Trở Về Trang chính

Saturday, October 3, 2015

Nhập siêu ngày một tăng làm sao “thoát Trung”


Nam Nguyên, phóng viên RFA / 2015-09-30


Hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam (minh họa) Photo nld.com
Việt Nam hô hào giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh biển đảo bị Bắc Kinh xâm lấn. Tuy vậy doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tục ồ ạt nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tạo ra mức nhập siêu với Trung Quốc gia tăng kỷ lục. Nam Nguyên trình bày thông tin này.
Phụ thuộc vào Trung Quốc
Năm ngoái qua vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, người dân phẫn nộ biểu tình chống Trung Quốc còn giới trí thức chuyên gia thì kêu gọi thoát Trung cả về chính trị lẫn kinh tế.
Hơn một năm sau, căng thẳng biển Đông vẫn tiếp tục với việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các khu vực lấn chiếm của Việt Nam ở Trường Sa. Khí thế thoát Trung vẫn còn đó, nhưng thực tế cho thấy lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc không giảm mà còn tăng nhanh.
Thông tin chính thức từ Tổng cục thống kê vừa phổ biến cho thấy, Việt Nam đã nhập siêu với Trung Quốc tới 24,3 tỷ USD trong vòng 9 tháng tính từ đầu năm 2015, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy theo tin này, nhờ xuất siêu với các thị trường khác, nên nhập siêu cả nước ở mức dưới 4 tỷ USD.
Nhận định về vấn đề vừa nêu, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội phát biểu:
“ Doanh nghiệp xuất siêu qua Mỹ hay các nước khác là một cách nói thôi. Ví dụ xuất hàng điện tử, điện thoại của Samsung cũng giống như tạm nhập tái xuất thôi. Hay hàng may mặc cũng vậy, chúng ta tạm nhập rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc về để gia công bán qua bên Mỹ chứ thật sự Việt Nam không xuất siêu qua bên Mỹ bao nhiêu. Giày dép cũng vậy nhập nguyên liệu 80%-90% từ Trung Quốc. Nói cách khác doanh nghiệp Việt Nam làm gia công để xuất khẩu giùm cho những doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu của Trung Quốc.
Việt Nam phải xem lại vấn đề hệ thống thương mại như thế nào, chứ không thể tiếp tục khoe khoang rằng Việt Nam đã xuất qua Mỹ thị trường lớn nhất mấy chục tỷ đô la…thực sự chúng ta xuất giùm cho Trung Quốc, chúng ta đem nguyên liệu về gia công và bán đi. Chúng ta cần làm rõ ra và có những chính sách phù hợp.”
Theo số liệu chính thức, trong 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 120,7 tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực này chiếm 70,6 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Những dữ liệu vừa nói cho thấy nếu không có nhập siêu từ Trung Quốc thì cũng chẳng có xuất siêu vào Mỹ hay các thị trường khác. Tương tự như chuyên gia Bùi Kiến Thành vừa nói, đó là Việt Nam đang xuất khẩu giùm cho Trung Quốc.
Người tiêu dung và yếu tố dân tộc
Bên cạnh khối lượng lớn về máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng tiêu dùng, thực phẩm Trung Quốc cũng đang tràn ngập thị trường Việt Nam cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch và buôn lậu qua biên giới. Ở nhiều quốc gia khác, người tiêu dùng với tinh thần ái quốc có thể tẩy chay hàng hóa của đối phương. Tuy nhiên điều này không xảy ra tại Việt Nam. Ông Đỗ Việt Khoa một giáo viên ở Hà Nội, trong tư cách người tiêu dùng nhận định:
“ Người Việt Nam hiện nay có thể nói là phụ thuộc hàng Tầu từ cây kim sợi chỉ, anh muốn tẩy chay hàng Tàu thì anh phải sản xuất đuợc hoặc phải có nguồn hàng thay thế, điều này là không thể. Một nguyên nhân nữa là hàng Trung Quốc tràn vào với giá cực kỳ rẻ, mà người Việt từ xưa đến nay là thực dụng lợi trước mắt đã, không cần yếu tố dân tộc. Người ta buông xuôi sản xuất để mặc cho hàng Trung Quốc tràn vào.”
Ông Đỗ Việt Khoa còn đề cập tới nạn buôn lậu qua biên giới phía Bắc mà ông cho là có phần trách nhiệm của hải quan, quản lý thị trường và ý thức của người dân các tỉnh biên giới.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, giao thương với Trung Quốc có nhiều điều cần làm rõ và cho đến nay chính quyền chưa quản lý được. Thí dụ buôn bán tiểu ngạch, buôn lậu hay Việt nam cần mua nguyên liệu Trung Quốc và xuất tài nguyên qua Trung Quốc. Tất cả những vấn đề này còn rất nhiều ẩn số cần làm rõ. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh tới sự kiện Việt Nam với Trung Quốc ở sát nách nhau việc kiểm soát hàng qua biên giới là rất khó. Chưa kể người dân làm ăn với Trung Quốc là để kiếm lời, họ không đưa chuyện quốc gia đại sự vào trong đó. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:
“ Hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam độc hại vô cùng thí dụ như đồ ăn, rau quả. Chúng ta chưa khống chế được vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm vì vậy phải xây dựng một quan hệ mới đối với những người trách nhiệm xuất nhập khẩu không chỉ riêng đối với Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia lớn cạnh Việt Nam thì chúng ta cần tìm cách bang giao cho tốt, còn những thị trường khác cũng cố gắng làm cho tốt. Đặt ra vấn đề Trung Quốc để có một giải pháp như thế nào làm sao có lợi cho tất cả các bên chứ không thể bài trừ Trung Quốc được.”
Chỉ trong vòng một thập niên nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 100 lần, dự báo năm 2015 nhập siêu với Trung Quốc có thể lên tới 35 tỷ USD. Chính những điều này mà trong giới chuyên gia đã có người mỉa mai, Việt Nam xuất siêu vào các thị trường khác cũng chỉ để cống nạp cho Trung Quốc mà thôi.

No comments:

Post a Comment