khu vực
lại can thiệp vào các vấn đề của khu vực. Rõ ràng TQ khẳng định vai trò
lãnh đạo khu vực và tận dụng lợi thế của quốc gia tại chỗ.
Thứ tư, TQ bắt mạch được dòng suy nghĩ của HK là nếu TQ trừng lên hòa
bình thì HK không ngăn cản mà còn khuyến khích. HK sẵn sàng chia xẻ gánh
nặng sen đầm thế giới mà lâu nay HK cô đơn gánh chịu một mình, vừa tốn
kém, vừa đuối. Nếu TQ chung vai với HK trong các vấn đề toàn cầu là điều
mà HK mong ước (khí hậu, dịch bệnh, hạt nhân, mũ xanh LHQ...). Cho nên
HK sẽ không vì chủ quyền các mỏm đá thuộc về của ai để mất một đối tác
quan trọng ở tầm thế giới.
Thứ năm, TQ không phải là Liên Sô. Với Liên Sô, hệ thống kinh tế hoàn
toàn là một thế giới riêng, không dính với hệ thống kinh tế HK. Liên Sô
sụp đổ là sự chiến thắng của HK và HK có lợi. Ngược lại, với TQ là một
nền kinh tế quấn quyện với HK, sự suy yếu kinh tế TQ kéo theo sự suy yếu
kinh tế của HK. Hai nước mậu dịch khoảng 600 tỷ một năm và tư bản HK
đầu tư sâu rộng vào TQ. Có thể nói TQ giàu lên là nhờ tư bản HK. Vì vậy
TQ biết rằng HK không vì việc ai là chủ quyền các mỏm đá để tự bắn vào
chân mình.
Việc Bộ Truởng QP Carter hôm 13/10 khẳng định quyền hiện diện ở Biển Đông “Chúng
tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu bè
và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ
thực thi các quyền đó vào những thời điểm và tại những địa điểm do chính
chúng tôi quyết định, sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào, dù là ở Bắc Băng
Dương hay trên các tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế
khắp nơi trên thế giới, hay tại Biển Đông" chính yếu là để trấn an
đồng minh Á Châu hơn là sẽ có một hành động thực chất để đẩy TQ thụt
lùi, ông chỉ muốn TQ giữ hòa bình và tôn trọng luật quốc tế trong khi
lấn sân chủ quyền.
Cho nên khi được hỏi về thông tin HK đang cân nhắc việc điều tàu chiến
tới gần vùng biển quanh các đảo nhân tạo, Bộ trưởng Carter không xác
nhận mà cũng không phủ nhận ý định của Hoa Kỳ. (bit.ly/1MrwHLQ)
Những người quan tâm và theo sát thái độ chính trị của HK trong vấn đề
Biển Đông, hay việc Mỹ định cho tàu vào vùng 12 hải lý của các đảo TQ
bồi đấp ở Trường Sa, thấy rằng nó giống như cái chuông, ngân lên âm
thanh trong mùa tranh cử, chính quyền Obama đã tuyên bố xoay trục nhưng
trên thực địa thì trớn xoay chưa đủ, trong khi đó TQ quá trắng trợn nên
không thể lờ đi hoài khi các đồng minh HK ở Á Châu thúc hối và báo chí
cùng quốc hội chỉ trích. Từ năm 2012 đến nay HK đã chẳng bén mảng đến
vùng 12 hải lý các đảo TQ chiếm, đợi TQ xây xong hết rồi HK mới tham
khảo việc đem tàu chạy qua. Để hai bên cùng chiến thắng, HK có lẽ sẽ đem
tàu chạy vô khoảng 30 phút, TQ sẽ lên radio la hét đuổi đi, chiếu radar
vô tàu HK, đem máy bay hay trực thăng bay vòng vòng để xua đuổi, sau
khoảng 30 phút tàu HK ra khỏi hải phận là êm chuyện. HK nói là đã chứng
minh quyền tự do đi lại, nhưng như trước đây, việc tự do cho tàu chiến
HK này chắc vài năm mới tái diễn một lần, còn tàu các nước khác như VN,
Phi, Mã Lai... thì khó mà bén mảng đến và chẳng có tự do gì cả, và có
thể bị TQ bắn chìm. TQ cũng mạnh mẽ tuyên bố là đã bảo vệ được chủ quyền
biển đảo.
Rồi sau đó mọi việc sẽ chìm vào quên lãng, HK sẽ chẳng đến hàng tháng để
khiêu khích TQ, có thể vài năm đảo qua một lần cho đồng minh thấy có,
làm cho có vẻ như HK thực tế có kiểm soát vùng đó.
Cho đến nay, việc vào vùng 12 hải lý chỉ là tin báo chí, không chính
thức từ chính quyền HK, mà là do giới chức giấu tên xì ra cho giới
truyền thông.
Theo nhận xét của người viết, HK không dại gì đi gây hấn với TQ vì những
mỏm đá không có lợi ích kinh tế mà còn phiêu lưu vào vấn đề chủ quyền
(máu xanh kinh tế mà). Nếu có, thì đó chỉ là một đoản kịch/skit 30 phút
mà TQ có thể là đồng soạn giả.
Tướng Phạm Trường Long và giàn lãnh đạo tối cao của TQ đã có một lập
trường dứt khoát và một chiến lược rõ ràng cho sự trừng lên không gây
chiến trước với các nước láng giềng và tránh voi không xấu mặt nào,
không để đụng chạm quân sự với HK.
Hiện nay TQ cần bành trướng để trở thành bá chủ vùng Châu Á-Thái Bình
Dương. Không như Mỹ Châu mà HK trừng lên thành bá chủ, Châu Á-TBD có quá
nhiều các quốc gia mạnh như Nhật, Ấn, Nam Hàn, Nam Dương, Singapore,
Úc, Việt Nam bao quanh, cho nên sự trừng lên của TQ sẽ vất vả hơn nhiều
vì các quốc gia này đều muốn kềm chế, và Giấc Mơ Trung Quốc để có thể
ngang hàng với HK chia đôi thế giới thì chắc không thể xảy ra.
17/10/2015
No comments:
Post a Comment