Trường hợp bị bắt giữ tùy tiện, không có thông báo tạm giam người gửi
đến gia đình mới nhất xảy ra tại Công an Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh
Hòa.
Nạn nhân bị bắt giữ tùy tiện lần này là anh Nguyễn Hữu Thiên An (20
tuổi), thường trú tại Cam Ranh, trong một vụ án có dấu hiệu hình sự hóa
sự việc với lý do “vì an ninh quốc gia”.
Ngày 28/08/2015, Thiên An bị mời đến trụ sở Công an Thành phố Cam Ranh làm việc với đội an ninh tỉnh Khánh Hòa.
Sau đó, qua thông tin khai thác được từ tài khoản mạng xã hội của An,
công an đã triệu tập thêm một người nữa có liên quan là anh Nguyễn Duy
(anh họ của An) đến trụ sở làm việc về các bài viết trên Facebook cá
nhân của Duy.
Công an đã tịch thu điện thoại và máy tính của cả An và Duy.
Trong buổi chiều cùng ngày 28/08, sau khi hết thời hạn tạm giữ hành
chính, cả An và Duy cùng bị đưa ra trụ sở công an tỉnh Khánh Hòa, tại số
80 Trần Phú, Nha Trang, để làm việc với Đội An ninh Điều tra (PA92).
Thông tin các buổi làm việc được thông báo đến gia đình đều bằng miệng
từ lực lượng công an kiểu như: Thiên An tham gia một nhóm nào đó, và
được yêu cầu thực hiện 2 việc mà nhóm mời An tham gia đề nghị trước khi
đi Singapore học khóa học liên quan đến truyền thông, trong đó việc sơn
xịt chữ DMCS lên tường là một phần
Không có một thông báo chính thức nào bằng văn bản đến gia đình.
Theo quy định tại khoản 4, điều 88 Luật Tố tụng Dân sự:
"4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm
giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền
xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú
hoặc làm việc biết".
Hơn một tháng qua, gia đình và người thân của Nguyễn Hữu Thiên An vẫn
không có thông tin chính thức gì về tình trạng của con em mình ngoài các
thông báo bằng miệng.
Việc thăm gặp và gửi đồ tiếp tế hiện cũng bị cản trở tại trại tạm giam
Công an thành phố Cam Ranh, khi đơn vị này chính thức đổ trách nhiệm
sang công an tỉnh và yêu cầu gia đình tự liên hệ rồi mới được gửi đồ.
Từ trước đến nay, tình trạng lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật của
người dân để câu lưu, tạm giữ người trái phép diễn ra khá thường xuyên,
đặc biệt trong các vụ án bị xem là “liên quan đến an ninh quốc gia”.
Và ngay trong thời điểm Việt Nam vừa gia nhập Hiệp định đối tác thương
mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc bắt giam người của lực lượng
công an thành phố Cam Ranh, công an tỉnh Khánh Hòa, là dấu chỉ cho thấy
áp lực ghi thành tích khiến ngành công an sẵn sàng vi phạm các nguyên
tắc cơ bản do luật pháp quy định để ghi điểm.
Không thể bắt giam người một cách tùy tiện và sau đó liên tục mớm, ép
cung cùng triệu tập một số bạn bè, người quen để yêu cầu họ viết cam
kết, đề nghị xử lý các cá nhân mà lực lượng công an muốn.
Và lý do “an ninh quốc gia” không thể là lá chắn cho mọi hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
9/10/2015
No comments:
Post a Comment