Ayn Rand * Trần Quốc Việt (danlambao) dịch - ...Hàng
đoàn người rách rưới, gầy gò, đói khát đang gắng sức vắt hết sức tàn để
làm một chuyện phi nhân là kéo những dây thừng để kéo lê những tảng đá
lớn, căng người ra như những con vật thồ hàng dưới làn mưa roi của lũ
cai, rồi đổ vật xuống tại công trường và chết vùi trong cát sa mạc - để
cho Pharaoh sau khi băng hà có thể nằm an giấc trong một kiến trúc quá
vô nghĩa để qua đó tạo ra "uy tín" bất tử trong ánh mắt của bao thế hệ
tương lai chưa chào đời...
*
Tháng 12, 1962
Lý tưởng được tuyên bố một thời giờ đây là một bộ xương tả tơi kêu lốc
khốc trong gió như ngưòi bù nhìn trên khắp thế giới, nhưng người ta
không có can đảm ngước lên nhìn để khám phá cái sọ cười nhăn nhở dưới
đống giẻ rách đẫm máu. Bộ xương đó chính là chủ nghĩa xã hội.
Cách đây năm mươi năm, có thể còn có cớ nào đấy (dù không phải sự biện
minh) cho niềm tin phổ biến rằng chủ nghĩa xã hội là một lý thuyết chính
trị xuất phát từ thiện chí và nhắm đạt đến hạnh phúc cho con người.
Ngày nay, niềm tin đó có thể không còn được xem là sự sai lầm ngây thơ.
Chủ nghĩa xã hội đã được thử áp dụng trên mỗi lục địa của địa cầu. Xét
theo hậu quả của nó, đã đến lúc ta cần nghi ngờ các động cơ của những kẻ
ủng hộ chủ nghĩa xã hội.
Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội là sự phủ nhận các quyền tư hữu cá
nhân; dưới chủ nghĩa xã hội, quyền sở hữu (nghĩa là quyền sử dụng và
chuyển nhượng) thuộc về "xã hội nói chung", tức của tập thể, còn nhà
nước, tức chính quyền, làm chủ sản xuất và phân phối.
Chủ nghĩa xã hội có thể được lập ra bằng vũ lực, như ở Liên bang Cộng
hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết - hay qua lá phiếu, như ở Đức Quốc xã. Mức
độ xã hội hoá có thể là toàn bộ như ở Nga - hay một phần như ở Anh. Về
lý thuyết, những sự khác biệt này là hời hợt; về thực tiễn, chúng chỉ là
vấn đề thời gian. Nguyên tắc cơ bản, trong tất cả các trường hợp, đều
giống nhau.
Những mục tiêu được tuyên bố của chủ nghĩa xã hội là: xoá bỏ nghèo đói,
xây dựng sự thịnh vượng chung, tiến bộ, hoà bình, và tình huynh đệ giữa
người với người. Kết quả là sự thất bại đáng ghê sợ - đáng ghê sợ, nghĩa
là, nếu mục tiêu của ta là hạnh phúc cho con người.
Thay vì thịnh vượng, chủ nghĩa xã hội đã đưa đến sự tê liệt và / hay sụp
đổ kinh tế cho tất cả các nước thử áp dụng nó. Mức độ xã hội hoá là mức
độ thảm họa. Hậu quả theo đó cũng khác nhau.
Anh, một thời từng là nước tự do nhất và tự hào nhất của Châu Âu, đã bị
tụt xuống địa vị cường quốc hạng hai và hiện đang chết chậm vì bị xuất
huyết, mất những người tài giỏi nhất trong huyết mạch kinh tế của mình:
giai cấp trung lưu và những người hành nghề chuyên môn. Những người có
khả năng, có chuyên môn, hữu ích, độc lập đang bỏ đi cả hàng ngàn người,
di dân đến Canada hay Hoa Kỳ, để tìm tự do. Họ đang thoát khỏi sự ngự
trị của tầm thường, khỏi những nhà tế bần uỷ mị nơi, sau khi bán những
quyền của mình để đổi lấy răng giả miễn phí, những người sống trong đó
đang than thở họ thà là theo cộng sản hơn là chết.
Tại các nước xã hội hoá hoàn toàn hơn, khởi đầu là nạn đói, dấu hiệu đặc
trưng báo hiệu ách cai trị xã hội chủ nghĩa - như ở Nga Xô viết, như ở
Trung Cộng, như ở Cuba. Tại những nước này, chủ nghĩa xã hội đã làm cho
dân chúng trở nên nghèo khổ không thể nào diễn tả nổi của thời kỳ tiền
công nghiệp, trở nên đói quay quắt thật sự, và còn bắt họ chịu cảnh lầm
than tù hãm.
Không, đấy không phải là "chỉ tạm thời" trong nửa thế kỷ như những kẻ
biện hộ cho chủ nghĩa xã hội hay nói. Sau bốn mươi lăm năm chỉ tiêu và
kế hoạch nhà nước, Nga vẫn không thể nào giải quyết nổi vấn đề lương
thực cho dân số mình.
Còn câu hỏi so sánh nào về năng suất và tốc độ phát triển kinh tế ưu
việt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều đã được trả lời một
lần dứt khoát, đối với tất cả những ai trung thực, qua sự khác biệt hiện
nay giữa Tây và Đông Berlin.
Thay vì hoà bình, chủ nghĩa xã hội đã thêm một loại điên cuồng ghê rợn
mới vào các mối quan hệ quốc tế - "chiến tranh lạnh", tức tình trạng
chiến tranh trường kỳ điểm nhịp với những giai đoạn hoà bình không tuyên
bố giữa những cuộc xâm lăng bất ngờ vô cớ - với Nga chiếm một phần ba
địa cầu, với các dân tộc và quốc gia xã hội chủ nghĩa xâu xé lẫn nhau,
với Ấn độ xã hội chủ nghĩa xâm lăng Goa, và Trung cộng xâm lăng Ấn độ xã
hội chủ nghĩa.
Một dấu hiệu rõ ràng của sự thối nát đạo lý trong thời đại chúng ta là
phần lớn những người theo chủ nghĩa xã hội và những người ủng hộ họ,
"những người cấp tiến", nhìn những tội ác gây ra trong các nước xã hội
chủ nghĩa với sự hài lòng vô cảm và chấp nhận chế độ cai trị bằng khủng
bố như là một lối sống - trong khi ra vẻ là những người ủng hộ "tình
huynh đệ giữa người với người". Trong thập niên những năm 1930, họ quả
thực có lên án những tội ác của Đức Quốc xã. Nhưng, rõ ràng, sự lên án
ấy không phải là vấn đề nguyên tắc, mà chỉ là sự lên án của một băng
đảng đối thủ đang đánh nhau giành cùng lãnh địa - vì chúng ta không còn
nghe giọng nói của họ nữa.
Nhân danh "lòng nhân đạo", họ bỏ qua và chấp nhận những điều sau: xoá bỏ
tất cả tự do và tất cả các quyền; sung công tất cả các tài sản; hành
hình không qua xử án, những phòng tra tấn, các trại lao động khổ sai,
tàn sát biết bao nhiêu triệu người ở Nga Xô viết - và nỗi kinh hoàng đẫm
máu Đông Berlin, kể cả những xác chết ghim đầy lỗ đạn của bao em bé ngã
gục trên đường đào thoát.
Khi ta dõi theo cơn ác mộng dệt bằng những nỗ lực tuyệt vọng của hàng
trăm ngàn người cố gắng thoát khỏi các nước xã hội hoá ở Châu Âu, phải
vượt thoát qua những hàng rào kẽm gai dưới làn đạn súng máy - ta không
còn tin rằng chủ nghĩa xã hội, dưới bất kỳ hình thức nào, xuất phát từ
thiện chí, và hình thành bởi niềm mơ ước đạt đến hạnh phúc cho con
người.
Không có người thiện chí chân chính nào có thể lẩn tránh hay làm ngơ
trước cơn ác mộng kinh hoàng lớn lao như thế trên một phạm vi bao la như
thế.
Chủ nghĩa xã hội không phải là phong trào của nhân dân. Nó là phong trào
của các trí thức, được bắt đầu, lãnh đạo và làm chủ bởi trí thức, được
họ thực hiện từ các tháp ngà mốc meo của họ vào những cánh đồng thực
tiễn đẫm máu nơi họ liên kết với những đồng minh và những người thi hành
của họ: những côn đồ.
Vậy động cơ của những trí thức như thế là gì? Dục vọng quyền lực. Dục
vọng quyền lực - là biểu hiện của bất lực, của sự ghê tởm mình, và của
khao khát những điều không tự mình kiếm được.
Khao khát những điều không tự mình kiếm được có hai khía cạnh: những
điều không tự mình kiếm được về vật chất và những điều không tự mình
kiếm được về tinh thần. (Từ "tinh thần" tôi muốn nói ở đây là ý thức của
con người.) Hai khía cạnh này có quan hệ mật thiết lẫn nhau, nhưng khao
khát của con người chỉ có thể tập trung chủ yếu vào khía cạnh nay hay
vào khía cạnh khác. Trong hai khía cạnh này khía cạnh khao khát những
điều không tự mình kiếm được về tinh thần thường huỷ diệt hơn và cũng
thối nát hơn. Đấy là khao khát sự vĩ đại không tự mình kiếm được; sự vĩ
đại này được diễn tả (nhưng không định nghĩa được) bởi cái từ mù mờ như
sương mù "uy tín".
Những kẻ mưu cầu lợi ích vật chất không tự mình kiếm được chỉ là những
ký sinh trùng tài chánh, những tay ăn xin, những tên hôi của hay những
tội phạm, những người mà quá hạn chế về số lượng và trí tuệ nên không
thể nào là mối đe doạ đối với nền văn minh, chỉ cho tới khi và trừ phi
bọn họ được thả ra và được hợp pháp hoá bởi những kẻ mưu cầu sự vĩ đại
không tự mình kiếm được.
Sự vĩ đại không tự mình kiếm được là một khái niệm rất ảo tưởng rất điên
cuồng mà kẻ hèn hạ tuy tìm nó nhưng chính hắn ta cũng không thể nhận ra
nó: nhận ra khái niệm này tức khiến nó không thể nào tồn tại. Cho nên
hắn cần những khẩu hiệu vô lý, mù mờ của chủ nghĩa vị tha và chủ nghĩa
tập thể để ban cho dục vọng vô danh của hắn một hình hài phần nào đó có
thể hợp lý rồi buộc chặc hình hài ấy vào hiện thực - để nuôi dưỡng sự tự
lừa dối của chính hắn hơn là để lừa dối những nạn nhân của hắn. "Quần
chúng", "quyền lợi quần chúng", "phục vụ quần chúng" đều là những phương
tiện, những công cụ, những quả lắc đong đưa của sự tự huyễn hoặc của
dục vọng quyền lực.
Vì không có thực thể nào như "quần chúng", vì quần chúng chỉ là một số
cá nhân, nên bất kỳ sự xung đột được tuyên bố hay ám chỉ nào giữa "quyền
lợi quần chúng" với quyền lợi riêng đều có nghĩa rằng quyền lợi của
những người nào đấy sẽ bị hy sinh cho những quyền lợi và ước muốn của
những kẻ khác. Vì khái niệm ấy rất mù mờ tiện lợi, nên cái lợi của nó
chỉ phụ thuộc vào khả năng của bất kỳ băng đảng nhất định để tuyên bố
rằng "Quần chúng là tao" (1) và khẳng định lời tuyên bố ấy ở trên đầu
ngọn súng.
Không có lời tuyên bố nào như thế đã từng hay có thể luôn luôn được
khẳng định nếu không có sự hỗ trợ của súng - tức là, nếu không dùng đến
vũ lực. Nhưng, mặt khác, nếu không có lời tuyên bố đó, những tên sát thủ
sẽ phải ở lại mãi mãi tại nơi chúng thuộc về: trong thế giới xã hội
đen, chứ không bao giờ leo lên cao tới hội đồng nhà nước để cai trị số
phận của các quốc gia.
Có hai cách tuyên bố rằng "Quần chúng là tao": một cách được thực hành
bởi ký sinh trùng vật chất thô tục kêu gào đòi chính quyền bố thí nhân
danh nhu cầu "quần chúng" rồi bỏ túi những gì hắn đã không tự mình kiếm
được; cách kia được thực hành bởi kẻ lãnh đạo của hắn, ký sinh trùng
tinh thần, tìm ảo tưởng của "sự vĩ đại" - giống như kẻ tiêu thụ đồ gian
nhận đồ ăn cắp - trong quyền lực tiêu thụ những gì y không tự mình kiếm
được và trong niềm tin huyền bí xem mình là tiếng nói đại diện của "quần
chúng".
Trong hai loại, về mặt tâm lý thì ký sinh trùng vật chất lành mạnh hơn
và gần gũi hơn với hiện thực: ít ra, hắn ăn hay mặc những thứ hắn cướp
bóc. Nhưng nguồn thoả mãn duy nhất có sẵn với ký sinh trùng tinh thần,
phương tiện duy nhất y có để tạo "uy tín" (ngoài việc ra lệnh và gieo
rắc khủng bố), là hoạt động phí phạm nhất, vô ích nhất và vô nghĩa nhất
trong tất cả các hoạt động: xây dựng những tượng đài công cộng.
Sự vĩ đại được đạt đến nhờ nỗ lực hữu ích của trí tuệ con người khi theo
đuổi những mục tiêu hợp lý được xác định rõ ràng. Nhưng hoang tuởng về
sự cao cả chỉ có thể được phục vụ bởi sự mơ tưởng mơ hồ hay thay đổi của
một tượng đài công cộng - mà được coi là quà tặng hào phóng dành cho
những nạn nhân bị cưỡng bức lao động hay bị trấn lột tiền để trả cho
tượng đài - mà được dùng để phục vụ cho tất cả mọi người nhưng không
phục vụ ai, đều do tất cả mọi người làm chủ nhưng không ai làm chủ, tất
cả mọi người đều há hốc ra nhìn nhưng không ai thấy vui.
Đây là cách duy nhất của kẻ cai trị để làm dịu nỗi ám ảnh của y: "uy
tín". Uy tín - trong mắt ai? Trong mắt của bất kỳ ai. Trong mắt của
những nạn nhân bị tra tấn của y, trong mắt của những kẻ ăn xin lang
thang trên đường phố trong vương quốc của y, trong mắt của những kẻ xu
nịnh tại triều đình của y, trong mắt những dân tộc ngoại quốc và những
kẻ cai trị họ ở bên ngoài các biên giới. Đối với tất cả những con mắt đó
- những con mắt của mọi người nhưng không của ai - tượng đài sẽ gây ấn
tượng rằng máu của nhiều thế hệ thần dân đã bị vắt cạn kiệt.
Ta có thể thấy, trong những phim thánh kinh nào đấy, một hình ảnh hiện
thực và sống động về ý nghĩa xây dựng tượng đài công cộng: xây dựng các
kim tự tháp. Hàng đoàn người rách rưới, gầy gò, đói khát đang gắng sức
vắt hết sức tàn để làm một chuyện phi nhân là kéo những dây thừng để kéo
lê những tảng đá lớn, căng người ra như những con vật thồ hàng dưới làn
mưa roi của lũ cai, rồi đổ vật xuống tại công trường và chết vùi trong
cát sa mạc - để cho Pharaoh sau khi băng hà có thể nằm an giấc trong một
kiến trúc quá vô nghĩa để qua đó tạo ra "uy tín" bất tử trong ánh mắt
của bao thế hệ tương lai chưa chào đời.
Đền đài và cung điện là những tượng đài duy nhất còn sót lại từ các nền
văn minh xa xưa của nhân loại. Những tượng đài này được tạo ra bởi cùng
phương tiện và cùng giá - một cái giá không được biện minh bởi sự thật
là những dân tộc sơ khai, dù chết vì đói lả và kiệt sức, vẫn tin tưởng
chắc chắn rằng "uy tín" của dân tộc họ, các bậc trị vì họ, hay của các
đấng thần linh họ dù sao cũng có giá trị đối với họ.
La Mã sụp đổ, bị khánh kiệt bởi bao kiểm soát và thuế khoá nhà nước,
trong khi đó những hoàng đế La Mã xây dựng những hí trường lớn. Louis
XIV của Pháp đánh thuế nhân dân quá nặng khiến họ rơi vào cảnh nghèo
đói, trong khi đó ông xây cung điện Versailles để cho các quân vương
đương thời phải trầm trồ ganh tị và để cho các du khách ngay nay đến
xem. Tàu điện ngầm Mạc tư khoa được lát bằng đá cẩm thạch, được xây nên
bởi lao động "tự nguyện" của công nhân Nga, kể cả phụ nữ, là một tượng
đài công cộng cũng như những buổi tiếp khách xa xỉ như thời Nga Sa hoàng
gồm sâm banh và trứng cá ở các toà đại sứ Xô viết, được cho là cần
thiết nhằm "duy trì uy tín của Liên Xô" trong khi ấy nhân dân đứng xếp
hàng để nhận lấy những khẩu phần thực phẩm còm cõi.
Phẩm chất ưu việt cao cả của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cho đến vài thập
niên vừa qua, chính là vẻ khiêm nhường toát lên từ các tượng đài công
cộng trên đất nước này. Những tượng đài thực sự tồn tại như thế mới
chính là tượng đài thật sự: chúng không được dựng lên vì "uy tín", nhưng
là những kiến trúc hữu ích nơi diễn ra những sự kiện có tầm quan trọng
lịch sử lớn lao. Nếu ta đã thấy nét đơn sơ tầm thường của Toà nhà khai
sinh ra Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, thì ta thấy sự khác biệt giữa sự cao
cả chân chính với những kim tự tháp của những kẻ mưu tìm uy tín "phục vụ
quần chúng".
Ở Mỹ, công sức con người và tài nguyên vật chất không bị sung công cho
các tượng đài công cộng và công trình công cộng, mà được dùng cho sự
phát triển phúc lợi riêng tư, cá nhân, cá thể của các công dân cá nhân.
Sự vĩ đại của Mỹ chính là ở sự thật những tượng đài thật sự của nước này
không phải công cộng.
Hình ảnh New York hiện ra trên đường chân trời là một tượng đài tráng lệ
mà không có kim tự tháp hay cung điện nào từng sánh bằng hay gần được
bằng. Nhưng những toà nhà chọc trời ở Mỹ không phải xây dựng từ công quỹ
cũng không phải cho mục đích công cộng: chúng được xây dựng nhờ năng
lực, sáng tạo, và tài sản của những cá nhân riêng vì lợi nhuận riêng.
Hơn nữa, thay vì đẩy người dân vào cảnh bần hàn, những toà nhà chọc trời
này, khi càng ngày càng vươn cao lên trời, thì càng nâng cao mức sống
người dân lên - kể cả những dân trong các khu ổ chuột, những người mà
sống cuộc đời xa hoa khi so sánh với đời nô lệ Ai Cập cổ đại hay đời
công nhân Xã hội Chủ nghĩa Xô viết.
Sự khác biệt như thế chính là sự khác biệt - cả về lý thuyết và thực tiễn - giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Làm sao tính hết được biết bao đau thương kiếp người, bao đớn hèn, bao
mất mát và kinh hoàng gộp lại để trả chỉ riêng cho một nhà chọc trời
được tán tụng nhiều ở Mạc tư khoa, hay trả cho những nhà máy hay các hầm
mỏ hay các đập nước, hay cho bất kỳ phần nào của nền "công nghiệp hoá"
dựa trên máu - và - của cải cướp được. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết
được một điều, đó là bốn mươi lăm năm là khoảng thời gian dài: thời gian
ấy trải dài qua hai thế hệ; chúng ta cũng thật sự biết, nhân danh sự ấm
no sung túc như đã hứa, hai thế hệ kiếp người đã sống và chết như con
vật trong cảnh nghèo khổ cùng cực; nhưng chúng ta cũng còn biết những kẻ
ủng hộ chủ nghĩa xã hội ngày nay vẫn không chờn lòng trước sự thật phủ
phàng như thế này.
Cho dù họ có thể khẳng định động cơ nào chăng nữa, từ rất lâu rồi họ đã mất quyền tuyên bố về hạnh phúc.
Ý thức hệ xã hội hoá (dưới hình thức tân-Phát xít), do xơ cứng, nên giờ
đây đang trôi nổi qua khoảng chân không của bầu khí quyển văn hoá và trí
thức. Hãy để ý chúng ta thường được yêu cầu thực hiện những "hy sinh"
mơ hồ cho những mục đích không cụ thể. Hãy để ý chính quyền hiện nay
thường hay kêu gọi "quyền lợi công chúng". Hãy để ý vấn đề uy tín quốc
tế bất ngờ trở nên nổi bật và các chính sách tự sát kỳ quặc được biện
minh khi đề cập đến vấn đề "uy tín". Hãy để ý trong vụ khủng hoảng Cuba
vừa qua - khi vấn đề thực sự có liên quan đến hỏa tiễn hạt nhân và chiến
tranh hạt nhân - các nhà ngoại giao và các nhà bình luận của chúng ta
lại thấy nên nghiêm túc cân nhắc những chuyện như "uy tín", tâm trạng
riêng và "giữ thể diện" cho vài nhà cai trị chủ nghĩa xã hội có liên
quan.
Không có sự khác biệt giữa những nguyên tắc, chính sách, và kết quả thực
tế của chủ nghĩa xã hội -với những nguyên tắc, chính sách, và kết quả
thực tế của bất kỳ chế độ áp bức tiền sử và lịch sử nào. Chủ nghĩa xã
hội chỉ là chế độ quân chủ chuyên chế dân chủ -nghĩa là, chế độ chuyên
quyền không có người đứng đầu cố định, mở ra cơ hội giành giật quyền lực
cho tất cả những ai tham gia, từ bất kỳ kẻ nào ngoi lên tàn bạo, đến kẻ
cơ hội, kẻ phiêu lưu, kẻ mị dân hay đến bọn côn đồ.
Khi ta nghĩ về chủ nghĩa xã hội, đừng tự đánh lừa mình về bản chất của
nó. Hãy nhớ rằng không có sự khác biệt hoàn toàn đối nghịch nào giữa
"nhân quyền" với "quyền sở hữu". Không có nhân quyền nào tồn tại nếu
không có quyền sở hữu. Vì của cải vật chất được tạo ra từ trí tuệ và
công sức của những con người cá nhân, và cần thiết để duy trì cuộc sống
của họ, cho nên nếu người sản xuất không sở hữu kết quả công sức của
mình thì họ cũng không sở hữu được cuộc đời của họ. Phủ nhận quyền sở
hữu là biến con người thành tài sản do nhà nước sở hữu. Bất kỳ ai tuyên
bố "quyền" được "tái phân phối" của cải do người khác tạo ra là đang
tuyên bố quyền coi con người chỉ là đồ vật.
Khi ta nghĩ về sự tàn phá toàn cầu do chủ nghĩa xã hội gây ra, biển máu
và hàng triệu nạn nhân, hãy ghi nhớ họ bị tế thần, không phải vì "lợi
ích của nhân loại" cũng không phải vì bất kỳ "lý tưởng cao quý "nào, mà
vì thói kiêu ngạo thối nát của những kẻ cầm thú sợ hãi nào đấy hay kẻ
tầm thuờng ra vẻ hơn người nào đấy khao khát ánh hào quang của sự "vĩ
đại" không tự mình kiếm được - và tượng đài cho chủ nghĩa xã hội là một
kim tự tháp của những nhà máy công cộng, rạp hát công cộng và công viên
công cộng, tất cả đều được dựng lên trền nền móng của biết bao xác
người, với hình ảnh lãnh tụ ngự trên đỉnh vừa đập tay vào ngực vừa thét
vang vào khoảng trống tối đen không trăng sao trên đầu y lời van xin "uy
tín".
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản "c'est moi".
________
Ayn Rand (1905-1982) là triết gia và nhà văn Mỹ gốc Nga nổi
tiếng với các tác phẩm văn chương mang đậm chất triết học, mà nổi bật
nhất là Fountainhead (1943) và Atlas Shrugged (1946).
Nguồn: Nguyên tác tiếng Anh "The Monument Builders" từ tác phẩm Đức tính của Ích kỷ của Ayn Rand, trang 86-91, nhà xuất bản Signet, Hoa kỳ, tái bản năm 1964.
Chuyển ngữ:
No comments:
Post a Comment