Trở Về Trang chính

Wednesday, October 21, 2015

Đảng, Nhà Nước & nhà ngoại cảm

"Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc..."
Nguyễn Khoa Điềm

Tuy không biết làm thơ nhưng tôi cũng có tật xấu (“Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt. Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành”) y như cái ông thi sĩ vậy. Đất nước, chả may, lại chỉ toàn tin buồn và tin dữ. Tuổi Trẻ Online, số ra ngày 16 tháng 10 năm 2015, cho hay:

“TAND tỉnh Quảng Trị tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong đường dây lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Văn Thúy (tức ‘cậu Thủy’) cầm đầu.

Sau khi nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã công bố... ‘cậu Thủy’ Nguyễn Văn Thúy phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả hài cốt.

Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) 25 năm tù, Mẫn Đức Phương (em vợ Thúy) 18 năm tù, Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù cùng về hai tội lừa đảo và xâm phạm mồ mả hài cốt. Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù về 3 tội lừa đảo, xâm phạm mồ mả hài cốt và trộm cắp tài sản.”

Ở Việt Nam việc “xâm phạm mồ mả hài cốt” vẫn xẩy ra thường xuyên (ở khắp mọi nơi) nhưng chưa bao giờ bị coi là phạm pháp cả – theo như lời của một nhà văn:

“Sáng hôm ấy, con gái và con trai, cuốc và xẻng, thuổng và bàn vét, ngổn ngang ồ ạt xông ra đồng. Hai cánh đồng Ruộng Quan và Cồn Rộng nhiều mồ nhất, phải mở hai mũi quân mạnh nhất xung phong vào hai cứ điểm này. 

Không biết từ bao giờ ông cha mình chọn nơi đây làm nghĩa địa cho người nghèo. Hầu hết những nhà giàu có, người ta táng vào thửa ruộng riêng, ngôi mộ to hơn và thế đất thịnh vượng hơn. Chỉ có nhà nghèo, hiếm ruộng hoặc không có ruộng, mới táng nhờ vào mảnh đất công này...

Vốn lúc đầu đám thanh niên cũng còn giữ được lễ nghĩa: mỗi bộ hài cốt để riêng một nơi. Nhưng mộ nhiều quá, nếu cứ cẩn thận như vậy, tiến trình chiến dịch sẽ kéo dài, họ xô bồ đào xới và xô bồ bốc tất cả hài cốt vào một tấm ni lông. Hàng chục cái sọ dừa, hàng chục cái xương tay xương chân, hàng chục bộ răng đổ ào vào một đống.

Mọi người thở dài, bó tay, đành chịu vậy. Thời buổi thế thì phải chịu thế, chứ biết làm sao.” (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006).

Đây không phải là “chuyện làng ngày ấy” của riêng địa phương nào mà là chính sách xuyên suốt, từ gần ¾ thế kỷ qua, của chính quyền cách mạng. Ông Nguyễn Văn Thúy và đồng sự (dám) là những người đầu tiên bị xử án tù, vì tội “xâm phạm hài cốt”, trong chế độ hiện hành.

Trước khi tiếp chuyện “đường dây lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ,” tưởng cũng nên nói qua - đôi điều - về cách lường gạt (hay cưỡng ép) khiến hàng triệu lương dân “phải” trở thành liệt sĩ, ở Việt Nam. Họ bị tuyên truyền, nhồi nhét về những kẻ thù “mang đầu ác thú,” và một “cuộc chiến tranh xâm lược” nên không ít người đã hăng hái lên đường tòng quân (giải phóng quê hương) rồi trở thành ... liệt sĩ. Phần còn lại thì không có cách lựa chọn nào khác – theo như lời của một nhân vật trong cuộc, nhà báo Bùi Tín:

“Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối ‘làng HO’ thuộc đất Vĩnh Linh là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch. 

Lúc ấy không còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không sao lọt. 

Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi bộ là ngăn chặn hiện tượng ‘B tụt’, ‘B tạt’, ‘B quay’, nghĩa là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Rất ít ai thoát được.”

Ông Nguyễn Văn Thúy và những người đồng vụ sẽ không có cơ hội lường gạt bất cứ ai, nếu Nhà Nước có quan tâm đôi chút đến những người đã bỏ mạng (nhưng không tìm được xác) trong cuộc chiến vừa qua. Tuy không phải là nhà ngoại cảm nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tiên cảm (gần đúng) về sự vô tâm này: “Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xuơng con mình...’’

Sở dĩ nói là “gần đúng” thôi vì cuộc chiến kéo dài quá lâu nên đến khi tàn thì cũng không còn được bao nhiêu bà mẹ (sống sót) để “lên núi tìm xuơng con mình’’ nữa. Việc đào bới hài cốt (tuy thế) vẫn được tiếp tục bởi anh chị em, hay bạn đồng đội của những người đã khuất – như tuờng thuật của nhà báo Rajiv Chandrasekaran trên The Washington Post: “Vietnamese Families Seek Their MIAs; Few Resources Available In Search for Thousands.”

Bài báo mở đầu bằng một câu chuyện thương tâm. Ông Nguyễn Dinh Duy tử trận ngày 29 tháng 3 năm 1975. Suốt mấy muơi năm qua, chị của ông ta (bà Thắm) vẫn không ngừng đi tìm kiếm xác em trong... vô vọng. Ông Duy chỉ là một trong 300.000 lính Bắc Việt chết trận mất xác – và kể như là mất luôn (Duy is one of about 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not been located - and likely never will be).

Tiếp theo là một câu chuyện cảm động về tình đồng đội: "Mỗi tuần một lần, ông Ban thức dậy lúc 5 giờ sáng, leo lên chiếc xe gắn máy màu xanh lá cây đã cũ, đi đến những nơi mà ông còn nhớ khi còn là một y tá trong quân đội. Trí nhớ của ông quả tốt; mười năm qua, ông tuyên bố, đã đào được 2.000 xác chết và đã nhận diện được một nửa trong số này..." Vẫn theo lời ông Ban: "Là kẻ sống sót, tôi tự thấy mình phải có bổn phận với những nguời đã chết" (Being still alive, I feel responsible for the dead people).

Quan niệm tử tế của ông Ban, tiếc thay, không được chia sẻ bởi những người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam – dù họ đều là những kẻ sống sót, và được hưởng mọi thứ quyền lợi, sau cuộc chiến. Khi bị chất vấn về thái độ vô trách nhiệm này, một giới chức có thẩm quyền của Hà Nội, ông tướng Dang (nào đó) đã giải thích như sau: “...tìm kiếm những binh sĩ quá tốn kém mà tiền thì phải dùng vào việc chăm lo cho cho những kẻ còn sống sót.’’ (Dang said the cost of searching for missing soldiers must be weighed against the need to care for the survivors of the war).

Thực sự thì những kẻ sống sót chả được “chăm lo” gì ráo. Có chăng cũng chỉ là những loạt pháo hoa hào phóng (“rực sáng bầu trời”) vào những dịp kỷ niệm chiến thắng mà thôi.

Sự vô tâm (hay vô ơn) của Nhà Nước VN đã tạo điều kiện để phát sinh ra... những nhà ngoại cảm, và thái độ “đồng cảm” của mọi giới quan chức của đất nước – cùng những cơ quan truyền thông – đã biến xứ sở này trở thành một nơi lý tưởng để... lên đồng:

Ngày 7 tháng 11 năm 2011, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Trưởng Bộ Thương Binh & Xã Hội, đã ký quyết định tặng bằng khen cho 38 nhà ngoại cảm “có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sỹ.” 


Ngày 30 tháng 9 năm 2013, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết Định (1237) phê duyệt “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo...”

Ngày 4 tháng 11 năm 2013, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ảnh: btv

Ngày 6 tháng 11 năm 2013, Liên Hội Các Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam đã tổ chức Hội Thảo Khoa Học Việc Tìm Kiếm Hài Cốt Liệt Sỹ Bằng Khả Năng Đặc Biệt...

Sách vở liên quan đến những “phương cách tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt” của các nhà ngoại cảm được Viện Khoa Học Hình Sự – Bộ Công An, Liên Hiệp Khoa Học Công Nghệ UIA – VUSTA, Trung Tâm Bảo Trợ Văn Hoá Kỹ Thuật Truyền Thống liên kết bảo trợ và xuất bản...


Cả nước đều “nhập đồng” hết ráo nhưng đến khi “đồng off” thì chỉ còn trơ trọi vài mạng bị kết án tù thôi. Ông Nguyễn Văn Thúy (và những bạn đồng sự) bị kết án quá nặng chỉ vì họ là nạn nhân của một thời đại nhiễu nhương nên phải gánh tội thay cho mọi người, kể luôn cái ông Thủ Tướng.

21.10.2015

No comments:

Post a Comment