Trở Về Trang chính

Tuesday, November 4, 2014

VẤN ĐỀ LÀ CẦN CÓ LÃNH ĐẠO và PHẢI LÀ LÃNH ĐẠO TỐT

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại. Ông chết đi để lại một khoảng trống lãnh đạo, tức là đất nưóc không có lãnh đạo. Nói rõ hơn, quyền lãnh đạo quốc gia đã bị ngoại bang chiếm đoạt. Đây không phải là nhận định của người viết, mà là một thực tai lịch sử, trải nghiệm từ trong nước ra đến hải ngoại với các cộng đồng của người VN tỵ nạn cộng sản.
Nhân tưởng niệm lần thứ 51 ngày TT Ngô đình Diệm bị sát hại 2-11-2014, chúng tôi muốn nói đến thực tại lịch sử này.
Tưởng niệm cố TT Ngô Đình Diệm thì tất nhiên là nên nói đến thân thế, sự nghiệp, công ơn của ông đối với đất nước. Cũng nên đặt ra vấn đề tại sao ông bị thảm sát, ai đã có cái dã tâm sát hạt một người yêu nước như ông, và người ta sát hại ông vì lý do gì. "Ông Ngô đình Diệm là một người yêu nước, nhưng theo cách của ông ta". Hồ Chí Minh, đối thủ của ông Diệm đã thốt ra câu nói đó sau khi nghe tin ông Diệm bị bọn tướng tá đưọc Mỹ thuê mướn hạ sát. TT Diệm bị giết vì ông quyết tâm bảo vệ chủ quyền Quốc Gia như chúng tôi đã chứng minh qua bài viết "Nguyên Nhân cái chết của TT Ngô Đình Diệm". Thông qua công cụ là lũ tướng tá bất nhân và phản bội, chính quyền Mỹ Kennedy quyết tâm giết chết Tổng Thống VNCH để đoạt quyềnh lãnh đạo cuộc chiến đấu cống cộng của nhân dân VN. Về phần Hồ Chí Minh, mặc dù Hồ luôn có dã tâm đánh chiếm miền Nam, điêu đó không ai có thể phủ nhận, nhưng nếu giả sử quân đội miền Bắc thắng miền Nam, bắt được TT Diệm trong khi ông còn sống, thì theo thiển kiến của chúng tôi, Hồ Chí Minh sẽ không giết TT Diệm. Vì giết một đối thủ được thế giới kính nể đã bị ngã ngựa là một hành vi hèn, bỉ ổi, một quyết định chính trị thất sách và vô cùng tai hại. Khôn ngoan và thủ đoạn như Hồ chẳng bao giờ tên cái già này làm như thế. Nhưng Mỹ thì trái lại, vì tính chất duy lợi của chủ nghĩa tư bản, cái gì Mỹ cũng có thể làm được và dám làm. Xin được mở một cái dấu ngoặc. Đây chỉ là sự suy đoán về một sự kiện không xẩy ra, dựa trên tính toán lợi hại có tính cá nhân của những người làm chính trị, chứ không phải chúng tôi có ý ca tụng Hồ Chí Minh.
Chuyện về TT Diệm thì tràng giang đại hải. Hàng núi bài vở, hàng kho sách báo bằng đủ mọi thứ tiếng đã viết về ông. Quí độc giả hẳn đã nhiều lần đọc qua và nghe qua. Trong một bài viết ngắn ngủi, thật sự chúng tôi không thể nào trình bầy hết được. Chúng tôi không phải là người làm biên khảo, nên xin được hạn chế nêu ra những con số cụ thể làm bằng chứng. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một cách khái quát, cái khía cạnh mà hầu như không được mấy người chú ý tới, hoặc chú ý mà không đúng mức. Nhưng theo chúng tôi nghĩ, đó là một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong vấn đề TT Ngô Đình Diệm bị sát hại.
Trước hết, chúng ta cùng đi tìm sư thỏa thuận về một khái niệm chung cho 2 chữ lãnh đạo và người lãnh đạo cái đã. Lãnh đạo là gì? Tìm trong các từ điển, chữ lãnh đạo, định nghĩa rất đơn giản của nó là người đi trước để dẫn đường. Như vậy thì chẳng hạn một tên giao liên của VC có phải là lãnh đạo không? Khi một đơn vị VC xâm nhập vào một khu vực lạ, chúng phải có giao liên hướng dẫn. Tên giao liên đi trước dẫn đường, nhưng không thể nói được y là người lãnh đạo đoàn quân. Như vậy, lãnh đạo còn phải là một cái gì quan trọng hơn là dẫn đường. Lãnh đạo nôm na là dẫn đường, nhưng dẫn đường cũng có ba bẩy loại dẫn đường. Người lãnh đạo theo thiển ý, đòi hỏi phải có những điều kiện tối thiểu là: TƯ CÁCH, ĐẠO ĐỨC, và VẠCH RA ĐƯỜNG LỐI để dẫn người theo mình để đi cho đến nơi đến chốn. TƯ CÁCH, theo quan niệm VN là ăn ở sao cho vừa lòng mọi người, được mọi người kính trọng và quí mến. Triết lý hơn một chút, con người có tư cách là con ngưòi biết giữ các đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín với người khác. Còn ĐẠO ĐỨC, nói một cách đơn giản là có lòng nhân hậu đối với nhân quần xã hội, không làm những gì trái với luân thường đạo lý. Về ĐƯỜNG LỐI, Người lãnh đạo cần phải biết đề ra đường lối thích hợp và khả thi để hướng dẫn người khác đi theo mình tới đích. Đây là yếu tố rất quan trọng trong vấn đề lãnh đạo.
Đồng thuận với nhau những khái niệm cơ bản trên, bây giờ chúng ta thử áp dụng và tìm hiểu xem đất nước của chúng ta, trong thời gian qua có được lãnh đạo không và được lãnh đạo như thế nào.
Nội dung bài viết của chúng tôi xin được giới hạn về một khoảng thời gian và không gian nhất định. Chúng tôi muốn đề cập đến việc lãnh đạo đất nước VN chúng ta dưới các chế độ CS và VNCH. Và thêm vào đó, chúng tôi sẽ đề cập đến cộng đồng người Việt tỵ nạn hiện nay và chuyện lãnh đạo cộng đồng tại hải ngoại.
I. Sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh tại miền Bắc từ năm 1954 và hiện nay.
Nói về vấn đề lãnh đạo của TT Ngô Đình Diệm mà không đề cập đến việc lãnh đạo miền Bắc của Hồ Chí Minh để đối chiếu và so sánh thì là một thiếu sót lớn. Sau khi miền Nam rơi vào tay quân xâm lược miền Bắc thì người miền Nam được nghe nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn như có người miền Bắc nghe người dân trong miền Nam bị chế độ Mỹ Diệm bóc lột thậm tệ. Vừa nghe tin miền Nam được "giải phóng", ông Bắc Kỳ liền tất bật mò vô Nam thăm thân nhân di cư trong đó năm 1954. Ông mang theo vài ba ký gạo, mấy cái chén bát ăn cơm, nắm muối mè, đem vô để giúp người bà con khổ sở vì bị bóc lột. Vô đến nơi đứng trước địa chỉ muốm tìm mà e ngại không dám gõ cửa, vì ngôi nhà quá khang trang và lịch sự. Bước vô trong nhà rồi, ông không dám mở gói quà biếu vì cảm thấy mắc cỡ vô cùng. Lúc đó ông mới nhận ra rằng, lâu nay mình bị tuyên truyền lừa gạt một cách phũ phàng mà không hay. Ông cảm thấy quá ê chề và chua xót…. Rất nhiều câu chuyện truyền tụng như thế. Và câu chuyện điển hình nhất được nhà văn nữ Dương Thu Hương viết lại là chính bà khi vào đến Saigon, bà đã phải ngồi thụp xuống lề đường mà khóc vì cái trò giải phóng thô bạo, bỉ ổi của chính mình và của cái chế độ của mình do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Những câu chuyện cười ra nước mắt như trên nói lên cái bản chất bịp bợm của chế độ mà người lãnh đạo là Hồ Chí Minh. Chúng ta có thế đặt ra câu hỏi, là như thế thì ở miền Bắc có lãnh đạo không? Xin thưa có, nhưng sự lãnh đạo của Hồ nó đã thiếu tất cả ba yếu tố mà chúng tôi nêu ở trên. Thứ nhất, Hồ chí Minh không có tư cách của một con người, hay gọi là nhân cách. Chúng ta hãy đọc một đoạn Hồ Chí Minh khen Hồ Chí Minh dưới cái tên Trần Dân Tiên sau đây: "Nhân dân mong đợi cụ Hồ Chí Minh. Mặc dù đang ốm, cụ Hồ quyết định về với nhân dân thủ đô …. cảm động hơn cả là khi nhân dân thấy chủ tịch HCM đến, người mà nhân dân hằng yêu mến, khâm phục, và kính trọng … nhân dân thấy chủ tịch giản dị, thân mật như một người cha hiền về với đám con… Không có gì so sánh được với lòng dân VN kính mến, tin tưởng lãnh tụ HCM. Nhiều nhà báo và người ngoại quốc rất ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân VN đối với vị cha già HCM …" Quí bạn đọc xưa nay chắc chưa thấy có ai tự khen mình một cách trơ trẽn và lố bịch như thế bao giờ? Được người khác khen một cách quá đáng, người có tư cách cũng còn thấy đỏ mặt? Nhưng Hồ Chí Minh làm được. Đấy là tư cách của con người của Hồ Chí Minh.
Về đạo đức của HCM, chúng tôi cũng xin khỏi phải nói dài dòng. Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc giữa thập niên 1950 đã nói lên đầy đủ bản chất dã thú, ác độc của Hồ và đồng bọn. Bà Cát Hanh Long, một người có công với bè lũ Hồ Chí Minh như thế mà Hồ cũng vẫn đem bắn bỏ. Qua 5 đợt đấu tố trong cải Cách ruộng đất, có khoảng 15.000 người bị giết chết theo con số ước tính của tuần báo Time ngày 1-7-1957. Ước tính trong đó có đến 74% là bị qui oan. Những người bị giết oan thường không phải bằng một phát súng, hay một nhát chém, mà bằng cách chôn sống để ló cái đầu trên mặt đất, rồi cho trâu kéo để cái lưỡi cầy xớt đứt cổ nạn nhân. Thật là rùng rợn. Có người bị treo lộn ngược đầu chân rồi đem phơi ngoài nắng cho đến chết. Có người bị tùng xẻo, nghĩa là lạng từng miếng thịt cho đến khi chỉ còn lại bộ xương. Còn rất nhiều cách giết địa chủ tàn ác khác nữa.
Mặt khác nữa về đạo đức của Hồ, chúng ta không thể không kể đến cuộc đời tình ái của hắn. Ít nữa theo sử sách còn để lại thì Hồ đã có đến 5 người vợ. Người vợ bất hạnh nhất của Hồ là nàng Nông Thị Xuân. Người con gái dân tộc này bị hắn chơi đã rồi chuyền tay cho tên Bộ Trưởng công an là Trần Quốc Hoàn. Hoàn chơi đã rồi thủ tiêu cô Xuân bằng một tai nạn xe hơi. Đạo đức của một con người như thế mà tên đặc công đỏ Bùi Tín vẫn còn ca tụng được. Bùi Tín viết: "Cá nhân tôi kính trọng ông Hồ Chí Minh. Đây chính là con người thẳng thắn, lương thiện, sống rất giản dị, yêu thích trẻ con, và dễ gần gũi với những người hèn mọn nhất. Tôi cực lực bác bỏ giả thuyết cho rằng đó chỉ là cái tài đóng kịch của ông".
Nhìn vào tất cả các mặt trong đời sống của người dân VN hiện nay, người ta mới thấy được sự sai lầm tai hại về đường lối lãnh đạo đất nước của Hồ Chí Minh. Nếu không nêu ra những kết quả sai lầm của đường lối, chúng ta không thể kết luận được. Chúng tôi xin nêu ra một vài khía cạnh đáng quan tâm hơn cả.
- Thứ nhất, về kinh tế, xã hội - Qua các đợt cải cách ruộng đất, đổi tiền, đánh tư sản, thành lập hợp tác xã, người dân VN càng ngày càng nghèo đi. Nhưng có một hiện tượng trái ngược là các đảng viên và bọn ăn theo càng ngày càng giầu có. VC triệt hạ giai cấp tư sản để đảng biến thành giai cấp tư bản ăn trên ngồi trốc, bóc lột nhân dân. Đừng tưởng VN ngày nay có nhiều khách sạn sang trọng, building nhiều tầng, đường xá rộng rãi thênh thang mà vội mừng. Dân ai dư tiền đi ngủ khách sạn, ai có tiền mua nhà sang để ở, ai có khả năng sắm xe hơi để chạy. Tất cả là của các công ty phần lớn là Ba Tầu, và các ông chủ đảng viên. 95% dân số VN hiện nay vẫn ngày ngày đối mặt với ruộng đồng, hoặc quần quật trong nhà máy từ 12 tới 17 tiếng mà vẫn không đủ ăn.
- Thứ hai, về văn hóa và giáo dục học đường - Con nít VN ngày nay, 5, 6 tuổi đã ngồi vắt vẻo điếu thuốc gắn trên môi, 14, 15 tuổi đã có kinh nghiệm về sex. Các nhà tư bản Mỹ làm giầu là nhờ sáng kiến và biết nắm cơ hội. Trong khi bọn tư bản mới nổi tại VN làm giầu dựa vào mánh mung và lừa đảo. Con người sống với nhau bằng dối trá và lừa đảo. Đạo đức suy đồi cùng cực. Tất cả là để có tiền và vì đồng tiền. Có tiền rồi người ta khoe của, mua bằng cấp để vênh vang tiến sĩ này, thạc sĩ nọ, xây dinh thự cho thật đẹp, thật khang trang mỹ lệ, có ngôi biệt thư dát vàng, sắm xe thật sang, đeo vàng đầy người. Không biết bọn này chúng nghĩ sao khi nhìn thấy những em bé rách rưới nhặt từng hạt cơn rơi trên đường.
Sự việc một con người vô tư cách, thiếu đạo đức, và nhất là thi hành một đường lối lãnh đạo phi dân tộc như Hồ Chí Minh, thì cái đại họa mất nước xẩy đến là đương nhiên. Ngày nay, con đường lãnh đạo phi dân tộc của Hồ đã bị phơi bầy ra rõ ràng không thể chối cãi. Hồ viết trên tờ Người Cùng Khổ khẳng định rằng các dân tộc Đông Dương không có tổ quốc. Hắn trở thành một cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế CS, ăn lương của Liên Sô làm công tác Bolshevik hóa Đông Dương. Nhiều người lầm cho rằng Hồ Chí Minh là cán bộ của Liên Sô, không phải chỉ có thế, hắn còn tự nhận mình là một anh ba Tầu 100%. Trong bản báo cáo đầu tiên của Hồ ghi ngày 18-12-1924, sau một tháng có mặt tại Quảng Châu, cuối bản báo cáo Hồ xác nhận: "Trong lúc này, , tôi là một người Trung Quốc, chứ không phải là một người VN, và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc". Từ đó cho chúng ta thấy, Hồ Chí Minh manh tâm bán nước cho Tầu từ lâu rồi chứ không phải bây giờ đám đàn em của hắn mới bán nước.
Dưới sự cai trị của Hồ, VN có lãnh đạo, nhưng là một sự lãnh đạo tiêu cực. Theo toán học, nó mang dấu âm (-), tức ngược chiều với đi lên, hay gọi là thoái hóa. Hồ chí Minh là một con người vô tư cách và vô đạo đức, hắn lãnh đạo đất nước dựa trên một lý thuyết sai lầm là lý thuyết Marxit, dùng đấu tranh giai cấp làm phương pháp để thực hiện lý thuyết này, nên đất nước mới bị tan hoang vô phương cứu chữa như hiện nay. VN mất nước rơi vào vòng nô lệ ngoại bang là chuyện đương nhiên.
II. Việc lãnh đạo đất nước thời VNCH
Sau khi TT Diệm bị hạ sát, TT Tưởng Giới Thạch chua chát tiếc cho số phận VN, ông nói: Một trăm năm sau, VN chưa có được Ngô Đình Diệm thứ hai. Còn Võ Nguyên Giáp thì vui mừng hí hửng: Không ngờ mà thằng Mỹ ngu đến thế, chúng lại thay ngựa giữa đường.
Luận về tài năng của một người mà không trình bầy những thành công và thất bại của người đó ra mà cân nhắc thì thật là một điều thiếu sót. Về khả năng lãnh đạo của TT Ngô đình Diệm, thật sự cho đến bây giờ, người ta khen ông nhiều hơn là chê ông. Ông là một con người đáng lẽ nên là một nhà tu hành, nhưng lại sa chân vào lãnh vực chính trị. Điều này có nghĩa là tư cách và đạo đức của TT Diệm khó có ai chê được. Cả những kẻ ghét ông nhất cũng không moi được cái gì xấu xa quá đáng về tư cách và đạo đức của ông để phản bác hoặc chê trách ông. TT Diệm là một con người khiêm tốn, sống khổ hạnh như một nhà tu hành, không vợ con. Thời gian bôn ba, ông ở trong tu viện nhiều hơn là ở nhà. Cuộc sống rất thanh bạch và giản dị, bữa ăn không quá ba món mà toàn những thức ăn quê mùa, ngủ trên một tấm sập gỗ trải chiếu, không có nệm. Ngay thời gian làm TT, quần áo cũng không quá 4 bộ. Ông tự giặt giũ lấy những đồ lót của mình. Về lòng nhân của TT Diệm, người ta không thể nào không kể đến sự kiện hai người muốn giết ông đều được ông tha mạng và được đối xử rất tử tế. Đó là trường hợp tên VC Hà Minh Trí ám sát ông trong dịp ông đi kinh lý Ban Mê Thuột năm 1956, và người nữa là trung tá không quân Nguyễn Văn Cử, kẻ đã thả bom dinh Độc Lập năm 1972. Có một số cáo buộc TT Diệm thủ tiêu người này người nọ, hay động trời hơn nữa, TT Diệm giao mật lệnh cho ông đại úy không quân Nguyễn Như Đường nào đó, đêm 5-10-1963 lái máy bay ra biển để thả bom đánh chìm tầu hải quân HQ 401 chở tù ra Côn Đảo để giết tất cả đám tù này. Tất cả những lời cáo buộc này đều không trưng được bằng cớ xác thực và đủ thuyết phục. Trái lại còn mang đầy dẫy những dấu ấn ngụy tạo để đổ tội cho TT Diệm. Một con người có lòng nhân đạo không giết hoặc hành hạ những kẻ mưu toan giết mình, lại đi giết lén người khác thì liệu có tin được không?
Vê đường lối trị quốc, tài kinh bang tế thế của TT Ngô Đình Diệm được thể hiện ở rất nhiều lãnh vực. Trước hết phải nói là một thành công vượt bực, việc ông định cư được hơn một triệu người di cư từ Bắc vô Nam lánh nạn CS năm 1954. Ông dẹp yên được các giáo phái sứ quân tại miền Nam và thống nhất được Quân Đội Quốc Gia. Ông thiết lập bang giao với hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Ông xây dựng một nền hành chánh quốc gia có qui củ. Ông đặt nền móng cho một nền giáo dục khai phóng và nhân bản để đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông thiết lập các khu dinh điền và khu trù mật làm phồn thịnh khu vực nông thôn miền Nam. Ông cấm Ba Tầu làm 11 nghề để tránh mấy anh Ba thao túng và làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia. Quốc sách Ấp Chiến Lược của ông đem lại an ninh cho dân chúng miền Nam. Ông xây dựng những nhà máy làm cơ sở cho công cuộc phát triển đất nước như các nhà máy ximăng Hà Tiên-Thủ Đức, nhà máy giấy Cogido, các nhà máy dệt Vinatexco và Vimitex, nhà máy thủy tinh, nhà máy đường Hiệp Hòa v.v. Trong vỏn vẹn có 9 năm cầm quyền, vừa xây dựng trên một đống tro tàn đổ nát, lại vừa bị CS phá hoại mà đem lại được một thành tựu như vậy không phải là quá sức tưởng tượng đối với một người bình thường sao?
Trong chủ trương và đường lối của TT Diệm, có 3 vấn đề mà bọn người thù ghét ông, bọn VC giả dạng thầy chùa, bọn trí thức xôi thịt nhắm vào công kích ông, thứ nhất là TT Diệm phản bội lại bạn bè thuở hàn vi, thứ hai là ông độc tài gia đình trị, và thứ ba ông thiên vị công giáo và kỳ thị Phật giáo.
- Thứ nhất, TT Ngô Đình Diệm hại bàn bè - Điển hình là gia đình nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Việc tự tử của nhà văn này không do TT Diệm gây ra, mà ông Nhất Linh tự ý đi tìm cái chết để tránh phải đối chất trước tòa với đàn em của ông về việc ông đã tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 của nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy. TT Diệm có tìm cách để giúp đỡ bà quả phụ nhà văn Nguyễn Tường Long, em của Nhất Long chết vì bệnh tim tại Hương Cảng năm 1946.
- Thứ hai, TT Diệm độc tài, gia đình trị - Chuyện này thì chỉ là vu cáo ác ý và có mưu đồ, bởi vì các anh em của TT Diệm không có ai giữ chức vụ gì chính thức trong guồng máy quốc gia. Do đó họ thực sự không có một hành động hoặc quyết định gì ảnh hướng đến vấn đề lãnh đạo. Có hai lý do đưa đến lời tố cáo này. một, TT Diệm là một con người cứng rắn, khi đã quyết định rồi thì rất bảo thủ ý kiến, dù ý kiến của ông đại sứ Hoa Kỳ ông cũng gạt phăng, vì thế ông bị tố cáo là độc tài. Hai là vì có những chức sắc trong chính phủ hay quân đội tỏ ra khiếp nhược, xun xoe, và bợ đỡ những người trong gia đình Tổng Thống một cách quá đáng, chẳng hạn tướng Tôn Thất Đính qùi tháo giầy cho ông Ngô Đình Luyện. Nhất là bà Ngô Đình Nhu là một con người quá ngay thẳng và bộc trực. Hiện tượng này làm ngứa mắt những người tự trọng. Những kẻ thù địch với chế độ và TT Diệm lợi dụng để tung ra những lời tố cáo.
- Thứ ba, TT Diệm thiên vị công giáo, kỳ thị và đàn áp Phật giáo - Đây là một luận điệu hoàn toàn bịa đặt và vu khống. Lời tố cáo TT Diệm đàn áp Phật Giáo là một đòn nặng nề nhất do đám sư sãi VC Ấn Quang đưa ra để triệt hạ cho bằng được TT Diệm và chế độ của ông. TT Ngô Đình Diệm có đàn áp Phật Giáo hay không thì thiết tướng báo cáo của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc tưởng đã quá đủ để trả lời cho vấn đề. Về chuyện TT Ngô Đình Diệm ưu ái hay kỳ thị tôn giáo này, tôn giáo nọ, thì chúng tôi chỉ nhắc lại một cách tổng quát những chứng liệu được ghi trên sách vở và các bài viết đầy dẫy trên báo chí. Cụ Mai Thọ Truyền Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, một số nhà sư thuộc phái Ấn Quang xác nhận, trong những năm cầm quyền của TT Ngô Đình Diệm, Phật Giáo VN được phát triển chưa từng thấy, chùa chiền được trùng tu và xây cất rất nhiều do chính Tổng Tống hoặc chính quyền tài trợ, nhiều tu sĩ Phật Giáo được chính quyền cho đi du học, việc mở trường học và làm Phật sự được hoàn toàn tự do…. Trong khi đó công giáo không được hưởng những sự giúp đỡ như thế. Nếu có là do các giáo hội Tây Phương giúp đỡ mà không phải do chính quyền của TT Ngô Đình Diệm. Cần công tâm thừa nhận rằng, TT Diệm trị quốc theo tinh thần gia chủ nên chính quyền của ông đẻ ra nhiều loại người bợ đỡ, xu nịnh, trong gia đình thì quá coi trọng quyền huynh thế phục, nên đã để cho Đức cha Ngô Đình Thục ảnh hướng nhiều vào lãnh vực chính trị, từ đó dung túng cho một số chức quyền và con buôn qua mặt làm bậy. Đó là những lỗi lầm tệ hại nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chính sách và đường lối cai trị của TT Ngô Đình Diệm xuất phát từ lý thuyết Nhân Vị. Lý thuyết này lấy con người làm cứu cánh để phục vụ. Nó ngược hẳn lại với lý thuyết Marxit phủ nhận những giá trị nhân bản và quyền lợi của con người để phục vụ tập thể, cụ thể là đảng cộng sản mang cái nhãn hiệu giai cấp công nhân. Chính vì thế 9 năm cầm quyền của TT Diệm là 9 năm người dân VNCH được sống trong thanh bình, thịnh vượng, và đất nước phát triển. Mặc dù luôn luôn bị VC khuấy đảo, nhưng đà tiến triển của VNCH thời đó không thua, và còn có thể nói là vượt trên nhiều quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á Châu và trên thế giới. Khi TT Diệm bị sát hại và Chính Thể Đệ I VNCH bị lật đổ thì cả thế giới bàng hoàng thương tiếc, từ TT Tưởng Giới Thạch của Đài Loan đến TT Nerhu của Ấn Độ, đến TT Sukarno của Indonesia v.v. đều phải bàng hoàng và sững sờ. Cả đến những kẻ thù của ông cũng vậy. Hồ Chí Minh tuyên bố: Ông Diệm là người yêu nước dù là theo cách riêng của ông.Mao Trạch Đông đưa ra một lời bình phẩm rất chính xác trong khi tiếp kiến một phái đoàn dân biểu Pháp thăm Bắc Kinh: Tại sao lại phải giết hai người ái quốc của miền Nam VN? Rồi lấy ai để thay thế họ? Tướng VC Trần Văn Trà phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng nói với ký giả Wilfred Burchett: Dù phạm nhiều lỗi lầm, nhưng ông Diệm đã thành công trong suốt 9 năm cầm quyền, duy trì được một quân lực, một hệ thống hành chánh, và ngay cả một bộ máy chính trị vững mạnh. Người em của ông, dù nổi tiếng vô địch chống cộng, nhưng bị người Mỹ coi là cứng đầu, hoặc như ngựa bất kham, lúc nào cũng cứng đầu nói không khi người Mỹ ra lệnh, nhất là vào thời gian cuối.
Trong bài viết của tôi "Nguyên nhân cái chết của TT Diệm" tôi đã chứng minh người Mỹ dùng tay sai là nhón tướng tá tham tiền và phản bội giết TT Ngô Đình Diệm. Chủ trương của Mỹ là dành quyền lãnh đạo cuộc chiến theo đường lối vụ lợi của tư bản Mỹ. TT Ngô Đình Diệm chết đi, VNCH đã mất chủ quyền, chỉ còn điều hành mà không còn lãnh đạo. Sau khi TT Diệm bị lật đổ, về hình thức, tuy chính quyền VNCH vẫn còn tồn tại nhưng không còn ai thực sự lãnh đạo quốc gia, kể cả TT Nguyễn Văn Thiệu. Người Mỹ điều hành cuộc chiến đấu chống cộng bằng cách viện trợ cho VNCH, số viện trợ và quân viện co thắt, ít nhiều, làm sao cho phù hợp với từng giai đoạn theo kế hoạch đi đêm của họ với thế giới CS, cụ thể là Tầu cộng. TT Nguyễn Văn Thiệu đã không hiểu chuyện đó. Ông tin vào người Mỹ không bỏ miền Nam, và cuối cùng khi biết ra thì đã quá muộn.
Điều sai lầm lớn nhất của cuộc chính biến ngày 2-11-1963 là người ta đã triệt hạ biểu tượng của sự lãnh đạo đất nước. TT Diệm không phải là ông thánh, nhưng ông là nguời yêu nước, ông quyết tâm giữ vững chủ quyền quốc gia, ông có nhiệt huyết kiến tạo một đất nước có trật tự, tự do, dân chủ và phú cường. Chế độ của ông không phải là một chế độ hoàn hảo, nhưng là một chế độ tốt đẹp nhất, ít nữa là trong vòng một thế kỷ qua. Giết ông đi, người ta đã tiêu diệt luôn những lợi thế vừa nói. Giả sử TT Diệm có tội, ngưòi ta nên đem ông ra tòa án. Nếu tội đáng chém đầu, nên đưa ông ra trước pháp trường cát bắt ông phải đền tội một cách công khai. Đó mới là cách bảo toàn quyền lãnh đạo của đất nước. Ngày 2-11-1963, TT Diệm đã nạp mình cho bọn tướng lãnh, bọn khốn nạn này đã dấm dúi giết chết ông một cách vô cùng hèn hạ, và giết chết cả dân tộc VN. Giá bọn côn đồ này không nhận túi bạc của người Mỹ ban cho, và ít năm sau đó, những ông thầy chùa Ấn Quang không cung thỉnh bọn xâm lược vào Saigon thì ngày nay chúng còn có cơ may gỡ tội được. Nhưng lịch sử là lịch sử. Không ai thay đổi được lịch sử.
III. Vấn đề lãnh đạo trong các cộng đồng tỵ nạn
Từ sau khi TT Diệm bị giết, người dân VNCH đã bị mất quyền lãnh đạo đất nước. Chạy ra nước ngoài tránh nạn CS, người tỵ nạn không còn lãnh đạo là hệ quả tất yếu của việc đất nước mất lãnh đạo nói chung, cụ thể là việc TT Ngô Đình Diệm bị giết. Chuyện này rõ ràng như ban ngày, không có gì phải thắc mắc nữa. Đáng lý ra, những ông lớn của ta khi chạy ra nước ngoài phải nghĩ ngay đến việc qui tụ cộng đồng về một mối, đoàn kết mọi người lại, vì lúc đó, thân phận tỵ nạn, tình trạng xa quê hương, và nhất là mối hờn vong quốc là sợi giây hữu hiệu và bền chặt nhất để gắn bó mọi người lại với nhau, và dễ dàng để đặt ra vấn đề lãnh đạo lúc đó. Nhưng tiếc thay, thay vì đặt căn bản là đoàn kết cộng đồng để lo cho tương lai, thì người ta lại vội vàng làm một bước nhẩy vọt là tổ chức "Kháng chiến". Chiến đấu với kẻ thù hung hãn đang say men chiến thắng, mình đủ cân lượng sao? Hậu phương là một khối tỵ nạn trên răng dưới củ lấy gì để yểm trợ cho việc đem quân về nước, mà quân quốc ở đâu mà đem về? Nước Mỹ ư? Bọn tư bản man rợ Mỹ đã cố tâm trừ khử VNCH, bây giờ họ giúp chúng ta sao? Chuyện "kháng chiến" rõ ràng hoặc là quá sức ngu muội, hoặc là cố tình bịp bợm. Cũng chỉ tại vì không có óc lãnh đạo!
Còn như bây giờ mà đi tìm vấn đề lãnh đạo cộng đồng là chuyện mò kim dưới đáy biển, không được nữa rồi. Bây giờ người tỵ nạn, cá nhân chống cá nhân, đoàn thể chống đoàn thể, tổ chức chống tổ chức, đảng phái chống đảng phải, tất cả là cá mè một lứa, không ai bảo được ai, thì làm sao mà đoàn kết, làm sao mà lãnh đạo? Những người có tâm huyết đều trùm chăn lánh mặt. Ló mặt ra là bị trát bùn lên mặt tức thì. Chúng tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng dám nói rằng chỉ còn những tên chống cộng bát nháo mặc sức múa gậy vườn hoang. Chúng ta vẫn có các ban đại diện cộng đồng đấy, nhưng thực sự họ chẳng đại diện cho ai? Có chăng chỉ một nhóm nhỏ rất ít người. Đúng ra ban đại diện cộng đồng phải được bầu lên từ số đông, có quyền hành xử như một thứ chính quyền địa phương của mỗi cộng đồng, có tiếng nói và quyền hạn trên các hội, các đoàn thể khác trong cộng đồng. Nhưng khi ban đại diện cộng đồng cũng chỉ ngang vai, ngang vế như các hội đoàn khác thì điều đó có ý nghĩa gi, làm được gì cho cộng đồng?
Tình trạng cộng đồng bị phân hóa dĩ nhiên và nhất định còn có bàn tay VGCS nhúng vào để lũng đoạn. Chuyện này khó chứng minh nhưng lại là một sự thật hiển nhiên, không cần phải bàn cãi gì cả. Cơ quan tình báo nội địa Hoa Kỳ FBI thỉnh thoảng có ra thông cáo kêu gọi đồng bào tỵ nạn tố cáo những tên VC trà trộn để quậy phá cộng đồng. Nhưng báo cáo rồi cũng chẳng thấy gì. Tình trạng VC quậy phá càng ngày càng gia tăng. Thế nghĩa là sao? Thái độ của chính quyền Mỹ đối với cộng đồng tỵ nạn là thế nào? Họ giúp người VN công dân Mỹ hay giúp VGCS? Có nên đặt ra nghi vấn rằng chính quyền Hoa Kỳ đang tiếp tay với VGCS để giúp chúng thôn tính nốt cộng đồng tỵ nạn chúng ta không?
Muốn cứu đất nước thoát khỏi bàn tay CS và thoát khỏi sự đô hộ của Tầu cộng, người VN nhất định phải đoàn kết lại. Đoàn kết thôi thì thật là vô nghĩa, mà phải là đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt của những người có lòng yêu nước thực sự. Vấn đề lãnh đạo phải đặt lên trên vấn đề đoàn kết. Cha ông ta đã truyền lại một câu rất khôn ngoan về vấn đề này: Đánh rắn thì phải đánh đầu. Đánh đầu tức là đánh vào lãnh đạo. Dân tộc có đoàn kết mấy mà không được lãnh đạo cũng coi như không. Các thế lực thù địch của dân tộc đã tiêu diệt người lãnh đạo của đất nước là TT Ngô Đình Diệm rồi chia phần xương máu của nhân dân ta. Điều đáng buồn là chính những thành phần cốt cán trong nhân dân là trí thức, lãnh đạo tôn giáo, và quân nhân lại là những người không hiểu được sự quan trọng của vấn đề lãnh đạo, đã tiếp tay ngoai bang tiêu diệt quyền uy quốc gia.
Vấn đề lãnh đạo chúng tôi đặt ra hôm nay là một vấn đề muôn thuở của mọi tổ chức, mọi đoàn thể, và mọi quốc gia. Nó nằm trong cuốn Chính Đề VN của ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Tôi xin mượn lời của ông cố vấn Ngô Đình Nhu để kết thúc bài viết này. Ông Nhu viết: "… nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện khác, chớ nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không sử dụng được. Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhứt và điều kiện thiết yếu nhứt để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo".
Ý thức được vấn đề đất nước cần phải có lãnh đạo, người dân VN trong cũng như ngoài nước, hiện đang từng bước làm sống lại và phát huy cái mà người ta gọi là "Tinh thần Ngô Đình Diệm". Tinh thần Ngô Đình Diệm là lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm đối với Tổ Quốc, yêu nước thật lòng, quyết tâm giữ gìn và bảo vệ đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia, đặt quyền lợi của Dân Tộc lên trên hết, không ngại xả thân để đối phó với bất cứ một mưu toan xâm lược nào.
Nguyện xin Trời Cao, hồn thiêng sông núi, anh linh các bậc anh hùng tử sĩ, hương hồn TT Ngô Đình Diệm và bào đệ của Ngài là ông cố vấn Ngô Đình Nhu nhìn xuống đất nước VN và phù hộ cho Dân Tộc VN.
Viết cho ngày 2-11-2014
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

No comments:

Post a Comment