Trở Về Trang chính

Monday, October 5, 2015

Chủ nghĩa dân tộc – tôi và bạn

Chủ nghĩa dân tộc với người Việt, theo tôi, qua nhiều thế hệ, qua nhiều dẫn dắt của giai cấp thống trị khiến nó trở nên phi thực tế và hơi lạnh lùng. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi.

Bạn tôi hỏi tôi: “Bạn có theo chủ nghĩa dân tộc không?” 

- Tôi trả lời, ý thức về dân tộc luôn ở trong lòng tôi, nhưng đó không phải là chủ nghĩa, không phải là mớ lý thuyết hay cách hiểu mà người ta muốn tôi cảm nhận được kiểu như phải tự hào với truyền thống anh hùng hay “rưng rưng khi hát quốc ca”. 

Một con người có tinh thần dân tộc, sẽ là người nghiêm túc đặt ra câu hỏi: vì sao và làm thế nào để mỗi người thoát khỏi sự khiếp nhược cố hữu hàng ngày, để sống đúng với lương tâm, không lừa lọc, không gian trá, không quay lưng với những đau khổ xung quanh mình. Làm thế nào để dân tộc mình đứng thẳng và đứng vững trên đôi chân của mình, mà không phải nương nhờ vào láng giềng hay phân vân cân nhắc việc “chọn bạn chiến lược”?

Một dân tộc có sức mạnh, chỉ khi mỗi con người trong tập hợp dân tộc ấy, ý thức được phẩm giá, danh dự và trách nhiệm của bản thân với quốc gia mình.Tất nhiên, không thể đánh đồng mọi thứ với nhau, bởi mỗi người có một vị trí và một nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt.

“Chúng ta sẽ dạy con cái mình như thế nào về dân tộc?” – bạn hỏi?

Không chỉ có tự hào, sắt máu – tôi trả lời bạn thẳng thắn như vậy. Một khi còn giáo dục con trẻ những thuộc tính chung chung về dân tộc kiểu con Rồng cháu Tiên, chiến thắng oanh liệt, hay nhớ ơn cách mạng… thì con cái chúng ta sẽ chỉ nhận được những thứ mơ hồ mà chính bản thân chúng ta chả bao giờ cảm nhận được.

Thay vào đó, tôi sẽ thẳng thắn dạy con biết những gì mình đã biết, chia sẻ cùng con những việc mình đã làm. Tự hào hay không là thái độ của con – và con có toàn quyền quyết định việc lựa chọn thái độ của mình. Tự hào là một thứ cảm xúc không thể bị lạm dụng và vì vậy, hãy đặt nó đúng chỗ để có thể đi xa hơn.

Bạn có hỏi tôi về con đường cho dân tộc này, 

Câu trả lời của tôi đơn giản lắm – bạn hãy quan sát và xem tôi, với phần sức nhỏ bé của mình, sẽ đi trọn con đường mình chọn, để được sống đúng nghĩa, có phẩm giá và nhân quyền như mọi dân tộc khác trên thế giới này.

Con đường đó đòi hỏi sự tham gia của nhiều người có kiến thức, biết nắm bắt và xây dựng nó trên nền tảng văn minh, thành thật và tôn trọng nhau.

Con đường đó sẽ không có chỗ cho bất kỳ chế độ độc tài nào, bởi ý thức của người dân đã đủ lớn mạnh để quyết định vận mạng riêng của mỗi cá nhân và vận mệnh chung của dân tộc.

Nếu bạn bảo với tôi rằng, bạn cần một người giúp, những người khác cần một lãnh tụ để tin tưởng hay đi theo.

Tôi chỉ có thể thành thật với bạn rằng: 

Tôi không thể giúp gì cho bạn hay người khác, bởi chỉ có mỗi cá nhân mới có thể tìm ra cách giúp bản thân mình hữu hiệu nhất. 

Với những trải nghiệm của mình, tôi sẽ bên cạnh bạn, bảo vệ cái đúng và lẽ phải, dù tôi chỉ có một mình cạnh bạn thì tôi vẫn sẽ làm, với một điều kiện: chúng ta thành thật với nhau, với mọi người.

Sức mạnh của chúng ta là lẽ phải và sự công chính!

Tôi nghĩ như thế này bạn ạ, 

Chúng ta đang ở tuổi trung niên, lứa tuổi đã đi, đã đọc, đã trải nghiệm gần như đủ, để biết đâu là trách nhiệm, đâu là lựa chọn để có thể sống một cách tử tế đàng hoàng.Ý thức dân tộc chỉ được xây dựng vững chắc khi mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình trong số đông, để sống xứng đáng và làm tròn chức phận của mình theo đúng lương tâm. 

Thay vì trông chờ vào sự dẫn dắt của người khác, chúng ta vẫn có thể đi chọn con đường của mình, bằng cách tin tưởng và bảo vệ lẫn nhau khi lên tiếng bằng lương tâm và trách nhiệm của mình,

Bạn đồng ý với tôi không?

Và thực tế là tôi nghĩ thế này bạn ạ,

Tinh thần dân tộc là một liều thuốc ảo diệu, mà bất kỳ giai cấp thống trị nào cũng muốn sử dụng để dẫn dắt quốc gia mình đi qua các cuộc chiến,

Chỉ có lương tâm con người mới dẫn dắt người ta đi tới nơi đích thực mà một người tốt muốn tới!

Tôi viết bài này tặng bạn tôi, người đã luôn tin yêu và ủng hộ tôi dù chỉ ở vị trí quan sát. Cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội giải bày.

No comments:

Post a Comment