Nhân
việc ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lý
giải, vì Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo lấy ý kiến và Bộ Chính trị
cũng không có yêu cầu lấy ý kiến, nên đề án quy hoạch báo chí đến 2025
không được đưa ra lấy ý kiến của tất cả các đối tượng, các cơ quan báo
chí, làm tôi nhớ lại lời nói ví von “Lúa tốt thì không còn cỏ dại” của ông bộ trưởng. Trước Quốc hội, ông đã dùng lúa và cỏ dại để nói về vấn đề Thông tin Truyền thông như sau:
“Nếu ta có nhiều tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi tin xấu chưa được
kiểm chứng trên các trang mạng, trang báo, lúa tốt thì không còn cỏ
dại”.
Không biết ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son có biết làm ruộng,
hay có phân biệt được đâu là lúa và đâu là cỏ dại không? Theo các nhà
chuyên môn thì cỏ dại nảy mầm và phát triển rất mạnh, nên chúng dễ dàng
cạnh tranh với cây lúa về dinh dưỡng, ánh sáng và nước, làm cho cây lúa
không đủ điều kiện sinh trưởng, phát triển kém. Cỏ dại có khả năng gây
tác hại cho cây lúa ngay trong giai đoạn đầu và còn là nơi trú ẩn ưa
thích của các loài sâu bệnh, vì vậy bà con nông dân rất quan tâm vấn đề
diệt cỏ và diệt ngay từ đầu vụ lúa. Tục ngữ xưa đã nói “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
Năm 1987, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng dùng hình ảnh lúa và cỏ để
chống tiêu cực, không biết thật hay giả, nhưng ông nói: “Phải quyết
liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ
dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được, chứ nếu chỉ trông chờ cái
đẹp đánh bẹp cái xấu thì có vẻ như đây là cuộc chiến không cân sức”.
Cỏ dại có nhiều loại, ông Nguyễn Bắc Son không nói rõ là loại cỏ gì.
Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng lẫn lộn
với nhau, để nói tới mầu nhiệm Nước Trời (Cỏ lùng là một loại cỏ dại
gọi là darnel, rất giống cây lúa, chỉ khi trổ bông thì mới khác, lúc đó
rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ riêng cỏ được). Chúa
Giêsu đã giải thích: Người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống
là con người, thửa ruộng là thế gian, còn cỏ lùng là người xấu, người dữ
do ma quỷ gieo vào. Mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là
các thiên thần, lúa tốt thì được nâng niu, thu vào kho lẫm, nghĩa là
những người tốt lành, công chính, thánh thiện, được thưởng, còn cỏ lùng
là những người xấu, người dữ thì bị ném vào lửa địa ngục để thiêu hủy.
Câu chuyện cỏ lùng và lúa tốt của Chúa Giêsu nói về sự báo oán công minh
ở đời sau, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta.
Ngày 16/5/1959, trong bài nói chuyện với lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ
Công An, Hồ Chí Minh cũng dùng lúa và cỏ để ví Tư tưởng cộng sản với Tư
tưởng cá nhân, “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với
cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại
không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian
khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi,
nảy nở rất dễ. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn
trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công
an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương, đòi
hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao, công thần địa vị, chỉ tay năm
ngón, đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau,
v.v...” Cứ như lời Hồ Chí Minh thì tất cả công an và đảng viên Cộng sản đều là cỏ dại hết.
Cũng nói về trồng trọt thì Hồ Chí Minh có một câu danh ngôn “Trồng
người”, (Ăn cắp ý của Quản Trọng trong sách Quản Tử), thường được Cộng
sản Việt Nam đưa ra ca tụng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Hồ Chí Minh đã đem Chủ nghĩa Cộng sản, hạt giống đỏ, cỏ dại độc hại, về gieo trồng trên cánh đồng nhà Việt Nam, để "Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc trốc tận rễ".
Gieo cây gì thì gặt quả ấy, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, cỏ
dại thì muôn đời cũng không thể nào biến thành cây lúa được, nó chỉ sản
sinh ra hạt cỏ dại xấu xa chứ không bao giờ sinh ra những hạt lúa vàng.
Thay vì dẫn dắt dân tộc đến “Tương lai tươi sáng”, thì Hồ Chí Minh đã
đưa dân tộc tới bờ vực thẳm, làm băng hoại đạo đức xã hội và tha hóa
luân thường đạo lý của Việt Nam. Và hậu quả là cuộc sống của người dân
ngày nay còn lầm than, cơ cực hơn nhiều so với thời phong kiến đầu thế
kỷ 20, đã được nhà văn Hồ Biểu Chánh mô tả trong tác phẩm “Ngọn cỏ gió đùa”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama), lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng đã nói: "Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi nảy nở trên rác rưởi của cuộc đời", cho nên cỏ dại phải nhổ bỏ, như lời cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin: “Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó”.
Trở lại vấn đề Thông tin Truyền thông, đặc điểm và mục đích chính của
báo chí trong một chế độ độc tài là độc quyền về thông tin, tuyên truyền
để bảo vệ chế độ, có tính định hướng, là vũ khí của đảng và không bao
giờ đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên.
Trong khuôn khổ của bài viết, tôi chỉ đưa ra đây vài ví dụ của những
người trong ngành Văn hóa, Thông tin và Truyền Thông Việt Nam đã và đang
“Gieo vãi hạt cỏ dại” làm tác hại, hủy diệt tinh thần dân tộc.
Không phải tôi muốn nói toàn điều xấu, nhưng tôi chỉ đưa phần hệ luỵ để
người dân biết, đấu tranh dẹp bỏ và vì phần công trạng của họ thì đã có
đảng Cộng sản ca ngợi nhiều rồi.
Nhân vật thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho
xăng địch, được coi là một biểu tượng anh hùng cách mạng, được nhắc tới
trong sách giáo khoa để thanh thiếu niên noi gương học tập, là do Trần
Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền (1945-1946), bịa ra. Hiện
nay nhiều đường phố, trường học, công viên, đền tưởng niệm và nhiều quỷ
học bổng mang tên Lê Văn Tám, mang tên “Đuốc Sống”. Hàng năm, ngày
17/10, nhân dân, đặc biệt là giới trẻ trong nước, phải tưởng niệm, tôn
vinh “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”. Vì chỉ là một nhân vật để
tuyên truyền cho mục đích chính trị, lừa gạt nhân dân, vì không
phải là nhân vật lịch sử có thật, nên cần phải xóa bỏ tên Lê Văn Tám.
Lịch sử là sự thật, sự đánh tráo lịch sử chỉ gây ra những tác
hại khôn lường cho xã hội và có tội đối với các thế hệ mai sau.
Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên, trước ông chuyên viết
tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin và ca ngợi Nguyễn Ái Quốc trên báo
Tiếng chuông rè Nguyễn An Ninh. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam,
ông làm công tác xây dựng, phát triển ngành văn hóa ở các địa phương và
các đơn vị sản xuất của miền Bắc để xây dựng xã hội chủ nghĩa không
tưởng. Ông cũng cổ vũ, khích động, cấy sự khát khao giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước, vào đầu người dân, làm bao người lao vào cuộc
chiến tàn khốc. Vì vậy không thể có những con đường mang tên Hoàng Minh
Giám tại thủ đô Hà Nội và tại thành phố Sài Gòn.
Người đưa ra những công tác quản lý và cải cách báo chí Việt Nam theo
khái niệm "Lề bên phải" là Lê Doãn Hợp, cựu Bộ Trưởng Thông tin và
Truyền thông. Năm 2007, ông tuyên bố: "Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”.
Việc làm phản động của ông đã khống chế quyền tự do ngôn luận cũng như
quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam. Nay ông huy động, xây
dựng những tuyển tập “Ký ức người lính”, kể những câu chuyện
chiến công, kỳ tích trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống đế quốc
Mỹ, cứu nước, để ca ngợi và che lấp những lỗi lầm của thế hệ ấy.
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh:
Quán triệt quan điểm lãnh đạo của Đảng về báo chí. Quan điểm ấy là: “Báo
chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng
quan trọng, đặc biệt trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhà nước phải nắm
chắc công cụ quan trọng này. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn
diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn
khổ pháp luật, phải chủ động định hướng, chỉ đạo, quản lý, không để phát
triển tự phát, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, không thương
mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, không để
cho lợi ích nhóm chi phối, báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất
lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã
hội...”.
Theo báo Thanh niên online, ông Son cho biết: “Hiện nay Việt Nam là
quốc gia có nhiều loại hình báo chí, với hơn 800 cơ quan. Đặc biệt chưa
nước nào có nhiều đài truyền hình như Việt Nam, với hơn 300 kênh phát
thanh, truyền hình phát sóng hàng ngày. Việt Nam được coi là quốc gia
rất có tự do báo chí”. Nhưng theo tổng kết trong bản báo cáo thường
niên 2015 về tình hình tự do báo chí trên thế giới của Phóng viên Không
Biên giới (Reporters sans frontières RSF), bản phúc trình kèm theo bảng
xếp hạng, trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và
vùng lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175, nằm
trong số nước có tình trạng tự do ngôn luận tồi tệ nhất.
Ông Nguyễn Bắc Son còn phát biểu lập lờ: “Trong xã hội ta không có
báo lá cải. Chỉ có một số cơ quan báo chí trong một số thời kỳ không
thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến hiện tượng vi phạm. Hiện tượng
đó là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải, chứ không phải là báo lá
cải”. Nhưng ở thời điểm này ai cũng thấy là báo “Lá cải” đang nở rộ, đến nỗi ông bộ trưởng phải dùng “Quy luật khi lúa tốt lên thì không còn chỗ cho cỏ dại, thông tin truyền thông mạnh lên thì sẽ đẩy lùi thông tin độc hại”.
Đọc lướt qua hàng trăm tờ báo giấy, báo mạng, những tập san, tạp chí,
báo ảnh, phụ trương, thì thấy ngoài những bài sao chép của nhau về tuyên
truyền Xã hội Chủ nghĩa, ca tụng “Bác” và đảng, còn lại là tin tức “Lá
cải”. Mặc cho nhiều người bất bình, phẫn nộ, báo chí nhà nước và báo chí
“Lá cải” vẫn đăng tràn lan những tin mang yếu tố giật gân để câu khách.
Những vụ án cướp của, giết người, hiếp dâm, chuyện đời tư người nổi
tiếng, giới showbiz, thiếu gia, đại gia, cổ vũ cho lối sống bầy đàn,
chạy theo vật chất, là những đề tài được khai thác một cách tỉ mỉ. Đặc
biệt là một số cuốn sách, các ấn phẩm, sách tham khảo cho học sinh được
xuất bản không đúng với mục tiêu giáo dục, trái với thuần phong mỹ tục
Việt Nam, như sự lệch lạc của sách kỹ năng sống bậc tiểu học, sách giáo
dục có cờ Trung Quốc... Chính những điều trên, là những loài cỏ dại đang
đầu độc dân tộc Việt Nam.
Trong khi những nhà báo, những bồi bút của nền báo chí nhà nước vẫn gieo
vãi cỏ dại và lừa phỉnh người dân đó là lúa, thì có những nhà báo tự
do, các blogger, những người đấu tranh cho nhân quyền, đang cố gắng vạch
trần tính ăn bám, phá hại của cỏ dại, để người dân biết mà nhổ vứt đi.
Vì đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải trả lại cho người dân
những quyền thuộc về người dân, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo
chí, mà những blogger, các nhà báo tự do, những nhà đấu tranh cho nhân
quyền, đã bị chính quyền trù dập, công an sách nhiễu, bị côn đồ hành
hung và bị tống giam vào ngục tù. Những blogger, các nhà báo tự do,
những nhà đấu tranh cho nhân quyền ấy, đang khai hoang cỏ dại, cày xới
lại ruộng vườn, thay đất mới, để gieo lại những hạt giống lúa tốt trên
cánh đồng Việt Nam.
Bóng đêm sẽ qua, ngày mới sắp đến, cỏ dại đang ngẩng cao đầu sẽ bị người
dân dùng lưỡi liềm cắt xuống, buộc lại từng bó mà đem đi đốt. Loài quỷ
dữ Cộng sản tự đắc, kẻ đem hạt giống đỏ, cỏ dại, gieo trồng trên đất
Việt, sẽ bị sự trừng phạt của nhân dân, sự phán xét của lịch sử. Và khi
ấy, cánh đồng Việt Nam đã được gieo giống lúa tốt sẽ sinh ra những hạt
lúa vàng tươi, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt
Nam.
10/3/2015
No comments:
Post a Comment