Trở Về Trang chính

Wednesday, September 30, 2015

Từ câu chuyện bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ngãi nhìn lại việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ GTVT

Dư luận xã hội hiện nay thực sự rất quan tâm đến vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ được bổ nhiệm có cần tài, đức, có cần “trí tuệ” không, hay chỉ cần có “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ”?!

Câu chuyện bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam đang khiến dư luận dậy sóng. Khoan hãy nói đến việc vị giám đốc mới ở tuổi 30 hay là con của Bí thư tỉnh ủy, mà hãy xem việc UBND tỉnh Quảng Nam khi tiến hành quy trình bổ nhiệm có xem xét đầy đủ về tiêu chí tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không!

Trong thực tế, vị Giám đốc Sở KH&ĐT mới được bổ nhiệm này thiếu hẳn tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính (theo Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội vụ). Như vậy có thể thấy UBND tỉnh Quảng Nam đã bỏ qua quy định cao nhất về bổ nhiệm cán bộ, lại coi nhẹ những quy định mang tính chất điều kiện trong việc bổ nhiệm cán bộ khi một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu rằng quy định tiêu chuẩn phải có chuyên viên chính cũng chỉ là "tiêu chí phụ".

Hẳn việc bổ nhiệm cán bộ vào một vị trí quan trọng như Giám đốc Sở với rất nhiều ban bệ, cơ quan tham mưu thì làm sao sai quy trình được! Vấn đề là quy trình mà UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành có đảm bảo sự trung thực, khách quan hay không?!

Thử hỏi, một Giám đốc Sở, nếu không có trình độ của một chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp, thì sao có đủ kiến thức quản lý để điều hành một lĩnh vực chuyên sâu của địa phương, sao đủ năng lực để thực hiện công tác tham mưu cho cấp trên?!

Nền hành chính nước nhà sẽ đi đến đâu nếu tất cả cấp trưởng của các Cục, Vụ của Bộ/ ngành; các Giám đốc Sở của UBND tỉnh, thành… đều được dễ dãi, bỏ qua các điều kiện cần và đủ trong việc xem xét bổ nhiệm như vậy!

Ngược dòng thời gian 3 tháng trước, tại Bộ Giao thông vận tải cũng có “luỳnh xuỳnh” khi bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đây là một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải được xếp hạng như Tổng Cục, khi Bộ này quyết định đưa ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Tp HCM- tương đương với cấp Trưởng phòng, lên thẳng Cục trưởng, trong khi vị này mới chỉ là chuyên viên, thi chuyên viên chính chưa đạt nên không được xếp ngạch.

Giống như UBND tỉnh Quảng Nam, việc bổ nhiệm này trái với Quyết định số 83/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Như vậy, có thể nói rằng Bộ GTVT cũng đã bỏ qua quy định cao nhất về bổ nhiệm cán bộ, coi nhẹ những quy định tối cần thiết trong việc bổ nhiệm.

Chưa kể đến tính pháp lý của Học vị Tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Sang là do một Viện của Liên bang Nga cấp cần phải được làm rõ, do thời gian làm Tiến sĩ “thần tốc” chỉ có 2 năm (10/2006-12/2008), lại bỏ qua thời gian làm Thạc sĩ, không biết vị này học vào lúc nào, hay cũng “mua” bằng như một số quan chức sính bằng cấp mua bằng từ một số trường như Đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.. đã bị phanh phui trước đây?!

Chưa hết, vào tháng 4/2015, Bộ GTVT cũng bổ nhiệm cho Cục Hàng hải Việt Nam một Cục phó gây sự bất bình trong dư luận. Ông Nguyễn Đình Việt, lúc đó là Giám đốc một Cảng vụ hàng hải, chỉ có bằng tốt nghiệp hệ “Đại học ngắn hạn” tức là tương đương với trình độ Cao đẳng, trong khi tiêu chí bổ nhiệm Cục phó được thông báo phải là người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ở đâu khi bổ nhiệm Cục trưởng, Cục phó của Cục Hàng hải Việt Nam lại bỏ qua hết các tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản nhưng vô cùng quan trọng như vậy đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước.

Đất nước ta cần những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có tài năng thực sự, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng vì sự phát triển của đất nước, vì hiệu quả của nền hành chính nước nhà, chính các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành hơn ai hết là người chịu trách nhiệm với công tác cán bộ, và trước hết cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những quy định, quy chế trong công tác cán bộ.

30/9/2015


______________________________________

Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 2480/ĐH ngày 5/5/1992 hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ "đại học ngắn hạn" có ghi:

"Đối với các khóa tuyển sinh đại học ngắn hạn từ năm 1990 trở về trước, người tốt nghiệp sẽ được cấp một trong hai loại bằng:

- Bằng tốt nghiệp đại học do Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề phát hành trước năm 1991 có thêm một số dấu hiệu đặc biệt (Trên bìa có dấu nổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặt trong có dòng chữ "Hệ đại học ngắn hạn".

- Bằng Tốt nghiệp cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành từ năm 1991 trở đi.

Cả hai loại bằng trên có giá trị hoàn toàn như nhau".

Như vậy, Bằng "đại học ngắn hạn" tương đương với trình độ cao đẳng.

No comments:

Post a Comment