Trở Về Trang chính

Wednesday, December 3, 2014

Làm đơn xin trả còng cho công an

Sau hơn 11 năm giữ cái còng như giữ của, đương sự mỏi mệt nên xin trả lại còng.

Ngày 26-11, bà Phạm Thị Ánh Nga, ngụ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) gửi đơn tới các cơ quan chức năng xin “giải quyết” chiếc còng số 8 mà gia đình bà đã “tạm giữ” của Công an huyện Hàm Thuận Nam hơn 11 năm qua.

Bà Nga là một trong những người bị cưỡng chế thu hồi đất khi mở rộng đường của con đường Hàm Minh - Thuận Quý dài 17 km nhưng không được bồi thường, không có quyết định thu hồi đất, không thông báo di dời, giải tỏa (báo Pháp Luật TP.HCM năm 2003 đã có bài phản ánh).

Lúc đó đoàn cưỡng chế của chính quyền đến cưỡng chế, đổ đất lấp đám ruộng lúa chín sắp gặt của gia đình bà Nga, gia đình phản đối. Đoàn cưỡng chế đã bắt nhiều người, trong đó chị bà Nga bị còng tay, áp giải về trụ sở xã. Lợi dụng sơ hở, chị bà Nga mang cả cái còng số 8 trên tay chạy ra quốc lộ 1 đón xe đến TP Phan Thiết nhờ mở còng và trình báo với các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Bình Thuận. Từ đó gia đình bà Nga giữ chiếc còng để làm bằng chứng cho việc còng bậy cũng như việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi đất mà không được bồi thường.

Sau hơn hai năm khiếu nại, tháng 11-2005, chủ tịch tỉnh Bình Thuận có kết luận khẳng định các cơ quan chức năng chưa bồi thường cho dân là sai. Xã Hàm Minh và UBND huyện Hàm Thuận Nam nóng vội, chủ quan dẫn đến việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính không đúng… Từ đó chủ tịch tỉnh chỉ đạo kiểm điểm các ngành có liên quan và yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức xin lỗi gia đình bà Nga.

Giữ chiếc còng của công an, gia đình bà Nga 
xem nó như của nợ. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sau đó huyện Hàm Thuận Nam tổ chức đoàn liên ngành đến xin lỗi và gia đình yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý những người ra lệnh bắt giam, còng người. Tháng 3-2006, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát và giám đốc công an tỉnh, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã thành lập đoàn đến xin lỗi gia đình bà Nga, đồng thời xin lại còng số 8. Thế nhưng gia đình bà không đồng ý trả lại chiếc còng vì yêu cầu “xử lý những người làm sai trước pháp luật” vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.

Theo gia đình bà Nga, sau khi công an huyện đến xin lỗi thì không thấy ai đề cập đến chiếc còng số 8 (có mã số H14-H18 KC98) mà gia đình đang giữ nữa.

Theo bà Nga, từ lúc giữ chiếc còng của công an, gia đình bà giữ nó còn hơn giữ của! Thỉnh thoảng phải lấy ra lau chùi vì sợ hư hỏng. “Có hôm nhà tôi quên đóng cửa sau, sáng ra thấy cửa mở, cả nhà đã nháo nhào chạy đến chỗ giấu còng kiểm tra vì sợ mất còng sẽ chuốc thêm rắc rối… Gia đình giữ cái còng hơn 11 năm qua như giữ của nợ!” - bà Nga nói.

Ngày 28-11, trao đổi với PV, Thượng tá Trần Văn Mười, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: Đơn yêu cầu xử lý những người làm sai của bà Nga đã được UBND huyện trả lời nhiều lần rồi. Và ông đề nghị chúng tôi liên lạc bên UBND huyện để nắm nội dung và ông không đề cập gì đến chuyện xử phạt gia đình bà Nga về chuyện chiếm giữ còng.

Liên lạc với ông Võ Văn Thọ, Chánh Văn phòng UBND huyện Hàm Thuận Nam, ông Thọ nói: Việc của gia đình bà Nga cả huyện và tỉnh đã nhiều lần trả lời. Còn chuyện trả còng, gia đình bà Nga cứ liên hệ với công an huyện để làm thủ tục trả lại.

Liên quan đến dự án làm đường trên, tháng 11-2003, Công an xã Hàm Minh cũng còng anh Nguyễn Văn Tho. Trên đường áp giải về trụ sở xã, anh Tho bỏ chạy và đón xe đến tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM kêu cứu. Sau đó anh đến trình diện một đơn vị công an nhờ mở còng và tố cáo công an xã còng bậy. Giữ cái còng gần chục năm, tháng 12-2013 anh Tho đã mang chiếc còng trả lại cho Công an tỉnh Bình Thuận.

Phải trả còng ở đâu?

Theo Điều 11 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người dân phải khai báo, giao nộp công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất trong các trường hợp: họ không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào; phát hiện, thu nhặt được.

Nghị định 167/2013 quy định người nào không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng. Đối với người được giao quản lý công cụ hỗ trợ mà làm mất, sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.



No comments:

Post a Comment